Phương pháp dạy con thành người tài đức của mẹ Khổng Tử
Giáo dục con cái là việc trọng đại đối với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Cổ nhân giảng: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá”, ý rằng nuôi mà không dạy, ấy là lỗi của bậc phụ mẫu. Cha mẹ chính là tấm gương để con cái noi theo.
Khổng Tử là nhà tư tưởng, triết học, chính trị lỗi lạc thời cổ đại. Ông là vĩ nhân có ảnh hưởng to lớn đến hậu thế. Cho đến ngày nay, triết học đạo Khổng vẫn luôn tồn tại song hành với sự phát triển của con người. Nhưng ít người biết rằng, những tư tưởng và thành tựu của Khổng Tử đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cách giáo dục của mẹ ông.
Khổng Tử sớm mồ côi cha, mẹ ở vậy nuôi con
Khổng Tử ra đời khi cha của ông là Thúc Lương Ngột đã ở độ tuổi rất cao hơn nữa còn đang vô cùng mong mỏi có được một cậu con trai. Nhưng, mẹ ông là Nhan Chinh Tại lúc ấy tuổi còn chưa đầy 20 mà cha ông, tuổi đã ngoài 60. Đây là một cặp vợ chồng có tuổi tác chênh lệch quá lớn so với các cặp vợ chồng trong xã hội đương thời.
Theo “Khổng Tử gia ngữ” ghi lại có thể biết, mẹ Khổng Tử không phải vợ cả của cha ông. Khi cha Khổng Tử đến gia đình họ Nhan cầu hôn. Gia đình họ Nhan có 3 cô con gái, Nhan Chinh Tại là con gái út.
Người cha của 3 cô con gái này hỏi các con: “Thúc Lương Ngột mặc dù ông ta cũng chỉ là bậc sĩ mà thôi, nhưng lại là con cháu của Thánh Vương. Thúc Lương Ngột chiều cao 10 xích, sức lực vượt trội. Cha rất mong muốn có quan hệ thông gia với Thúc Lương Ngột nhưng ông ta tuổi đã cao, tính tình lại nghiêm khắc. Trong 3 người các con ai có thể ưng ý làm vợ ông ta?”.
Hai người con gái đầu im lặng không trả lời, Nhan Chinh Tại bước lên trước và nói: “Phận làm con, cha đặt đâu con ngồi đó, sao cha lại hỏi chúng con?”
Người cha nói: “Vậy là con bằng lòng?”
Nhan Chinh Tại nhẹ nhàng gật đầu đồng ý. Thế là Nhan Chinh Tại được gả làm vợ Thúc Lương Ngột.
Bởi vì Thúc Lương Ngột lúc ấy tuổi đã cao, Nhan Chinh Tại e rằng sẽ khó mà lập tức có con ngay được nên đã lén đến núi Ni Khâu cầu nguyện có thể thuận lợi sinh con. Sau đó, Nhan Chinh Tại đã sinh hạ được người con trai, đó chính là Khổng Tử.
Khi Khổng Tử lên 3 tuổi thì cha của ông qua đời. Hai mẹ con ông rơi vào cảnh khốn khó vì mất đi người trụ cột để nương tựa. Nhưng mẹ Khổng Tử vẫn một mình chịu khó chịu khổ nuôi con thành tài.
Trong cách dạy con của mẹ Khổng Tử có một số điểm nổi bật như sau:
Cuộc sống của hai mẹ con Khổng Tử trở nên khốn khó vì mất đi người cha để nương tựa. Mặt khác, trong đại gia đình ông lại có nhiều mối quan hệ tương đối phức tạp, thậm chí có không ít sự xung đột xảy ra.
Mẹ của Khổng Tử hiểu rõ rằng, điều này rất bất lợi cho sự trưởng thành và việc học tập của con trai bà. Vì vậy, bà liền mang con trai Khổng Tử rời khỏi nhà chồng, đến nhà mẹ đẻ ở Khúc Phụ – kinh đô của nước Lỗ sinh sống.
