CON BẠCH TRĨ
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình
Đời nhà Châu của Trung Hoa, nước ta thuộc về Hùng Vương trị vì. Bấy giờ nước ta được an cư lạc nghiệp. Để kết tình giao hảo với nhà Châu, vua Hùng Vương sai sứ mang cho vua nhà Châu một con trĩ lông trắng. Giống trĩ này rất quý, khó kiếm, lâu lâu mới thấy xuất hiện ở dãy Trường Sơn một lần.
Bấy giờ vì ngôn ngữ bất đồng, vua nhà Châu phải khổ công tìm cho kỳ được một người dịch lại mới hiểu.
Chu Công bèn hỏi sứ giả: -Người đất Giao Chỉ cắt tóc ngắn, xăm mình, đầu không đội nón, ngón chân cái bẹt ra … tại sao có những phong tục kỳ lạ như vậy.
Sứ giả của vua Hòng Vương trả lời rành mạch: -Người Giao Chỉ cắt tóc ngắn để khi vào rừng không vướng vào nhánh nhóc, mình xăm để giống như con rồng, khi lặn xuống nước để chài lưới thì loài thuồng luồng chẳng dám xúc phạm đến thân thể, ngón chân cái bẹt ra để dễ bề trèo lên cây, trèo lên đá núi, đầu trần để được mát mẻ khi trời nóng bức, ngoài ra, dân chúng tôi còn ăn trầu để khử mùi ô uế và nhuộm cho răng đen.
Chu Công hỏi tiếp: -Sứ giả đến đây để cầu mong điều gì?
Sứ giả đáp: -Từ ba năm qua, tiết trời êm ấm, không giông tố bão bùng, gió thuận mưa hòa. Chúng tôi ngỡ rằng tại Trung quốc có thánh nhân xuất hiện nên đến tìm (ý của sứ giả muốn nói đến đức Khổng Tử truyền bá Nho giáo).
Chu Công cảm phục sứ giả, sai các cận thần bày tiệc thết đãi, thưởng lụa là gấm vóc rồi tiễn sứ giả, nhưng vì đường quá xa xôi sứ giả đáp: -Chúng tôi quên đường về.
Chu Công truyền đóng một cỗ xe có hai con ngựa kéo. Trên xe ấy Chu Công bố trí một cây kim chỉ nam, giống như kiểu địa bàn ngày nay.
Sứ giả cứ ngồi lên xe, cho ngựa kéo, nhắm theo hướng Nam của cây kim ấy chỉ mà về nước.
Căn cứ vào tài liệu nói trên, chúng ta thấy từ đời nhà Chu, người Trung Hoa đã phát minh ra địa bàn tìm phương hướng. Vài nhà khảo cổ bảo rằng nhờ xem vóc dáng con trĩ ở dãy Trường Sơn mà các họa sĩ Trung Hoa vẽ ra con chim Phụng Hoàng, thêm lông, cánh. Và giống dân Giao Chỉ ấy chưa ắt là người Việt Nam hay người Chiêm Thành.
No comments:
Post a Comment