Mấy vụ quật mồ bí mật
Tác giả: Bình-nguyên Lộc
bài sưu tầm trên NET
Mặc dầu mang một cái tên hào nháng, làng Phú thạnh không phú và không thạnh chút nào hết.
Không ai còn nhớ làng nầy lập ra đã mấy trăm năm rồi, những người thông minh, hoặc có óc khoa học có thể suy luận rằng ngày xưa có lẽ nó là một cái ấp của làng kế cận là một làng trù mật, rồi một họ nào đó trong làng ấy, vì bất mãn với chánh quyền thôn ổ địa phương, chạy chọt để xin tách ra, thà làm đầu gà, hơn là làm đuôi trâu. Có lẽ họ dẫn theo một số gia đình nghèo khổ của làng chánh để khẩn hoang nơi đồng khô cỏ cháy nầy. Đất làng là đất gò, mà lại là gò trọc, không cây cối để giữ phân lại, bao nhiêu lớp đất tốt trên mặt đều trôi xuống làng phì nhiêu dưới kia. Dân làng vẫn làm ruộng, nhưng năm nào mưa hơi ít một chút là đói, còn mất mùa là sự kiện thường xuyên xảy ra ở đây từ thuở cố lỉ cổ lai nào ấy.
Làng chỉ có ba nhà ngói mà cả ba đều không phải của dân: công sở, đình và chùa.
Tất cả những nếp nhà khác toàn là nhà tranh nát, lắm nhà không thèm làm vách làm phên, làm cửa nẻo gì cả bởi họ không có cái gì để mà mất trộm hoặc mất cắp. Dân làng vẫn làm ruộng, như đã nói trên, nhưng họ chỉ không chết đói nhờ phụ thu do lâm sản của khu rừng gần đó: họ bứt mây và bán lậu thuế ra những vựa của những làng trù mật nói trên.
Vị lãnh tụ địa phương của ngày xa xưa đã xui dại họ mở rộng bờ cõi, chắc đã tuyệt tự rồi, hay còn con cháu mà con cháu hắn cũng mạt rệp như bao nhiêu dân làng vì hoàn cảnh bất thuận lợi. Thế nghĩa là không còn ai để cầm chân bằng áp lực nào cả. Vậy mà cái làng nghèo khổ nầy vẫn cứ tồn tại, và dân làng cứ nhẫn nại chịu đựng nghèo khổ, đói rách, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, mặc dầu thấy mức sống của làng lân cận, họ không thể không ý thức về cảnh khổ của họ.
Hôm ấy, một chị đàn bà vào rừng bẻ măng hồi tang tảng sáng, hớt hơ hớt hãi chạy về xóm đầu trong của làng để báo một tin dữ: lúc chị ta đi qua gò Cát, cái nghĩa địa của làng, thì thấy một nấm mồ đã bị quật đâu hồi nào không rõ, chị ta sợ quá không dám lại gần, để dòm xuống dưới ấy xem sự thể ra sao.
Những kẻ hiếu kỳ của cái xóm trong ấy, ùn ùn kéo nhau vào gò Cát để xem chuyện lạ.
Làng nầy không hề thấy chuyện lạ bao giờ. Dân làng nghèo khổ quá, không có tiền đâu để rượu chè rồi cãi lẫy, sanh đâm chém nhau. Họ bận chạy gạo suốt ngày nên cũng không ai có thì giờ yêu đương lăng nhăng cho những cuộc đánh ghen có thể xảy ra. Cho đến đỗi dịch thiên thời thổ tả họ cũng không bao giờ mắc phải, vì họ chỉ ăn cơm với mắm kho là hai thứ được nấu chín, vi trùng chết hết ráo, và họ uống ròng nước giếng làng, các giếng nầy sâu quá, nước giếng không làm sao mà nhiễm độc được cả.
Thật ra bãi tha ma kia không hẳn là một cái gò toàn cát. Đó là một cuộc đất với cát pha lẫn nhau, không trồng trọt gì được, mà chôn xác thì tốt vì người mình tin rằng đất xốp ít tác hại tới gỗ hòm và hài cốt.
