Con Trai
Tác giả: Jeanne White (Mỹ) Giới thiệu & chuyển ngữ: Dũ Lan Lê Anh Dũng
Giới thiệu tác giả qua ngượi phiên dịch với một câu chuyện có thực Ở Bắc Bán cầu tháng năm là tháng cuối mùa xuân. Có nước (như Mỹ) chọn ngày chủ nhật, thứ hai trong tháng năm để tổ chức Ngày của Mẹ (Mother’s Day). Đây là dịp con cái tặng quà, bày tỏ lòng thương yêu mẹ. Câu chuyện đầu tháng năm này vì thế cũng là câu chuyện về tấm lòng một người mẹ.
Bác sĩ phát hiện Ryan White nhiễm AIDS trước Giáng sinh 1984 một tuần. Từ đó là ác mộng. Cộng đồng cư dân nơi mẹ con bà Jeanne White sinh sống hoảng sợ vì không được giáo dục về AIDS. Họ làm nhục gia đình bà, cấm con bà đi học. Bà đi kiện, vận động các cơ quan ngôn luận. Cả nước Mỹ đã chú ý tới cuộc đấu tranh của hai mẹ con để cháu được đi học. Trận đầu bà thắng kiện. Tòa buộc phải để Ryan đến trường. Nhưng dân chúng địa phương thì cứ mù quáng đến tàn nhẫn. Sự tàn ác lên đến đỉnh điểm khi một viên đạn bắn vào nhà mẹ con bà. Họ đành dọn tới thành phố Cicero, bang Indiana và được bao dung tiếp đón. Ryan đi học, đoạt bảng danh dự, thi bằng lái xe, được gặp Elton John và Michael Jackson. Jackson ngưỡng mộ lòng quả cảm của Ryan và kết thành bạn.
Chủ nhật, 8-4-1990, Ryan White qua đời, 18 tuổi, bên giường em là mẹ và Elton John. Mấy tuần sau Jeanne White nhận được hơn 60.000 lá thư. Qua đó, bà nhận thức rằng phải tiếp tục chiến đấu giành công bằng và hạnh phúc cho người bệnh AIDS.
Tháng 5-1990, hai thượng nghị sĩ Edward Kennedy và Orin Hatch mời bà tới thủ đô Washington để vận động cho một đạo luật mang tên Ryan White nhằm kêu gọi toàn nước Mỹ tài trợ cho công tác giáo dục, nghiên cứu và chữa trị khẩn cấp bệnh AIDS.
Không chỉ viết sách và diễn thuyết khắp nước Mỹ, bà còn sáng lập và làm chủ tịch Quỹ Ryan White, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm giáo dục thanh thiếu niên về những vấn đề liên quan tới HIV/AIDS. Do thiếu tài chánh, quỹ này đóng cửa vào tháng 11-1999. Tuy nhiên mẹ con bà White đã thay đổi cách nhìn của xã hội về AIDS và về những người sống chung với AIDS. Tên của Ryan được xem là lời gọi mời người bệnh AIDS hãy biết vui sống, là lời kêu nài xã hội hãy hiểu biết và cảm thông họ, là tiếng khóc mong cầu tăng cường nghiên cứu chữa trị AIDS.
Năm 1997 Jeanne White xuất bản tác phẩm Weeding Out The Tears: A Mother’s Story of Love, Loss, and Renewal (Gạt dòng nước mắt: Câu chuyện về tình yêu thương, nỗi mất mát và sự hồi phục của một người mẹ). Đoản văn sau đây trích tuyển từ tác phẩm này. Con trai tôi Đã bảy năm trôi qua từ khi con trai tôi là Ryan White ra đi. Ryan bị bệnh huyết hữu (là bệnh ưa chảy máu: hemophilia), phải truyền vào máu một yếu tố giúp đông máu (blood product) và vì thế cháu bị nhiễm AIDS.
