Wednesday, November 30, 2016
Chuyện ngắn - Hãy buộc một dải ruy băng lên cây sồi già
Hãy buộc một dải ruy băng lên cây sồi già
Vào năm 1971, trên một chuyến xe buýt một nhóm sinh viên làm quen với một cựu tù đang trên đường trở về nhà sau khi mãn hạn. Và câu chuyện bắt đầu bằng một lá thư được gửi về cho người vợ trước khi anh ta hết hạn, trong lá thư đó chỉ có mỗi một câu "Anh sắp hết hạn, anh sắp tự do, nếu em còn muốn gặp anh, hãy buộc một dải ruy băng màu vàng trên cây sồi trước nhà...", chuyến xe càng gần điểm đến, càng thấy anh ta bồn chồn lo lắng và anh ta không đủ ca đảm nhìn ra ngoài cửa sổ vì "nếu anh không thấy dải ruy băng vàng, mọi chuyện sẽ kết thúc"...
o O o
Nước Mỹ. Năm 1971. Tại một tỉnh vùng núi xa xôi, trong một thị trấn nhỏ vô danh có một chàng trai bị kết án tù. Cảnh sát đã chứng minh được rằng anh ta phạm tội và ba năm là khoảng thời gian vừa đủ để sửa chữa lại lỗi lầm. Nhưng Mary, người vợ chưa cưới của chàng trai lại không tin điều đó. Ngày mở phiên toà, mặc cho chàng trai không ngừng quay lại phía sau tìm kiếm thì cô vẫn vắng mặt.
Trước khi lên chiếc xe dành cho tù nhân, chàng trai nhờ chuyển cho Mary một lá thư rồi đi ngay. Anh không kịp nhìn thấy cô đang đứng khuất sau, vừa khóc vừa nắm chặt tờ giấy với những dòng ngắn ngủi:
"Anh biết anh không xứng đáng với tình yêu của em. Anh cũng không còn hi vọng em còn yêu anh sau những chuyện này. Nhưng nếu em tha thứ cho anh, hãy buộc một dải ruy băng màu vàng lên cây sồi già duy nhất ở quảng trường thị trấn vào ngày anh trở về. Và nếu không nhìn thấy dải ruy băng, anh sẽ ra đi mãi mãi và không bao giờ quấy rầy em nữa".
Trong suốt ba năm ngồi tù, dù cho chàng trai mong mỏi Mary đến đâu thì cô vẫn bặt tin. Năm đầu tiên, anh tự nhủ có lẽ cô chưa quen được với ý nghĩ chồng sắp cưới của mình là một kẻ phạm tội. Năm thứ hai, chàng trai nhờ người hỏi han tin tức và chỉ nghe phong phanh là cô đã đi xa, xa lắm và chẳng biết bao giờ mới quay trở lại. Đến những ngày tháng cuối cùng trong tù, anh đã không còn nghĩ đến dải ruy băng màu vàng nữa, nhớ về người con gái anh yêu lại càng không. Đến ngày ra tù, anh quyết định sẽ lên xe bus đi thẳng ra thành phố chứ không qua quảng trường thị trấn như đã hẹn.
Một chuyến... hai chuyến xe đã dừng lại rồi chạy tiếp mà chàng trai vẫn không bước lên. Mãi tới khi chuyến cuối cùng chạy qua, anh mới lầm lủi đi bộ tới quảng trường. Lý trí bảo anh đi theo hướng ngược lại nhưng tình yêu vẫn bắt anh bước về phía trước.
Và, chiều hôm đó, hàng trăm người dân có mặt tại quảng trường đã ngạc nhiên khi thấy một chàng trai bật khóc nức nở dưới tán sồi vàng rực bởi hàng trăm dải ruy băng...
Những chuyện ngụ ngôn hay
Ly và nước
Ly nói: "Tôi cô quạnh quá, tôi cần Nước, cho tôi chút nước nào!"
Chủ hỏi: "Được, cho ngươi nước rồi, ngươi sẽ không cô quạnh nữa phải không?"
Ly đáp: "Chắc vậy!"
Chủ đem Nước đến, rót vào trong Ly.
Nước rất nóng, Ly cảm thấy toàn thân mềm nhũn, rụng rời, tưởng như sắp tan chảy đến nơi. Ly nghĩ, đây chắc là sức mạnh của tình yêu.
Một lát Nước chỉ còn âm ấm, Ly cảm thấy dễ chịu vô cùng. Ly nghĩ, đây chính là mùi vị của cuộc sống.
Nước nguội đi, Ly bắt đầu sợ hãi, sợ hãi điều gì chính Ly cũng không biết. Ly nghĩ, đây chính là tư vị của sự mất mát.
Nước lạnh ngắt, Ly tuyệt vọng. Ly nghĩ, đây chính là 'an bài' của duyên phận.
Ly kêu lên: "Chủ nhân, mau đổ nước ra đi, tôi không cần nữa!"
Chủ không có đấy. Ly cảm thấy nghẹt thở. Nước đáng ghét, lạnh lẽo quá chừng, ở mãi trong lòng, thật là khó chịu.
Ly dùng sức lay thật mạnh. Ly chao mình, Nước rốt cục cũng phải chảy ra. Ly chưa kịp vui mừng, thì đã ngã nhào xuống đất.
Ly vỡ tan. Trước lúc chết, Ly nhìn thấy, mỗi mảnh của Ly, đều có đọng vết Nước. Lúc đó Ly mới biết, Ly yêu Nước, Ly thật sự rất yêu Nước. Nhưng mà, Ly không có cách nào để đưa Nước, nguyên vẹn, trở vào trong lòng được nữa.
Ly bật khóc, lệ hoà vào với Nước. Ly đang cố dùng chút sức lực cuối cùng, yêu Nước thêm lần nữa.
Chủ về. Ông ta nhặt những mảnh vỡ, một mảnh cứa vào ngón tay, làm bật máu ra.
Ly cười, tình yêu, rốt cục là cái gì, lẽ nào phải trải qua đớn đau mới biết trân trọng?
Ly cười, tình yêu, rốt cục là cái gì, lẽ nào phải mất hết tất cả, không còn cách gì vãn hồi nữa mới chịu buông xuôi?
(Sưu tầm).
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Một Khả Bả
(Bích Nham Lục)
Một khả bả, hay một ba tỷ nghĩa là không thể nắm bắt được, không có chỗ để nắm bắt. Thiền sư Sum Điền Ngộ Do ( Morita Goyu 1834 - 1915), bậc anh kiệt của Thiền môn thời Cận Đại, là đấng cao đức đã từng làm Quán Thủ của Vĩnh Bình Tự trong vòng 25 năm, thường ngày khi người ta hỏi gì ông cũng chỉ trả lời mấy tiếng "một khả bả" mà thôi. Việc này trở nên nổi tiếng, nên tương truyền người ta đã khổ tâm tìm biết bao cách làm cho Thiền Sư trả lời kiểu khác, nhưng kết cuộc cũng chỉ câu trả lời trên thôi.
Có một hôm nọ, Y Đằng Bác Văn ( 1841 - 1909 ), nhà chính trị gia có công lao lớn với chính phủ Minh Trị Duy Tân, thông qua sự giới thiệu của Tiến Sĩ Văn Học Tỉnh Thượng Triết Thứ Lang ( Inoue Tetsujiro, 1855 - 1944 ), đến viếng thăm Thiền Sư. Trong khi cả ba người đang ngồi nói chuyện chơi qua lại, Y Đằng bèn kể cho mọi người nghe chuyện bản thân ông trước thời Minh Trị Duy Tân đã thỉnh thoảng có mấy lần suýt chút nữa rơi vào tử địa, rồi nói rằng:
- Nghe người ta bảo trong Thiền Tông có câu " đứng trên đầu ngọn sanh tử mà vẫn được đại tự tại", tôi đây cũng thoát qua dưới lưỡi dao rồi. Dưới con mắt Thiền tăng như quý vị thì nghĩ như thế nào ?
Có nghĩa ông ta muốn nói rằng xưa nay với hình thức Thiền vấn đáp mà ngồi trên tấm bồ đoàn như các Thiền tăng như vậy thật ra chẳng ích lợi gì cả, Đang chú tâm lắng nghe câu chuyện của Y Đằng, khi ấy con mắt của Thiền Sư bổng sáng quắt lên. Ông buông liền một câu rằng:
- Người nào cũng vậy, cứ đem chuyện quá khứ của mình mà nói, thật không ra gì!
- Quả xin thua ngài ! Y Đằng cúi đầu bái phục đáp.
Đây là câu chuyện về "một khả bả" căn cứ trên diệu dụng vô tâm của vị Thiền Sư.
Sưu tầm - Chợ nổi Sóc Trăng
Chợ nổi Sóc Trăng
Chợ nổi Ngã Năm
Nằm tại thị trấn Ngã Năm huyện Thanh Trị (Sóc Trăng), chợ nổi Ngã Năm là giao điểm của năm con sông đi năm ngả: Cà Mau lên, Vĩnh Quới vào, Long Mỹ, Thanh Trị qua, Phụng Hiệp xuống. Ðây là một trong những chợ nổi có từ lâu và nhộn nhịp nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ghe tàu từ các nơi đến đây để mua bán, trao đổi đủ loại hàng hoá. Vào những ngày giáp tết Nguyên Ðán, cảnh chợ càng nhộn nhịp, náo nhiệt hơn.
Tờ mờ sáng sớm, chợ nổi Ngã Năm đã hoạt động, khu vực trung tâm của chợ nổi Ngã Năm, có đến hàng trăm ghe, tàu đủ loại đậu san sát nhau. Ðứng trên bờ nhìn xuống, chợ nổi lung linh với đủ loại màu sắc của ánh đèn. Hàng hoá ở chợ nổi Ngã Năm hầu như không thiếu món gì. Nếu như khu vực dưới sông chủ lực là thực phẩm tươi sống, lúa gạo, trái cây... thì khu vực trên bờ các cửa hàng cũng đầy ắp tivi, đầu video, tủ lạnh, máy giặt...
Ðến nay chợ nổi Ngã Năm vẫn giữ được nét sinh hoạt đặc trưng văn hoá của chợ nổi khu vực đồng bằng Nam Bộ. Nhiều chủ ghe hàng cho biết: Chợ nổi Ngã Năm có phần sung túc hơn các chợ nổi khác. Tuy nhiên, do hệ thống đường bộ từ Phú Lộc về chưa hoàn thành, nên lượng du khách đến với chợ nổi Ngã Năm còn bị hạn chế. Khi hệ thống đường giao thông trên bộ ở Sóc Trăng hoàn chỉnh thì chợ nổi Ngã Năm sẽ chở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Chuyện cười trong ngày
Bác sĩ bình tĩnh
Một bà đang bối rối xúc động gọi điện thoại cho bác sĩ của mình. Bà ta kêu lên:
- Mời ông đến tôi ngay! Cháu trai bốn tuổi của tôi vừa nuốt chửng chiếc bút máy!
