Trương Cư Chính biến pháp
Vào giữa triều đại nhà Minh, tình hình chiếm đoạt ruộng đất của tầng lớp quý tộc và địa chủ càng thêm nghiêm trọng, họ chiếm già nửa ruộng đất trong cả nước nhưng lại trốn tránh nộp thuế, tình trạng bóc lột gia tăng, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, khiến nông dân liên tiếp nổi lên khởi nghĩa. Trước tình hình này, một số quan chức đều ý thức được rằng, chỉ có thi hành cải cách thì mới có lối thoát. Do đó, đường lối cải cách của Trương Cư Chính được thực thi.
Trương Cư Chính(1525-1582)tự Thúc Đại, hiệu Thái Nhạc, người Giang Lăng Hồ Bắc, đã liên tục nhậm chức tể tướng trong 10 năm. Đường lối chính của ông chủ yếu bao gồm: Về mặt nội chính, phải trước tiên chỉnh đốn quan lại các cấp, tăng cường chế độ tập trung quyền lực trung ương. Nghiêm ngặt khảo sát tình hình quan lại các cấp trong việc quán triệt chiếu chỉ triều đình, yêu cầu họ định kỳ báo cáo tình hình địa phương, cách chức các quan lại thủ cựu và phản đối cải cách, tăng thêm lực lượng mới ủng hộ cải cách. Về mặt kinh tế, Trương Cư Chính đã bổ nhiệm nhà thủy lợi nổi tiếng Phan Quý Thuần phụ trách tu sửa sông Hoàng Hà, khiến nó không chảy vào sông Hoài, nên đất đai bỏ hoang trong mấy chục năm nay đã biến thành đồng ruộng và bãi trồng dâu. Về mặt tô thuế, đã hợp nhất các loại thuế điền, thuế tô và các khoản thuế khác làm một, đổi thành thu tiền theo mẫu đất sử dụng, nên đã giản hóa được thủ tục, cũng khiến quan chức địa phương không thể thao túng như thời nộp thuế bằng lương thực. Biện pháp này đã khiến nông dân không có ruộng đất thoát được gánh nặng lao dịch, còn người có ruộng đất thì sẽ có càng nhiều thời gian chăm lo đồng ruộng. Biện pháp này đã có tác dụng nhất định đối với phát triển sản xuất nông nghiệp. Về mặt phu dịch cũng được đổi thành thu tiền, nên nông dân càng được tự do hơn, họ có dịp rời khỏi đồng ruộng và trở thành nguồn nhân lực của các ngành thủ công nghiệp trong thành thị. Còn những người làm công thương nghiệp không có ruộng đất thì nộp tiền thuế đinh, điều này cũng có tác dụng tích cực đối với phát triển công thương nghiệp.
Trương Cư Chính cũng có một số biện pháp cải cách về quân sự. Ông đã cử Thích Kế Quang ra trấn giữ Kế Môn, Lý Chí Lương trấn giữ Liêu Đông. Xây dựng hơn 3000 "Địch Đài" trên đoạn Trường Thành từ Sơn Hải Quan đến Cư Dung Quan. Áp dụng chính sách hòa bình tiến hành buôn bán với các bộ tộc phương bắc. Từ đó, biên giới miền bắc được ổn định, giữa hai bên không xảy ra chiến tranh trong 30 năm trời.
Cuộc cải cách của Trương Cư Chính, đã làm vững mạnh thêm bộ máy nhà nước phong kiến, trên cơ bản thực hiện được "Pháp chi tất hành, ngôn chi tất hiệu", tình hình kinh tế xã hội có phần được cải thiện, thu nhập tài chính tăng lên, năng lực quốc phòng được củng cố. Đương nhiên, mục đích cải cách của Trương Cư Chính không phải nhằm giảm bớt gánh nặng cho dân, mà là nhằm củng cố ách thống trị phong kiến của triều đình nhà Minh. Do đó, biến pháp này chưa sứt mẻ đến lợi ích cơ bản của giai cấp địa chủ, nó chỉ là một lần cải lương chắp vá mà thôi. Tuy vậy, cuộc cải cách của Trương Cư Chính trên một mức độ nào đó cũng đã hạn chế được lợi ích của địa chủ quan liêu, nên đã vấp phải sự phản đối gay gắt của họ.
Tháng 6 năm 1582, Trương Cư Chính bị bệnh qua đời, tức thì một số phe phái phản đối cải cách lại ngóc đầu dậy, họ đua nhau luận tội Trương Cư Chính chuyên quyền độc đoán trong thời gian nắm quyền, ngang nhiên công kích cải cách của Trương Cư Chính nào là không được lòng người, nào là tăng thuế hại dân, làm rối loạn chế độ do tổ tiên đặt ra v v. Họ khuyên vua Minh Thần Tông ra lệnh phế bỏ tước vị và phong hiệu khi Trương Cư Chính qua đời, đồng thời tịch biên tài sản của Trương Cư Chính, khiến người con cả của ông buộc phải tự sát, người nhà đều bị bức hại. Từ đó, thành quả 10 năm cải cách đã tan thành mây khói, vương triều nhà Minh ngày càng đi lên bờ vực sụp đổ.
No comments:
Post a Comment