Sự cố xảy ra trước khi mọi người thực sự biết rõ về AIDS. Cháu được xác định nhiễm bệnh năm 13 tuổi. Các bác sĩ bảo chúng tôi rằng may phúc thì cháu sống thêm sáu tháng.
Nhưng Ryan đã sống thêm sáu năm. Vào cái ngày ký một đạo luật mang tên Ryan White, Tổng thống Clinton nói rằng cháu là “đứa trẻ đã đương đầu với bệnh AIDS, đã giúp cho nước Mỹ học hỏi điều này”. Nhờ đạo luật ấy hàng trăm ngàn người Mỹ đang sống chung với HIV/AIDS được cung cấp các dịch vụ y tế, yểm trợ thuốc men, được săn sóc nằm viện và ngoại trú. Tôi biết Ryan sẽ hạnh phúc lắm khi cuộc sống, cái chết của cháu đã và đang giúp ích biết bao người khác.
Thoạt tiên, lúc mới biết Ryan mắc bệnh hiểm nghèo, tôi hoàn toàn suy sụp. Sống cảnh không chồng, đối với tôi hai đứa con là tất cả mọi thứ trên đời này, thế mà con trai đầu lòng của tôi đang chết dần mỗi ngày. Tôi không nghĩ rằng mình có thể sống nổi. Ngoài cơn ác mộng này chúng tôi còn phải đối mặt với sự thiếu hiểu biết, lòng khiếp sợ, nỗi căm ghét của xã hội đương thời đang bủa vây người bệnh AIDS. Ryan muốn đi học lại nhưng nhà trường không cho phép. Các phụ huynh khác sợ con em họ học chung lớp với Ryan sẽ bị lây nhiễm. Chúng tôi đấu tranh cho cháu được đi học và thắng cuộc, nhưng lòng thù địch và sức ép của cộng đồng xã hội trút đổ vào gia đình tôi quá sức chịu đựng. Chúng tôi quyết định dọn tới một thành phố khác.
Tại trường trung học mới của Ryan thì hoàn toàn khác hẳn. Nhà trường tổ chức các lớp dạy về AIDS và trợ giúp tư vấn để không còn bất kỳ học sinh nào mang tâm lý sợ sệt. Giáo dục cho quần chúng hiểu biết bệnh này trở thành cuộc đời và sự nghiệp của Ryan. Cháu làm người phát ngôn quốc tế, xuất hiện trên truyền hình, tạp chí, nhật báo khắp thế giới. Điều này giúp cho những gì đã xảy đến gia đình tôi trở nên có ý nghĩa và xoa dịu phần nào nỗi đau của chúng tôi.
Chúng tôi học cách sống chung với AIDS. Với AIDS, ta không bao giờ biết một triệu chứng là xoàng hay nghiêm trọng. Người bệnh yếu mệt rồi khỏe hơn, và mới khỏe chưa mấy chốc thì lại yếu mệt.
Hầu như lúc nào tâm trạng Ryan cũng bình ổn. Ngay cả lúc phải vào bệnh viện, cháu thường mỉm cười với mẹ. Tuy nhiên, đôi khi cháu quá yếu hay quá bận học nên không làm nổi một việc gì đó (như dự một buổi hòa nhạc đặc biệt, gặp một nhân vật, đi tới một địa điểm lý thú...) thì cháu tỏ ra bực dọc, khó chịu. Lúc ấy nếu tôi có rầy rà thì cháu hối lỗi và lập tức xin lỗi bằng cách viết cho mẹ mấy chữ.
Một hôm Ryan nắm bàn tay tôi mà đu đưa, vung vẩy.
“Ryan à, khi con có cử chỉ dễ thương thế này ắt hẳn con đang muốn chuyện gì phải không?”.
“Con có muốn chi đâu. Con trai không nắm tay mẹ được sao?”.
“Thôi mà con, hãy nói cho mẹ biết...”.