Bác sĩ tỏ ra bình tĩnh, nói:
- Thưa bà, tôi sẽ lại đó càng sớm càng hay. Nhưng ở chỗ tôi đang có nhiều người bệnh và bà không thể gặp tôi trong vòng ba hay bốn tiếng nữa!
Người đàn bà lập lại:
- Ba bốn tiếng nữa! Thế thì trong lúc chờ đợi tôi sẽ làm gì hả ông?
Bác sĩ nói:
- Tôi e rằng bà sẽ phải dùng một cái bút chì!
Một bà đang bối rối xúc động gọi điện thoại cho bác sĩ của mình. Bà ta kêu lên:
- Mời ông đến tôi ngay! Cháu trai bốn tuổi của tôi vừa nuốt chửng chiếc bút máy!
Bác sĩ tỏ ra bình tĩnh, nói:
- Thưa bà, tôi sẽ lại đó càng sớm càng hay. Nhưng ở chỗ tôi đang có nhiều người bệnh và bà không thể gặp tôi trong vòng ba hay bốn tiếng nữa!
Người đàn bà lập lại:
- Ba bốn tiếng nữa! Thế thì trong lúc chờ đợi tôi sẽ làm gì hả ông?
Bác sĩ nói:
- Tôi e rằng bà sẽ phải dùng một cái bút chì!
Tuesday, November 29, 2016
Chuyện ngắn - Con vẹt A-ra
Con vẹt A-ra
Trưởng phòng Ni-rép đã có đủ mọi thứ. Trong nhà có lẽ chỉ còn thiếu mỗi con vẹt. Ni-rep ước ao có thứ của lạ đó để có thể khoe với mọi người, và được thấy trong ánh mắt của mọi người một sự khâm phục pha chút ghen tị. Cứ nhắm mắt lại là hình dung ra cảnh tượng: sau khi từ cơ quan về, mệt mỏi vì những hội nghị hay các cuộc họp quan trọng, Ni-rep buông mình xuống chiếc ghế bành rất sâu và êm, tha hồ ngắm nghía con vẹt. Con chim nhập khẩu nhiều màu sắc đó kính cẩn nhìn chủ và cất tiếng chào lạ tai: "ca-răm-ba" hay "măm-ba" gì đó. Nhất là khi có khách khứa đến chơi, con vẹt lặp lại những điều suy nghĩ của chủ nó, khiến mọi người đều phải vỗ tay khen cả chủ nhà lẫn con vẹt.
Cuối cùng, không thể nhịn được nữa, Ni-rep đành trích một khoản tiền, sai người lái xe của mình đi kiếm khắp cửa hàng bán chim muông. Và sau những cú điện thoại tác động của đích thân Ni-rep cho các giám đốc cửa hàng trên, anh lái xe đã mua được con vẹt đẹp nhất.
Thế là con chim tuyệt vời có bộ lông óng ánh xanh vàng đỏ đã đứng trước chiếc lồng xinh xắn, lặng yên nhìn người chủ mới. Ni-rep ngắm nghía con vẹt và hỏi người lái xe:
- Thế nào, vẹt thật tốt đấy chứ?
- Báo cáo thủ trưởng, loại tốt nhất đấy ạ - Anh lái xe nhanh nhẩu đáp - Tôi đã xem trong lý lịch chào hàng thấy nói loại vẹt này vui tính và biết suy nghĩ ạ!
- Sao? Biết suy nghĩ à? Mà lại hay bông phèng nữa! - Ni-ep cau mày nhìn con vẹt vẻ nghi ngại - Anh nói đúng đấy chứ?
- Báo cáo, hoàn toàn đúng ạ!
- Hừm! Thôi được.
Một vài ngày sau, Ni-rep bực bội bảo lái xe đi mời người chuyên gia nuôi chim giỏi nhất của cửa hàng đến nhà. Người này xem xét con vẹt rất lâu, mở mỏ chim ngắm kỹ, thổi phù phù vào bộ lông, và hỏi tỉ mỉ cách cho ăn uống ở nhà như thế nào. Cuối cùng, anh ta nhún vai hỏi:
- Tôi không hiểu tại sao ông phải gọi tôi đến? Theo tôi thì con chim này hoàn toàn bình thường.
- Hoàn toàn bình thường là như thế nào? - Ni-rep nói - Con chim này không biết làm việc.
- Sao lại không làm việc? Thế ông còn định bắt nó dọn buồng hay rửa bát nữa sao? - Người chuyên gia nuôi chim hỏi có vẻ diễu cợt.
- Tôi yêu cầu nghiêm chỉnh - Ni-rep cau mày - Nhà tôi có người phục vụ dọn buồng và rửa bát rồi. Tôi cần con vẹt này để nó lặp lại những điều tôi nói và tôi suy nghĩ thành tiếng. Thế mà nó lại câm tịt.
- Thế thì anh chọn nhầm rồi! Giống vẹt A-ra này là chim cảnh, đắt tiền vì có bộ lông cánh đẹp, nhưng lại không phải là loài chim nói được.
- Sao lại không nói được? Thế thì nó phải học tập! - Ni-rep nói cao giọng gần như quát - Thế này thì tôi không thể chịu được. Tôi không cho phép ai dưới quyền tôi được bướng bỉnh lì lợm như thế...
- Thưa ông, tôi sợ rằng con vẹt này sẽ không nhắc lại những điều ông nói đâu. Trước hết, bởi vì nó không thuộc biên chế của cơ quan ông. Vả lại trong cơ quan ông, chắc chả thiếu gì người sẵn sàng làm cái việc ấy rồi...
Truyện châm biếm Bungary
Những chuyện ngụ ngôn hay
Những vòng tròn
Nhớ hồi tôi chừng 7 tuổi, ông nội dẫn tôi đến bên hồ cá trong trang trại rồi bảo tôi thử ném một viên đá xuống nước. Sau đó ông bảo tôi quan sát những vòng tròn trên mặt nước bởi chính viên đá vừa ném. Rồi ông bảo tôi: "Cháu hãy thử hình dung mình như viên đá kia. Trong đời, cháu cũng có thể tạo ra rất nhiều vòng tròn xao động và chúng sẽ ảnh hưởng đến sự an bình của tất cả những người xung quanh."
Và rồi ông tiếp tục: "Hãy luôn nhớ rằng cháu là người chịu trách nhiệm về những gì cháu đã đặt vào trong vòng tròn của chính mình và vòng tròn đó cũng sẽ lan toả và chạm vào rất nhiều vòng tròn khác. Vì vậy hãy sống sao cho những điều tốt đẹp mà vòng tròn của cháu tạo nên được gửi đi như những thông điệp của hòa bình và nhân ái đến khắp mọi người. Ngược lại, những xao động sinh ra từ sự giận dữ hoặc ganh tị chắc chắn sẽ lan tỏa và ảnh hưởng đến những vòng tròn khác. Do đó, cháu cần phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với tất cả những điều trên".
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra rằng sự an bình nội tại hay sự bất an trong mỗi con người đều chảy ra thế giới này. Vì thế sẽ không thể tạo lập một thế giới hòa bình khi chúng ta đang còn bị vướng bận bởi những xung đột nội tại, hận thù, hồ nghi hay giận dữ bên trong dẫu cho những xúc cảm hay ý nghĩ đó có được nói ra hay không.
Mọi khuấy động xung quanh những vòng tròn diễn ra trong mỗi chúng ta đều tràn ra thế giới rộng lớn này, hoặc để tô vẽ thêm vẻ đẹp cho cuộc sống, hoặc cản trở, phá vỡ những vòng tròn khác.
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Bóng trúc quét sân bụi không động,
Trăng Xuyên đáy hồ nước chẳng tỳ.
(Hòe An Quốc Ngữ)
Bóng lá trúc lay động theo gió thổi quét qua sân đi nữa thì chẳng có hạt bụi nào động cả, và ánh trăng có chiếu xuyên đến tận đáy hồ đi nữa trong nước cũng không lưu lại dấu vết nào. Cũng vậy, hành vi vô tâm của bậc Thiền giả thì cũng chẳng để lại vết tích gì cả.
Có hai Thiền tăng đang đi trên con đường quê khi trời mới vừa tạnh. Đó là Nguyên Thản Sơn (Hara Tanzan, 1819 - 1892), Thiền sư kiệt xuất thời Cận Đại, và Hòa Thượng Cửu Ngã Hoàn Khê (Kuga Kankei 1813-1884). Hai người đang trên đường đi hành cước qua tháng ngày. Đi được một đoạn, con đường dẫn đến một dòng sông nhỏ. Nơi ấy có chiếc cầu bằng gỗ bắc ngang, nhưng đã mục nát không thể nào đi qua được. Hơn nữa, vì mấy ngày mưa liên tiếp, nên nước đục chảy về ồ ạt. Thoạt nhìn thấy có cô thôn nữ đang đi qua giữa sông rồi đứng khựng lại. Khi ấy, Thản Sơn mang cả đôi dép cỏ bước xuống sông, xăm xăm đến gần cô gái và cất tiếng gọi rằng:
- Dường như cô bị kẹt gì sao? Để tôi đưa cô qua cho!
Cô gái thẹn đỏ mặt, vừa bẽn lẽn vừa để cho Thản Sơn cõng đưa qua sông.
Sau khi qua sông, cả hai vị tăng chia tay với cô thôn nữ, mỗi người đi một hướng. Tuy nhiên, vì sự việc Thản Sơn mang người nữ trẻ tuổi kia qua sông, nên tâm tư của Hoàn Khê vẫn không tài nào yên được. Cuối cùng do vì chịu không được nên Hoàn Khê lên tiếng trách móc Thản Sơn rằng:
- Nầy, Hòa Thượng Thản Sơn, đã là người xuất gia sao ông lại cõng người nữ kia qua sông chứ?
Thản Sơn cười ha hả đáp:
- Sao hả? Thế ông còn mang cô gái đó theo hay sao? Tôi đã bỏ cô ta lại đằng kia rồi mà!
