Trống cơm
Không ai biết trống cơm ra đời từ lúc nào. Chỉ biết đại khái là các cụ ta thường dùng nó trong những dịp tế lễ thần thánh, những buổi hát chèo. Nhất là trong việc đưa mạ
Đó là một thứ trống mình dài và nhỏ, một loại trống Việt Nam hoàn toàn từ hình dáng, âm thanh cho đến cách biểu diễn. Khi tấu nhạc, nhạc công phải đeo dây trống lên cổ, để trống nằm ngang trước bụng và vận dụng 10 ngón tay khéo léo của mình trên cả hai mặt trống.
Có một điều khác thường là người ta hay đính thêm nắm cơm nếp nhỏ trên mặt trống. Có lẽ cũng vì vậy mà chiếc trống ấy được mang một danh hiệu nôm na là "Trống cơm" chăng? Tuy vậy có một vài nơi thuộc tỉnh Bắc Ninh như làng Đình Bảng, làng Phù Đổng chẳng hạn, nhạc công không bao giờ đính cơm trên mặt trống.
Theo những nhà khảo cứu về nhạc cụ Việt Nam, dưới triều vua Lê Thánh Tông, đời Hồng Đức (1470), ba ông Trần Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh đã dựa trên nền tảng âm nhạc Trung Hoa, lập thành hai bộ nhạc cho triều đình Việt Nam. Đó là bộ Đồng Văn, chuyên đặt ra nhạc phổ, và bộ Nhã Nhạc chuyên dùng tiếng người để ca hát. Hai bộ nhạc này hoạt động dưới sự điều khiển của quan Thái Thường Quản Đốc, và chỉ chuyên dùng trong việc tế lễ ở triều đình. Nhạc cụ có nhiều thứ: một trống lớn, một kèn lớn, một long sinh, một long phách, một cây đàn có thể ba, bốn hay mười lăm dây, một sáo trúc, một trống mảnh một mặt và một cái sinh tiền.
Cũng trong thời kỳ này, những giàn nhạc giáo phường của tư nhân ra đời và bắt đầu hoạt động mạnh mẽ trong dân gian đi song song với hệ thống âm nhạc của triều đình. Nhạc cụ gồm có: một dùi nhịp bằng tre thường do bà cụ già đánh nhịp; một ống sáo, một cây nhị quyển, một trống cơm, một cây đàn đáy do bốn, năm nhạc công sử dụng; một phách; một sinh tiền, một trống con một mặt do ba nữ nhạc công trẻ tuổi vừa ca hát vừa giữ nhịp.
Ta nhận thấy những nhạc cụ trong hệ thống âm nhạc của giáo phường mới có trống cơm. Vậy có thể nó là một nhạc cụ cổ sơ của dân tộc, chính do hạng bình dân khi xưa sáng tạo chăng?
Hình dáng trống cơm mộc mạc bao nhiêu thì tiết điệu của nó phong phú bấy nhiêu. Nghe "Trống cơm" nhứt định chúng ta không thể lẫn lộn nó với những bài ca ngoại quốc. Nó có giọng u buồn gợi tâm hồn người nhớ đến hình ảnh quê hương xa xôi hay nhớ đến một mối tình tan vỡ, một niềm tang tóc bi thương của một thành sầu vạn cổ ...
Tục truyền rằng: Ngày xưa có một nho sinh rất nghèo, thi mãi không đỗ, túng cùng phải đi xin ăn. Hằng ngày, khi sang ngang nhà của một phú hộ thì có một cô bé ở chực sẵn đem cho cơm trắng canh ngon. Công việc đó cứ theo thời gian trôi qua một cách đều đặn.
Suốt năm trời như thế, chàng nho sinh vô cùng cảm động nhưng không khỏi ngượng ngùng. Một hôm, chàng tỏ lời cám ơn cô bé và không nhận lãnh của cho nữa. Chàng lại từ giã, đi sang ở làng khác kiếm ăn. Cô bé thực thà cho biết việc làm của cô là vâng theo lời dạy của cô Hai, con gái của chủ nhà mà thôi. Ơn đó là ơn của cô chủ.
Chàng cảm động, yêu cầu xin gặp mặt cô chủ để tỏ lời cám ơn và từ giã. Cô bé ở hẹn lại hôm sau, để xem cô chủ có bằng lòng không, rồi sẽ cho biết. Nếu cô chủ bằng lòng cho gặp mặt thì chàng cứ chờ tại chỗ này.
