Monday, April 1, 2019

Tri thức - Vì sao nền giáo dục của Phần Lan lại đứng đầu thế giới?

Vì sao nền giáo dục của Phần Lan lại đứng đầu thế giới?

Mặc dù là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng Hoa Kỳ không được xếp hàng đầu khi nói đến chất lượng hệ thống giáo dục. Vinh dự đó lại thuộc về Phần Lan, một quốc gia Bắc Âu không theo bất kỳ hệ thống khuôn mẫu nào trong các trường học.
Điều này về cơ bản có nghĩa là tất cả các học sinh, không phân biệt năng lực, đều được giáo dục trong cùng một lớp. Kết quả là khoảng cách giữa những học sinh giỏi nhất và kém nhất được cho là thấp nhất thế giới.
Dưới đây là 5 điểm khác biệt trong cách thức hoạt động giữa hệ thống giáo dục Phần Lan và Hoa Kỳ.

Ít bài tập về nhà

Học sinh Mỹ thường bị quá tải với bài tập về nhà vì người Mỹ tin rằng để trẻ em liên tục tiếp xúc với các môn học ngay cả ở nhà sẽ khiến chúng được giáo dục tốt hơn. Người Phần Lan lại đi ngược lại điều đó và giao ít bài tập về nhà nhất có thể cho trẻ em. Năm 2014, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đã thực hiện một nghiên cứu về trẻ em ở độ tuổi 15 và nhận thấy, trong khi các học sinh Mỹ phải chịu gánh nặng 6,1 giờ làm bài tập mỗi tuần, học sinh Phần Lan chỉ phải làm bài tập về nhà trong 2,8 giờ mỗi tuần. Do đó, trẻ em Phần Lan có nhiều thời gian vui chơi hơn. Ngược lại, trẻ em Mỹ luôn phải vật lộn với sách giáo khoa.

Tình trạng của giáo viên

Ở Phần Lan, giáo viên rất được chú trọng và có địa vị tương đương với các giáo sư đại học. So với các giáo viên ở Hoa Kỳ, giáo viên Phần Lan có giờ dạy ít hơn. Hầu hết thời gian của họ là dành cho việc lập kế hoạch giảng dạy. Tuy nhiên, thu nhập của giáo viên Hà Lan thường bằng và thậm chí có khi còn nhiều hơn so với giáo viên Mỹ. Thời gian làm việc của giáo viên Mỹ lại nhiều hơn, điều này có thể khiến họ căng thẳng và làm giảm chất lượng giáo dục mà trẻ em nhận được.

Đến trường muộn hơn

Ở Hoa Kỳ, trẻ em thường bắt đầu đến trường từ lúc 5 tuổi. Nhưng ở Phần Lan, trẻ em không phải đi học cho đến khi 7 tuổi. Như vậy, trẻ em Phần Lan sẽ có thêm 2 năm nữa để phát triển trong thời thơ ấu. Học sinh ở đây chỉ phải tham dự 9 năm học bắt buộc, sau đó là giáo dục tùy chọn.

Tập trung vào những điều cơ bản

Trong thập niên 1980, giáo dục Phần Lan đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ. Họ bắt đầu tập trung vào những điều cơ bản trong giáo dục, đó là chuẩn bị hành trang cần thiết cho trẻ em sống và làm việc trong thế giới thực chứ không phải ép chúng nhồi nhét các môn học vào đầu và liên tục làm kiểm tra. Giáo dục được sử dụng như một phương tiện để dập tắt sự bất bình đẳng xã hội. Tất cả trẻ em đều được chăm sóc sức khỏe và các bữa ăn bổ dưỡng miễn phí tại trường.

Giáo dục đại học miễn phí

Sau khi tốt nghiệp trung học, sinh viên Mỹ phải gánh một khoản nợ khổng lồ chỉ để lấy được bằng đại học. Theo ước tính, một sinh viên trung bình có khoản nợ khoảng 37.000 USD. Nhiều người trong số họ phải còng lưng trả nợ trong vài năm sau khi tốt nghiệp đại học. Trái với điều đó, giáo dục đại học ở Phần Lan lại miễn phí, ngay cả đối với các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ. Như vậy, sinh viên bước ra từ trường đại học với tâm thế thoải mái vì không phải mang trên vai núi nợ nào và có thể tập trung kiếm một công việc phù hợp với sở thích của bản thân hơn là chọn nghề nghiệp cho phép họ trả hết các khoản vay.

Hồng Liên

Nguồn: Vision Times

No comments:

Post a Comment