Khoa tim mạch Bệnh viện Nhân Dân
Tác giả: Ngô Thị Thu Vân
- Phòng dịch vụ, tủ lạnh, tivi, máy điều hòa, rèm cửa màu rêu, sofa gỗ mới. Bệnh nhân là một ông già chừng hơn 70 tuổi. Đợt tai biến lần trước làm cho một tay của ông quều quào và một chân lê xềnh xệch trên nền gạch. Lần này vừa trở bệnh, lập tức ông được đưa ngay vào đây. Nuôi bệnh là một phụ nữ trung niên gầy gò, đôi mắt sâu trên khuôn mặt xương xẩu luôn nhìn mọi thứ với cái nhìn đau đáu. Chị lăng xăng sắp xếp ngăn nắp đồ dùng cá nhân của người bệnh. Ngó chị giống một người đàn bà nhà quê lam lũ nhưng sạch sẽ tươm tất.
Có tiếng gõ cửa:
- Nhận cơm trưa nè.
Chị nhận suất cơm trên xe đẩy bưng vô phòng.
- Con đỡ ông ngồi dậy ăn cơm nha.
- Cơm bệnh viện hả?
Chế độ ăn của bệnh nhân tim mạch rất nghiêm ngặt mà người nhà lại hay nuông chiều bệnh nhân thái quá. Vì thế sau này bệnh viện buộc người bệnh phải ăn cơm bệnh viện trong thời gian điều trị.
Không đợi nghe chị trả lời, ông giận dữ hất mâm cơm xuống đất. Chị nhẫn nhịn cúi xuống nhặt nhạnh lau chùi. Ông tiếp tục lồng lộn:
- Thằng Bách, kêu thằng Bách lên đây...
Người mà ông muốn kêu chính là giám đốc bệnh viện. Đó là con trai của người bạn chiến đấu mà ông đã có lần cứu mạng ngoài chiến trường, gọi ông là ba nuôi. Ngoài người con nuôi này ra ông còn ba người con ruột, một anh tiến sĩ làm việc ngoài Hà Nội, một cô nhà văn theo chồng định cư ở Mỹ và cậu út, giám đốc một công ty gì đó.
Cô điều dưỡng nghe tiếng chạy vào. Đã biết ông là ai, cô ân cần dỗ dành, hứa sẽ gọi giám đốc. Giám đốc kêu bận họp nhưng một phần cơm khác theo yêu cầu của ông được mang lên.
Cơn giận như tiêu tốn của ông khá nhiều năng lượng, ông nuốt ngon lành từng muỗng cơm chị đút. Chị mừng thầm trong bụng, nhưng chỉ được vài muỗng, ông lắc đầu xua tay, chị cố nài:
- Ông ráng thêm muỗng nữa, ăn nhiều mới mau khỏe ông ạ.
Ông trợn mắt. Chị hốt hoảng:
- Dạ, ông thôi... ông thôi...
Nghe tiếng ông thở đều, chị rón rén vào nhà vệ sinh lấy bọc cơm treo trên mắc áo xuống. Đó là phần cơm ông đã hất đổ ban nãy, lúc dọn dẹp chị cố ý lượm lại mấy thứ chưa bị lấm bẩn. Chị xúc bỏ vào miệng ngấu nghiến nuốt như sợ ai bắt gặp. Tiếng ông hư hử, chị nín thở sải sải bước nhẹ lại cạnh ông:
- Ông cần gì?
- Đái!
- Con đỡ ông vào nhà vệ sinh nhé!
- Đi bô.
Toàn thân chị nóng bừng mặc dù chiếc máy điều hòa vẫn rì rì phả hơi lạnh. Chị cắn chặt hai hàm răng lại như thể nếu không làm như vậy thì chúng sẽ va vào nhau đến gãy nát. Chị nghĩ đến món viện phí. Chị biết đây là cơ hội may mắn của chị. Ý nghĩ ấy giúp chị thao tác thật gọn gàng. Chị cúi xuống gầm giường cầm cái bô lên, một tay tháo dây lưng, tụt quần ông xuống, một tay xoay xoay cái bô bằng nhựa có cái miệng cong như vòi con voi...