Đất đen pha với cát trắng mang màu xám tro, được đào từng đống cao xung quanh lỗ huyệt. Không có gỗ hòm quanh đó, mà cả dưới đáy huyệt cũng trống trơn. Làng khổ, dân nghèo, họ chôn ông, chôn cha toàn bằng hòm chơn ngang, đóng bằng gỗ dầu là thứ gỗ tạp, thì làm sao mà còn được sau hằng trăm năm?
Cứ theo trí nhớ của người cao niên nhứt làng, một ông lão bảy mươi, thì trước khi dân cư tới đây, nơi nầy là hoang địa, nghĩa là không có ngôi mả cũ nào cả. Đó là trí nhớ theo lời kể của tiền nhơn, chớ làng được lập ra mấy trăm năm rồi. Cũng cứ theo trí nhớ ấy, thì làng cũng không hề phát quan.
Chín ngôi mộ đá ong và đá xanh là những ngôi mộ đáng kể nhứt trong làng, đều là mộ của cái họ lãnh tụ đã lập ra làng nầy, họ giàu có duy nhứt ở đây còn thì mộ đất cả. Mà chín ngôi mộ ấy đều còn nguyên vẹn. Cái giả thuyết kẻ gian manh quật mồ quan xưa, quật mồ nhà giàu cũ để cướp vàng, không đứng vững được. Đất ở đây khô cằn cho đến đỗi không có gì để dân làng tranh giành nhau mà sanh thù hận. Họ đã thương mến nhau từ nhiều đời vì không hề có dịp xung đột quyền lợi với nhau. Như vậy giả thuyết báo thù cũng không đứng vững nốt.
Hài cốt không thấy đâu. Nhưng nếu xương tàn cốt rụi thành tro và kẻ trả thù muốn cho đã nư giận, ắt đã hốt tro ấy rải cùng mặt đất, mà tro với cốt dễ phân biệt với đất, nếu có là thấy ngay, nhưng vẫn không ai tìm được dấu vết nhúm tro, mảnh xương nào.
Nhà chức trách trong làng đến trưa mới hay sự việc. Họ phái hương quản đến xem xét để làm phúc bẩm lên quan trên cho lấy lệ, chớ không ai thưa kiện gì ai, bởi đó là một nấm mồ dường như vô chủ. Có kẻ nhớ rằng mỗi năm, vào ngày hăm ba tháng chạp, theo tục lệ đia phương, ngôi mả nầy vẫn được dẫy cỏ, thắp nhang, nhưng không hề thấy tận mắt ai săn sóc nó, họ đoán đó là hành động từ thiện của một người nhơn đức trong làng, có mộ ông bà ở gần đâu đó, sẵn tay, săn sóc luôn nấm mồ vô chủ láng giềng của mồ ông cha họ.
Người bình dân ưa bàn tán lâu ngày về những biến cố loại đó. Thế mà làng Phú thạnh vẫn quên vụ nầy sau ba ngày, vì cái nghèo sát đất đã hủy diệt thói tửu hậu trà dư. Nhưng năm hôm sau, một vụ y hệt như vậy lại xảy ra nữa, và cũng do một chị bẻ măng chạy về báo tin. Dân làng Phú thạnh bắt đầu sợ, họ không rõ họ sợ cái gì, có lẽ sợ chính cái không biết, sợ một hành động nào của kẻ khuất mặt, ma quỉ hoặc thần thánh gì, để báo trước một tai họa cho cả làng. Nhưng rồi họ cũng quên được, lâu hơn bận trước thật đó, nghĩa là sau đến năm ngày. Phúc bẩm của hội tề làng Phú thạnh bị thầy cai tổng dẹp vào một xó, chớ cũng không buồn phúc bẩm lại với ông chủ quận nữa.
Lần thứ ba, vụ đào mồ khác nổ bùng như một trái bom. Cho đến đỗi thằng Hòn, một tên cứng đầu và gan lì nhứt làng, không biết sợ ma quỉ, thần thánh gì cả, cũng phải nổi da gà.
