Được phép vấp ngã
Bài sưu tầm
Mỗi người chúng ta đều có ít nhất một lần trong đời phạm sai lầm. Nếu là một người khôn ngoan, chúng ta sẽ chấp nhận những thất bại đó như là một phần trong quá trình học hỏi. Nhưng mặt khác, cũng giống như tất cả các vị phụ huynh và thầy cô giáo khác, chúng ta lại không thể chấp nhận chuyện đó xảy ra với con cái của mình. Chúng ta dạy dỗ chúng bằng cả lời nói và hành động rằng thất bại là một điều đáng xấu hổ, và rằng chúng phải xếp hạng nhất trong tất cả mọi việc.
Khi bắt gặp một đứa trẻ nào phải chịu đựng những áp lực này, tôi liền nghĩ ngay đến Donnie.
Donnie là một học sinh lớp ba của tôi. Nó khá nhút nhát và là một đứa quá cầu toàn. Nỗi sợ hãi sự thất bại khiến nó tránh xa mọi trò chơi trong lớp học mà hầu hết bọn trẻ đều tham gia thoải mái, vui vẻ. Nó hiếm khi trả lời câu hỏi – vì sợ mình nói sai. Viết tiểu luận, nhất là về môn toán, giúp nó bớt cắn móng tay hơn. Tuy nhiên, chẳng bao giờ nó hoàn thành được một bài cho ra hồn vì nó cứ chạy đi chạy lại hỏi tôi mãi để chắc rằng nó làm đúng.
Tôi cố gắng hết sức mình để giúp thằng bé tạo dựng lòng tự tin. Nhưng mọi việc chẳng ích gì cho đến giữa học kỳ, lúc đó cô Mary Ann, một giáo sinh thực tập được phân công đến lớp của tôi.
Đó là một cô gái trẻ, xinh xắn, và rất yêu trẻ con. Các học sinh của tôi, kể cả Donnie, đều quý mến cô ấy. Nhưng ngay cả một cô gái đáng yêu và nhiệt tình như cô ấy cũng gặp phải trở ngại đối với trường hợp của cậu bé luôn sợ phạm sai lầm này.
Một buổi sáng nọ, lớp chúng tôi có giờ học môn toán. Donnie chép các bài toán trên bảng vào vở mình một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Thấy thằng bé đã giải xong hết hàng đầu tiên, tôi an tâm để bọn trẻ lại cho Mary Ann trông, còn mình thì đi chuẩn bị những vật liệu thủ công cho tiết học kế tiếp. Nhưng khi tôi trở lại thì Donnie đang đầm đìa nước mắt. Thì ra là nó làm sai bài toán thứ ba.
Cô giáo sinh đứng đó nhìn tôi một cách tuyệt vọng. Rồi bỗng nhiên như chợt nảy ra điều gì, cô ấy chạy lại chỗ chiếc bàn mà chúng tôi dùng chung, lấy ra một chiếc hộp đựng bút chì của giáo viên.
“Nhìn này, Donnie”, cô ấy nói và quỳ xuống bên cạnh thằng bé. “Cô có thứ này cho em xem đây!” Rồi cô ấy lấy viết chì ra khỏi hộp, từng chiếc từng chiếc một và đặt chúng lên bàn.
“Nhìn những cây bút chì này, Donnie”, cô ấy nói tiếp. “Chúng là của cô Lindstrom (tên tôi) và của cô. Nhìn mấy cục gôm này xem, chúng mòn hết cả rồi. Đó chính là vì các cô cũng phạm lỗi. Rất nhiều lỗi. Nhưng bọn cô đã xóa hết những chỗ sai đi rồi thử làm lại một lần nữa. Và chính em cũng phải học cách làm như thế!”
“Đây!”, cô ấy đứng dậy và nói tiếp: “Cô tặng em một cây bút chì này, nó sẽ giúp em luôn ghi nhớ rằng ai cũng có lúc phạm phải lỗi lầm, kể cả các thầy cô giáo.” Donnie ngẩng đầu lên và mỉm cười, đó là lần đầu tiên kể từ đầu năm nay tôi mới thấy được vẻ mặt tươi tắn đó.
Cây bút chì sau đó trở thành vật sở hữu quý giá của Donnie. Điều đó cộng thêm sự khích lệ và khen thưởng thường xuyên của Mary Ann dần dần cũng thuyết phục được thằng bé rằng phạm lỗi là một việc rất bình thường - chỉ cần chúng ta biết cách xóa đi lỗi lầm của mình và thực hiện công việc lại từ đầu mà thôi.
No comments:
Post a Comment