Saturday, July 28, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 28-7-2018

Suy Niệm Trong Ngày 28-7-2018

Chuyện ngắn Ai cũng có thể bay

Ai cũng có thể bay

Có một cậu bé sống trong trại mồ côi từ nhỏ. Cậu bé luôn luôn ước mơ rằng mình có thể bay được như những chú chim. Mọi lời giải thích đều chẳng có nghĩa lý gì với cậu bé.

Cậu ta hay thắc mắc rằng tại sao cậu lại không thể bay cơ chứ trong khi trong vườn thú còn có những con chim to hơn cậu ta, vậy mà chúng vẫn bay được.

Có một cậu bé khác bị liệt từ nhỏ, ước mơ duy nhất của cậy bé là có thể đi đứng và chạy được giống các cô cậu bé khác. Cậu bé cũng luôn hỏi bố mình lý do tại sao cậu lại không thể đi được.

Một hôm, cậu bé sống ở trại trẻ mồ côi được ra ngoài. Cậu ta đến công viên và nhìn thấy cậu bé bị liệt đang chơi trong hố cát. Cậu bé chạy lại hỏi xem cậu bé trong hố cát kia đã bao giờ mơ ước được bay chưa.

– Tớ chưa bao giờ mơ như thế – Cậu bé bị liệt trả lời – Nhưng tớ luôn ước rằng tớ có thể đi lại bình thường như cậu.

– Tớ xin lỗi, chuyện của cậu thật đáng buồn. Này, chúng ta có thể làm bạn với nhau được chứ?

– Tất nhiên rồi!

Hai đứa trẻ chơi với nhau rất vui vẻ cho đến khi bố cậu bé bị liệt mang chiếc xe lăn ra đón con trai mình về. Cậu bé có mơ ước được bay ra nói thầm điều gì đó vào tai bố bạn mình.
– Được thôi, nếu cháu muốn – Người bố vui vẻ đáp.

Cậu bé tiến lại chỗ bạn mình và nói:

– Cậu là người bạn duy nhất của tớ. Tớ ước gì có một điều kỳ diệu sẽ làm cho bạn có thể đi lại được. Tớ chỉ có thể làm được cho bạn một điều nhỏ này.

Nói rồi cậu bé cõng ngay người bạn bị liệt của mình lên lưng và đi. Lúc đầu, cậu đi từ từ, rồi dần dần cậu chạy, chạy nhanh hơn. Cậu bé bị liệt hứng thú reo lên:

– Cảm ơn cậu, đây là lần đầu tiên tớ không cần xe lăn.

Cậu bé muốn được bay càng chạy nhanh hơn nữa dù mặt cậu đỏ bừng và áo thì ướt sũng mồ hôi. Người cha hạnh phúc nhìn hai đứa trẻ chạy vòng vòng quanh thảm cỏ. Cậu bé bị liệt giơ hai tay lên trời hét to:

– Bố ơi! Nhìn này, con có thể bay được rồi, con đang bay này!

Câu chuyện cảm động của hai cậu bé nhắc nhở chúng ta rằng: Nếu bạn không thể bay, bạn vẫn có thể giúp người khác bay. Cũng giống như là nếu bạn không thực hiện được ước mơ của mình thì bạn vẫn có thể giúp người khác thực hiện được ước mơ của họ. Cho dù ước mơ đó có giống hệt ước mơ của bạn. Và bạn vẫn hạnh phúc.

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Ba giỏ khoai lang

Ngày xưa, có một lần Gấu, Thỏ và Khỉ rủ nhau cùng tới thăm nhà bác Dê. Trước khi về, bác Dê bảo chúng: “Ðây là ba giỏ khoai lang, mỗi cháu mang về một giỏ. Bằng giờ sang năm, đưa lại cho bác số khoai lang cũng như thế. Ðược không?”