“Thật đấy mẹ. Con muốn cám ơn mẹ vì tất cả những gì mẹ làm cho con, nâng đỡ con như bấy lâu nay”.
Trên đời này không bao giờ có ai xóa nhòa được trong tôi những lời cháu nói. Không bao giờ có ai xóa nhòa được trong tôi cảm xúc của một người làm mẹ vào giây phút ấy.
Tôi nhớ có lần ai đó hỏi: “Jeanne à, làm sao chị sống nổi qua từng ngày khi biết rằng con mình sắp chết?”.
Tôi đáp: “Mẹ con chúng tôi không nghĩ tới cái chết. Chúng tôi chẳng có thời gian nghĩ tới nó. Nếu bạn để cho ý nghĩ đó len lỏi vào đời bạn, nó sẽ gặm nát bạn. Bạn phải tiếp tục sống, tận dụng từng ngày từng giờ đời mình”.
Cuối cùng cũng tới lúc thân xác Ryan không còn sức gắng gượng. Khi cháu hấp hối, hẳn là nhân viên bệnh viện cho rằng tôi hóa rồ hóa dại. Cháu hôn mê, còn tôi nửa tỉnh nửa điên cứ gọi mãi tên cháu, trò chuyện với cháu trong lúc cháu chìm sâu vào giấc ngủ. Có lẽ cháu hết còn nghe được gì nhưng chúng tôi cứ mở nhạc cho cháu. Cháu không còn nhìn thấy gì nhưng chúng tôi vẫn mang hình ảnh vào phòng cháu treo, dán, phô bày la liệt. Gia đình tôi không muốn đầu hàng.
Tuy nhiên, trong khi đứng nhìn hình hài mỏng manh bé nhỏ của Ryan, tôi biết rằng chẳng còn ai làm được gì hơn cho cháu. Trước lúc chìm vào vô ý thức, cháu nói với tôi:
“Mẹ ơi, nếu mẹ nghĩ rằng còn có chút cơ hội, mẹ hãy giành lấy nó”. Và chúng tôi đã làm thế. Cho tới phút cuối cùng, gia đình tôi đã tìm đủ mọi cách còn có thể làm được.
Tôi áp người kề sát vào cháu và thì thầm: “Xong rồi con ơi, con có thể ra đi”.
Cháu qua đời. Các bác sĩ cứu cháu hồi sinh vài phút, rồi cháu lại tắt hơi. Tôi biết rất rõ là hết còn cơ hội nào nữa. Chúng tôi bại trận. Đó là khoảnh khắc buồn đau khôn tả đối với tôi và những người trong gia đình.
Một bạn thân khuyên: “Nếu muốn, chị có thể bảo người ta ngừng lại. Tùy vào chị đó, Jeanne à”.
Tôi trao đổi với ông bà ngoại cháu và em gái cháu là Andrea. Sau đó tôi nói với các bác sĩ: “Xin thôi đi”.
Bác sĩ Marty Kleiman là người đã chăm sóc Ryan từ buổi đầu tiên, đã giúp cháu sống sót thêm sáu năm trong lúc các bác sĩ khác tiên đoán cháu chỉ sống nổi sáu tháng. Ông bước ra ngoài thông báo con trai tôi đã đi thanh thản trong giấc ngủ, không đau đớn.
Ánh sáng đã tắt.
Sau này công việc chăm sóc vườn tược là liệu pháp cho tôi. Trong ánh sáng tinh khôi đầu ngày, mọi cỏ cây hoa trái đều tươi tắn, ẩm ướt và những giọt sương mai bám trên cành lá long lanh như châu ngọc. Thiên nhiên giúp tâm hồn tôi khuây khỏa. Dường như mỗi cọng cỏ dại nhổ lên là một chút sầu bi mà tôi đang tập bỏ sang một bên, là một giọt nước mắt mà tôi gạt đi để cho vui sống được đâm tược trỗ mầm.