Lần nầy câu chuyện do một chị hái củi phát giác. Gỗ hòm đã mục nát, nhưng còn vết tích của cái nấp vì nấp hòm ta làm bằng nửa thân cây nguyên, tương đối bền hơn các tấm ván khác ghép thành chiếc hòm ấy. Nếu nấp hòm còn thì hài cốt cũng phải còn, ít lắm là xương sọ, xương cốt bàn, các ông già, bà cả bảo thế, nhưng vẫn không ai tìm được lấy một mảnh xương vụn nào. Cũng cứ là mồ vô chủ, họ tin là thế, vì không ai thưa kiện gì ai. Lần nầy làng không thèm phúc bẩm lên thầy cai tổng nữa.
Dân làng đã sợ mất mật. Họ bận chạy gạo nên không ngồi lê đôi mách để bàn tán với nhau, nhưng không ai quên được. Trong gia đình, họ có dịp nói với nhau, nhưng ai cũng câm miệng cả vì không dám nói. Người ta có thể rỉ tai nhau để rủa một chánh thể, chớ không ai bạo gan đá động đến quỉ thần là cái quyền có tai mắt mọi nơi, cả trong bóng tối, cả trong buồng kín, hàng vạn thám tử của một chế độ độc tài cũng không bì kịp.
Chớ vụ nầy lại không do kẻ khuất mặt gây ra à? Không có người sống nào trên đời nầy lại có lý do để hành động vô mục đích như vậy cả. Dân làng họ nín nhưng không quên. Và vụ quật mả thứ tư lại xảy ra mười ngày sau đó. Vụ nầy giúp họ hết sợ, nhưng lại khiến họ kinh ngạc vô cùng. Đây là hai nấm mồ bị quật một lượt, mà có chủ, họ biết rõ điều nầy. Nhưng “chủ mồ” tức là con cháu người chết lờ đi, đã không thưa kiện ai, cho đến đi vào gò Cát để xem sự tình ra sao, họ cũng không buồn đi, làm như họ phủ nhận dây liên hệ họ hàng với người dưới mộ. Hay là chính con cháu của kẻ dưới mộ cũng quá sợ nên làm lơ? Hai ngôi mộ nầy cũng không cũ quá hai mươi năm và cho đến những cặp vợ chồng mới có một hai con cũng còn nhớ mang máng gương mặt của ông cụ, bà cụ chôn dưới đó mà thuở còn bé họ rất mến vì cặp vợ chồng già ấy vui tính lắm. Nếu còn sống thì hai cụ bây giờ đã chín mươi rồi và đứa cháu đích tôn của hai cụ năm nay đã gần tứ tuần.
Đó là người dân nghèo nhứt của cái làng nghèo nhứt nước nầy. Hắn là con một, và cha hắn cũng là con một của hai cụ vừa bị quật mồ. Thế nhưng hắn lại đông con không thể tưởng tượng; những tám đứa, đứa lớn mới mười ba thôi. Gia đình nhà ấy, buổi sáng nhịn đói, buổi trưa ăn cháo môn, chiều lại mới dám ăn cơm nấu lộn với khoai, nêm muối.
Người cha làm thợ mộc, nhưng trong làng không ai cất nhà, đóng bàn đóng kệ gì hết ráo, nên anh ta chỉ còn dùng được có cái cưa để cưa sọ dừa làm gáo múc nước bán hai xu một cái [1]. Mà sọ dừa cũng không kiếm được, vì đất làng là đất gò, không thể trồng dừa, dân làng cũng không có tiền để mua dừa làng khác về ăn. Chị vợ theo cái nghề không vốn, không cần kiến thức chuyên môn, là hốt phân bò trâu ngoài đồng, hoặc trên con thôn lộ chạy ngang làng, mang về chứa trong hầm, tới mùa lúa mà bán, nhưng cũng không được bao nhiêu, vì làng không có hơn hai con trâu, bốn con bò. Hai vợ chồng anh này không có làm gì ác cả, kể cả mấy đời ông cha đều nhơn đúc. Như thế nếu quỉ thần mà muốn gieo họa cho anh ta thì đó là một sự bất công to lớn mà vô ích, vì anh ta không thể gặp họa nào nặng hơn cái nghèo của anh ta. Nói xin lỗi chớ nếu con anh ta mà chúng có cao hứng bỏ nhà đi đâu biệt tích biệt tăm vài đứa thì là phước lớn cho anh ta vậy, chớ không phải họa đâu. Cái thằng nghèo sát đất thì không còn trừng phạt nào áp dụng hữu hiệu đối với nó cả, vì cỡ phải lăn ra mà chết, nó cũng không ngán kia mà !