Sưu Tầm - Những ngôi chùa trên thế giới
Chùa Baphuon - Cambodia
Minh Tý sưu tầm và dịch thuật
SIEM REP, CAMBODIA- 40 năm trước đây, một toán khảo cổ người Pháp đã khẳng định rằng cách tốt nhất để giữ lại ngôi chùa Baphuon là phá hủy nó đi.
Họ bắt đầu tháo gỡ từng tảng đá một của ngôi chùa đã bị đổ vỡ này, lưu giữ hồ sơ ghi chú một cách chi tiết những điều họ làm, và dự trù sẽ xây dựng lại ngôi chùa bằng những vật liệu đã được tháo gỡ ra với cách kiến trúc vững chắc hơn.
Rồi chiến tranh đến. Ngay khi cộng sản Khmer Đỏ tràn tới, những kiến trúc sư xây cất đã phải chạy trốn khỏi ngôi chùa vào năm 1972. Biết bao nhiêu biến loạn đã xảy ra sau đó, và tất cả những bản hồ sơ lưu trữ được viết bằng tay đã bị tiêu hủy.
Năm 1995, những chuyên viên này đã trở lại ngôi chùa này. Ngôi chùa và công trình của họ chỉ còn là 300,000 tảng đá nặng nề nằm rải rác giữa những tảng cây-- đây là một "Bài đố ráp hình" tiếng Anh gọi là “Puzzle” khó nhất thế giới.
Một bài đố không chìa khoá, nhưng có lời giải quyết. Từng tảng đá được đặt xuống, từng lớp đá được xắp xếp ngay hàng, và rồi thì ngôi chùa Baphuon đang được xây dựng lại một lần nữa như một trong những ngôi đền cao vút của xứ Angkor.
Khi ngôi chùa này được xây cất ở thế kỷ thứ 11, lối kiến trúc "Five-tiered sandston pyramid" đã làm cho ngôi chùa nổi tiếng, một ngôi chùa có lối kiến trúc tuyệt đẹp nhất của thời đó--"Thực là một cảnh ngoạn mục vô cùng ngạc nhiên." Zhou Daguan, một nhà du lịch người Tàu của thế kỷ thứ 13 đã phê bình như vậy.
Giống như những ngôi chùa khác ở Angkor, Baphuon đã trở thành hoang phế và bị che lấn bởi rừng già sau khi vua "Great empire" xuống ngôi cách đây 500 năm, và đó cũng chỉ là thế kỷ đầu tiên của những nhà khảo cổ Pháp bắt đầu tìm hiểu và trùng tu ngôi chùa này.
Với một công trình xây cất thô sơ trên cát và một hệ thống thoát nước không đúng tiêu chuẩn, Baphuon đã bị xê dịch và xụp đổ xuống từng phần một. Giống như những chùa ở những vùng chung quanh đó , như là Bayon, Angkor Wat và những chỗ khác, chùa Baphuon không được an toàn để tu sửa lại.
Chỉ có một lời giải quyết: đó là ráp đúng lại, một phương thức tháo ráp cũng giống như người thợ máy hăng say với sự tháo ráp máy xe hơi hàng ngày của anh ta. Và công việc đã bắt đầu xúc tiến vào năm 1960.
Một nửa của ngôi chùa đã đổ vỡ thành từng mảnh nhỏ khi ngôi chùa bị bỏ hoang, những mảnh đá này đã trải ra trên 25 mẫu đất giống như hình thể của một đống giấy "tài liệu mất" sau khi được may cắt vụn thải ra.
Ông Pascal royere nói: "Bây giờ chúng ta có câu đố, nhưng chúng ta thiếu tấm bản đồ chỉ đường." Pascal Royere là trưởng toán của nhóm kiến trúc gồm 200 người làm việc cho Ecole Francaise d'Extreme-Orient, một trung tâm văn hoá với sự hỗ trợ tài chánh của chính phủ Pháp.
"Thật là điên khùng, cái ngôi chùa này, kiến trúc thật kỳ lạ và rắc rối," Philippe Peycam nói, vị Giám đốc điều hành của trung tâm nghiên cứu Khmer tại Siem Reap. "Xây dựng lại ngôi chùa này là cả một vấn đề."
Chỉ có một sự giải quyết.
Toán công trình của Pháp đương đầu với nhiều thử thách khác nhau gồm có xây dựng lại một tượng Phật nằm đã được xây dựng thêm vào chùa ở thế kỷ thứ 16 và tượng này đã được đúc thêm xi măng để làm cho chắc thêm vào năm 1960. Và bây giờ tượng này đã bị xem rất là lôi thôi.
Nhưng những phần cấu trúc nhỏ của ngôi chùa, tự nó cũng là sự thử thách hấp dẫn nhất cho công trình xây dựng này.
Sự bào mòn do phơi bày hàng thế kỷ dưới ánh mặt trời, mặt trăng và sự phát triển của rừng rậm đã làm những vết mẻ xứt trước đây của những tảng đá được mài trơn láng; hình dáng mỗi tảng đá đều trở thành khác nhau. Không có vôi hồ xử dụng trong việc xây cất mà mỗi tảng đá được đặt để chính xác giữa những tảng đá bên cạnh, ở trên và ở dưới nó.
"Một chỗ cho một tảng đá; một tảng đá cho một chỗ," Ông Royere nói "Đó là luật xây cất của ngôi chùa." Cũng như bất cứ "bài đố gắn hình" nào, không thể gắn một hình gần giống vào vị trí của cái hình đó được."
"Qúi vị sẽ cười lớn, nhưng nếu qúi vị chỉ sai 10 mi-li met ở đây, đi xa hơn 20 thước nữa, tất cả đều sai hết," Royere nói. "Điều này xảy ra thường xuyên, nhưng khi nó xảy ra, qúi vị sẽ nhận ra ngay. Đó là điều khó khăn và cũng là sự bảo đảm để không cho phép chúng ta làm sai. Chúng ta có thể nói một cách khôi hài: "ngôi chùa tự sửa sai lấy."
Từng phần của sự biến dạng thường xuyên của ngôi chùa, việc trùng tu sẽ hướng theo ba điểm sau đây:
Jacques Dmarcay, kiến trúc sư Pháp đã đóng góp trong chương trình tu sửa Baphuon vào năm 1960, đã về hưu nhưng vẫn có thể đóng góp cho công trình với một vài hình ảnh về ngôi chùa mà ông còn nhớ rất rõ.
Điều hướng dẫn thứ hai là: Ở một địa điểm tại thành phố Pari có lưu giữ khoảng 1,000 tấm hình mà người Pháp đã chụp ngôi chùa này trong nhiều năm trước. Yếu tố qúi giá của những tấm hình này nó có thể chỉ được những phần của ngôi chùa đã xụp đổ trước khi ngôi chùa được tháo gỡ, và điều này sẽ giúp những người làm việc cho công trình khỏi tốn thì giờ tìm kiếm những tảng đá bị thất lạc.
Điều thứ ba là phần còn lại của một nửa ngôi chùa Baphuon đã được tháo gỡ sau khi một nửa thứ nhất của ngôi đền đã được xây cất lại.
Qua sự nghiên cứu phần của một nửa thứ nhì, nhóm kiến trúc của ông Royere đã tạo dựng ra một bản vẽ thiết kế theo thứ tự của những viên đá với hàng lối và cột dùng xây cất của ngôi chùa.
Lúc khởi đầu họ có ý định xử dụng máy điện toán để phác hoạ hình dáng và vẽ mô hình ngôi chùa sẽ được xây dựng lại. Nhưng với những dữ kiện của các tảng đá đã bị hao mòn, máy điện toán không giúp được nhiều.
"Cuối cùng chúng tôi trở về với phương pháp đơn giản hơn, đó là những việc pháp họa các mô hình bằng tay." Ông ta nói. Nói một cách khác hơn, đó là việc xử dụng trí nhớ."
Có vào khoảng 500 hình thể khác nhau, ông Royere nói, nhưng ngay lúc này chúng ta chưa suy nghĩ đến nhiều loại hình vẽ. Một toán chỉ cần biết hình dạng chính xác của những tảng đá đang tìm kiếm. “Những người trong chúng tôi có thể đi mục soát cả ngày” ông nói.
Vào khoảng 70% của những tảng đá đã được nhận diện, và ông Royere nói ông rất là tin tưởng sẽ không có tảng đá nào bị thất lạc.
Và rồi thì, cũng như những “bài đố gắn hình” tiếng Anh gọi là “puzzle”. một vài phần nhỏ của bức tranh cũng được gắn cho hợp nghĩa một cách vừa vặn, và những miếng gỗ đá được sơn vẽ những hi`nh ảnh như những ngôi chùa tí hon đang đợi thời điểm để được ráp vào vị trí của nó.
“Đây không phải là một công trình kỹ thuật cao,” ông Royere đã nói. “Đó chỉ là vấn đề của chú tâm vào điều mình đang làm , và đừng bao giờ ngủ gục.
Chuyện cười trong ngày
Nghe cũng có lý
Một con chuột và một con voi cùng đi qua chiếc cầu ọp ẹp. Chuột lên tiếng:
- Anh thấy không, chiếc cầu này đang run lên bần bật dưới sức nặng của “chúng ta” đấy!
Một con chuột và một con voi cùng đi qua chiếc cầu ọp ẹp. Chuột lên tiếng:
- Anh thấy không, chiếc cầu này đang run lên bần bật dưới sức nặng của “chúng ta” đấy!
Monday, November 28, 2016
Chuyện ngắn - Đầu bếp có bằng cấp
Đầu bếp có bằng cấp
Tấn Xuyên
Dạo bước trên phố, tự nhiên cảm thấy bụng đói thì vừa lúc tôi bước gần đến một nhà hàng đặc sản. Một năm trước, tôi đã có dịp thưởng thức tại đây món gà tần hạt sen thơm tho béo ngậy, cho đến nay vẫn không thể nào quên.
Trong nhà hàng vắng lặng, cô bán vé mặt lạnh như tiền ngồi trong quầy ngáp vặt. Mua vé xong, tôi ngồi đợi nửa giờ, rồi nửa giờ nữa, đến nửa giờ thứ ba thì được bưng ra món gà tần hạt sen mà tôi mong đợi. Bụng đói cồn cào, tôi hăng hái cầm đũa, định bụng ăn một bữa ra trò, nào ngờ vừa gắp miếng thịt gà đầu tiên vào miệng đã muốn nhè ra vì có mùi hắc khó nuốt. Vận dụng đức tính kiên trì, tôi cố nghiến răng nhai đúng ba phút mà không tài nào nghiền đứt miếng thịt.
