Lão mã thức đồ
Ý của câu thành ngữ này là chỉ con ngựa già nhận biết lối về.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ: "Hàn Phi Tử - Thuyết Lâm Thượng".
Năm 663 công nguyên, nhận lời thỉnh cầu của vua nước Yến, Tề Hằng Công cùng tướng quốc Quản Trọng và đại phu Thấp Bằng xuất binh tiến đánh Sơn Nhung thuộc nước Yến. Khi quân Tề đến nước Yến mới biết quân Sơn Nhung đã vơ hết của cải trốn sang nước Cô Trúc. Nhằm giữ vững an toàn cho miền bắc, Quản Trọng đã kiến nghị với Tề Hằng Công nên thừa thế đuổi theo diệt luôn cả nước Cô Trúc. Tề Hằng Công nghe theo, nhưng khi đuổi đến nơi mới phát hiện vua nước Sơn Nhung và Cô Trúc đều đã bỏ chạy cả. Quân nước Tề vẫn tiếp tục đuổi theo và cuối cùng đã giành được thắng lợi.
Khi nước Tề ra quân là vào mùa xuân, nhưng khi thắng lợi trở về đã là mùa đông, trong lúc đại quân đi qua một khe núi ở Sùng Sơn thì bị lạc đường không sao tìm được lối ra, lương ăn ngày một cạn dần, đại quân đang đứng trước nguy cơ bị chết đói trong thung lũng. Quản Trọng cho rằng những con ngựa chiến, mà nhất là những con ngựa già rất có thể nhận biết lối đi, nên sau khi được sự đồng ý của Tề Hằng Công, Quản Trọng lập tức chọn mấy con ngựa già tháo hết dây cương, thả cho chúng tự do đi trước hàng quân, quả nhiên những con ngựa này đều cùng đi về một hướng, dẫn cả đoàn quân ra khỏi khe núi trở về nước Tề.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ: Lão mã thức đồ, để ví với những người hiểu biết, có kinh nghiệm phong phú, đi trước dẫn dắt mọi người.
No comments:
Post a Comment