Gấu thích quá, liền nói: “Cám ơn bác”. Rồi xách giỏ chạy theo Thỏ và Khỉ.
Về tới nhà, chúng mới sực nghĩ tới lời bác Dê dặn: làm thế nào đây?
Gấu nghĩ: “Sang năm nghĩa là còn sớm chán. ăn đã rồi sẽ tính”. Thế là nó ăn luôn một lúc, hết nửa giỏ khoai.
Thỏ nghĩ: “Dê yếu rồi, sợ gì ông ta, sang năm hãy tính”
Còn Khỉ thì sao?. Nó chọn ra mấy củ khoai to cất đi…
Ngày hôm sau, Gấu gặp Khỉ, hỏi:
– Anh đã ăn hết khoai chưa?
– Ăn một ít, còn giữ lại cũng không ít.
– Giữ lại để làm gì?. Ðể cho Chuột ăn à?
– Không! Ðể trồng mà. Sang năm vào mùa Xuân thì đem trồng, đến mùa Thu thì sẽ thu hoạch. Sẽ có bao nhiêu là khoai để đem trả bác Dê, còn lại thì để ăn.
Nghe Khỉ nói. Gấu hiểu ra: Khỉ làm như thế là đúng. May quá là mình hãy còn lại ba củ, phải giữ lại để làm giống mới được.
Mấy ngày sau, Gấu lại lôi khoai ra xem. Gấu thèm rỏ dãi, nghĩ: “Làm giống thì cần gì tới ba củ?. Hai cũng được”. Nghĩ tới đó, nó há to mồm ăn luôn một củ.

Mùa Đông tới, gió vù vù thổi, bụng Gấu cũng sôi réo lên. “Kiếm cái gì nhét đầy vào cái dạ dày đây?”. Nó lại nghĩ tới khoai: “Ðể giống cần gì tới hai củ? Một không đủ hay sao?”. Thế là nó lại ăn một củ.
Mùa Xuân tới rồi. Gấu tỉnh giấc, nhìn thấy Ong đang hút nhuỵ hoa, chim Yến đang xây tổ, Khỉ con đang cày ruộng. Nó nghĩ tới củ khoai để giống, bèn đào một cái hố trước cửa nhà, đem củ khoai vùi vào đó.

Mấy ngày sau, chẳng thấy động tĩnh gì, Gấu bới đất lên xem, củ khoai vẫn đang ngủ ở đó. Nhìn củ khoai, Gấu nghĩ: “Củ khoai đẹp như thế mà phải vùi vào đất, phí quá! Chuột mà biết sẽ lấy trộm. Chuột không lấy trộm đi thì cho dù khoai có mọc mầm, côn trùng cũng gặm chết nó. Côn trùng nếu không gặm thì mưa to cũng dìm ngập. Nếu không ngập mà chết, khoai lớn lên thì Chuột này, Chó con này, Hươu này… cũng lại đào… Hay là bây giờ đặt nó vào dạ dày là chắc nhất”. Nghĩ tới đó, Gấu liền xơi ngay củ khoai.

Mùa Thu tới, Gấu mang cái gì để trả cho bác Dê? Trong cái giỏ của nó, trừ mạng nhện ra, chẳng có cái gì. Gấu đi tìm Thỏ con, Thỏ con mang giỏ lại. Ôi, chả có lấy một củ. Cả hai đi tới nhà Khỉ. Vừa vào nhà đã thấy khoai mới dỡ chất đầy nhà. Khỉ thấy các bạn tới, vui quá. Nó mời Thỏ và Gấu ăn khoai thoả thích lại còn cho đầy khoai vào hai thúng lớn tặng chúng.
Khỉ, Gấu, Thỏ mang ba giỏ khoai đầy đi gặp bác Dê

Bác Dê cười vang:

– Các cháu ngoan! Các cháu đã ngoan lắm! Bác đâu cần các cháu trả lại bác. Bác muốn xem ai biết suy nghĩ, ai biết lao động. Thôi, bác cám ơn, nhưng các cháu mang khoai về đi nhé!. Cả ba cháu đều là những đứa trẻ ngoan.

Gấu, Thỏ nghe thế, mặt đỏ tía lên.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

BẠN KHẠC NHỔ,TÔI ĐẢNH LỄ

Buổi sáng sau khi Philip Kapleau và giáo sư Phillips đến tu viện Ryutakuji, họ đã được viện trưởng Soen Nakagawa dẫn đi tham quan. Hầu hết người Mỹ đều bị tác động sâu sắc về những chuyện cổ tích của các giáo chủ Trung Quốc đã phá hủy những bộ sách linh thiêng, và thậm chí hình tượng của Đức Phật, để họ tự giải thoát khỏi bất kỳ sự đắm nhiễm nào. Họ rất ngạc nhiên và khó chịu khi được dẫn đến một sảnh đường, nơi đó Roshi mời họ đến để bày tỏ sự kính trọng với pho tượng của người sang lập ra ngôi đền, Hakuin Zenji, bằng cách quỳ lạy và đốt hương.

