Wednesday, June 8, 2016

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Bóng trúc quét sân bụi không động,

Trăng Xuyên đáy hồ nước chẳng tỳ.

(Hòe An Quốc Ngữ)

Bóng lá trúc lay động theo gió thổi quét qua sân đi nữa thì chẳng có hạt bụi nào động cả, và ánh trăng có chiếu xuyên đến tận đáy hồ đi nữa trong nước cũng không lưu lại dấu vết nào. Cũng vậy, hành vi vô tâm của bậc Thiền giả thì cũng chẳng để lại vết tích gì cả.

Có hai Thiền tăng đang đi trên con đường quê khi trời mới vừa tạnh. Đó là Nguyên Thản Sơn (Hara Tanzan, 1819 - 1892), Thiền sư kiệt xuất thời Cận Đại, và Hòa Thượng Cửu Ngã Hoàn Khê (Kuga Kankei 1813-1884). Hai người đang trên đường đi hành cước qua tháng ngày. Đi được một đoạn, con đường dẫn đến một dòng sông nhỏ. Nơi ấy có chiếc cầu bằng gỗ bắc ngang, nhưng đã mục nát không thể nào đi qua được. Hơn nữa, vì mấy ngày mưa liên tiếp, nên nước đục chảy về ồ ạt. Thoạt nhìn thấy có cô thôn nữ đang đi qua giữa sông rồi đứng khựng lại. Khi ấy, Thản Sơn mang cả đôi dép cỏ bước xuống sông, xăm xăm đến gần cô gái và cất tiếng gọi rằng:

- Dường như cô bị kẹt gì sao? Để tôi đưa cô qua cho!

Cô gái thẹn đỏ mặt, vừa bẽn lẽn vừa để cho Thản Sơn cõng đưa qua sông.

Sau khi qua sông, cả hai vị tăng chia tay với cô thôn nữ, mỗi người đi một hướng. Tuy nhiên, vì sự việc Thản Sơn mang người nữ trẻ tuổi kia qua sông, nên tâm tư của Hoàn Khê vẫn không tài nào yên được. Cuối cùng do vì chịu không được nên Hoàn Khê lên tiếng trách móc Thản Sơn rằng:

- Nầy, Hòa Thượng Thản Sơn, đã là người xuất gia sao ông lại cõng người nữ kia qua sông chứ?

Thản Sơn cười ha hả đáp:

- Sao hả? Thế ông còn mang cô gái đó theo hay sao? Tôi đã bỏ cô ta lại đằng kia rồi mà!

No comments:

Post a Comment