Tôi bê nguyên cả bát gà tần tức giận đi xuống nhà bếp thì thấy một chàng trai mặc áo choàng trắng đang ngồi chăm chú đọc tiểu thuyết. Tôi đặt bát gà tần trước mặt cậu ta, hỏi:
- Đầu bếp đâu?
Cậu ta ngước mắt trả lời lạnh lùng:
- Tôi đây.
- Món gà này không thể ăn được. Cậu thử nếm xem, nước thì nhạt, thịt thì dai không tài nào nhai được.
Cậu ta ngạc nhiên nói:
- Quái lạ nhỉ, tôi theo đúng lý luận pha chế trong sách dạy, này nhé: 3 lạng thịt gà, nửa lạng hạt sen, 5 gam muối bọt, 2 muỗng cà phê nước tương, ngoài ra còn thêm gia vị như ớt bột, mì chính, rượu Thiệu Hưng, đường, hạt tiêu....
Tôi cắt lời:
- Mặc kệ cậu, dù sao thì thịt gà vẫn chưa nhừ.
- Không thể thế được, dù sao tôi cũng đã tốt nghiệp đại học ăn uống, có bằng cấp hẳn hoi.
Tôi chỉ còn biết thở dài, nhưng cố gặng hỏi:
- Những đầu bếp khác đâu?
- Đều đi đốt lò, rửa bát cả rồi. Giờ đây là thời đại khoa học kỹ thuật, không có bằng cấp thì không thể làm đầu bếp. Khi bình xét chức danh, Công ty ăn uống chúng tôi có 126 đầu bếp không có bằng cấp, đều cho nghỉ việc hết.
Bụng đói cồn cào, tôi bước nhanh ra khỏi nhà hàng, vừa đi vừa lo cậu đầu bếp trẻ có bằng cấp nhận ra tôi vì người khách đang khiển trách cậu chính là ông Phó chủ tịch Hội đồng xác định chức danh!
Những chuyện ngụ ngôn hay
Chim Sơn Ca
Bụi trường xuân vừa ra hoa, Sơn Ca lập tức đoán ra ngay cái nguy cơ rình rập loài có lông vũ. Tập hợp các loài chim lại, nó lên tiếng thuyết phục chúng:
- Tốt hơn hết là nên hạ cây sồi có bụi trường xuân mọc trên đó. Nếu không làm nổi việc đó thì nên bay đến gặp loài người để cầu xin họ đừng dùng bụi trường xuân để săn chim.
Nhưng các lồi chim không nghe lời và chế nhạo nó. Sơn Ca liền bay đi để gặp loài người để xin điều đó. Nhờ sự khôn lanh của nó, loài người đã chịu để nó sống bên cạnh mình. Chính vì thế các loài chim khác đều bị loài người bắt ăn thịt, chỉ riêng có loài Sơn Ca xin được nương náu bên cạnh loài người là không bị đụng đến, được loài người cho phép xây tổ bình yên trong nhà của họ.
Truyện ngụ ngôn này cho thấy ai có khả năng nhìn thấy trước sự việc thì dễ dàng tránh khỏi những cảnh hiểm nghèo.
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Huệ Huyền nơi đây không sanh tử.
(Chánh Pháp Sơn Lục Tổ Truyện)
Có vị trăng đến hỏi Hòa Thượng Quan Sơn rằng:
- Con đến đây cũng chỉ muốn được giải quyết vấn đề sanh tử việc lớn ( Sanh Tử Đại Sự).
Khi ấy Hòa Thượng thét lên tiếng thật to và nói rằng:
- Huệ Huyền ta nơi đây không có sanh tử.
Tương truyền Đại Đăng Quốc Sư, thầy của Quan Sơn, xưa kia đã từng nhập bọn với nhóm người đi khất thực nơi Cầu Ngũ Điều, và sống cuộc đời bôn phóng trong mấy năm trường sau khi đại ngộ. Một chân của ông bị tật, nên không thể ngồi theo thế kiết già được. Đến khi lâm chung, ông bảo với chân mình rằng:
- Từ lâu nay ta đã khổ công nghe lời ngươi rồi, nay ngươi hãy nghe theo lời ta.
Nói xong, ông đưa tay bẻ gãy chân mình, ngồi kiết già mà thoát hóa.
Một hôm nọ, nhân dịp chuẩn bị lên đường đi hành cước phương xa, Quan Sơn cho gọi Thọ Ông lên bảo rằng:
- Ta nay đi hành cước.
Cả hai người đi đến nơi có cái giếng tên Phong Thủy Tuyền, cùng nghỉ chân dưới một gốc cây đại thụ. Khi ấy Quan Sơn vội vã ban lời giáo huấn để lại cho Thọ Ông rằng:
- Nơi ta đây không có sanh tử.
Nói xong ông đứng sừng sững như vậy mà thị tịch. Đây cũng là hình thức lâm chung của hai đời cha truyền con nối mà Quan Sơn còn giữ lại.
Điển Hay Tích Lạ - Mao Toại tự tiến
Mao Toại tự tiến
Có nghĩa là Mao Toại tự tiến cử mình. Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Sử ký - Bình Nguyên Quân liệt truyện".
Năm 251 công nguyên, thủ đô Hàm Đan nước Triệu bị quân Tần bao vây. Vua Triệu vội vàng cử Thừa tướng Bình Nguyên Quân sang du thuyết nước Sở cùng hợp sức đánh trả quân Tần. Bình Nguyên Quân phụng chỉ liền nhanh chóng tuyển chọn 20 người có tài năng đi theo, nhưng qua sàng lọc chỉ được 19 người, còn thiếu một mà chẳng tìm được người nào xứng đáng cả. Bấy giờ, có một người tên Mao Toại đến gặp Bình Nguyên Quân và nói rằng: "Xin ngài để tôi đi theo cho đủ số".
Bình Nguyên Quân không quen biết Mao Toại, cũng chưa nghe ai nói về người này nên không dám nhận lời. Mao Toại thấy vậy mạnh dạn nói: "Nếu như ngài sớm để ý thì tôi đã trở thành chiếc dùi nhọn trong bọc vải đâm thủng ra ngoài từ lâu rồi. Nay ngài hãy thử bỏ tôi vào trong bọc có được không?". Bình Nguyên Quân nghe vậy bèn nhận lời để Mao Toại cùng đi .
Khi đoàn người đến nước Sở, vua Sở kiên quyết tỏ ý không muốn hợp sức với nước Triệu, Mao Toại thấy Bình Nguyên Quân đang không biết đối đáp ra sao liền bước ra toan mở miệng, thì bị vua Sở quát tháo đuổi ra ngoài. Mao Toại tức giận cầm kiếm sấn đến gần vua Sở quát lên rằng: "Tôi hiện đứng gần đại vương chỉ trong gang tấc, tính mạng của đại vương đang nằm trong tay tôi, dù nước Sở có mạnh đến mấy cũng không thể cứu được đại vương".
Vua Sở sợ khiếp vía, Mao Toại bèn hạ thấp giọng phân tích rõ mối lợi hại của việc hai nước hợp sức, lời lẽ rất sắc bén khiến vua Sở cuối cùng phải nhận lời .
Hiên nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ "Mao Toại tự tiến" để ví với hiện tượng tự mình tiến cử mình đi làm một công việc nào đó.
Chuyện cười trong ngày
Truyện ngắn hay
Một nhà văn kiêm nhà báo người Séc tên là Durát Rasa đang làm việc ở một tờ báo thì nhận được bản thảo của một tác giả không quen biết. Cuối bản thảo, tác giả viết:
"Tôi cam đoan là truyện ngắn này chưa đăng ở đâu cả".
Durát Rasa đọc bản thảo xong rồi ghi tiếp vào sau dòng trên:
"Tôi cũng cam đoan rằng, nó sẽ không bao giờ được đăng ở đâu cả".
Một nhà văn kiêm nhà báo người Séc tên là Durát Rasa đang làm việc ở một tờ báo thì nhận được bản thảo của một tác giả không quen biết. Cuối bản thảo, tác giả viết:
"Tôi cam đoan là truyện ngắn này chưa đăng ở đâu cả".
Durát Rasa đọc bản thảo xong rồi ghi tiếp vào sau dòng trên:
"Tôi cũng cam đoan rằng, nó sẽ không bao giờ được đăng ở đâu cả".
Sunday, November 27, 2016
Chuyện ngắn - Tội đồ bất đắc dĩ
Tội đồ bất đắc dĩ
Aziz Nesin
Chiếc ô tô buýt chật ních người. Nhưng giữa đám người chen chúc ấy vẫn nổi bật lên một vị khách mà thoáng trông cũng biết ngay là đi nhầm xe. Chỗ của ông ta lẽ ra là trong xe cấp cứu mới phải. Vì tay trái ông ta bị buộc treo lên vai bằng một dây vải trắng, đầu thì băng bó chằng chịt, một mắt thì sưng húp lên, còn mắt kia thì thâm tím khắp xung quanh. Một tay bám lấy thanh vịn, ông khách vừa cố xoay xở tìm cách đứng cho thuận tiện, vừa rên rỉ luôn miệng. Thấy vậy, một hành khách đang ngồi tỏ ý thương hại, đứng dậy nhường chỗ cho ông ta.
- Cám ơn ông! - Ông khách mình đầy thương tích rên rỉ nói.
- Ủa! Bác Xenman đấy à? Thế mà tôi không nhận ra! - người khách vừa đứng dậy nhường chỗ kêu lên - Bác bị làm sao thế này? Ðứa nào đánh bác hay sao mà mặt mày thâm tím hết cả lên thế kia?
- Bác Xaraphettin đấy à? Chào bác! Chà, bác hỏi làm gì cho tôi thêm buồn... Cái thân hình tôi nó thế này đã hai tháng nay rồi...
- Rõ khổ! Thế nhưng bác làm sao vậy?
- Lạy Chúa! Xin người thương xót con! Con hoàn toàn kiệt sức mất rồi...
- Thế các đốc-tờ bảo thế nào ạ? Bác bị bệnh gì vậy?
- Ôi dào! Ðốc-tờ mà làm quái gì! Ðốc-tờ cũng chả chữa được bệnh của tôi... Lạy thánh Ala! Sao người lại bắt con chịu cái cực hình như thế này! Mà lại không bắt các kẻ thù của con phải chịu!... Ôi, khắp người tôi đau như dần, đến chân tay cũng không cử động nổi nữa!
- Nhưng dù sao bác cũng phải đi bệnh viện cho đốc-tờ họ khám xem thế nào chứ!
