Tuesday, December 9, 2014

Chuyện xưa tích cũ - Đạo Sĩ Núi Na

ĐẠO SĨ NÚI NA
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Ở Thanh Hóa có ngọn núi Na, đúng là khu Na Sơn, tức là ngọn núi đuổi ma. Xưa kia, theo lời truyền khẩu thì trong hang động núi nay ma quỷ thường tới lui, quấy rối bọn tiều phu. Về sau, một đạo sĩ vô danh đến đọc thần chú, ma quỷ biến mất. 

Đời nhà Trần, dân chúng đồn đãi rằng: -Trong cái động ở ngọn núi phía tả, thỉnh thoảng một đạo sĩ xuất hiện, ăn mặc thô sơ. Trước kia ông ta là tiều phu, sau này vào núi tu tiên. 

Cuối đời Trần họ Hồ soán ngôi, Hồ Hán Thương (con của Hồ Quý Ly) đi săn, đến núi Na bỗng gặp một người đang ca hát nghêu ngao, đoán chừng là vị đạo sĩ tu tiên mà dân chúng thường đồn đãi. Đạo sĩ hát những lời tao nhã như sau (bản dịch Tu Trai): 

Ngọn Na sơn, đá mọc miên man, 
Cây xanh xanh, khói mịt mịt, nước sàn sàn. 
Sớm ta ra đi, chiều ta lại hoàn, 
Áo ta dệt bằng lá, 
Giày ta kết bằng lau. 
Cửa ta cây xanh che nắng sớm, 
Ruộng ta lúa tốt gội thác tràn. 
Mặc ai danh lợi, 
Mặc ai xe ngựa. 
Bụi hồng không chút tới giang san, 
Triều Tống giáo gươm cỏ lấp. 
Đời Tấn xiêm áo mộ tàn, 
Vương Tạ phong lưu, Tiêu Tào sự nghiệp. 
Rút lại từ cổ tới kim khanh tướng, bia đá rêu màn, 
Sao bằng ta: Ngóc đầu tỉnh dậy, trời đã ba can. 

Lời ca biểu lộ tâm trạng của một người không màng công danh, sống đơn giản không xa hoa, tự ví mình là ông tiên nho nhỏ, không lo âu, cứ ngủ tới khi mặt trời mọc ba sào mới thức dậy. Con người bôn ba cho lắm thì tới chết cũng nắm hai bàn tay không. 

Hồ Hán Thương biết rằng đó là bực kỳ tài nên muốn mời ra để hỏi việc nước. Nhưng đạo sĩ nọ đã mất dạng trong động. Hồ Hán Thương gọi cận thần: -Mời đạo sĩ ấy gặp ta. 

Cận thần vào hang, thấy trên vách đá có đề hai bài ca, nhan đề là Ái Miên và Ái Kỳ biểu lộ rằng đạo sĩ chỉ thích có hai việc là ngủ thẳng giấc và đánh cờ tướng. Mặc dầu được nài nỉ khẩn khoản, đạo sĩ cương quyết từ chối, bảo rằng chỉ thích sống thung dung với cây cỏ đá hoa. 

Hồ Hán Thương không bỏ cơ hội, tìm cách trở lại động, tin rằng đạo sĩ là bực kỳ tài, chán đời vì quá hiểu đời. Nếu được ông ta giúp một tay thì Hồ Hán Thương biết đâu sẽ thành công lớn lao, khi Lưu Bị gặp Khổng Minh. 

Lần sau, Hồ Hán Thương dùng lại an xa, đến núi Na. Đây là loại xe nhẹ nhàng, không gây tiếng động. Mục đích của ông ta là rình gặp đạo sĩ để đàm đạo trực tiếp, chừng đó, đạo sĩ khó từ chối. 

Hỡi ôi! Khi trở lại cửa động thì Hồ Hán Thương thấy gai mọc đầy. Trên vách đá hai câu thơ đề sẵn tự bao giờ, đại ý tiên đoán rằng cửa biển Kỳ La và núi Cao Vọng là nơi sầu thảm (tức là nơi cha con Hồ Hán Thương thất bại). Hồ Hán Thương tức giận truyền cho quan sĩ đốt lửa, xông khói vào trong để đạo sĩ chạy ra. Nhưng trên làn khói, con hạc bay chập chờn như ca ngợi thú phong lưu, như chọc tức kẻ ham danh lợi. 

Đây là chuyện cổ tích, chúng ta đoán rằng do một nho sĩ đặt ra, với dụng ý đả kích Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương đã âm mưu dựng một triều đại mới, khi soán ngôi nhà Trần.

No comments:

Post a Comment