- Xong rồi.
Tiếng ông rít qua kẽ răng. Chị lấy bô ra, kéo quần ông lên và rút dây lưng lại. Có vẻ như rất sảng khoái sau khi đã thải ra lượng nước dư thừa trong bụng, ông nói “cám ơn”. Đó là câu ông nói với chị nghe dễ chịu nhất từ sáng đến giờ. Chị cầm bô nước tiểu vào nhà vệ sinh.
Nửa đêm, hành lang bệnh viện dài và sâu. Cũng khoa tim mạch Bệnh viện Nhân Dân, khu điều trị bệnh nhân bảo hiểm y tế, bệnh nhân nằm tràn cả ra ngoài hành lang. Phòng tập thể mười giường chung một nhà vệ sinh, vòi nước chảy rỉ rả vào cái xô nhựa cũ, dưới mỗi gầm giường trải chiếc chiếu cá nhân - chỗ ngủ của người nuôi bệnh.
Chị rón rén đến bên giường số 10. Người đàn ông lơ mơ nhìn chị. Chị quay đi giấu hai hàng nước mắt. Anh, từ một phu hồ khỏe mạnh, bỗng quỵ xuống một cái đã như thế này, liệt cả tay chân, miệng méo xệch sang một bên và không còn nói được nữa. Sau trận lũ lụt kinh hoàng cuốn trôi mọi thứ, nhìn hai đứa con thoát nạn, nghĩ còn người còn của, anh chị đùm túm xuôi Nam tha phương cầu thực mong kiếm cái ăn qua cơn hoạn nạn rồi sẽ dắt nhau trở về - quê hương dẫu nghèo khó, khắc nghiệt vẫn là quê mình. Vậy mà...
Chị nhúng khăn lau khắp mình mẩy và thay quần áo cho anh, cúi xuống giụi đầu vào ngực chồng rồi hấp tấp lao ra cửa. Bà cụ có chồng nằm chắn ngang lối đi nắm tay chị lại nói khẽ: “Hồi chiều người ta lại nhắc cô tạm ứng tiền viện phí. Có bảo hiểm y tế vẫn phải đóng 20% chênh lệch cô ạ”. “Dạ cháu biết rồi”. Bà cụ nhìn theo chị đang chạy như ma đuổi lắc đầu ngao ngán.
Chị đẩy nhẹ cửa lách mình vào, cố nén tiếng thở. May quá ông đang ngủ say. Chị leo lên chiếc giường nệm phủ ra trắng tinh dành cho người nuôi bệnh ở phòng VIP. Biết hoàn cảnh chị, cô điều dưỡng trưởng tìm giúp chị việc làm tạm để kiếm tiền, còn hứa để ý trông chừng anh giúp chị nhưng chị vẫn thấy lo lắm.
- Cô đi đâu nãy giờ?
Chị giật mình tái mặt. Ông không nói gì thêm. Chị hoang mang với ý nghĩ ngày mai chị sẽ bị tống cổ, biết xoay đâu ra tiền. Chị không dám khóc thành tiếng.
Hừng sáng, tranh thủ trước giờ làm việc, anh con trai út tạt qua thăm cha. Không tỏ ra giận dữ, anh gọi chị: - Nửa đêm ông cụ gọi về sợ quá. Sao thế? Thôi thế này, chị đi làm việc của chị đi, trưa quay lại nhận tiền. Vậy nhé.
Chị cúi đầu, bước lùi ra cửa chạy một mạch xuống khu tập thể. Giường số 10 bỏ trống. Bà cụ có chồng nằm chắn ngang cửa nước mắt vắn dài: -Trời ơi mày đi đâu không nói. Nuôi chồng kiểu gì vậy hả con ơi là con.
Bà con chung phòng thương tình, lá nát đùm lá bấy, cũng đủ cho chị đưa anh về quê. Nước mắt tuôn xối xả, chị vái chào từng người. Xe lăn bánh, chị mới sực nhớ mình đã quên không lấy món tiền thù lao nuôi bệnh.
No comments:
Post a Comment