Sunday, July 1, 2018

Chùa núi Châu Thới (Bình Dương)

Chùa Núi Châu Thới

Chùa núi Châu Thới (Bình Dương)

Nằm ở địa phận xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, chùa Núi Châu Thới được xem như một thắng cảnh giữa một vùng đồng bằng rộng lớn. Những ngày rằm, mồng một, ngày nghỉ hoặc lễ chùa luôn có đông khách thập phương đến viếng thăm và lễ Phật.

Tọa lạc trên núi Châu Thới, nên chùa cũng mang tên núi. Nhìn từ xa đã thấy ngôi chùa ở độ cao 82m (so với mặt nước biển), ẩn hiện sau rặng cây cối xanh rì, xung quanh có nhiều hồ nhân tạo rất đẹp.

Để lên chùa núi Châu Thới, có hai con đường. Một là đi bộ lên 220 bậc thang xi măng, hai là chạy xe thêm một đoạn nữa sẽ thấy con đường dành cho xe đi thẳng lên núi.
Lịch sử chùa núi Châu Thới
Có tài liệu cho rằng chùa do thiền sư Khánh Long xây vào khoảng năm 1612, ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ. Sau đó, thảo am được gọi là chùa Hội Sơn, rồi đổi tên thành chùa Núi Châu Thới.

Sách Sơ thảo Phật giáo Bình Dương (NXB. Mũi Cà Mau, 2000) cho biết chùa núi Châu Thới có thể được lập vào năm Tân Dậu (1681). Nhà tổ và giảng đường được trùng tu năm 1930, tam quan xây dựng năm 1970, 220 bậc thang lên xuống núi được xây đắp xi măng năm 1971. Ngôi chánh điện được Hòa thượng Viện chủ Thích Huệ Thông và Thượng tọa trụ trì Thích Minh Thiện tổ chức đại trùng tu từ năm 1993 đến năm 1995.

Kiến trúc chùa núi Châu Thới
Dưới chân núi là một hồ nước rộng, phong cảnh nên thơ. Từ sân chùa núi Châu Thới có thể ngắm nhìn phong cảnh của các vùng xung quanh thành phố Biên Hòa cùng dòng sông Đồng Nai uốn quanh.

Kiến trúc chùa chính gồm một quần thể bao gồm: ngôi chánh điện, nhà Tổ, điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu và Ngũ Hành Nương Nương (thuộc tín ngưỡng dân gian). Cấu trúc mái trên chánh điện theo kiểu tứ tượng. Chùa núi Châu Thới sử dụng những mảnh gốm sứ đắp lên các con rồng ở cuối các đầu đao của mái chùa. Trên đỉnh mái, có chín con rồng nhìn ra nhiều hướng. Mặt tiền được đắp gốm sứ tạo các loại hình như tứ linh, thủ quyển, đức Phật đản sanh…

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Tầng trên thờ tượng Di Dà Tam Tôn: đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Các tầng kế thờ đức Phật Thích Ca (cao 3m), đức Di Lặc, tượng Đản sanh. Các pho tượng trên đều được đúc bằng đồng tại chùa do nhóm thợ Huế thực hiện. Hai bên vách chánh điện thờ bộ tượng Thập Bát La Hán và Thập Điện Minh Vương bằng đất nung.

Năm 1988, chùa đúc một đại hồng chung (đúc tại Huế, theo mẫu đại hồng chung chùa Thiên Mụ).

Năm 1996, chùa núi Châu Thới xây dựng một bảo tháp 4 tầng, cao 24m: Tầng 1 tôn trí tượng Quan Đế bằng đồng nặng 5 tấn, tầng 2 tôn trí tượng Bồ tát Địa Tạng bằng đồng nặng 3 tấn, tầng 3 tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đồng nặng 1 tấn, đại hồng chung nặng trên 1,5 tấn và tầng 4 tôn thờ Xá Lợi Phật.

Ở Tây lang, chùa núi Châu Thới tôn trí tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn, đại hồng chung nặng 850kg đúc năm 2003. Đặc biệt ở đây có điện Di Lặc với pho tượng Ngài cao 2,4m, nặng 2,5 tấn, bằng gỗ buôn mu (ở Lào).

Ở Đông lang, chùa núi Châu Thới tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca nhập niết bàn bằng đá (ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) dài 4,5m, nặng 8 tấn; tượng Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và tượng Ngọc Hoàng (năm 2003).

Chùa núi Châu Thới còn bảo tồn nhiều pho tượng cổ và tượng quý như bộ tượng Thập bát La Hán, Thập Điện Minh Vương bằng đất nung; tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng gỗ mít và một số tượng Phật, tượng Bà Chúa Xứ bằng đá xanh. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ 3 pho tượng Phật bằng đá có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVIII.

Các đời Hòa thượng trụ trì chùa: Hồng Kiềm – Chơn Quả, đời 40 dòng Lâm Tế Chánh Tông (? – 1922), Nhật Tâm – Đồng Minh (1922 – 1936), Nhật Liên – Thiện Hóa (1936 – 1950), Lệ Huệ – Thiện Chí (1950 – 1953), Lệ Thiện (1953 – 1958), Huệ Thông (1958 – 1983). Thượng tọa Thích Minh Thiện trụ trì từ năm 1983 đến nay.

Chùa Núi Châu Thới đã được xếp hạng là Di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia vào ngày 21-4-1989. Chỉ tiếc là các hoạt động buôn bán ở trước cổng và bên trong sân chùa có phần xô bồ, ít nhiều làm mất đi vẻ đẹp và nét văn hóa ở những nơi thờ tự tôn nghiêm. Tuy nhiên, vào những ngày cuối tuần và ngày rằm, mồng Một, nhiều khách thập phương từ xa vẫn đổ về hành hương, chiêm bái.

No comments:

Post a Comment