THẦN ĐỒNG ĐẦU THAI
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình
Ông Lương Thế Vinh thuở mới bảy tuổi đã nổi danh là thần đồng, đọc sách đến đâu nhớ đến đó. Người cha của ông lấy làm kiêu căng, khi ăn giỗ, ăn tiệc thì khoe khoang với hàng xóm: -Năm mười năm nữa, con tôi thi đậu, bà con sẽ biết tay tôi.
Hay tin đó, ông Lương Thế Vinh buồn bã nghĩ mình vô phước gặp người cha thiếu đạo đức. Ông vào lạy mẹ thưa: -Con đi đầu thai ở gia đình khác, mẹ dừng buồn.
Mẹ khóc lóc. Ông giải bày căn do rồi nói tiếp: -Nay mai, con đầu thai ở xã Cao Hương, huyện Thiên Bản, tỉnh Nam Định. Ngày đó, tháng đó mẹ đến đó tìm con.
Nói xong ông ngã lăn ra chết. Nguyên lúc trước có một thầy địa lý Tàu coi thiên văn biết có văn tinh giáng hạ nên tìm đến mà ếm. Thầy địa lý dò la trong xóm. Thấy lũ trẻ đang trửng giỡn. Thầy đào một cái hố, thảy xuống đó một trái bưởi, rồi nói: -Đứa nào đem trái bưởi lên được thì ta thưởng cho hai quan tiền.
Ông Lương Thế Vinh nói nhỏ với một đứa trẻ. Đứa trẻ này múc nước đổ xuống hố, chặp sau trái bưởi nổi lên. Thầy Tàu hỏi: “Ai dạy mầy mưu kế này?” Đứa trẻ chỉ ngay ông Lương Thế Vinh. Thầy Tàu nhìn ông, có vẻ tức giận lắm. Biết vậy, ông chạy về làng Cao Hương.
Thầy Tàu cố tình nom theo. Túng cùng ông Lương Thế Vinh biến thân, ẩn trong cục đá bên đường. Sau khi tìm kiếm, thầy Tàu đề quyết hòn đá nọ, hỏi mua với hàng xóm. Ai nấy nói giả ngộ: -Năm trăm quan tiền mới bán được.
Lúc ấy có người đàn bà đi qua, đạp chân vào hòn đá mà cười: -Món này quý giá gì mà mua?
Nhờ vậy, ông đầu thai vào người đàn bà nọ. Về nhà thọ thai, người đàn bà sanh ra một đứa bé lạ. Mới lọt lòng ra đứa bé khóc ngày, khóc đêm không ai dỗ nín hoặc cho bú được.
Bỗng đâu bà mẹ lúc trước đi ngang qua, bồng cho bú thử. Đứa bé lại nín. Bà mẹ ở luôn lại đó, nuôi vú và thuật lại sự tình. Xóm làng không tin.
Vài năm sau, đứa bé biết nói. Nó gọi: -Má ơi! Hồi kiếp trước con có chôn mấy cuốn sách ở dưới gốc cây duối. Mẹ về đào lên đem lại đây cho con.
Thiệt đúng như lời! Nhờ mấy cuốn sách nọ mà ông Lương Thế Vinh mở mang trí tuệ, năm hai mươi ba tuổi thi đậu Trạng nguyên.
Ông làm quan rất mực thanh liêm. Thời giờ rảnh ông tu chỉnh lại mấy bộ kinh Phật cho đúng bổn chánh và đặt ra phép tính cửu chương.
Khi ông mất, vua phong làm Thượng đẳng phước thần.
No comments:
Post a Comment