- Bệnh viện gì! Ðến nhà thương điên thì có! Chẳng giấu gì bác, tôi bị mắc một cái bệnh truyền nhiễm!...
Nghe nói thế, Xaraphettin bỗng lùi hẳn người lại.
- Chết! Thế sao bác còn đi ra phố làm gì?
- Chao ôi! Nói thì dễ đấy, nhưng nào có ngồi nhà được cho cam! Tôi bị lây cái bệnh thằng con tôi mất rồi...
- Thế cậu nhà cũng bị ạ?
- Nó còn bị nặng bằng mấy tôi ấy chứ! Bệnh của nó đã thành mãn tính rồi. Tôi bây giờ cũng vậy. Có mỗi cái trường phổ thông mà nó không làm sao tốt nghiệp được! Năm lớp 9 đã bị đúp rồi, lên lớp 10 cũng lại thế nốt! Mà cũng chỉ tại cái trò bóng bánh chết tiệt! Ðã bao nhiêu lần tôi lạy van nó, bảo: "Mày quăng ngay cái trò bóng bánh khốn nạn ấy đi cho tao!" Nhưng nó lại trả lời tôi: "Con không quăng được!". Nó tự huỷ hoại cái thân xác nó thật là ghê gớm. Ðến nỗi tôi với mẹ nó không còn dám nghĩ đến chuyện mong cho nó học giỏi nữa, mà chỉ lo làm sao cứu vãn lấy tính mạng của nó mà thôi! Mỗi lần đi đá bóng về trông nó cứ như vừa đi đánh giặc vậy! Ðội ơn thánh Ala! Bây giờ nó đã bị gãy chân trái rồi, nên không đá bóng được nữa. Thấy nó bị gãy chân, tôi sung sướng quá, vì không thế thì thể nào có ngày nó cũng bị người ta đánh chết. Ôi, xin Chúa hãy tha thứ cho chúng con! Tôi và mẹ nó thường bảo: "Thôi cho nó gãy chân cũng được! Chỉ cốt sao nó thoát khỏi cái bệnh truyền nhiễm ấy mà còn sống là may rồi!" Nhưng từ khi bị gãy chân, nó lại quay sang mê xem đá bóng quá thể! Hôm nào có đá bóng thì có trời mà giữ được nó ở nhà! Ðá ở đâu nó cũng mò đi xem cho bằng được. Ðá ở Ăngcara là nó nhảy đi Ăngcara, đá ở Iđơmia là nó tếch đi Iđơmia! Nhưng cái chuyện nó cứ đi đi về về như con thoi ấy cũng chưa hẳn là nhục! Nhục nhất là mỗi lần đi về trông nó lại phờ phạc không còn ra hồn người nữa! Chân đứng không vững, giọng thì khản đặc lại! Có đến hàng bao nhiêu lần tôi bảo nó, là đừng có la hét như điên ấy cho nó khản tiếng ra. Nhưng nó bảo tôi: "Bố chỉ được cái ngồi nhà mà nói! Bố cứ thử ra sân mà không la hét xem nào!"... Có hôm nó đi xem về thế nào mà đầu vỡ toác ra, còn hôm khác thì mũi bị giập nát và mắt thì sưng húp lên. Giá bảo nó còn đá bóng như hồi xưa mà bị như thế thì khả dĩ còn hiểu được, chứ đằng này nó chỉ xem người ta đá thôi cơ mà!... Nhưng nó lại cãi: "Ai đi xem mà chẳng phải đánh nhau! Bố cứ thử ra đấy mà ngồi im xem nào!" Có lần chúng tôi phải đến bốt cảnh sát để nhận nó về. Những người đi xem đá bóng đánh nhau dữ quá, cảnh sát phải giải tất cả về bốt. Có đến hai lần chúng tôi phải khiêng nó từ xe cấp cứu xuống!
"Trời ơi! Sao con không thương xót lấy cái thân con một chút, mà lại đi huỷ hoại nó thế hở con?", tôi nói với nó như vậy. Nhưng nó bảo rằng tuy cũng biết thế, nhưng nó không làm thế nào được! Nghe nó trả lời như vậy mà tôi thấy điên tiết! Tôi bèn bảo nó: "Thôi được! Hôm nào mày dẫn tao đi với mày để tao xem cái trò bóng bánh của mày nó như thế nào?"
Và thế là tôi đi với nó đến sân vận động Mitkhatpasa. Trận đấu bắt đầu. Lẽ cố nhiên, lúc bắt đầu tôi chưa cổ vũ cho đội nào cả. Ðội nào thắng hay thua đối với tôi cũng thế cả thôi. Tôi cứ ngồi quan sát khán giả và cười một mình. Bất ngờ, có một quả sút vào lưới y như một mũi tên. Cú sút thật là tuyệt vời! Chính mắt tôi được nhìn thấy! Nhưng lão trọng tài ăn gian không cho tính điểm. Tôi tức không chịu được. Thấy mọi người "ê" trọng tài, tôi cũng bắt chước "ê!... ê!..." rõ to. Bỗng tôi nghe thấy có ai bảo trọng tài không cho ăn quả ấy là đúng. "Không đúng! - tôi cãi lại - Quả ấy sút rất đẹp! Nhưng trọng tài ăn gian! Ðúng là lão ta ăn đút lót rồi!" Gã kia bảo tôi: "Ðồ con lợn! Mày có biết có những cú sút như thế nào không hả?" Tôi bảo hắn rằng bố hắn là đồ con lợn thì có! Vì mới đi xem lần đầu, nên tôi đâu có biết tính tình của cái dân ham mê đá bóng. Thế là chưa kịp nói hết câu, tôi đã bị hắn thoi cho một quả bằng trời giáng, ngã quay ra đất. May mà có những người ngồi bên cạnh can được, chứ không thì tôi đã no đòn với thằng cha ấy rồi! Còn ông con tôi thấy tôi bị đánh cũng chả thèm để ý gì cả, cứ mải xem và luôn mồm kêu: "Xem kìa! Sắp tung lưới nữa đây này!"
Kể từ lúc đó, cái đội mà tôi bị ăn đòn vì nó, bỗng trở thành cái đội yêu mến của tôi. Bây giờ mỗi khi bóng đến chân các cầu thủ đội này là tôi không ngồi im được nữa. Tay tôi bắt đầu vung lên, như chuẩn bị đánh nhau vậy. Còn chân thì đá tứ tung không còn biết vào đâu nữa. Giá lúc này bóng mà rơi vào chân tôi, thì có lẽ nó phải bắn tít lên tận mặt trăng chứ chả chơi! Vung vẩy chân thế nào, tôi đá bốp một cái vào giữa lưng cái ông ngồi trước. "Ấy chết, xin lỗi bác!" Tôi vội nói, nhưng ông ta đáp lại với cái giọng của một người hiểu biết: "Không hề gì! Chuyện ấy là thường!". Một lúc sau thì chính tôi lại bị một cú đá vào lưng nảy đom đóm mắt. Bấy giờ tôi mới hiểu rằng ở trên sân vận động thì không cái gì là không thể xảy ra được!
Những cú đấm, cú đá, cú huých từ bốn phía cứ thế thỉnh thoảng lại giáng vào đầu, vào lưng. Nhưng cũng chẳng ai thèm để ý làm gì! Ấy là lúc mọi người đã ham xem quá mất rồi! Bóng ở tít tận ngoài sân cỏ, mà mình ngồi đây, cứ anh bên cạnh mà sút thật lực. Mà lạ cái lúc ấy cũng chẳng ai thấy đau cả. Sau đó... bác Xaraphettin ạ, đội của tôi lại sút tung lưới một quả nữa, nhưng thằng cha trọng tài lại không cho ăn. Lần này thì tôi không còn nhịn được nữa. "Ðuổi cổ trọng tài ra sân!" Tôi gào lên như điên, không còn biết gì đến xung quanh nữa! Chân tay tôi run cả lên. Bên cạnh tôi là một ông bán nước chanh. Tôi cứ vớ lấy những chai nước của ông ta mà ném vào lão trọng tài. May mà đó là những chai nước chanh, chứ không phải lựu đạn!... Chẳng ai còn buồn nhìn ra sân cỏ nữa, người nào cũng quay sang choảng nhau loạn xạ. Tôi túm được cổ một thằng bé và cứ thế bóp làm nó suýt nghẹt thở. Thật đúng vô tình mình có thể trở thành kẻ giết người là vì thế! Khốn nạn cho thằng bé, nó cứ gào lên, bảo rằng cũng ủng hộ cái đội của tôi. Tôi vừa buông thằng bé ra thì có một thằng cha cao lêu đêu bỗng vật ngửa tôi ra mà đè lấy đè để. Tôi kêu to gọi thằng con tôi, nhưng cái thằng giời đánh còn đang mải nện nhau với lão trọng tài ở trên sân. Tôi gọi cảnh sát, nhưng cảnh sát cũng đang choảng nhau. Cả khán giả lẫn cầu thủ cũng đang đấm đá nhau túi bụi. Thôi được, để tôi hỏi cái thằng cha đang đè lên người tôi xem hắn cổ vũ cho đội nào? Té ra hắn cũng cổ vũ cho đội của tôi! Phải khó khăn lắm tôi mới thoát khỏi đôi chân gọng kìm của hắn, vì hắn ghì tôi chặt quá, sợ để tôi thoát ra thì không tìm được ai để đánh.
Mãi một lúc sau, mọi người mới trở về trật tự, và trận đấu mới lại tiếp tục được. Ðể cổ vũ các đấu thủ, bây giờ, bắt chước mọi người, tôi cũng bắt hét to: "Hoan hô! Hoan hô!" Hét được một lúc thì giọng tôi khản đặc lại. Tôi bèn quay sang gõ vào cái hộp sắt tây của ông ngồi đằng trước. Ông này mang cái hộp đi cũng là để cổ vũ các cầu thủ. Nhưng đến khi trên sân hai cầu thủ bỗng xông vào nhau đấm đá túi bụi, thì cảnh tượng mới thật là hỗn loạn. Tôi bị một thằng cha nào đó tung bổng lên cao. Thú thật, chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể bay cao đến thế! Sau đó... sau đó thế nào thì tôi không hay biết gì nữa! Chỉ biết lúc tỉnh lại thì đã thấy mình đang nằm trong nhà thương.
- Thế là suốt từ hôm đó bác vẫn chưa bình phục được? -Xaraphettin hỏi.