Làng Phú thạnh nghèo nhưng yên ổn được nhờ chính sự nghèo nàn quá mức của làng. Nhưng từ đây, làng đã hết yên ổn nữa vì lòng dân xôn xao trước những sự việc kỳ bí mà họ tin là điềm bất tường hay lời hâm dọa gieo tai nạn của kẻ khuất mặt, trên số phận của người dân. Hai ngôi mộ nầy bị quật có hai hôm là một ngôi mộ khác bị quật nữa. Đó là mả của mẹ anh thợ mộc. Cha anh ta ngày xưa đi rừng rồi mất tích luôn, bị cọp tha hay sa xuống hố không rõ. Anh ta chôn mẹ cách đây chín năm và nấm mồ nầy thì cho đến lũ con nít cũng biết là mả của ai vì gần cái mả ấy mọc lên một cây đào lộn hột mà chúng tranh nhau hái trái, qua mùa đào, chơi giỡn nơi đó và có dịp để nói tới mả của bà nội thằng Kẹo hoài.
Như bao nhiêu lần khác, không ai lượm được mảnh xương nào, và anh thợ làm gáo cũng không héo lánh đến gò Cát khi cái tin này dội xuống tới làng. Có người tức mình quá cho anh ta là thằng con bất hiếu, đi tìm anh ta để mắng anh ba tiếng thì thấy nhà anh đã trống trơn.
Có người bỗng sực nhớ ra rằng hồi khuya, lúc gà gáy chập đầu, họ gặp cả nhà anh gồng gánh đi đâu đó không rõ, và họ nhớ hình như là nhà anh ấy lớn bé gì cũng gánh toàn một món là những cái khạp như khạp đường hạ vậy, nghĩa là có nắp bằng đất nung hẳn hòi nhưng họ gánh đi coi nhẹ hều chớ không nặng như khạp đường.
Lần này thì có kẻ dính líu trực tiếp với vụ quật mồ nên làng phải chạy tờ lên thầy cai tổng và thầy cai tổng lại phúc bẩm lên ông chủ quận.
Đọc xong tờ phúc bẩm của cai tổng, thầy ký Hội vừa toan để nó vào xấp công văn trình cho ông chủ quận khán thì bỗng sực nhớ lại điều gì. Thầy mở hộc tủ ra, bươi giấy tìm một lá đơn, so tên của người đứng đơn và tên của anh thợ mộc bỏ làng sau khi đào mồ mả ông cha, rồi châu mày.
Đơn như vầy:
“Bầm lạy Quan Lớn đặng rõ.
Nguyên tôi tên là Nguyễn văn Mun, làm nghề thợ mộc, dân đinh của làng Phú thạnh, tổng Hòa phước, quận … Cúi xin Quan Lớn mở lượng hải hà cho phép tôi lấy cốt sáu nấm mộ của ông bà và mẹ tô, để tôi mang đi theo xứ khác làm ăn. Bầm lạy Quan Lớn thương xót, vì tôi nghèo quá nên mới bỏ làng, mà tính từ lâu, không nỡ bỏ cũng vì mồ ông, mả cha còn đó, đi làm sao cho đành. Nay tôi quyết định chỉ lấy cốt những ông bà gần gần đây thôi, còn lớp trước xa quá, xin để lại làng, và tổng số mà tôi xin lấy cốt là sáu cái, cả sáu đều chôn đã lâu rồi không còn độc nữa. Cúi xin Quan Lớn nhận lời, tôi đội ơn Quan Lớn ngàn năm.
Kính đơn
Ký tên
NGUYỄN VĂN MUN Bên lề lá đơn, có viết mấy hàng chữ như sau bằng bút chì, tuồng chữ chính là chữ của thầy ký Hội:
“Nhớ bắt đương sự phải lo năm đồng mới chuyển đơn lên quan Quận”
Thầy Hội vội nhét lá đơn ấy vào túi áo để phi tang rồi tiếp tục làm việc như không hề biết bí mật của anh thợ mộc tên Mun.