Tôi thấy lại gương mặt bạn bè tôi đã mất, thấy lại gương mặt con trai tôi trong lòng những đóa hoa. Những đóa hoa ấy mỹ miều trong buổi sớm mai, nở ra như những miệng cười và bừng sáng niềm hy vọng.
Bác sĩ phát hiện Ryan White nhiễm AIDS trước Giáng sinh 1984 một tuần. Từ đó là ác mộng. Cộng đồng cư dân nơi mẹ con bà Jeanne White sinh sống hoảng sợ vì không được giáo dục về AIDS. Họ làm nhục gia đình bà, cấm con bà đi học. Bà đi kiện, vận động các cơ quan ngôn luận. Cả nước Mỹ đã chú ý tới cuộc đấu tranh của hai mẹ con để cháu được đi học. Trận đầu bà thắng kiện. Tòa buộc phải để Ryan đến trường. Nhưng dân chúng địa phương thì cứ mù quáng đến tàn nhẫn. Sự tàn ác lên đến đỉnh điểm khi một viên đạn bắn vào nhà mẹ con bà. Họ đành dọn tới thành phố Cicero, bang Indiana và được bao dung tiếp đón. Ryan đi học, đoạt bảng danh dự, thi bằng lái xe, được gặp Elton John và Michael Jackson. Jackson ngưỡng mộ lòng quả cảm của Ryan và kết thành bạn.
Chủ nhật, 8-4-1990, Ryan White qua đời, 18 tuổi, bên giường em là mẹ và Elton John. Mấy tuần sau Jeanne White nhận được hơn 60.000 lá thư. Qua đó, bà nhận thức rằng phải tiếp tục chiến đấu giành công bằng và hạnh phúc cho người bệnh AIDS.
Tháng 5-1990, hai thượng nghị sĩ Edward Kennedy và Orin Hatch mời bà tới thủ đô Washington để vận động cho một đạo luật mang tên Ryan White nhằm kêu gọi toàn nước Mỹ tài trợ cho công tác giáo dục, nghiên cứu và chữa trị khẩn cấp bệnh AIDS.
Không chỉ viết sách và diễn thuyết khắp nước Mỹ, bà còn sáng lập và làm chủ tịch Quỹ Ryan White, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm giáo dục thanh thiếu niên về những vấn đề liên quan tới HIV/AIDS. Do thiếu tài chánh, quỹ này đóng cửa vào tháng 11-1999. Tuy nhiên mẹ con bà White đã thay đổi cách nhìn của xã hội về AIDS và về những người sống chung với AIDS. Tên của Ryan được xem là lời gọi mời người bệnh AIDS hãy biết vui sống, là lời kêu nài xã hội hãy hiểu biết và cảm thông họ, là tiếng khóc mong cầu tăng cường nghiên cứu chữa trị AIDS.
Năm 1997 Jeanne White xuất bản tác phẩm Weeding Out The Tears: A Mother’s Story of Love, Loss, and Renewal (Gạt dòng nước mắt: Câu chuyện về tình yêu thương, nỗi mất mát và sự hồi phục của một người mẹ). Đoản văn sau đây trích tuyển từ tác phẩm này. Con trai tôi Đã bảy năm trôi qua từ khi con trai tôi là Ryan White ra đi. Ryan bị bệnh huyết hữu (là bệnh ưa chảy máu: hemophilia), phải truyền vào máu một yếu tố giúp đông máu (blood product) và vì thế cháu bị nhiễm AIDS.
Sự cố xảy ra trước khi mọi người thực sự biết rõ về AIDS. Cháu được xác định nhiễm bệnh năm 13 tuổi. Các bác sĩ bảo chúng tôi rằng may phúc thì cháu sống thêm sáu tháng.