- Vâng, vì đến chủ nhật sau tôi lại đến sân vận động. Chả là đội của tôi chơi mà! Làm sao mà ngồi nhà được! Nói thì dễ đấy, nhưng hôm ấy cứ thử ngồi nhà xem có được không? Có mà lấy dây thừng trói chân anh lại, thì anh vẫn cứ chuồn đi được! Ôi, sao mà người tôi đau thế này!...
Bỗng từ cánh tay băng bó của Xenman có một vật gì rơi ra.
- À, cái hộp sắt tây đấy mà! Ðể tôi gõ vào nó khi nào không thể gào được nữa - Xenman cắt nghĩa cho tôi, khi tôi nhặt chiếc hộp đưa cho bác ta.
Ô tô dừng lại, Xenman đứng dậy, rên rỉ nói:
- Thôi chào bác, bác Xaraphettin!
- Không dám, chào bác! Bây giờ bác đến khám đốc-tờ chứ?
- Ấy chết! Trận hôm nay mà bỏ thế nào được! Chà! Lạy Chúa! Chỉ mong sao cho tôi đừng đến muộn!
(Trích "Những người thích đùa")
nguồn: songdep.xitrum.net
Những chuyện ngụ ngôn hay
Câu chuyện của cây bút chì
Khi ra đời, một cây bút chì luôn thắc mắc rằng cuộc sống bên ngoài xưởng làm bút chì sẽ ra sao bởi thỉnh thoảng nó nghe những người thợ nói chuyện với nhau. Bút chì băn khoăn mãi, anh em của nó cũng không biết gì hơn. Cuối cùng, trước hôm được mang đến các cửa hàng, bút chì hỏi người thợ làm bút rằng nó và anh em nó sẽ ra sao ở bên ngoài cuộc sống rộng lớn kia.
Người thợ làm bút mỉm cười. Ông nói:
- Có năm điều cháu và các anh em của cháu nên nhớ khi bắt đầu cuộc sống. Nếu cháu nhớ và làm được thì cháu sẽ trở thành cây bút chì tốt nhất.
Thứ nhất: cháu có thể làm được những điều kì diệu nhất nếu cháu nằm trong bàn tay một người nào đó và giúp họ làm việc.
Thứ hai: cháu sẽ cảm thấy đau đớn mỗi khi bị gọt, nhưng phải như thế cháu mới tốt hơn và có thể tiếp tục cuộc sống của mình.
Thứ ba: nếu cháu viết sai một lỗi, cháu hãy nhớ để sữa lại là được.
Thứ tư: điều quan trọng nhất đối với cháu và những người dùng cháu không phải là nước sơn bên ngoài cháu, mà là những gì bên trong cháu đấy.
Và cuối cùng: trong bất cứ trường hợp nào, cháu cũng vẫn phải tiếp tục viết. Đó là cuộc sống của cháu, cho dù cháu gặp tình huống khó khăn như thế nào cũng vẫn phải viết thật rõ ràng, để lại những dấu ấn của mình.
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Vốn đã tròn thành Phật, sao quay lại làm chúng sanh mê muội?
(Chánh Pháp Sơn Lục Tổ Truyện)
Để thử sức người tu hành, Vô Tướng Đại Sư Hòa Thượng Quan Sơn ( Kanzan 1277 -1360 ), vị tổ khai sơn Diệu Tâm Tự ( Myoshin-ji), thường hay nêu ra công án rằng :
" Vốn đã tròn thành Phật, sao quay lại làm chúng sanh mê muội? "
Có vị tăng hỏi Hòa Thượng Triệu Châu rằng:
- Nơi con chó có Phật tánh hay không?
- Có, Hòa Thượng đáp.
- Nếu ngài bảo có thì cớ sao lại chung vào bao da nầy mà làm súc sanh chứ? Vị tăng kia hỏi ngược lại.
- Ấy chính vì nó biết mà cố phạm phải thôi.
Từ "biết mà cố phạm" vốn có nhiều trong tông môn lắm.
Điển Hay Tích Lạ
Lực bất tòng tâm
Ý của câu thành ngữ này là chỉ người không đủ sức làm công việc mà mình mong muốn.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Hậu Hán thư – Truyện Ban Siêu".
Thời Đông Hán, Ban Siêu theo lệnh Minh Đế dẫn mấy chục người xuất sứ Tây vực và từng nhiều lần lập công . Ban Siêu sống ở Tây vực 27 năm, khi ông mới đến Tây vực còn là tuổi tráng niên, đến nay tuổi đã cao, sức khỏe ngày một sa sút. Người già rồi chỉ mong lá rụng về cội, nên ông đã viết một bức thư bày tỏ lòng tưởng nhớ quê hương da diết của mình, sau đó sai con trai đem về nhà Hán trình lên vua Lưu Triệu. Nhưng bức thư không được nhà vua để ý tới. Sau đó, em gái Ban Siêu là Ban Chiêu lại viết một lá thư dâng lên nhà vua, trong thư trình bày rõ ý nuốn của anh mình. Trong có mấy câu: "Ban Siêu nay đã ngoài 60 tuổi, là người cao tuổi nhất trong số người cùng đi Tây vực, nay đã mái tóc bạc phơ, mắt mờ chân yếu, đi đâu cũng phải chống gậy, nếu chẳng may xảy ra bạo loạn thì Ban Siêu thật khó mà đủ sức làm theo ý muốn của mình. Như vậy không những phương hại đến công trị vì lâu dài của nhà nước, mà còn hủy hoại thành quả do các bậc trung thần trải biết bao cực nhọc mới giành được, vậy chẳng đau lòng lắm thay ".
Nhà vua rất xúc động trước lời lẽ trong thư, bèn hạ chỉ điều Ban Siêu về nước. Ban Siêu về tới Lạc Dương chưa đầy một tháng thì bệnh tình càng nặng thêm rồi qua đời, hưởng thọ 71 tuổi.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ "Lực bất tòng tâm" để ví về hiện tượng sức yếu, không thể làm được những công việc mà mình mong muốn.
Chuyện cười trong ngày
Thỏ và hươu cao cổ
Con hươu cao cổ hỏi một con thỏ:
- Thỏ này, mày có biết có cái cổ dài nó sướng thế nào không? Thật là tuy....ê...ê...ệ...t vời! Mỗi một cái lá tao ăn vào nó chạy từ từ trong cổ tao từ trên xuống dưới, ôi cái cảm giác sướng nó dài dài dài... Còn hè đến khi trời nắng đổ lửa mày có biết không? Mỗi một ngụm nước tao uống vào nó từ từ trôi trong cổ sao mà đã lâu thế. Ôi giời ơi s...ư...ơ...ơ...ớng. Chắc mày không tưởng tượng được là nó sướng đến độ nào?
Thỏ mặt tỉnh bơ:
- Thế mày đã ói bao giờ chưa?
Con hươu cao cổ hỏi một con thỏ:
- Thỏ này, mày có biết có cái cổ dài nó sướng thế nào không? Thật là tuy....ê...ê...ệ...t vời! Mỗi một cái lá tao ăn vào nó chạy từ từ trong cổ tao từ trên xuống dưới, ôi cái cảm giác sướng nó dài dài dài... Còn hè đến khi trời nắng đổ lửa mày có biết không? Mỗi một ngụm nước tao uống vào nó từ từ trôi trong cổ sao mà đã lâu thế. Ôi giời ơi s...ư...ơ...ơ...ớng. Chắc mày không tưởng tượng được là nó sướng đến độ nào?
Thỏ mặt tỉnh bơ:
- Thế mày đã ói bao giờ chưa?
Saturday, November 26, 2016
Chuyện ngắn - Thổ phỉ trong sa mạc
Thổ phỉ trong sa mạc
[Một cách nhìn đúng]
Chánh Hạnh dịch thuật
Thưở xa xưa có hai người bạn , họ đều là thương buôn . Cả hai đều sẵn sàng cho cuộc hành trình buôn bán của mình, họ quyết định cùng đi chung với nhau. Hai người thoả thuân với nhau , vì rằng mỗi người đều có 500 xe chở hàng, có cùng những tuyến đường cũng như đến cùng nơi, do vậy cuộc hành trình sẽ thật là đông đảo.
Một người suy nghĩ khởi hành trước sẽ tốt hơn. Anh ta nghĩ rằng,” Nếu ta khởi hành trước, đường đi sẽ không bị lún bởi vết xe, bò kéo xe của ta sẽ được ăn cỏ ngon, ta sẽ được ăn nhưng rau quả tươi tốt, người của ta sẽ cảm kích tài chỉ huy của ta, ta sẽ bán hàng được giá cao.”
Người kia suy nghĩ cẩn thân và anh nhân thấy sự thuân lợi nếu như khởi hành sau. Anh ta nghĩ, “ Vết xe kéo của bạn ta sẽ cán bằng con đuờng, và ta không cần phải làm gì cho con đường dễ đi, bò của bạn ta sẽ ăn hết những ngọn cỏ già nhám nhúa, và những ngọn cỏ non sẽ mọc thẳng lên cho bò của ta. Cũng vậy bạn ta sẽ ăn những rau quả già úa và ta sẽ được thưởng thức những quả ngon tươi tốt. Ta sẽ không bị phí thời gian để thương lượng giá cả khi bạn ta đã làm xong, và như vậy ta thâu nguồn lợi.
Nghĩ như vậy, anh đồng ý để bạn của mình khởi hành trước. Người bạn của anh chắc rằng mình đã lừa đựoc bạn và sẽ tóm thâu những gì tốt nhất về mình- Do vậy anh ta xuất phát trước.
Người thương buôn khởi hành trước đã gặp phải sự cố. Đoàn của anh ta đi đến vùng hoang vu có biệt danh “ Sa mac khô ”, dân địa phương báo rằng đây là nơi vảng lai của nhóm người thổ phỉ. Khi đoàn thương buôn đi đến khoảng giữa vùng sa-mạc, họ gặp một đoàn người đi ngược lại. Xe chở hàng của họ dính đầy bùn và ướt sũng. Trên tay họ và cả trên xe có những hoa sen và hoa lili nước. Người trưởng đoàn tỏ vẻ thông thạo nói với người thương buôn, “ Sao các bạn mang nước nhiều quá chi cho nặng?
Không bao lâu nữa các bạn sẽ đến một ốc đảo về phía chân trời, nơi đó có rất nhiều nước và cả những quả chà cho các bạn dùng. Những con bò đã quá mệt khi kéo những chiếc xe chứa đầy nước, hãy đổ nước ấy đi, các bạn hãy thương hại các con vật đã kéo quá sức.