Không ai còn nhớ làng nầy lập ra đã mấy trăm năm rồi, những người thông minh, hoặc có óc khoa học có thể suy luận rằng ngày xưa có lẽ nó là một cái ấp của làng kế cận là một làng trù mật, rồi một họ nào đó trong làng ấy, vì bất mãn với chánh quyền thôn ổ địa phương, chạy chọt để xin tách ra, thà làm đầu gà, hơn là làm đuôi trâu. Có lẽ họ dẫn theo một số gia đình nghèo khổ của làng chánh để khẩn hoang nơi đồng khô cỏ cháy nầy. Đất làng là đất gò, mà lại là gò trọc, không cây cối để giữ phân lại, bao nhiêu lớp đất tốt trên mặt đều trôi xuống làng phì nhiêu dưới kia. Dân làng vẫn làm ruộng, nhưng năm nào mưa hơi ít một chút là đói, còn mất mùa là sự kiện thường xuyên xảy ra ở đây từ thuở cố lỉ cổ lai nào ấy.
Làng chỉ có ba nhà ngói mà cả ba đều không phải của dân: công sở, đình và chùa.
Tất cả những nếp nhà khác toàn là nhà tranh nát, lắm nhà không thèm làm vách làm phên, làm cửa nẻo gì cả bởi họ không có cái gì để mà mất trộm hoặc mất cắp. Dân làng vẫn làm ruộng, như đã nói trên, nhưng họ chỉ không chết đói nhờ phụ thu do lâm sản của khu rừng gần đó: họ bứt mây và bán lậu thuế ra những vựa của những làng trù mật nói trên.
Vị lãnh tụ địa phương của ngày xa xưa đã xui dại họ mở rộng bờ cõi, chắc đã tuyệt tự rồi, hay còn con cháu mà con cháu hắn cũng mạt rệp như bao nhiêu dân làng vì hoàn cảnh bất thuận lợi. Thế nghĩa là không còn ai để cầm chân bằng áp lực nào cả. Vậy mà cái làng nghèo khổ nầy vẫn cứ tồn tại, và dân làng cứ nhẫn nại chịu đựng nghèo khổ, đói rách, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, mặc dầu thấy mức sống của làng lân cận, họ không thể không ý thức về cảnh khổ của họ.
Hôm ấy, một chị đàn bà vào rừng bẻ măng hồi tang tảng sáng, hớt hơ hớt hãi chạy về xóm đầu trong của làng để báo một tin dữ: lúc chị ta đi qua gò Cát, cái nghĩa địa của làng, thì thấy một nấm mồ đã bị quật đâu hồi nào không rõ, chị ta sợ quá không dám lại gần, để dòm xuống dưới ấy xem sự thể ra sao.
Những kẻ hiếu kỳ của cái xóm trong ấy, ùn ùn kéo nhau vào gò Cát để xem chuyện lạ.
Làng nầy không hề thấy chuyện lạ bao giờ. Dân làng nghèo khổ quá, không có tiền đâu để rượu chè rồi cãi lẫy, sanh đâm chém nhau. Họ bận chạy gạo suốt ngày nên cũng không ai có thì giờ yêu đương lăng nhăng cho những cuộc đánh ghen có thể xảy ra. Cho đến đỗi dịch thiên thời thổ tả họ cũng không bao giờ mắc phải, vì họ chỉ ăn cơm với mắm kho là hai thứ được nấu chín, vi trùng chết hết ráo, và họ uống ròng nước giếng làng, các giếng nầy sâu quá, nước giếng không làm sao mà nhiễm độc được cả.
Thật ra bãi tha ma kia không hẳn là một cái gò toàn cát. Đó là một cuộc đất với cát pha lẫn nhau, không trồng trọt gì được, mà chôn xác thì tốt vì người mình tin rằng đất xốp ít tác hại tới gỗ hòm và hài cốt.
