Cước đạp thực địa
Nguyên ý của câu thành ngữ này là "Đôi chân đứng vững vàng trên mặt đất", dùng để ví với lối làm việc cẩn trọng, không rùm beng, khoe khoang.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Thiệu thị văn kiến lục" của Thiệu Bá Ôn triều nhà Tống.
Tư Mã Quang là một đại thần triều Bắc Tống và là nhà sử học nổi tiếng TQ.
Tư Mã Quang từ nhỏ rất chăm chỉ học hành, nên có kiến thức sâu rộng, ông là người rất say mê sử ký và mong ước sau này trở thành nhà sử học.
Về sau, Tư Mã Quang quả đã thực hiện được mơ ước này, ông được cử làm chủ biên cuốn "Tư trị thông giám".
Tư Mã Quang vất vả trong 19 năm trời, cuối cùng đã viết xong cuốn "Tư trị thông giám", một bộ biên niên sử lớn nhất trong lịch sử TQ.
Bộ biên niên sử này đã ghi chép lại các sự kiện lớn trong 1362 năm, gồm hơn 3 triệu chữ, là một tác phẩm có nội dung phong phú và giá trị khoa học.
Trong quá trình viết bộ sách này, Tư Mã Quang đã miệt mài nghiên cứu không kể ngày đêm. Do thường xuyên thức khuya làm việc, ông đã làm một chiếc gối bằng gỗ tròn cứng khiến mình không sao yên ngủ được phải thức dậy làm việc. Nghe nói, những bản nháp của bộ sách này chất đầy đến hai ngôi nhà hiện đang cất giữ tại Lạc Dương
Mọi người đều khâm phục thái độ làm việc của Tư Mã Quang. Một hôm, Tư Mã Quang thấy nhà triết học nổi tiếng Thiệu Ung cứ nhìn mình mãi liền hỏi rằng: "Ông cứ nhìn tôi là cớ làm sao ?". Thiệu Ung vui vẻ đáp: " Tôi nhìn ông là nhìn một con người cước đạp thực địa". Có nghĩa là đôi chân đứng vững vàng trên mặt đất.
Hiện nay, người ta vẫn dùng câu thành ngữ này để ví với lối làm việc cẩn trọng và không rùm beng, khoe khoang.
No comments:
Post a Comment