Sunday, April 15, 2018

Đọc và Suy Ngẫm Khi tu tập thiền thì những gì thích hợp cần phải chuẩn bị?

Đọc và Suy Ngẫm
Khi tu tập thiền thì những  gì thích hợp cần phải chuẩn bị? 


Minh Hạnh ghi lại

TT Tuệ Siêu: Khi chúng ta muốn tu tập thiền thì ở đây có những điều thích hợp cần phải chuẩn bị: 
Pháp thích hợp cho việc tu thiền có kết quả:

- 1. Trước hết là phải có chỗ ở thích hợp tức là chỗ để thiền định phải yên tịnh vắng lặng không bị bận rộn chi phối, không bị vọng niệm tạp.

- 2. Thứ hai vật thực thích hợp, là vị hành giả tu tập thiền, chúng ta cần phải lưu ý thể tạng của mình để biết thể tạng của chúng ta dùng vật thực gì thích hợp, để tránh sự ngứa ngáy khó chịu hay tránh đi sự chi phối bởi do buồn ngủ lười biếng chẳng hạn, nhất là những thức ăn nhẹ nhàng dễ tiêu hoá không bị phong độc thì những thức ăn đó thích hợp với vị hành giả tu tập. Hơn nữa, đối vị hành giả cho dù được vật thực thích hợp với thể tạng nhưng trong việc ăn phải biết tiết độ, ăn vừa phải vừa chừng chứ không nên ăn quá no một cách tham đắm để rồi sau đó sẽ bị phát sanh hôn trầm thụy miên làm trở ngại trong việc tu tiến.

- 3. Thứ ba là thân cận bạn lành, nếu chúng ta tu thiền thì nên thân cận gần gủi với những người thích hợp để cho tâm thiền định của chúng ta được phát triển mạnh. Thân cận với người có đức tin, người có dồi dào sự nỗ lực chuyên cần tinh tấn, thân cận với người có nhiều trí tuệ như vậy khiến cho những pháp tu của mình được phát triển vì chúng ta sẽ ảnh hưởng đức tin của họ, ảnh hưởng sự tinh tấn nỗ lực của họ và chúng ta sẽ ảnh hưởng về trí tuệ sáng suốt của họ. Còn nếu người Phật tử tu thiền nhưng ở chung quanh chúng ta toàn là những người ác tà kiến, thiếu niềm tin, làm việc không có trí tuệ hoặc biếng nhác không chuyên cần, như vậy một thời gian sau sự tu tập của chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều đến chiều hướng suy sụp tinh thần.

- 4. Một yếu tố nữa gọi là pháp thích hợp, pháp ở đây là chỉ cho pháp môn để chúng ta thọ trì hay là đề mục thọ trì trong việc tu thiền. Chúng ta phải làm như thế nào, phải học như thế nào? Chúng ta phải lãnh hội từ nơi vị Thầy hướng dẫn hay vị Thiền Sư dạy cho chúng ta những đề tài nào thích hợp với cơ tánh của mình. Nếu mình là người tánh đa sầu đa cảm hay quyến luyến thì chúng ta phải chọn lấy đề mục nào để chúng ta thực hành cho thích hợp. Mình là người có tánh nóng nảy sân giận, hay giận hay phiền hay bất bình thì chúng ta phải chọn đề mục nào cho thích hợp. Mình là người có tánh dốt nát đần độn chậm hiểu thì phải thực hành thiền định theo đề mục nào v.v... chúng ta phải lựa chọn đề mục cho tương xứng với cá tánh của mình, như vậy thì việc tu tập mới thích hợp, chứ nếu không chúng ta tâm tánh là như vậy nhưng lại được dạy đề mục khác thì không lợi ích gì cả. 

