XEM HÁT LÚC XẢ GIÀN
Tác giả: Hà Thị Hạnh
Tôi rất thích nhạc tiền chiến, nhất là những bài như: Con thuyền không bến, Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong, Nắng chiều của Lê Trọng Nguyên, Làng tôi của Trung Quân, Thiên thai của Văn Cao. Nhưng có một bài hát đi vào tuổi thơ của tôi và ảnh hưởng đến cuộc đời của tôi nhiều nhất là bài Sơn nữ ca của nhạc sĩ Trần Hoàn. Những ca từ réo rắc lòng người “Sơn nữ ơi đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây…. Sơn nữ ơi …” đã đưa một cô bé mắt lé, thò lò mũi xanh, chân tay như que sậy hay mặc quần xà lỏn ở một làng quê nghèo hẻo lánh như tôi có những ước mơ bay xa …
Quê tôi nghèo lắm, nhưng có tố chất của một vùng quê đẹp, có những ngôi đình, chùa cổ, có con sông xanh xanh in bóng mây trời, có những lũy tre che kín đường làng, có dãy núi mờ mờ xa xa; chiều chiều boong boong tiếng chuông chùa và ngân nga tiếng chuông nhà thờ rung. Dãy phố tôi ở chỉ có vài chục căn nhà ngói cũ kỹ, còn hầu hết là nhà tranh lụp sụp quanh năm với ngọn đèn dầu leo lét. Những đêm trăng sáng có lẽ là đêm vui nhất của bọn trẻ chúng tôi và sự an nhàn của người lớn. Cả xóm trãi chiếu ra sân (vừa có trăng vừa mát vừa khỏi tốn tiền mua dầu đốt), trẻ con sau khi chơi đùa chán chê, sà vào lòng mẹ nghe kể chuyện đời xưa, nghe kể chuyện quê mẹ ở tận vùng quê xa lắc xa lơ bên sông Đuống, sông Cầu, mỗi khi nước lũ về trắng cả đồng... Vùng tôi hầu hết là người Bắc ở những làng quê nghèo, đi “cao su” vào những năm 1925 – 1930. Cuộc sống nơi đây êm đềm, nhưng buồn như những đêm tối không trăng. Những đêm tối ấy tôi hay nhìn lũy tre đen thấp thoáng che khuất vầng trăng lưỡi liềm và nghĩ, đời buồn biết bao nếu chỉ khép mình sau lũy tre làng, đêm đêm nghe tiếng dế mèn nỉ non.
Nhưng chỉ có một sự kiện làm khấy động lên cuộc sống lặng lờ như mặt nước ao làng là mỗi khi có gánh hát về làng. Gánh hát về làng! Cái tin ấy truyền đi rất nhanh. Bọn trẻ chúng tôi háo hức cơm nước, tắm rửa sạch sẽ từ chiều (mọi lần người lớn gào la, xách roi mới chịu đi tắm), khi chiếc xe ngựa chở mấy tấm panô quảng cáo bằng vải sơn hình loè loẹt giới thiệu vở tuồng diễn, cùng tiếng nhạc ngưa leng keng và tiếng trống thùng thùng, thì bọn trẻ chúng tôi ùa ra xem và chạy theo sau xe ngựa hò hét đùa giỡn.
Khu chợ mọi lần chưa đến năm giờ chiều đã vắng tanh vắng ngắt, giờ đây là nơi hội tụ của bọn trẻ con tò mò tọc mạch của chúng tôi. Ở làng chưa có rạp hát nên mỗi lần có gánh hát về làng là diễn trong nhà lồng chợ, diễn viên thì ngủ la ngủ lết trên những sạp trống. Chưa đến năm giờ chiều là người ta đã dựng rạp, treo màn, che kín hai bên hông nhà lồng chợ, rồi trống nổi lên thùng thùng. Tối một chút là đèn hột vịt thắp sáng tràn cả ngoài đường đến tận lối vào cổng soát vé, với đủ các mẹt thức ăn chơi: nào là chuối nướng với nước cốt dừa, nào là bắp nướng trét mỡ hành, mía ghim, đậu phộng rang, hột vịt lộn, đến những xe khô mực, cá đuối nướng thơm lừng.
