LỆCH THỪA KHÔNG BẰNG NGAY THIẾU
KIỀM Lâu là một bực cao sĩ nước Tề về thời Xuân Thu. Tính ông thẳng, bao giờ cũng giữ đạo phải, không chịu khuất thân để lụy đời.
Các nước chư hầu nhiều nước mời ra làm khanh tướng, nhưng ông không nhận. Vua Uy Vương nhà Chu kính thờ ông như thầy.
Ông nghèo lắm. Lúc mất chỉ có cái chăn, không liệm đủ thân thể.
Thầy Tăng Tử đến viếng thây vậy nói:
Để lệch cái chăn đi, thì liệm đủ thân thể.
- Bà vợ ông bảo:
Lệch mà có thừa không bằng ngay mả không đủ. Lúc sinh thời, tiên sinh chỉ vì tính thẳng mới được như thế. Bây giờ tiên sinh mất mà liệm lệch cho tiên sinh, thì chắc không được hợp ý tiên sinh.
Tăng Tử nghe, không nói gì được nữa. Sau chỉ hỏi dùng chữ gì đặt tên hèm cho tiên sinh.
- Bà vợ nói: Tiên sinh không lấy sự nghèo hèn làm buồn rầu, không lấy sự giàu sang làm hâm mộ, đặt tên hèm cho tiên sinh là "Khang" có nên chăng?
Tăng Tử nghe, than rằng: - Chỉ có người chồng như thế mới được người vợ như thế.
"THÔNG CHÍ"
GIẢI NGHĨA
- Kiềm Lâu: người nước Tề là một bực ẩn sĩ có tiếng giỏi đời cổ.
- Cao sĩ: bực người chí khí cao xa thường không chịu ra làm quan.
- Khuất thân: luồn lụy nịnh đời để kiếm danh lợi.
- Khanh tướng: khanh: chức quan to đời cổ; tướng: chức quan đầu bách quan giúp vua hành chính.
- Sinh thời: lúc còn sống.
- Tên hèm: tên đặt cho người sắp chết, thường theo tính nết mà đặt, một đôi khi người chết tự đặt lấy tên hèm của mình.
- Khang: yên vui.
LỜI BÀN
Người mà, lúc sống, đã có các đức tính như Kiềm Lâu, thì lúc chết chắc họ hàng thiên hạ chẳng những có phần thương xót mà lại có phần kính sợ hơn nhiều. Mà khi đã kính sợ người chết, thì tất phải noi theo cái chí của người chết lúc bình sinh không được làm trái lại. Bà vợ ông Kiềm Lâu đây liệm cho ông muốn để cái chăn thẳng, tức là theo được cái tính “thẳng” của chồng, dùng chữ "Khang" đặt tên hèm tức là theo được cái bụng “vô cầu” chỉ muốn yên vui của chồng lúc sinh thời vậy. Có người chồng như thế, lại có người vợ như thế, thực là xứng đôi, thầy Tăng Tử khen rất là phải. Ở đời có nhiều kẻ đối với cha mẹ khi mất, không theo chí người, không nhớ nhời người dặn, chỉ đua theo tục thường để che mặt thế gian nên lấy việc này làm gương.
No comments:
Post a Comment