Nhưng Ryan đã sống thêm sáu năm. Vào cái ngày ký một đạo luật mang tên Ryan White, Tổng thống Clinton nói rằng cháu là “đứa trẻ đã đương đầu với bệnh AIDS, đã giúp cho nước Mỹ học hỏi điều này”. Nhờ đạo luật ấy hàng trăm ngàn người Mỹ đang sống chung với HIV/AIDS được cung cấp các dịch vụ y tế, yểm trợ thuốc men, được săn sóc nằm viện và ngoại trú. Tôi biết Ryan sẽ hạnh phúc lắm khi cuộc sống, cái chết của cháu đã và đang giúp ích biết bao người khác.
Thoạt tiên, lúc mới biết Ryan mắc bệnh hiểm nghèo, tôi hoàn toàn suy sụp. Sống cảnh không chồng, đối với tôi hai đứa con là tất cả mọi thứ trên đời này, thế mà con trai đầu lòng của tôi đang chết dần mỗi ngày. Tôi không nghĩ rằng mình có thể sống nổi. Ngoài cơn ác mộng này chúng tôi còn phải đối mặt với sự thiếu hiểu biết, lòng khiếp sợ, nỗi căm ghét của xã hội đương thời đang bủa vây người bệnh AIDS. Ryan muốn đi học lại nhưng nhà trường không cho phép. Các phụ huynh khác sợ con em họ học chung lớp với Ryan sẽ bị lây nhiễm. Chúng tôi đấu tranh cho cháu được đi học và thắng cuộc, nhưng lòng thù địch và sức ép của cộng đồng xã hội trút đổ vào gia đình tôi quá sức chịu đựng. Chúng tôi quyết định dọn tới một thành phố khác.
Tại trường trung học mới của Ryan thì hoàn toàn khác hẳn. Nhà trường tổ chức các lớp dạy về AIDS và trợ giúp tư vấn để không còn bất kỳ học sinh nào mang tâm lý sợ sệt. Giáo dục cho quần chúng hiểu biết bệnh này trở thành cuộc đời và sự nghiệp của Ryan. Cháu làm người phát ngôn quốc tế, xuất hiện trên truyền hình, tạp chí, nhật báo khắp thế giới. Điều này giúp cho những gì đã xảy đến gia đình tôi trở nên có ý nghĩa và xoa dịu phần nào nỗi đau của chúng tôi.
Chúng tôi học cách sống chung với AIDS. Với AIDS, ta không bao giờ biết một triệu chứng là xoàng hay nghiêm trọng. Người bệnh yếu mệt rồi khỏe hơn, và mới khỏe chưa mấy chốc thì lại yếu mệt.
Hầu như lúc nào tâm trạng Ryan cũng bình ổn. Ngay cả lúc phải vào bệnh viện, cháu thường mỉm cười với mẹ. Tuy nhiên, đôi khi cháu quá yếu hay quá bận học nên không làm nổi một việc gì đó (như dự một buổi hòa nhạc đặc biệt, gặp một nhân vật, đi tới một địa điểm lý thú...) thì cháu tỏ ra bực dọc, khó chịu. Lúc ấy nếu tôi có rầy rà thì cháu hối lỗi và lập tức xin lỗi bằng cách viết cho mẹ mấy chữ.
Một hôm Ryan nắm bàn tay tôi mà đu đưa, vung vẩy.
“Ryan à, khi con có cử chỉ dễ thương thế này ắt hẳn con đang muốn chuyện gì phải không?”.
“Con có muốn chi đâu. Con trai không nắm tay mẹ được sao?”.
“Thôi mà con, hãy nói cho mẹ biết...”.
“Thật đấy mẹ. Con muốn cám ơn mẹ vì tất cả những gì mẹ làm cho con, nâng đỡ con như bấy lâu nay”.
Trên đời này không bao giờ có ai xóa nhòa được trong tôi những lời cháu nói. Không bao giờ có ai xóa nhòa được trong tôi cảm xúc của một người làm mẹ vào giây phút ấy.
