Wednesday, December 7, 2016

Điển Hay Tích Lạ

Tinh bì lực tận

Hai chữ "Tinh bì" ở đây là chỉ tinh thần mỏi mệt, còn " Lực tận" là chỉ sức lực kiệt quệ.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ bài thơ "Trâu ốm" của Lý Cương.

Lý Cương, tự Bá Kỷ, người Thiệu Vũ (tức Phúc Kiến ngày nay), ông là một đại thần triều nhà Tống. Trong thời kỳ vua Tống Huy Tông tại vị, ông thi đỗ tiến sĩ, sau nhậm chức Thái thường thiếu khanh. Khi Cao Tông lên kế vị đã phong ông làm Thừa tướng, nhưng chỉ được 70 ngày rồi bị bãi chức. Lý Cương tính tình cương trực, một lòng một dạ trung thành với triều đình. Năm Tĩnh Khang thứ nhất, phủ Khai Phong bị giặc Kim bao vây, Lý Cương chủ trương chống giặc Kim, kiên quyết phản đối ý kiến của phái đầu hàng.

Khi giặc Kim mở cuộc tấn công, Lý Cương đã đứng trên thành lầu đốc chiến, khiến tinh thần binh sĩ càng thêm hăng hái, giặc Kim không thể nào phá được thành buộc phải bỏ chạy. Về sau, do phái đầu hàng thao túng, Lý Cương nhiều lần bị giáng chức. Nhưng ông không hề so đo được mất. Dù khi ở triều đình hay khi đã về quê, ông vẫn thường xuyên trình thư lên nhà vua bàn về việc chống giặc Kim, tuy ý kiến không được vua chấp thuận nhưng ông vẫn không hề tỏ ra nản lòng. Quân địch nghe tin cũng phải khiếp đảm trước ý chí sắt đá của ông.

Lý Cương đã viết một bài thơ tựa đề "Trâu ốm". Thơ rằng: Canh lê ngàn mẫu thực ngàn sương. Lực tận cân bì thùy phúc thương? Đãn đắc chúng sinh giai đắc bão. Bất từ doanh bệnh ngọa tàn dương. Đại ý là: "Con trâu chăm chỉ cày hàng nghìn mẫu ruộng, chủ nhân được mùa thóc đầy kho, ai thương trâu đã sức cùng lực kiệt? Nhưng chỉ cần dân được no đủ, dù mệt đến chết trâu cũng cam lòng". Thực ra là tác giả đã dùng lối ví von này để nói lên hoài bão của mình.

Hiện nay, người ta vẫn hay dùng câu thành ngữ : "Tinh bì lực tận" để ví về người mệt đến không còn chút hơi sức nào.

No comments:

Post a Comment