Nước càng sâu chảy càng chậm, người càng trí huệ càng khiêm nhường
Bài sưu tầm
Lão Tử nói:“Người không tự cho mình là đúng thì trí óc mới có thể sáng suốt, người không khoe khoang thì công trạng của họ mới có thể được khẳng định, người không kiêu ngạo thì sự nghiệp mới có thể phát triển”. Từ xưa đến nay, phàm là người làm được việc lớn đều có đức khiêm tốn.
Hai chữ “Khiêm tốn” chứa nội hàm vô cùng sâu sắc. Cổ nhân có câu: “Người khiêm nhường là gốc tích đức”, “Người khiêm nhường có thể đứng trước mọi người, kẻ cậy công ngạo mạn đứng sau mọi người”.Khiêm tốn là mở lòng dung nạp người khác, tôn trọng người khác. Đó cũng là tinh thần không ngừng đạt đến sự hoàn mỹ khiêm nhường như dòng nước, không ngại hạ mình chảy xuống chỗ thấp để dung nạp mọi thứ như biển dung nạp trăm sông.
Khiêm nhường được lòng người
Dương Tử là một nhà triết học nổi tiếng thời Chiến quốc. Một đêm, ông trú chân tại một nhà trọ. Trong nhà trọ cũng có hai cô nương thuê phòng, một người nhan sắc tuyệt trần, người kia thì dung nhan có phần kém cỏi. Tuy nhiên mọi người lại rất tôn trọng người phụ nữ kém xinh đẹp, đối xử với cô như một tiểu thư đài các, còn đối với cô nương xinh đẹp họ lại tỏ ra xem thường.
Dương Tử ngạc nhiên, không hiểu tại sao, bèn đi hỏi người hầu phòng. Người hầu phòng thì thào:“Cô nương xinh xắn kia luôn cho mình xinh đẹp hơn người, nhưng tôi chẳng thấy cô ta đẹp ở chỗ nào. Còn cô nương kém xinh xắn kia luôn cảm thấy mình khó coi, nhưng tôi chẳng thấy cô ấy xấu gì cả”.
Dương Tử im lặng một lúc rồi buột miệng:“Tôi hiểu rồi, làm điều tốt nhưng luôn khiêm tốn không nhận là mình đã làm, cách cư xử đó dù ở đâu cũng được mọi người ủng hộ, yêu mến”.Quả đúng nhưLão Tử nói: “Ta không tranh, nên thiên hạ không tranh với ta”.
Càng khiêm nhường, càng được tôn kính
Mở đầu cuốn “Nghiêu Điển – Thượng Thư” có mô tả Vua Nghiêu như sau:“Duẫn, cung, khắc, nhượng, được tứ phương ca ngợi, được lòng hết thảy trên dưới. Ước thúc đạo đức tốt đẹp, gần gũi cửu tộc. Bình ổn bách tính, hòa thuận vạn bang”.Duẫn, cung, khắc, nhượng tức là bốn đức tính thành tín, cung kính, thiện năng, khiêm nhường.
Trong bốn loại mỹ đức này, đức tính khiêm tốn của Vua Nghiêu được đề cao nhất. Tuy là bậc kỳ tài nhưng ông vẫn cho rằng mình chưa đủ tài năng đức độ, chỉ lo mai một nhân tài, thường vào núi sâu rừng già tra xét cẩn thận lại chính mình, cầu người hiền học đạo, trước sau ông từng bốn lần nhượng lại ngôi Thiên tử cho những nhân sĩ hữu đạo nổi tiếng là Phương Hồi, Thiện Quyển, Phi Y, Hứa Do.
Đường Nghiêu từng nói:“Người trong thiên hạ, người vì việc công, phàm đều là người chí công vô tư, là bậc hiền giả đáng được suy tôn, là người thực thi đại đạo của thiên hạ. Ta đức mỏng tài mọn, chỉ lo phạm lỗi với chúng sinh”. Nhiều nhân sỹ hiền đức thấy Nghiêu khiêm nhường cung kính như vậy, vô cùng tán thán: “Một lòng lo cho dân như vậy, hèn chi thần dân tung hô là Trời Nghiêu”.
Sau này ông khước từ chức đi ẩn cư học Đạo và nhường ngôi cho Vua Thuấn. Vương Dương Minh thời Minh nói:“Sở dĩ Nghiêu Thuấn có thể là Thánh nhân, chính vì sự khiêm nhường đến cảnh giới chân thành nhất, cũng chính là ‘duẫn cung khắc nhượng, ôn cung duẫn tắc”. Có thể thấy đạo người quân tử chính là dùng đức khiêm nhường mà dung nạp người khác, luôn luôn nghĩ đến người khác trước.
Đức khiêm nhường thụ phúc
Trong “Dịch Thư” có nói: Đạo lý của trời, bất luận thế nào, mọi sự kiêu ngạo tự mãn, sẽ khiến cho người đó phải chịu thiệt thòi, còn người khiêm tốn sẽ được nhiều lợi ích, hơn nữa khiêm nhường và kiêu ngạo, cũng là ranh giới giữa phúc và họa.
Vào Thời Minh, khi Viên Liễu Phàm cùng chín người trong huyện đi thi tiến sĩ, trong đó có một vị tên là Đinh Kính Vũ, tuy trẻ tuổi nhất nhưng là người khiêm nhường biết trọng lễ tiết. Viên Liễu Phàm liền bảo với Phí Cẩm Pha rằng:“Đinh Kính Vũ năm nay nhất định thi đỗ tiến sỹ”.Phí Cẩm Pha nói:“Làm sao mà biết được?”.
Viên Liễu Phàm đáp rằng:“Khiêm nhường được phúc. Anh xem xem trong mười người chúng ta, có ai khiêm tốn bằng Đinh Kính Vũ, luôn giữ chữ tín, cung cung kính kính, trước đám đông, cậu ấy không kiên quyết giữ thành kiến của mình, có thể lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác mà không hề tỏ chút kiêu ngạo. Dù là chuyện rất nhỏ, cậu ấy cũng nghĩ cho người khác, vì thuận tiện cho người khác, điều này quả thực khó có được! Một người có thể đạt được cảnh giới cao như vậy, Thần linh cũng sẽ bảo hộ cậu ấy, sao có thể có đạo lý thi trượt được!”. Quả thực đến lúc công bố bảng vàng, Đinh Kính Vũ đã thi đỗ.
Con người khi khiêm tốn, nỗ lực đề cao làm điều nhân đức, thì sự nghiệp sẽ thăng tiến. Người khiêm nhường thì cảnh giới tư tưởng không ngừng thăng hoa như đạo lý nhật tân: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (Đối mới mỗi ngày, ngày ngày đổi mới, lại đổi mới mỗi ngày). Khiêm nhường là “phép tắc của trời đất”, có thể như nước bao dung và thiện hóa tất cả vạn sự vạn vật trên thế gian.
Chân Tâm
No comments:
Post a Comment