Mặc dù đã được dân địa phương cảnh báo nhưng người thương buôn không nhận ra bọn thổ phỉ lưu trá hình, bọn họ rất nguy hiểm có thể đe doạ tính mạng mọi người. Tin chắc rằng đây là những người tốt bụng, người thương buôn làm theo lời khuyên của họ, đổ hết nước xuống đất.
Đoàn thương buôn tiếp tục lên đường, họ không tìm thấy ốc đảo cũng như không hề thấy nước. Một số người nhận ra mình đã bị bọn thổ phỉ lừa, họ bắt đầu cằn nhằn và kết tội người thương buôn. Đêm xuống đoàn người mệt nhoài, đàn bò kéo xe thiếu nước uống trở nên yếu sức. Người và vật nằm sóng soài và ngủ mê man. Trông lạ chưa kìa, trong bóng đêm bọn thổ phỉ xuất hiện với bộ dạng cố hữu hung tợn và nuốt chửng mọi sự chống trả yếu ớt. Khi bọn họ rút đi , chỉ còn trơ lai những bộ xương nằm rải rác đó đây. Không một ai hoăc con vật nào được sống sót.
Vài tháng sau, người thương buôn thứ hai cũng có hành trình tương tợ. Khi đi đến vùng hoang vu, anh ta tập hợp mọi người lại và khuyến cáo họ _ “ Này các bạn, nơi này được gọi là “Sa mac khô ” và là nơi thường lai vảng của bọn thổ phỉ cũng như ma quỷ. Do vậy chúng ta phải rất cẩn trọng. Vì lẽ tại đây có những cây độc và nước cũng bị nhiêm độc, các bạn không được uống bất kỳ giọt nước nào ở đây trước khi hỏi tôi.” Với sự chuẩn bị như vậy họ bắt đầu tiến vào sa mạc.
Sau khi đi sâu vào được một nửa, cũng như đoàn thương buôn thứ nhất, họ gặp bọn thổ phỉ trá hình, chúng thấm đẩm nước. Bọn họ cũng nói với đoàn thương buôn là có một ốc đảo ở gần đây và khuyên đổ hết nước đi.
Nhưng người thương buôn có trí tuệ suy nghĩ thật thấu đáo. Anh ta biết làm gì có ốc đảo ở nơi gọi là “ Sa mac khô”. Và bên cạnh đó những người này với đôi mắt lồi đỏ ngầu còn thái độ thì huênh hoang hung tợn, do vậy anh ta nghi ngờ những người này không lương thiện. Anh ta bảo bọn chúng đi đi và nói, “Chúng ta là những thương buôn, chúng ta không thể nào đổ hết nước uống trước khi chúng ta chưa biết được chúng ta sẽ đến nơi nào?
Biết được có người trong đoàn hồ nghi lưỡng lự, người thương buôn nói với họ, “Đừng tin những người này, có thể là bọn thổ phỉ, đến khi nào chúng ta tìm thấy nước”. Cái ốc đảo mà họ nói có thể là sự lừa gạt hay là một ảo tưởng, Các bạn đã từng nghe nước ở một nơi có biệt danh là “Sa mac khô”chưa? Các bạn có cảm nhận được một cơn gió có hơi hước hay một đám mây bão tại đây?” Họ đồng trả lời,” Dạ chưa” và anh nói tiếp “
Nếu chúng ta tin lời những người lạ này và đổ bỏ nước, sau đó chốc nữa đây chúng ta không còn nước để uống , để nấu_chúng ta yếu sức dần và khát, rất dễ dàng cho bọn thổ phỉ quay trở lại cướp tài sản của chúng ta, ngay cả ăn thit chúng ta! Vì thế khi nào chúng ta chưa tìm thấy nước , chúng ta không phung phí nước dù chỉ là một giọt.
Đoàn thương buôn tiếp tục lên đường, chiều tối hôm đó, họ đến nơi mà tại đây người và vật của đoàn khởi hành đầu tiên đã bị bọn thổ phỉ giết và ăn thịt. Xương trắng rải rác khắp đó đây quanh các chiếc xe. Họ nhận ra đây là dấu tích của đoàn thương buôn thứ nhất. Người thương buôn có trí tuệ bảo mọi người thay phiên nhau đứng gát cho toàn trại suốt đêm.
Sáng hôm sau mọi người dùng điểm tâm và thù lao hậu hỉ cho đàn bò. Họ nhập vào đống hàng hoá những thứ gì có giá trị còn sót lai của đoàn thứ nhất. Họ hoàn thành chuyến đi mỹ mãn, và trở về nhà an toàn, đem về cho gia đình nguồn lợi tức cao.
Bài học luân lý: Một người phải có trí tuệ để xét suy mọi việc, đừng là tên khờ dại trước những lời xảo quyệt và vẻ bề ngoài giả dối.
Những chuyện ngụ ngôn hay
Con chuột tinh khôn
Có con mèo ngồi rình những con cá béo mập trong chậu nước trước nhà mà không nghĩ ra cách bắt cá. Bỗng có con chuột mò đến trên thành chậu, ngó vào đáy nước. Quên phắt đi những con cá, Mèo chộp ngay lấy Chuột, định ăn tươi. Chuột quính quá kinh hãi kêu lên:
- Đừng vội giết tôi. Xin câu lên biếu bác con cá béo ngậy thơm ngon hơn thịt chuột nhiều.
Nghe nói đến cá, Mèo chịu buông tha, nhưng vẫn coi chừng Chuột cẩn thận. Chuột khẽ đến bên miệng chậu thò đuôi vào loáy ngoáy trong nước một hồi. Cá ngỡ là trùn, bèn cắn ngay đuôi Chuột, liền bị Chuột quẫy đuôi quăng lên bờ. Vừa lúc đó có tiếng người la:
- Chuột ăn trộm cá.
Mèo bèn chộp ngay Chuột, cắn vào cổ. Còn chủ nhà vừa bắt cá thả vào chậu, vừa lớn tiếng khen:
- Mèo nhà gỏi thật, không có nó thì Chuột đã ăn mất cả rồi!
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Lầu Đô Phủ chuyên nhìn màu ngói,
Chùa Quan Âm chỉ nghe tiếng chuông
(Hòe An Quốc Ngữ)
Một hôm Hòa Thượng Dịch Đường ( 1805 -1879 ) chuyên chú lắng nghe tiếng chuông sáng ngân vọng, rồi từ trong Thiền định đứng dậy, gọi người thị giả đến và hỏi xem ai là người đánh chuông sáng nay. Vị thị giả mới thưa đó là chú Sa Di nhỏ. Ngay khi ấy, Hòa Thượng cho gọi chú Sa Di nhỏ kia đến mà hỏi rằng:
- Sáng nay con đánh chuông với tâm trạng như thế nào?
- Dạ, Bạch Hòa Thượng, chẳng có tâm trạng gì hết, con chỉ đánh mà thôi. Chú Sa Di nhỏ đáp.
- Sao hả? Làm sao có chuyện đó được chứ?! Thế nào con cũng có nghĩ gì trong tâm chứ? Nếu không thì làm sao có tiếng chuông ngân hay vậy chứ? Hòa Thượng bảo.
- Bạch Hòa Thượng, con không nghĩ như vậy. Tuy nhiên, xưa kia thầy con có dạy rằng mỗi khi đánh chuông thì phải xem chuông như là Phật và đừng quên chú tâm mà đánh nên con luôn luôn khắc ghi lời thầy dạy, kính chuông như kính Phật và thường xuyên lễ bái chuông ạ ! Chú Sa Di nhỏ trả lời.
Hòa Thượng Dịch Đường khen thầm tâm của chú Sa Di kia và khuyên vị ấy rằng:
- Từ nay cho đến khi chết, con đừng bao giờ quên cái tâm sáng nay nhé!
Chính vị Sa Di nhỏ nầy sau là Thiền Sư Sum Điền Ngộ Do ( 1834 -1915 ) vị Quán Thủ của Vĩnh Bình Tự.
"Thấy với vô tâm, nghe với vô tâm, chính nơi ấy có Thiền. Thế thì chỉ nghe với vô tâm là như thế nào? Ấy chính là nhục nhãn tham cứu".
Đây là câu thơ do Quản Công làm khi bị lưu đày đến Đại Tể Phủ. Các bậc Thiền giả lấy hai chữ "thấy nghe" để làm ngôn từ biểu hiện cho "Thiền kỳ ma" (Thiền chỉ có ) của vô tâm.
Điển Hay Tích Lạ - Mười viên "Xuân Khiết Cao"
Mười viên "Xuân Khiết Cao"
Triệu Phi Yến và Hợp Đức là hai chị em ruột. Cả hai đều là cung phi sủng ái của vua Thành Đế nhà Hán (32-6 trước D.L.).
Ba bài "Thanh bình điệu" của Lý Bạch để ca tụng sắc đẹp lộng lẫy của Dương Quí Phi đời Đường Huyền Tông, bài thứ hai có câu nhắc đến Triệu Phi Yến:
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự?
Khả liên Phi Yến ỷ tân trang.
Phan Như Xuyên dịch:
Ướm hỏi Hán cung ai sánh kịp?
Phấn son Phi Yến cũng xin nhường.
Tuy ca tụng sắc đẹp của Dương Quí Phi, nhưng nhà thi hào tài hoa họ Lý cũng phải nhìn nhận Triệu Phi Yến là một quốc sắc thiên hương. Và, cả hai chị em khi vào hầu vua Thành Đế là bắt đầu làm đảo lộn cả cung vi. Bao nhiêu cung phi mỹ nữ, Thành Đế xem như đất bùn. Cả đến nàng Ban Tiệp Dư, trước được nhà vua sủng ái bao nhiêu thì bấy giờ ghẻ lạnh bấy nhiêu. Đến nỗi vua Thành Đế bị bịnh ... bất lực (liệt), nhưng cuối cùng lại chết đột ngột trên mình của nàng Hợp Đức giữa lúc giao hoan.
Nguyên hai nàng trước họ Phùng. Cha là Vạn Kim, vốn một kẻ lãng tử trác táng. May mắn, Kim được Cô Tô quận chúa kêu vào làm việc tại nhà riêng. Chồng của quận chúa là Triệu Man lại "bất lực", làm quận chúa buồn duyên tủi phận cho kiếp đào tơ sen ngó lỡ làng. Vì thế nên Vạn Kim được mắt xanh để ý, rồi lửa gần rơm, quận chúa có thai. Nhưng vì chồng bất lực, quận chúa không thể bảo đó là kết quả huyết thống của chồng. Để bảo tồn danh dư, quận chúa giả đau xin về nhà dưỡng bịnh, rồi sinh ra Phi Yến và Hợp Đức.