Nhà đẻ của bà Nhan Chinh Tại là gia đình danh giá ở kinh đô. Bởi vì con nhỏ, chồng lại mất sớm nên nhà đẻ của bà đã cưu mang hai mẹ con. Khúc Phụ là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của nước Lỗ, hơn nữa còn có nhiều sách cổ của bậc thánh hiền, thầy giáo giỏi cũng nhiều. Vì thế, mẹ Khổng Tử nhận thấy nơi đây là hoàn cảnh thích hợp nhất để con trai bà trưởng thành và học tập.
Kích thích con hứng thú học tập
Bà Nhan Chinh Tại là con của gia đình gia giáo nên rất am hiểu về học tập. Bà cho rằng cách hướng dẫn con học tập tốt nhất là khơi gợi hứng thú. Bởi vì nhà Khổng Tử sống cách Tông phủ không xa, cho nên mỗi khi đến nghi thức tế lễ, mẹ Khổng Tử đều tìm cách để con trai mình được chứng kiến.
Ngày tháng trôi qua, vì liên tục được chứng kiến cảnh tế lễ của các bậc hiền nhân nên Khổng Tử thuộc lòng nghi thức tế lễ. Vì chịu ảnh hưởng của việc này, Khổng Tử thường thực hành những nghi thức ấy trước mọi người. Khổng Tử cũng học theo người ta các dâng hương, tế rượu, hành lễ, đọc lời cầu chúc…
Mẹ của Khổng Tử còn muốn con trai học tập các loại lễ nghĩa của nhà Chu để tương lai lớn lên có thể phụ tá minh quân, giúp ích cho dân chúng, đất nước.
Kỳ thực, Khổng Tử lúc còn nhỏ tuổi cũng không hiểu và không yêu thích các nghi lễ “vô vị” ấy. Nhưng bà Nhan Chinh Tại đã bồi dưỡng, dẫn dắt con có hứng thú với lễ nghĩa, cùng con thực hành theo cách thức “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng đã khiến Khổng Tử dưỡng thành thói quen.
Đích thân dạy dỗ con
Bà Nhan Chinh Tại là con của một trí thức uyên bác nên ngay từ nhỏ đã được cha trực tiếp truyền thụ kiến thức và dạy dỗ. Là con gái của gia đình gia giáo, bà đã tích lũy được lượng kiến thức học vấn và tu dưỡng phong phú.
Sau khi trở về Khúc Phụ, bà Nhan Chinh Tại đã dành ra một gian trong ba gian ở của hai mẹ con để làm thư phòng, học đường. Khi Khổng Tử bắt đầu tròn 5 tuổi, bà bắt đầu đích thân dạy con học tập.
Trước tiên, bà mở lớp, soạn lại những sách cha bà để lại, thu nhận năm học trò nhỏ tuổi vừa để dạy dỗ, vừa để con có bạn học, vừa để lấy chút học phí là năm đấu gạo và một gánh củi khô nuôi sống hai mẹ con.
Vừa dạy học trò học chữ, học hát, bà còn dạy học trò nghi thức lễ tiết và đạo đức làm người. Khi Khổng Tử gần 6 tuổi thì bắt đầu theo các bạn lên lớp học. Nhờ Khổng mẫu khổ tâm bồi dưỡng và dạy dỗ cẩn thận nên Khổng Tử dù chưa đến 10 tuổi đã hoàn thành xong toàn bộ khóa học vỡ lòng.
Tìm thầy giáo giỏi cho con
Theo phép tắc lúc bấy giờ, những bé trai tròn 10 tuổi sẽ theo học ở một ngôi trường nào đó. Mẹ của Khổng Tử quyết định đóng cửa học đường, đưa Khổng Tử đến trường tốt nhất ở bên trong thành theo học. Ở đây, Khổng Tử học thơ ca, đọc sách cổ, học lịch sử…, những môn mà hậu thế gọi là “thi, thư, lễ, nhạc”.
Lúc ấy trường mà Khổng Tử theo học được gọi là “Tường”, là học phủ của nhà nước. “Tường” tập trung những người thầy giỏi nhất nước Lỗ và dạy dỗ phi thường nghiêm khắc.
Năm Khổng Tử 17 tuổi thì mẹ ông qua đời, hưởng thọ khoảng 34, 35 tuổi. Mẹ của Khổng Tử có lẽ là một trong những bà mẹ vĩ đại nhất Trung Hoa cổ đại, nhưng ít người biết tới bà.
Theo Trithuc
No comments:
Post a Comment