Đất đen pha với cát trắng mang màu xám tro, được đào từng đống cao xung quanh lỗ huyệt. Không có gỗ hòm quanh đó, mà cả dưới đáy huyệt cũng trống trơn. Làng khổ, dân nghèo, họ chôn ông, chôn cha toàn bằng hòm chơn ngang, đóng bằng gỗ dầu là thứ gỗ tạp, thì làm sao mà còn được sau hằng trăm năm?
Cứ theo trí nhớ của người cao niên nhứt làng, một ông lão bảy mươi, thì trước khi dân cư tới đây, nơi nầy là hoang địa, nghĩa là không có ngôi mả cũ nào cả. Đó là trí nhớ theo lời kể của tiền nhơn, chớ làng được lập ra mấy trăm năm rồi. Cũng cứ theo trí nhớ ấy, thì làng cũng không hề phát quan.
Chín ngôi mộ đá ong và đá xanh là những ngôi mộ đáng kể nhứt trong làng, đều là mộ của cái họ lãnh tụ đã lập ra làng nầy, họ giàu có duy nhứt ở đây còn thì mộ đất cả. Mà chín ngôi mộ ấy đều còn nguyên vẹn. Cái giả thuyết kẻ gian manh quật mồ quan xưa, quật mồ nhà giàu cũ để cướp vàng, không đứng vững được. Đất ở đây khô cằn cho đến đỗi không có gì để dân làng tranh giành nhau mà sanh thù hận. Họ đã thương mến nhau từ nhiều đời vì không hề có dịp xung đột quyền lợi với nhau. Như vậy giả thuyết báo thù cũng không đứng vững nốt.
Hài cốt không thấy đâu. Nhưng nếu xương tàn cốt rụi thành tro và kẻ trả thù muốn cho đã nư giận, ắt đã hốt tro ấy rải cùng mặt đất, mà tro với cốt dễ phân biệt với đất, nếu có là thấy ngay, nhưng vẫn không ai tìm được dấu vết nhúm tro, mảnh xương nào.
Nhà chức trách trong làng đến trưa mới hay sự việc. Họ phái hương quản đến xem xét để làm phúc bẩm lên quan trên cho lấy lệ, chớ không ai thưa kiện gì ai, bởi đó là một nấm mồ dường như vô chủ. Có kẻ nhớ rằng mỗi năm, vào ngày hăm ba tháng chạp, theo tục lệ đia phương, ngôi mả nầy vẫn được dẫy cỏ, thắp nhang, nhưng không hề thấy tận mắt ai săn sóc nó, họ đoán đó là hành động từ thiện của một người nhơn đức trong làng, có mộ ông bà ở gần đâu đó, sẵn tay, săn sóc luôn nấm mồ vô chủ láng giềng của mồ ông cha họ.
Người bình dân ưa bàn tán lâu ngày về những biến cố loại đó. Thế mà làng Phú thạnh vẫn quên vụ nầy sau ba ngày, vì cái nghèo sát đất đã hủy diệt thói tửu hậu trà dư. Nhưng năm hôm sau, một vụ y hệt như vậy lại xảy ra nữa, và cũng do một chị bẻ măng chạy về báo tin. Dân làng Phú thạnh bắt đầu sợ, họ không rõ họ sợ cái gì, có lẽ sợ chính cái không biết, sợ một hành động nào của kẻ khuất mặt, ma quỉ hoặc thần thánh gì, để báo trước một tai họa cho cả làng. Nhưng rồi họ cũng quên được, lâu hơn bận trước thật đó, nghĩa là sau đến năm ngày. Phúc bẩm của hội tề làng Phú thạnh bị thầy cai tổng dẹp vào một xó, chớ cũng không buồn phúc bẩm lại với ông chủ quận nữa.
Lần thứ ba, vụ đào mồ khác nổ bùng như một trái bom. Cho đến đỗi thằng Hòn, một tên cứng đầu và gan lì nhứt làng, không biết sợ ma quỉ, thần thánh gì cả, cũng phải nổi da gà.
