Tuesday, April 23, 2019

Cổ Học Tinh Hoa

 NUÔI GÀ CHỌI 

Vua Tuyên Vương sai Kỷ Sảnh nuôi một con gà chọi.
 Được mười hôm, vua hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa”?
 Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà hăng lắm, chưa thấy gà khác đã muốn chọi rồi”. 
Cách mười hôm, vua hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa”? 
Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà còn hăng, mới thấy bóng gà khác đã muốn chọi rồi”. 
Cách mười hôm, vua lại hỏi: “Gà đã chọi được chưa”? 
Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà còn hơi hăng, trông thấy gà khác đã muốn chọi rồi”. 
Mười hôm sau, vua lại hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa”? 
Kỷ Sảnh thưa: “Được rồi. Gà bây giờ cho nghe thấy tiếng gà khác cũng không cho vào đâu. Trông thì tựa như gà gỗ, mà thực thì đủ các ngón hay. Gà khác coi thấy cũng đủ sợ, phải lùi chạy”. 

Trang Tử

 GIẢI NGHĨA 

Trang  Tử: sách của Trang Chu soạn đến đời Đường gọi là Nam Hoa Chân kinh. Trang Tử, học đạo Lão Tử, sau người ta vẫn xưng Lão Tử với Trang Tử là tổ của Đạo gia. 
Tuyên Vương: đây là Tuyên Vương nước Tề. 
Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
 Gà gỗ: chữ là Mộc Kê. Các nhà làm văn hay dùng hai chữ ấy để khen những bậc học tập, tu dưỡng được hoàn toàn, không có gì bộc lộ ra ngoài.

 LỜI BÀN

 1. Chưa trông thấy gà khác, đã muốn chọi, thế là tức khí hão, chớ vị tất chọi mà đã được.
 2. Trông thấy bóng gà khác, đã muốn chọi, thế là cậy khỏe, chớ vị tất chọi mà đã được.
 3. Trông thực thấy gà khác đã muốn chọi, thế là còn hiều thắng, chớ vị tất chọi mà đã được. 
Chỉ đến lúc mất hết tất cả tức khí, cậy khỏe, hiếu thắng, luyện đã được hình toàn thần toàn đủ hết cả ngón hay, mà trông bề ngoài trơ ra như gỗ, là lúc ấy mới chọi được, có khi không phải đợi chọi, gà khác ngó thấy cũng đủ sợ mà trốn chạy rồi. Thế mới hay những bậc thánh hiền chỉ thu cái tài vào khuôn phép, nén cái khí vào tâm thần, chỉ cốt trong mình cho đầy đủ, không có ý gì tranh cạnh với ai, mà thiên hạ hồ dễ đã ai cạnh tranh nổi. Chớ những kẻ chỉ vụ bề ngoài, chăm chăm danh lợi, có tranh giành mới lấy làm vui lòng, có tham lam mới lấy làm mãn nguyện, còn là những hạng tầm thường, có khi hại đến thân mà vẫn tự đắc cho là phải. 

No comments:

Post a Comment