Friday, August 4, 2023

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - CÁCH BIẾT LÒNG NGƯỜI

 CÁCH BIẾT LÒNG NGƯỜI


Lòng người ta nham hiểm hơn núi sông, khó biết hơn là biết giời.

Giời thì hàng năm có xuân, hạ, thu, đông, hàng ngày còn có buổi sáng, buổi tối, ta do thấy mà biết được.

Đến như người ta thì có kẻ ngoài rõ như cẩn hậu mà trong thật kiêu căng, có kẻ trong rõ thật tài giỏi mà ngoài coi ngu độn, có kẻ ngoài rõ như vững vàng, thư thả mà trong rối rít nóng nẩy. Tâm tính bên trong, diện mạo bên ngoài trái nhau khó lường như thế.

Cho nên quân tử dùng người cho ở xa để xem lòng trung, cho ở gần để xem lòng kính, sai làm nhiều việc để xem cái tài, hỏi lúc vội vàng để xem cái trí, hẹn cho ngặt ngày để xem có tín, uỷ cho tiền của để xem có nhân, bảo cho việc nguy biến để xem có tiết, cho đánh chén say sưa để xem cử chỉ, cho ở chỗ phiền tạp để xem thần sắc. Xem người đại khái như vậy, thì hoạ mới có thể biết được người.

TRANG TỬ TUYẾT

GIẢI NGHĨA

- Nham hiểm: cao ngất và hiểm nghèo.

- Cẩn hậu: cẩn thận trung hậu.

- Kiêu căng: khinh người và khoe khoang.

- Diện mạo: mặt, dáng.

- Trung: hết lòng, thật lòng ăn ở với ai.

- Kính: tôn trọng.

- Tài: cái giỏi hơn người.

- Trí: khôn ngoan.

- Tín: nói hay hứa thế nào làm y như thế.

- Nhân: tính thân yêu coi người như mình.

- Nguy biến: hiểm nghèo biến cố.

- Tiết: một lòng một dạ không ai chuyển được.

- Cử chỉ: dáng điệu cất nhắc làm công kia việc nọ.

- Phiền tạp: nhiều, rối.

- Thần sắc: tinh thần nhan sắc hiện ra ngoài mặt người ta.

LỜI BÀN

Khéo thật! Người ta chỉ cách nhau một lần da, mà ai đã chắc biết được ai! Sông còn đó, núi còn đo được, vì nó hiển hiện ra ngoài, chớ lòng người xét. Cho nên ta chỉ trông thấy bề ngoài, thì ta chớ đã vội tin bên trong. Trong, ngoài thường khi trái hẳn nhau. Ta phải đế tâm nhận cho kỹ; ta phải biết cách xem cho tường. Đoạn dưới bài này, tác giả chính bảo nào là trung, tín, là tài, trí, là nhân, tiết, v.v. Cái cách ẩy kể cũng không khó, chỉ cốt phải đưa người ta hẳn vào việc làm hay khiến người ta làm trái lại sự thực để dỏ cho biết sự thực.

No comments:

Post a Comment