Wednesday, March 3, 2021

Cổ Học Tinh Hoa

 TÀI VÀ BẤT TÀI

Một hôm Trang Tử cùng với học trò đi chơi ở trong núi. Thấy một cây to, cành lá rườm rà, có người đốn gỗ chống búa đứng bên, mà không chặt.

Trang Tử hỏi: “Sao không chặt cây này thế?”

Người đốn gỗ đáp: “Cây này tuy thế mà gỗ xấu không dùng được việc”.

Trang Tử nói: “Cây này chỉ vì không ra gì mà sống lâu được mãi”.

Ra khỏi núi, Trang Tử vào chơi nhà một người quen. Chủ nhà vui mừng, bảo người nhà đem chim nhạn làm thịt.

Người nhà hỏi: “Một con gáy được, một con không gáy được, thì làm thịt con nào?” Chủ bảo: “Làm con không gáy”.

Hôm sau, học trò hỏi Trang Tử rằng:

“Cái cây ở núi vì bất tài mà được sống lâu, con nhạn ở nhà chủ vì bất tài mà phải giết chết. Giá như tiên sinh thì xử vào địa vị tài hay bất tài?”

Trang Tử cười, rồi nói: “Ta xử vào trong cái khoảng giữa tài và bất tài. Như vậy, thì tránh khỏi được tai nạn song chưa phải là kế vẹn toàn. Chỉ những bậc đạo đức cao siêu, không quản khen chê, lúc như rồng, lúc như rắn, không hẳn rõ ra tài hay bất tài, lúc lên, lúc xuống, chỉ cốt lấy đức hòa làm mực, siêu việt cả muôn vật, tuy là người mà lại khác người... Những bậc như thế, thì còn gì lụy đến thân được! Còn thói đời thường tình nào có thế? Hợp với người, thì có lúc lìa tan; làm nên việc, thì có người nghị luận; ngay thẳng thì bị đè nén; tôn trọng thì bị chê bai; làm thì có kẻ phá; giỏi thì có người ghen; không ra gì, thì thiên hạ lại khinh bỉ... Nhân tình như thế thì làm thế nào được? Thương ôi! Các người nên ghi lấy: chỉ có đạo đức mới khỏi lụy mà thôi”.

Trang Tử Tuyết

GIẢI NGHĨA

Trang Tử: sách của Trang Chhu soạn đến đời Đường gọi là Nam Hoa Chân kinh. Trang Tử, học đạo Lão Tử, sau người ta vẫn xưng Lão Tử với Trang Tử là tổ của Đạo gia.

LỜI BÀN

Tài cũng khổ: quân tử đa nạn, tài liền với tai. Bất tài cũng khổ: khôn sống dại mái, dại để người ăn. Vậy con người ta phải làm thế nào cho ở vào cái khoảng giữa tài và bất tài thì mới gọi là khôn khéo nghĩa là thông minh thánh trí mà như ngu thì mới sinh tồn được.

Tuy vậy, vẫn chưa bằng người có đạo đức, nghĩa là người chỉ lấy một cái bụng ăn ở theo thiên lương mà ra ngoài vòng được cái tài, bao bọc được hết cả thiên hạ mà không gì lụy đến thân. Thế mới hay: chữ “tâm” kia mới thực là thu liễm được cái tài mà bổ cứu được cái bất tài vậy.

No comments:

Post a Comment