Ngày xưa thời Đức Phật, Tôn Giả Xá Lợi Phất có tiếp độ một vị nam tử xuất gia, và sau khi xuất gia xong Đại Đức Xá Lợi Phất đã chỉ dạy đề tài thiền quán cho vị tân tỳ kheo ấy là niệm về thân thể trược, nhưng chúng ta đọc trong chú giải thì sẽ thấy rõ Đức Phật Ngài giải thích rằng vị tỳ kheo này trong đời quá khứ là một người thợ kim hoàn tức là người thợ làm đồ nữ trang bằng vàng, quanh năm suốt tháng chỉ nhìn thấy màu sắc đẹp khả ái khả hỉ của kim loại vàng, vì vậy tâm không chút nào hứng thú khi phải ngồi quán với đề mục thân uế trược này, quán mãi mà không được ấn chứng, Ngài Xá Lợi Phất mới đem vị tỳ kheo đến bạch Đức Phật, thì Đức Phật Ngài là vị tối thượng y vương là vị thầy thuốc tối thượng là vị Đạo Sư tối thượng do vậy Ngài đã dùng một phương pháp, Ngài cho vị tỳ kheo đó mặc một bộ y mới đi khuất thực ở trong thành với Ngài và sau khi khuất thực trở về với những món ăn thượng vị loại cứng loại mềm, thọ thực xong Ngài bảo vị tỳ kheo đó hãy đi kinh hành và hãy ngồi nghỉ chân ở phía trước cổng chùa Jetavana và nhìn xuống hồ sen ở dưới có một bông sen rất đẹp, thì vị tỳ kheo đó vâng lời Đức Thế Tôn đi ra bờ hồ và ngồi ngắm cảnh một hoa sen đẹp vị ấy khởi nên tâm ái nhiễm và ưa thích với màu sắc khiến cho cảnh vật hữu tình như vậy. Đức Thế Tôn sau khi Ngài dạy vị tỳ kheo đó như vậy rồi thì Ngài trở về hương phòng dùng thần thông hóa hiện hoa sen thật đẹp ở trên bờ hồ và đồng thời Ngài theo dõi tư tưởng của vị tỳ kheo này và khi biết vị tỳ kheo này đang trú tâm với hương sắc của hoa sen thì Đức Thế Tôn dùng thần thông làm cho cánh sen đó lần lần úa tàn một cách nhanh chóng, rồi sau đó rụng những cánh sen chỉ còn phơi lại những gương sen, rồi từ cái gương sen màu xanh nó ngã vàng và cuối cùng nó khô như một vỏ bầu khô và gãy lià khỏi cọng sen rồi rơi xuống ao. Khi đó, vị tỳ kheo này đang chú tâm theo dõi và thấy được từng hiện trạng vô thường sanh diệt từ nơi hoa sen, vị tỳ kheo đó đã liễu ngộ được pháp thấy được lý vô thường từ nơi thân Danh và Sắc này và vị đó đã chứng quả A La Hán. Các vị tỳ kheo rất hoan hỷ và tán dương ân đức của Đức Phật là một vị Đạo Sư Tối Thượng có thể dẫn dắt và biết được tâm tánh của chúng sanh thích hợp mà cho những đề mục thích hợp.

Vấn đề tu tập thiền định mà chọn một đề tài thích hợp cho mình sẽ có lợi ích hơn, và rút ngắn con đường hơn rất nhiều so với việc học tuần tự các đề mục từ đề mục thứ nhất cho đến đề mục thứ 40 cho đến 44, rồi sau đó chúng ta thực hành hết cái này đến cái kia hoàn toàn không có tác dụng gì. 

Đó là bốn điều thuận lợi cho việc tu thiền định.
 Với một vị tu tập thiền định nếu như người đó tu tập Thiền Chỉ thì nên để tâm vắng lặng và ly các ác bất thiện pháp thì vị đó mới có thể tu Thiền Chỉ được. 
Còn tu Thiền Quán thì với một vị tu thiền quán vị phải sợ hãi và phải biết quán xét và sợ hãi với cảnh khổ sanh tử luân hồi hay là danh sắc khổ đau v.v... Khi đã sợ hãi thì vị đó nhàm chán và khi đã nhàm chán thì vị đó mới hướng đến sự viễn ly, và khi đã hướng đến sự viễn ly được rồi thì vị này mới có thể tu tập Thiền Quán một cách tốt đẹp.
Trình tự các trạng thái tâm của vị hành giả Tu Thiền phải là như vậy. Chứ nếu như một vị hành giả tu tập Thiền Định nhưng vị hành giả đó chỉ do theo một thói quen, hay do theo sự rủ mời của người khác vui mà đi hành thiền họăc là để hành thiền cho vui, nhưng thực chất người đó chưa nhàm chán thế gian, chưa nhàm chán sắc thân này, chưa sợ hãi cuộc sống sanh tử luân hồi thì như vậy khi họ bước chân vào tu tập Thiền Định thì chắc chắn họ không đạt được kết quả gì, trừ khi là đối với người đó họ có căn duyên trong quá khứ thì lúc bấy giờ họ cũng phải chuyển hướng.

No comments:

Post a Comment