Lần nầy câu chuyện do một chị hái củi phát giác. Gỗ hòm đã mục nát, nhưng còn vết tích của cái nấp vì nấp hòm ta làm bằng nửa thân cây nguyên, tương đối bền hơn các tấm ván khác ghép thành chiếc hòm ấy. Nếu nấp hòm còn thì hài cốt cũng phải còn, ít lắm là xương sọ, xương cốt bàn, các ông già, bà cả bảo thế, nhưng vẫn không ai tìm được lấy một mảnh xương vụn nào. Cũng cứ là mồ vô chủ, họ tin là thế, vì không ai thưa kiện gì ai. Lần nầy làng không thèm phúc bẩm lên thầy cai tổng nữa.
Dân làng đã sợ mất mật. Họ bận chạy gạo nên không ngồi lê đôi mách để bàn tán với nhau, nhưng không ai quên được. Trong gia đình, họ có dịp nói với nhau, nhưng ai cũng câm miệng cả vì không dám nói. Người ta có thể rỉ tai nhau để rủa một chánh thể, chớ không ai bạo gan đá động đến quỉ thần là cái quyền có tai mắt mọi nơi, cả trong bóng tối, cả trong buồng kín, hàng vạn thám tử của một chế độ độc tài cũng không bì kịp.
Chớ vụ nầy lại không do kẻ khuất mặt gây ra à? Không có người sống nào trên đời nầy lại có lý do để hành động vô mục đích như vậy cả. Dân làng họ nín nhưng không quên. Và vụ quật mả thứ tư lại xảy ra mười ngày sau đó. Vụ nầy giúp họ hết sợ, nhưng lại khiến họ kinh ngạc vô cùng. Đây là hai nấm mồ bị quật một lượt, mà có chủ, họ biết rõ điều nầy. Nhưng “chủ mồ” tức là con cháu người chết lờ đi, đã không thưa kiện ai, cho đến đi vào gò Cát để xem sự tình ra sao, họ cũng không buồn đi, làm như họ phủ nhận dây liên hệ họ hàng với người dưới mộ. Hay là chính con cháu của kẻ dưới mộ cũng quá sợ nên làm lơ? Hai ngôi mộ nầy cũng không cũ quá hai mươi năm và cho đến những cặp vợ chồng mới có một hai con cũng còn nhớ mang máng gương mặt của ông cụ, bà cụ chôn dưới đó mà thuở còn bé họ rất mến vì cặp vợ chồng già ấy vui tính lắm. Nếu còn sống thì hai cụ bây giờ đã chín mươi rồi và đứa cháu đích tôn của hai cụ năm nay đã gần tứ tuần.
Đó là người dân nghèo nhứt của cái làng nghèo nhứt nước nầy. Hắn là con một, và cha hắn cũng là con một của hai cụ vừa bị quật mồ. Thế nhưng hắn lại đông con không thể tưởng tượng; những tám đứa, đứa lớn mới mười ba thôi. Gia đình nhà ấy, buổi sáng nhịn đói, buổi trưa ăn cháo môn, chiều lại mới dám ăn cơm nấu lộn với khoai, nêm muối.
Người cha làm thợ mộc, nhưng trong làng không ai cất nhà, đóng bàn đóng kệ gì hết ráo, nên anh ta chỉ còn dùng được có cái cưa để cưa sọ dừa làm gáo múc nước bán hai xu một cái [1]. Mà sọ dừa cũng không kiếm được, vì đất làng là đất gò, không thể trồng dừa, dân làng cũng không có tiền để mua dừa làng khác về ăn. Chị vợ theo cái nghề không vốn, không cần kiến thức chuyên môn, là hốt phân bò trâu ngoài đồng, hoặc trên con thôn lộ chạy ngang làng, mang về chứa trong hầm, tới mùa lúa mà bán, nhưng cũng không được bao nhiêu, vì làng không có hơn hai con trâu, bốn con bò. Hai vợ chồng anh này không có làm gì ác cả, kể cả mấy đời ông cha đều nhơn đúc. Như thế nếu quỉ thần mà muốn gieo họa cho anh ta thì đó là một sự bất công to lớn mà vô ích, vì anh ta không thể gặp họa nào nặng hơn cái nghèo của anh ta. Nói xin lỗi chớ nếu con anh ta mà chúng có cao hứng bỏ nhà đi đâu biệt tích biệt tăm vài đứa thì là phước lớn cho anh ta vậy, chớ không phải họa đâu. Cái thằng nghèo sát đất thì không còn trừng phạt nào áp dụng hữu hiệu đối với nó cả, vì cỡ phải lăn ra mà chết, nó cũng không ngán kia mà !