Khi thấy Nakagawa đảnh lễ pho tượng đó, Phillips không kiềm chế được, và đã nói : Những giáo chủ Trung Hoa đã đốt cháy và khạc nhổ tượng Đức Phật. Tại sao Ngài lại đảnh lễ trước họ?

Nếu anh muốn khạc nhổ, anh cứ khạc nhổ, tôi chọn đảnh lễ. Roshi trả lời

Cổ học tinh hoa

Mạnh Thường Quân và nước Tần

Mạnh Thường Quân(1) là một nhà nghĩa hiệp nước Tề, muốn sang nước Tần(2) để du thuyết(3). Có hàng nghìn người can ngăn mà không được. Sau Tô Tần đến can, Mạnh Thường Quân bảo rằng:

- Việc người thì ta đây không còn sót gì nữa, chỉ có việc quỷ thần là ta chưa được rõ mà thôi.

Tô Tần(4) đáp:

- Ấy chính tôi lại đây không phải là nói việc người, tôi cốt định đem việc quỷ thần(5) nói để ông nghe.

Mạnh Thường Quân nói:

- Ừ, thế nói ta nghe. Tô Tần nói:

-Vừa rồi tôi lại đây, đi qua con sông, tôi thấy một pho tượng đất nói chuyện với một pho tượng gỗ. Tượng gỗ bảo tượng đất: Ngươi là đất nặn thành hình, đến mùa mưa nước sông lên, ngập lụt cả thì ngươi bở tan ra mất. Tượng đất nói: Ta có tan ra nữa, ta vốn là đất, thì đất lại hoàn đất mà thôi. Chớ như ngươi là gỗ tạc thành hình, nước tràn ngập lên thì chưa biết ngươi trôi dạt vào đâu, mà rồi ra thế nào... Nay nước Tần là nước hiểm trở, vua Tần là vua bạo ngược, nếu ông vào đấy thì chưa biết có ra thoát được không.

Mạnh thường Quân nghe nói bèn thôi không sang nước Tần nữa.

Lời bàn:

Mạnh Thường Quân cậy là tài giỏi, trước đã không chịu nghe ai, mà sau lại nghe Tô Tần, là vì lời Tô Tần đây thực là một bài học cho những kẻ có tính mạo hiểm mà không biết liệu sức mình. Mạo hiểm là một tính hay, nhưng phải biết mình, biết người thì mới thành được việc mà không đến nỗi thất bại.

-------------------

(1) Mạnh Thường Quân: con vua nước Tề thời Chiến Quốc, họ Điền tên Văn làm tướng nước Tề có tiếng là người nghĩa hiệp, trong nhà lúc nào cũng tiếp đãi đến vài nghìn người khách

(2) Tần: tên nước đời Xuân Thu (tức là tỉnh Thiểm Tây bây giờ) đến đời Tần chiếm được cả sáu nước mà nhất hống thiên hạ

(3) Du thuyết: nhà ngôn luận giỏi đời Chiến Quốc thường dùng lưòi biện bácmà làm cho người ta xiêu lòng phải nghe.

(4) Tô Tần: người thời Chiến Quốc, là một nhà du thuyết giỏi, có công đi liên hợp được sáu nước để chống lại nước Tần

(5) Quỷ thần: quỷ: bậc thiêng liêng ở trên trời. Mạnh Thường Quân thấy Tô Tần đến, đột ngột đem chuyện quỷ thần hỏi có ý làm cho khó khăn. Tô Tần không nói ra làm sao được nữa. Không ngờ Tô Tần ứng biến nhanh, lấy ngay chuyện quỷ thần làm ví dụ mà nói đến mình.

Chuyện cười trong ngày

Mâu thuẫn

– Người Âu Châu uống rượu với những cung cách mâu thuẫn kinh khủng.

– Tại sao lại nói thế?

– Còn không phải à, họ uống rượu nóng như loại uých-ky lâu năm, nhưng khi uống lại thêm đá vào làm cho nó nhạt đi rồi vắt chanh làm chua, thêm đường vào cho hóa ngọt. Họ giơ ly rượu lên chúc mừng sức khỏe của anh nhưng rồi lại dốc rượu vào miệng của họ.

No comments:

Post a Comment