Friday, August 18, 2023

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - SỐNG, CHẾT

 SỐNG, CHẾT


Thầy Tử Cống hỏi đức Khổng Tử:

- Người chết còn có biết gì không hay không biết gì nửa?

- Đức Khổng Tử nói:

Ta mà nói hẳn rằng: "Người chết có biết", thì ta sợ những con hiếu, cháu thuận liều thân để chết theo cha mẹ, ông bà. Ta mà nói hẳn ràng: "Người chết không biết gì", thì ta lại e những con cháu bất hiếu bỏ xác cha mẹ, ông bà mà không chôn. Nhà ngươi muốn biết người chết có biết hay không biết, thong thả, đợi đến lúc chết thì khắc biết. Sự biết ấy tưởng cũng không muộn gì cho lắm.

GIA NGỮ

GIẢI NGHĨA

- Hiếu: ăn ở hết lòng, hết đạo với cha mẹ.

- Thuận: theo lòng, chiều ý để cho yên vui.

- Khắc biết: tự nhiên rồi chính mình biết, mình hay.

- Muộn: chậm trễ ít lâu.

LỜI BÀN

Ai là người sống, đã có chút tư tưởng mà lại không muốn biết cái chết và tự hỏi chết rồi có còn gì nữa không. Thầy Tử Cống đây vốn là người học giỏi, chắc không sao bỏ qua được sự huyền diệu, cao sâu ấy, nên mới đem ra hỏi thầy. Nhưng đức Khổng Tử lại không đáp ra làm sao, là vì học thuật của ngài chỉ cốt ở sự thực, mắt trông, tai nghe, hàng ngày thường làm, chớ không bao giờ dạy đến những sự quá cao. Cho nên có lúc hỏi mà ngài gạt đi: “Cái sống còn chưa biết, sao biết được cái chết". Còn như câu giả nhời trong bài đây cũng là gạt đi, nhưng câu nói thật là đơn sơ, phẳng phiu mà có ý nhị hay vô cùng vậy.

No comments:

Post a Comment