Hôm sau, chàng vừa đến thì đã gặp ngay cô chủ nhà đứng đợi. Nàng rất đẹp. Chàng nho sinh cúi đầu, chấp tay xá nhưng nàng khoát tay vội nói:
- Tôi đã hiểu ý chàng muốn nói gì rồi. Tôi ở đây lâu rất bất tiện, mà chàng cũng không cần phải nói ân nghĩa gì. Sở dĩ, tôi giúp chàng vì biết chàng lỡ vận và cảm thương người trong bước đường cùng mới ra nông nỗi, không lẽ chí của người con trai chịu cùng nhụt như vậy mãi sao?
Đoạn, nàng trao cho chàng một cái bọc bằng giấy, nói tiếp:
- Nay chàng từ giã đi, tôi xin tặng một số bạc và một cây thoa vàng để chàng tìm cách lập nghiệp. Một ngày nào thành đạt, chàng sẽ trở về quê. Chừng ấy...
Nàng bỏ lửng lời nói, lại quày quả thoăn thoắt đi.
Chàng nho sinh vô cùng cảm động.
Theo lời người ngọc dặn dò, chàng cần phải tạo lấy một sự nghiệp, nhưng sự nghiệp gì? Chàng không duyên số với đường công hầu danh tướng thì chàng phải chuyển sang nghê khác. Bất cứ nghề gì cũng tốt đẹp cả miễn đừng làm điều gì phi nghĩa. Thế là chàng đeo đuổi môn âm nhạc, một nghệ thuật trong 7 nghệ thuật.
Thời gian 3 năm, chàng đã thành tài và lãnh đạo một giáo phường. Chàng hớn hở, vui tươi vội quay về quê xưa mong gặp mặt người ân nhân yêu quý. Nhưng thảm thay, chàng vừa đặt chân về nhà nàng, thì gia đình nàng đương làm đám táng cho nàng. Nàng vừa chết trong một cơn bạo bịnh!
Chàng nhạc sĩ tài hoa vô cùng đau đớn. Chàng muốn đưa đám táng cho nàng. Chàng muốn khóc kể nàng. Chàng muốn để tang cho nàng. Nhưng phải làm sao để mọi người đừng biết việc làm của chàng đối với con người đã khuất?
Chàng liền xin cha nàng cho chàng đem phường nhạc của chàng đến để đưa vong linh người chết. Chàng sáng tạo một cái trống nhỏ dài, hai mặt trống có đính hai nắm cơm nhỏ, để nhắc lại kỷ niệm sâu xa cao đẹp là ngày xưa, nàng đã cho cơm chàng ăn. Sợi dây trống đeo lên cổ bằng vải trắng là chàng để tang nàng.
Lúc đưa đám chàng mang trống cơm lên cổ, để trống nằm ngang trước bụng, vận dụng mười ngón tay vỗ trên mặt trống, phát thành tiếng kêu bi ai, tha thiết:
- "Tình tang, tang tình! Tình tang, tang tình!..."
Đó là tiếng khóc kể kín đáo của chàng đối với người yêu có một tâm tình cao thượng, thanh khiết. Đó là tiếng nức nở ở cõi lòng của một nghệ sĩ đối với mối tình đầu đã tan vỡ, mà chàng chỉ còn mượn lấy âm thanh của "Trống cơm" để tiễn vong linh nàng.
Tục truyền là như thế.
Ngày nay, trong những đám tang, người ta vẫn còn dùng "Trống cơm". Và, người ta vẫn còn hát "Trống cơm", nhứt là ở vài làng thuộc tỉnh Bắc Ninh. Dưới đây là bài hát "Trống cơm" do ông Lý Tiến Thành, một danh ca quan họ ở làng Bái Uyên, tỉnh Bắc Ninh, hát; và nhạc sĩ Trần Văn Khê ghi lời:
"(Tình bằng có cái) trống cơm (khen ai) khéo vỗ (ố mấy bông) nên bông (ố mấy...)
"(Bông nên bông), một bầy (tang tình) con nít, (một bầy tang tình con nít ố mấy...)
"(lội), lội, sông (ố mấy) đi tìm (em nhớ thương ai). (Đôi) con mắt (ố mấy) lim...
"Dim, đôi con mắt (ố mấy) lim dim, một bầy (tang tình) con nhện (ơ...
"(Ơ ố mấy) giăng tơ, giăng tơ (ố mấy) đi tìm (em nhớ) thương ai. Duyên...
"Nợ (khách) tang bồng, duyên nợ (khách) tang bồng."
No comments:
Post a Comment