Câu chuyện về vụ trộm chuông ở ngôi chùa cổ
Chuyện kể rằng, xưa có vị quan viên tên Tống Văn đời nhà Đường được bổ nhiệm giữ chức Tri phủ đất Tô Châu. Ông là người nổi tiếng thanh liêm, chính trực nhưng lại mang tư tưởng trọng Nho giáo, coi thường đạo Phật.
Ngay khi về nhậm chức tại Tô Châu, Tống Văn đã nghe dân gian ca tụng về Phương trượng trụ trì chùa Hàn Sơn là bậc cao tăng tu hành đắc đạo, nức tiếng từ bi đức độ lại có trí huệ hơn người… Ngài Tri phủ đương nhiên không phục, ông thầm nghĩ:
“Mấy cái việc rỗi hơi tối ngày tụng kinh gõ mõ, lốc cốc leng keng thì ai mà chẳng làm được. Vả lại, trụ trì chùa ấy có tỏ ra hiền lành đức độ thì khách thập phương mới tới cung phụng, chứ hung dữ thì chỉ có nước bỏ chùa đi khất thực”. Nghĩ vậy nên Tống Văn bèn tìm cách thử tài Phương trượng.
Một bữa nọ, quan Tri phủ bèn truyền gọi bốn tên tội phạm chuyên nghề đạo chích đến phủ đường rồi hạ lệnh:
– Nội trong đêm nay các ngươi phải lấy bằng được chiếc chuông lớn treo ở chùa Hàn Sơn đem về đây cho ta. Kẻ nào làm lộ việc sẽ nghiêm hình xử lý.
Bốn tên tội phạm chắp tay dạ ran:
– Chúng tội nhân xin vâng mệnh!
Vậy là canh ba đêm đó chiếc chuông quý của chùa Hàn Sơn đã ‘lặng lẽ’ được dời đi mà hết thảy chư tăng trong chùa không một ai hay biết.
Sớm hôm sau, chúng đệ tử nháo nhác tìm gặp sư phụ trình báo chuyện mất chuông và nhất loạt xin trụ trì báo lên quan phủ để truy lùng tội phạm.
Phương trượng trưởng lão chỉ điềm nhiên hỏi:
– Các con muốn báo quan để làm gì?
Các chư tăng nói:
– Bạch sư phụ, để trừng trị lũ táo tợn này, chúng quá to gan mà! Dám vào chùa ăn trộm chuông!
– Sư trụ trì vẫn hiền từ nói:
– Khi túng thiếu thì đến dinh quan Tri phủ bọn chúng cũng dám vào ăn trộm ấy chứ, nói gì tới ngôi cổ tự này!
Tăng Giám tự bước lên thưa:
– Bạch sư phụ, nhưng chuông chùa đã mất, bây giờ chúng con nên phải đối đãi thế nào?
Trụ trì trưởng lão ôn tồn cười bảo:
– Chuông ấy vốn dĩ đâu phải Phật, cũng không phải Bồ Tát, hay La Hán gì. Nó chỉ là phương tiện điểm giờ cho dân gian hoặc tập hợp chư tăng mà thôi. Nay bản tự không có chuông thì có thể thay bằng vật dụng khác. Vả lại mấy tên trộm này ít ra cũng còn có chút hiểu biết…
Chúng đệ tử lại đồng thanh hỏi:
– Bạch sư phụ, nếu chúng có chút hiểu biết thì lẽ ra không nên lui tới nơi thanh tịnh này, cớ sao lại gây tội nơi cửa Phật?
Trụ trì khoát tay, ý chừng bảo chúng tăng hãy bình tĩnh. Rồi ngài chậm rãi giảng giải:
– Những người này biết rằng cửa Phật là chốn từ bi cho nên mới vào chùa ăn trộm. Chứ nếu họ đi nơi khác ăn trộm thì người ta sẽ báo cửa quan, rồi quan nha sẽ bắt và tra khảo… Chúng ta là khác với người đời ở chỗ đó. Nay bổn tự cũng trả thù, cũng kiện tụng, báo quan thì đâu còn gọi gì là người tu nữa!
Nói đoạn lão Phương trượng truyền lệnh dùng mõ báo giờ thay cho chuông. Chúng đệ tử đồng chắp tay thi lễ rồi lui ra, ai vào việc nấy.
Chuyện đó mau chóng tới tai phủ đường, Tống Văn Tri phủ vô cùng hổ thẹn. Ông tự thấy mình hồ đồ quá, vội vã thay quần áo rồi lập tức tới chùa tạ lỗi cùng Phương trượng.
Thế rồi ít lâu sau, quan Tri phủ Tống Văn đích thân bỏ tiền ra cho đúc một quả chuông lớn, nặng hơn hai tấn, chạm khắc vô cùng tinh xảo đem dâng tặng lên chùa Hàn Sơn. Kể từ dạo đó tiếng chuông chùa Hàn Sơn sớm tối ngân nga vang vọng, đánh thức bao nẻo đời lầm lạc.
Sau này, khi miêu tả thanh âm thánh thoát huyền ảo của tiếng chuông chùa Hàn Sơn, trong thi phẩm ‘Phong Kiều dạ bạc’ – Trương Kế, thi nhân nức tiếng thời Đường có viết:
“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”
Dịch thơ:
“Trăng tà chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn”
(Bản dịch Tản Đà)
No comments:
Post a Comment