Châu Về Hợp Phố
Thành ngữ "châu về Hợp Phố" thường được dùng hàm ý chỉ "những cái quý giá không mất được, sớm muộn cũng sẽ quay trở về với chủ nó".
Thành ngữ "châu về Hợp Phố" được hình thành từ điển tích Trung Quốc. Về nguồn gốc của thành ngữ này, cụ Đào Duy Anh đã lý giải rất rõ trong "Từ điển truyện Kiều". Ở thành ngữ "châu về Hợp Phố", "châu" là từ vốn dùng để chỉ ngọc trai, về sau để chỉ ngọc nói chung, còn "Hợp Phố" vốn là tên của một quận xa xưa của Giao Châu. Đây là một nơi sản xuất châu nổi danh.
Tương truyền, ở thời Hậu Hán có tên quan thái thú tham lam, bạo tàn, thường bắt dân lấy ngọc châu rất ngặt. Vì thế mà châu đã bỏ quận nhà để sang quận Giao Chỉ. Cho đến khi Mạnh Thường đến thay chức Thái Thú, ra những đạo luật mới, bỏ những tệ cũ, cho dân chúng tự do kiếm châu, sản xuất châu, thì châu từ quận Giao Chỉ trở về quận Hợp Phố quê nhà. Từ tích này, người ta mới dùng câu "châu về Hợp Phố" để chỉ vật quý trở lại chốn cũ, hay nhận lại những vật quý đã mất.
Trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du đã vận dụng thành ngữ "châu về Hợp Phố" rất linh hoạt và tài tình:
Thoa này bắt được hư không
Biết đâu hợp phố mà mong châu về
Nhìn chung ý nghĩa của thành ngữ "châu về Hợp Phố" được xử dụng trong tiếng Việt không có sự khác biệt so với nghĩa gốc của nó.
No comments:
Post a Comment