Cả hai chị em ở chung với Vạn Kim. Sau khi Kim chết, hai nàng lưu lạc đến kinh đô, đổi thành họ Triệu vào làm nữ tỳ cho Lâm A công chúa. Nhờ ở được lòng công chúa nên khi Hán Thành Đế có lịnh kén mỹ nữ vào cung, công chúa liền đề cử Phi Yến.
Trước khi vào làm nữ tỳ cho Lâm A công chúa, Phi Yến đã trải qua một cuộc sống tình ái lãng mạn. Nàng từng đi lại với một chàng trai tên Xạ Điểu Nhi. Rồi trong thời gian vào cung hầu Thành Đế, nàng lại thông dâm với tên cung nô Yến Xích Phụng, tên cận vệ Khánh An ... Nhà vua không hay biết gì cả, vẫn say sưa mê mệt trước sắc đẹp và nghệ thuật giao hoan, nên phế Hứa hậu, lập Phi Yến làm hoàng hậu. Nhưng vì không sinh con nên nàng đưa em là Hợp Đức dâng cho Thành Đế.
Không bao lâu, Thành Đế biến thành kẻ bất lực. Các thái y không tài nào chữa được. Nhưng lạ có một điều là chỉ có gần nàng Hợp Đức thì nhà vua mới thấy rạo rực hứng tình...
Có người dâng cho nhà vua một thứ thuốc tráng dương gọi là "Xuân khiết cao". Mỗi tối khi muốn giao hoan được đầy đủ hứng thú, thỏa mãn cả đôi bên thì uống một viên, là thấy hiệu nghiệm ngay.
Một buổi tối, Thành Đế đãi tiệc trong cung. Nhà vua cùng Hợp Đức ngà ngà say, rồi vì muốn tận hưởng một thích thú mới mẻ nên cả hai dùng đến 10 viên Xuân khiết cao để kích thích dục tính. Đêm tối ấy, công lực của nhà vua dũng mãnh phi thường.
Gặp phải tay kỳ phùng địch thủ, nhưng chẳng may Thành Đế bị chết ngay trên giường.
Một ông vua chết đau đớn và nhục nhã!
Chuyện cười trong ngày
Lang y dạy con
Có một ông lang băm bốc thuốc chữa bệnh, thuốc bốc lung tung, cho nên dẫn đến chết người. Người nhà nạn nhân đến trói ông lang băm nọ, khiêng về nhà mình để trị tội.
Nửờa đường, nhân khi trời tối, ông lang băm đã cởi được trói, rồi nhảy xuống sông bơi được sang bên kia, thế là thoát.
Về đến nhà, ông lang băm thấy con mình đang chúi đầu vào đọc sách. Ông lang băm bảo con:
- Con ơi, sách thuốc học sau cũng được. Bây giờ con phải học bơi cho giỏi cái đã.
Có một ông lang băm bốc thuốc chữa bệnh, thuốc bốc lung tung, cho nên dẫn đến chết người. Người nhà nạn nhân đến trói ông lang băm nọ, khiêng về nhà mình để trị tội.
Nửờa đường, nhân khi trời tối, ông lang băm đã cởi được trói, rồi nhảy xuống sông bơi được sang bên kia, thế là thoát.
Về đến nhà, ông lang băm thấy con mình đang chúi đầu vào đọc sách. Ông lang băm bảo con:
- Con ơi, sách thuốc học sau cũng được. Bây giờ con phải học bơi cho giỏi cái đã.
Friday, November 25, 2016
Chuyện ngắn - Sức mạnh của sự thật
Sức mạnh của sự thật - The Power of Truth.
Minh Hạnh Việt dich
Một ngày nọ, vua xứ Benares cùng đoàn tùy tùng vào rừng thưởng ngoạn. Rừng xanh thẫm chen lẫn bông hoa muôn màu, chim lạ hót thánh thót như chào đón vị vua xứ Benares, vua say mê với cảnh sắc tuyệt đẹp mà quên mình đang đi sâu vào trong rừng bỏ lại đoàn tùy tùng sau lưng. Một hồi lâu vua mới nhận ra rằng mình đang ở trong rừng sâu một mình.
Và nhà vua nghe một giọng hát du dương của một thiếu nữ. Vua bèn men theo giọng hát ngọt ngào đó và rồi thấy một thiếu nữ trẻ đẹp đang nhặt củi. Nhà vua đắm say nhan sắc và giọng hát quyến rũ mà quên mình là vị vua cao cả trị vì thiên hạ, hai người mến nhau, để rồi nhà vua trở thành cha của đứa bé trong bụng thiếu nữ.
Sau đó, Vua cho người thiếu nữ biết mình chính là vua của xứ Benares. Thiếu nữ chỉ đường cho nhà vua trở về cung điện. Vua trao cho nàng một tín vật đó là chiếc nhẫn qúi giá mà vua đang đeo, và nói, "nếu nàng sanh bé gái, thì hãy bán chiếc nhẫn này và dùng số tiền đó để nuôi dưỡng đứa con cho tốt. Nếu nàng sanh bé trai, thì mang nó đến cung điện với chiếc nhẫn này để làm tín vật." Nói xong nhà vua trở về thành Banares.
Ít lâu sau, thiếu nữ sanh một đứa bé trai kháu khỉnh. Là một thiếu phụ nhút nhát, nàng sợ phải đối diện với hoàng thân của nhà vua Banares, nhưng nàng vẫn giữ chiếc nhẫn của vua như là một kỷ vật.
Những năm sau đó, đưá bé trai lớn lên. Khi nó chơi với những đưá trẻ khác trong làng, chúng nó chọc ghẹo nó là đứa bé không cha. Bởi vì mẹ nó không có chồng mà lại có con. Chúng gọi nó là "Không cha! Không cha!. tên của mày là Không-cha!"
Dĩ nhiên điều đó đã làm đứa bé buồn bã và tủi thân. Nó chạy về nhà và khóc với mẹ. Một ngày kia, nó nói với mẹ là những đứa trẻ trong làng đã gọi nó với cái tên "Không-Cha! Không-Cha! tên của mày phải là Không-Cha!" và rồi mẹ nó nói. "Đừng buồn tủi, con yêu qúi. Con không phải là đứa bé bình thường. Cha của con là vua của xứ Banares!"
Đứa bé vô cùng ngạc nhiên. Nó hỏi mẹ, "Mẹ có gì chứng minh không?" người mẹ nói cho nó nghe về cha nó đã đưa cho bà chiếc nhẫn làm tín vật, và nếu đưá bé là trai thì mang nó đến hoàng cung cùng với chiếc nhẫn làm tín vật. Đứa bé nói "Vậy thì bây giờ đưa con đi gặp cha." Vì lý do đó nên người mẹ bằng lòng, và ngày hôm sau hai mẹ con đến thành Banares.
Khi họ đến cổng thành, lính gát cửa vào báo cho nhà vua biết là có người phụ nữ lượm củi cùng với đưá bé trai đang muốn gặp mặt vua. Nhà vua cho vời vào, họ đi vào cung điện của hoàng cung, nơi đây có rất nhiều hầu thiếp của vua và quần thần. Người thiếu phụ nhắc với vua về thời gian hai người bên nhau nơi rừng. Và sau cùng bà nói. "Tâu bệ hạ đây là con trai của Ngài."
Đức vua cảm thấy mắc cở với các nàng cung phi và quần thần. Do đó, mặc dầu Ngài biết người phụ nữ này đã nói thật, Vua nói, "Nó không phải con trai của trẫm!" Thế là người phụ nữ đưa chiếc nhẫn tín vật ra làm bằng chứng.
Vua một lần nữa lại cảm thấy mắc cở với quần thần và các cung phi nên chối bỏ sự thật, Vua nói "nó không phải chiếc nhẫn của trẫm!"
Người đàn bà tội nghiệp suy nghĩ rằng, "Ta không có ai làm chứng và không bằng chứng rõ ràng, bây giờ ta nói gì đây. Ta chỉ có sức mạnh của sự thật thôi." nên bà nói với Vua " Nếu tôi ném đứa bé lên không trung, nếu nó thật sự là con của Ngài, nó sẽ có thể ở trên không trung mà không bị rơi xuống. Nếu nó không phải là con của Ngài, nó sẽ có thể bị rơi xuống đất và chết!"
Rồi thật nhanh, bà nhấc bổng đứa bé khỏi mặt đất và ném lên không trung. Thật là lạ lùng, đứa bé trong tư thế ngồi hoa sen lơ lửng trong không trung, không bị rơi xuống. Mọi người đều kinh ngạc, không ai nói tiếng nào. Trên không trung, đứa bé nói với vua cha. "Tâu vua cha, Con được sanh ra cho cha. Cha săn sóc thần dân của Cha, họ là những người không liên hệ máu mủ với cha. Cả đến những loài voi, ngựa và những muôn thú khác cũng đựơc cha săn sóc. Và chưa bao giờ cha nghĩ tới việc nuôi nấng con, một người con cuả cha. Xin cha hãy đón nhận con và mẹ của con."
Nghe như vậy niềm kiêu hãnh đã trở về với nhà vua. Nhà vua đã nhận lỗi bởi sức mạnh của sự thật bằng mãnh lực của lời đứa bé nói. Vua giơ hai bàn tay và nói, "hãy đến đây, con trai yêu qúi của trẫm, và trẫm sẽ săn sóc con và mẹ của con.
Sự kinh ngạc cả hoàng cung, tất cả mọi người đang có mặt lúc bấy giờ đều giơ hai tay của họ lên. Họ cùng lên tiếng kêu gọi đứa bé trai hãy vào tay họ. Nhưng đứa bé đã từ trên không trung rơi ngay vào vòng tay của Đức Vua. Với đứa con ngồi trên đùi mình, Đức Vua tuyên bố rằng đứa bé là thái tử, và mẹ của nó là hoàng hậu.
Trong câu chuyện này, Đức Vua và cả triều đình đã học được bài học sức mạnh của lời nói thật. Triều đình Banares trở thành nơi của công lý trung thực. Khi Đức Vua băng hà, thái tử lên ngôi lấy danh hiệu là "Vua Không-Cha!" và vua chăm sóc thần dân bằng sự rộng lượng khoan hồng và đạo đức.
Điểm chính của câu chuyện là: Lời nói thật luôn luôn mạnh hơn lời nói dối.
Subscribe to:
Posts (Atom)