Cả phố chợ rộn lên như ngày hội, người có tiền thì quần áo lánh coón, í a í ới gọi tên nhau. Thanh niên thì sức bi-dăng-tin bóng mượt lượn lờ quanh những cô gái tóc xức dầu dừa bóng láng có mùi hăng hăng, đang đếm đếm mấy đồng bạc phẳng phiu mới toanh để chút nữa mua vé. Còn bọn trẻ con không tiền như chúng tôi thì há hốc, thèm thuồng nhìn những mẹt thức ăn đang bày bán, lâu lâu ực nước miếng một cái rồi quay chỗ khác, hoặc rình rình lúc vắng mấy ông bảo vệ là vạch màn chui tọt ra phía sau, hai tay chéo sau đít, xem diễn viên tô son, thoa phấn, đánh má hồng. Khi gần tới giờ bán vé, hai ông bảo vệ mập ú đen thùi đi một vòng kiểm tra và xách cổ chúng tôi đuổi ra ngoài.
Tuổi thơ của tôi chưa một lần nào có tiền đi coi hát, nhưng thèm coi hát vô cùng. Mặc cho đòn roi, la lối, cứ tối đến là tôi trốn ra đứng chầu rìa với mấy đứa bạn nghèo như tôi. Hễ thấy có người lớn đi một mình, là sáp vào nắm tay (để được nhận là người nhà dẫn theo), nhưng lần nào cũng bị quẩy tay ra từ chối, họa hoằn lắm mới có người tốt bụng cho nắm áo theo, nhưng bị ông soát vé tống cổ ra, vì họ nhẵn mặt với đám trẻ láu tôm láu cá, đá cá lăn dưa này. Vậy là cửa chính không đi được rồi, thèm thuồng tiếc rẻ và trong lòng nôn nao khi nghe mấy tiếng cộp cộp mở màn đêm diễn. Nhưng trẻ con vẫn là trẻ con, bọn tôi rủ nhau đi vòng ra sau, phân công đứa thì canh chừng bảo vệ, đứa thì dỡ tấm bố cho đưa kia chui vào. Nhưng lần nào cũng bị mấy cái đá vào mông của bảo vệ (đã rình chúng tôi từ bao giờ) thôi hết cách rối, chỉ còn ngồi kê tai sát vào tấm màn quây rạp mà nghe kèn trống cho đỡ ghiền. Mấy đứa bạn lẻn vào không được bỏ về ngủ, còn tôi thì kiên trì chờ..., chờ cho đến lúc vãn tuồng hát thì người ta... xả giàn (ý nói là mở cửa ra hết cho khán giả ra về, hết tuồng rồi mà). Ai vô thì vô, ai ra thì ra. Tôi chỉ chờ có thế nhảy chen vào liền. Đêm nào cũng vậy, tôi coi hát lúc xả giàn. Nhưng bao giờ cũng vậy, để kết thúc đêm hát là có một màn phóng dao găm. Một cô gái đậm phấn son ăn mặc diêm dúa đứng sát vào phông vẽ cảnh rừng, để cho một chàng trai cũng ăn mặc sặc sỡ phóng dao găm chung quanh đầu mình. Và đặc biệt, bài nhạc đệm là bài Sơn nữ ca. Lần đầu tiên xem hát lúc xả giàn, bài Sơn nữ ca làm tôi xao động biết dường nào. Từng lời, từng lời đệm theo tiếng nhạc như đưa tôi vào một thế giới mênh mông kỳ ảo, một cuộc sống phiêu bồng giữa núi rừng ngập ánh trăng... Sơn nữ ca đã đến tôi trong hoàn cảnh đó, và Sơn nữ ca đã chắp cánh cho những ước mơ của đời tôi – của một đứa con nít ốm nhom, đen thui đen thít hớt tóc bombê, mắt lé, răng bự như tấm thớt ở một vùng quê nghèo hẻo lánh.
No comments:
Post a Comment