Sunday, March 19, 2017

Điển Hay Tích Lạ - Giá họa vu nhân

Giá họa vu nhân

Ý của câu thành ngữ này là đổ vạ cho người khác.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Sử ký - Triệu thế gia".

Thời Xuân Thu Chiến Quốc, tướng quân nước Hàn- Phùng Đình lúc đó đang trấn giữ ở Thượng Đảng đã sai sứ giả đến nói với Hiếu Thành Vương vua nước Triệu rằng: "Chúng tôi đã không còn đủ sức giữ được Thượng Đảng, nó trước sau cũng sẽ rơi vào tay nước Tần. Nhưng khốn nỗi các quan lại và dân chúng Thượng Đảng đều không muốn lệ thuộc nước Tần, mà chỉ muốn quy hàng nước Triệu. Vậy mong đại vương hãy nhanh chóng tiếp quản 17 ngôi thành trì ở Thượng Đảng".

Hiếu Thành Vương nghe vậy mừng lắm, bèn lập tức triệu gặp Bình dương quân Triệu Báo. Triệu Báo thưa rằng: "Thánh nhân đều coi vật gì vô cớ mà được là một mối hiểm họa". Hiếu Thành Vương vội hỏi lại: "Người ta đã bị cảm hóa bởi ân đức của trẫm, làm sao lại có thể nói là hiểm họa được ?"

Triệu Báo đáp : "Nước Tần luôn tìm cách thôn tính đất đai của nước Hàn, và tin rằng Thượng Đảng đã nằm trong tầm tay. Nay sở dĩ nước Hàn không muốn giao Thượng Đảng cho nước Tần, mà muốn dâng cho nước Triệu ta, cũng là vì muốn gieo vạ cho nước Triệu mà thôi. Bởi lẽ nước Tần đã bỏ ra rất nhiều công sức mà bị nước Triệu ta đoạt mất thành quả, chẳng lẽ đại vương nhận mà không sợ bỏng tay ư ? xin đại vương chớ nên nhận lời".

Hiếu Thành Vương nghe vậy tức giận nói: "Nếu hiện nay ta cử hàng triệu quân tiến đánh, dù nửa năm hay một năm cũng chưa chắc đã chiếm được một ngôi thành trì. Đằng này người ta tự nguyện dâng 17 ngôi thành trì thì tội gì mà không nhận". Sau đó, Hiếu Thành Vương đồng ý tiếp quản đất Thượng Đảng, do đó mới dẫn đến đại chiến giữa hai nước Tần-Triệu.

Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ: "Giá họa vu nhân" để ví về việc gieo tai họa cho người khác.

No comments:

Post a Comment