Tôi nhớ có lần ai đó hỏi: “Jeanne à, làm sao chị sống nổi qua từng ngày khi biết rằng con mình sắp chết?”.
Tôi đáp: “Mẹ con chúng tôi không nghĩ tới cái chết. Chúng tôi chẳng có thời gian nghĩ tới nó. Nếu bạn để cho ý nghĩ đó len lỏi vào đời bạn, nó sẽ gặm nát bạn. Bạn phải tiếp tục sống, tận dụng từng ngày từng giờ đời mình”.
Cuối cùng cũng tới lúc thân xác Ryan không còn sức gắng gượng. Khi cháu hấp hối, hẳn là nhân viên bệnh viện cho rằng tôi hóa rồ hóa dại. Cháu hôn mê, còn tôi nửa tỉnh nửa điên cứ gọi mãi tên cháu, trò chuyện với cháu trong lúc cháu chìm sâu vào giấc ngủ. Có lẽ cháu hết còn nghe được gì nhưng chúng tôi cứ mở nhạc cho cháu. Cháu không còn nhìn thấy gì nhưng chúng tôi vẫn mang hình ảnh vào phòng cháu treo, dán, phô bày la liệt. Gia đình tôi không muốn đầu hàng.
Tuy nhiên, trong khi đứng nhìn hình hài mỏng manh bé nhỏ của Ryan, tôi biết rằng chẳng còn ai làm được gì hơn cho cháu. Trước lúc chìm vào vô ý thức, cháu nói với tôi:
“Mẹ ơi, nếu mẹ nghĩ rằng còn có chút cơ hội, mẹ hãy giành lấy nó”. Và chúng tôi đã làm thế. Cho tới phút cuối cùng, gia đình tôi đã tìm đủ mọi cách còn có thể làm được.
Tôi áp người kề sát vào cháu và thì thầm: “Xong rồi con ơi, con có thể ra đi”.
Cháu qua đời. Các bác sĩ cứu cháu hồi sinh vài phút, rồi cháu lại tắt hơi. Tôi biết rất rõ là hết còn cơ hội nào nữa. Chúng tôi bại trận. Đó là khoảnh khắc buồn đau khôn tả đối với tôi và những người trong gia đình.
Một bạn thân khuyên: “Nếu muốn, chị có thể bảo người ta ngừng lại. Tùy vào chị đó, Jeanne à”.
Tôi trao đổi với ông bà ngoại cháu và em gái cháu là Andrea. Sau đó tôi nói với các bác sĩ: “Xin thôi đi”.
Bác sĩ Marty Kleiman là người đã chăm sóc Ryan từ buổi đầu tiên, đã giúp cháu sống sót thêm sáu năm trong lúc các bác sĩ khác tiên đoán cháu chỉ sống nổi sáu tháng. Ông bước ra ngoài thông báo con trai tôi đã đi thanh thản trong giấc ngủ, không đau đớn.
Ánh sáng đã tắt.
Sau này công việc chăm sóc vườn tược là liệu pháp cho tôi. Trong ánh sáng tinh khôi đầu ngày, mọi cỏ cây hoa trái đều tươi tắn, ẩm ướt và những giọt sương mai bám trên cành lá long lanh như châu ngọc. Thiên nhiên giúp tâm hồn tôi khuây khỏa. Dường như mỗi cọng cỏ dại nhổ lên là một chút sầu bi mà tôi đang tập bỏ sang một bên, là một giọt nước mắt mà tôi gạt đi để cho vui sống được đâm tược trỗ mầm.
Tôi thấy lại gương mặt bạn bè tôi đã mất, thấy lại gương mặt con trai tôi trong lòng những đóa hoa. Những đóa hoa ấy mỹ miều trong buổi sớm mai, nở ra như những miệng cười và bừng sáng niềm hy vọng.
No comments:
Post a Comment