Làng Phú thạnh nghèo nhưng yên ổn được nhờ chính sự nghèo nàn quá mức của làng. Nhưng từ đây, làng đã hết yên ổn nữa vì lòng dân xôn xao trước những sự việc kỳ bí mà họ tin là điềm bất tường hay lời hâm dọa gieo tai nạn của kẻ khuất mặt, trên số phận của người dân. Hai ngôi mộ nầy bị quật có hai hôm là một ngôi mộ khác bị quật nữa. Đó là mả của mẹ anh thợ mộc. Cha anh ta ngày xưa đi rừng rồi mất tích luôn, bị cọp tha hay sa xuống hố không rõ. Anh ta chôn mẹ cách đây chín năm và nấm mồ nầy thì cho đến lũ con nít cũng biết là mả của ai vì gần cái mả ấy mọc lên một cây đào lộn hột mà chúng tranh nhau hái trái, qua mùa đào, chơi giỡn nơi đó và có dịp để nói tới mả của bà nội thằng Kẹo hoài.
Như bao nhiêu lần khác, không ai lượm được mảnh xương nào, và anh thợ làm gáo cũng không héo lánh đến gò Cát khi cái tin này dội xuống tới làng. Có người tức mình quá cho anh ta là thằng con bất hiếu, đi tìm anh ta để mắng anh ba tiếng thì thấy nhà anh đã trống trơn.
Có người bỗng sực nhớ ra rằng hồi khuya, lúc gà gáy chập đầu, họ gặp cả nhà anh gồng gánh đi đâu đó không rõ, và họ nhớ hình như là nhà anh ấy lớn bé gì cũng gánh toàn một món là những cái khạp như khạp đường hạ vậy, nghĩa là có nắp bằng đất nung hẳn hòi nhưng họ gánh đi coi nhẹ hều chớ không nặng như khạp đường.
Lần này thì có kẻ dính líu trực tiếp với vụ quật mồ nên làng phải chạy tờ lên thầy cai tổng và thầy cai tổng lại phúc bẩm lên ông chủ quận.
Đọc xong tờ phúc bẩm của cai tổng, thầy ký Hội vừa toan để nó vào xấp công văn trình cho ông chủ quận khán thì bỗng sực nhớ lại điều gì. Thầy mở hộc tủ ra, bươi giấy tìm một lá đơn, so tên của người đứng đơn và tên của anh thợ mộc bỏ làng sau khi đào mồ mả ông cha, rồi châu mày.
Đơn như vầy:
“Bầm lạy Quan Lớn đặng rõ.
Nguyên tôi tên là Nguyễn văn Mun, làm nghề thợ mộc, dân đinh của làng Phú thạnh, tổng Hòa phước, quận … Cúi xin Quan Lớn mở lượng hải hà cho phép tôi lấy cốt sáu nấm mộ của ông bà và mẹ tô, để tôi mang đi theo xứ khác làm ăn. Bầm lạy Quan Lớn thương xót, vì tôi nghèo quá nên mới bỏ làng, mà tính từ lâu, không nỡ bỏ cũng vì mồ ông, mả cha còn đó, đi làm sao cho đành. Nay tôi quyết định chỉ lấy cốt những ông bà gần gần đây thôi, còn lớp trước xa quá, xin để lại làng, và tổng số mà tôi xin lấy cốt là sáu cái, cả sáu đều chôn đã lâu rồi không còn độc nữa. Cúi xin Quan Lớn nhận lời, tôi đội ơn Quan Lớn ngàn năm.
Kính đơn
Ký tên
NGUYỄN VĂN MUN Bên lề lá đơn, có viết mấy hàng chữ như sau bằng bút chì, tuồng chữ chính là chữ của thầy ký Hội:
“Nhớ bắt đương sự phải lo năm đồng mới chuyển đơn lên quan Quận”
Thầy Hội vội nhét lá đơn ấy vào túi áo để phi tang rồi tiếp tục làm việc như không hề biết bí mật của anh thợ mộc tên Mun.
No comments:
Post a Comment