Monday, March 14, 2016

Những Điển Tích Hay - Ba Cọc Ba Đồng

Ba Cọc Ba Đồng

Tiền trước đây được đúc bằng đồng có hình tròn, mỏng.  Trong việc buôn bán, người mua thường đặt tiền trước cho chủ hàng và số tiền đó được xếp thành từng cọc. Vì vậy, trong tiếng Việt mới có từ "đặt cọc" để chỉ việc gởi tiền trước làm tin. Thông thường số tiền trong mỗi cọc phải tương đối nhiều vì có nhiều thì mới chồng thành từng cọc được.

Ba cọc ba tiền, tưởng là nhiều đấy, nhưng trớ trêu thay, mỗi cọc chỉ có giá trị là một đồng. "Ba cọc ba đồng" là như vậy. Có bản lại giải thích rằng ngày trước xài tiềng đồng, xâu lại thành từng cọc. Vì đếm nhiều quá sợ quên, cứ mỗi một cọc để một đồng làm dấu, và ba cọc lại để ra ba đồng tiền nên mới ra câu "ba cọc ba đồng". 


Trong tiếng Việt, thành ngữ "ba cọc ba đồng" có thể dùng để chỉ sự ít ỏi trong thu nhập hàng tháng của những người ăn lương, hoặc dùng để nói những người giàu có nhưng bỏn xẻn, hoặc để nói những người hà tiện, tiện tặn từng đồng.

Ba cọc mà mỗi cọc chỉ có một đồng và chỉ có vậy thôi ! Điều đó cũng có nghĩa là không còn có thể thêm bớt vào đâu nữa. Thành ra, thu nhập "ba cọc ba đồng" không chỉ là ít ỏi mà còn là cố định, không có khoản phụ thêm nào nữa. 

        Tiêu dụng lấy chi mà phao phóng, 
                thường giữ ba cọc ba đồng;
        Mùa màng dành để có bao nhiêu,
                chừng độ một triêng một bó.
        (Nguyễn Công Trứ. Hàn Nho Phong Vị Phú)

Làm ăn mà theo phương thức "ba cọc ba đồng" thì rõ là kém cỏi tủn mủn, không biết nhìn xa trông rô.ng. Ý nghĩa này có liên quan chặt chẽ với cách đặt cọc "ba cọc ba đồng".  Đặt cọc trước mà chỉ đặt ở mức mỗi cọc mỗi đồng thì còn gì tầm nhìn xa. Đó là lối làm ăn theo kiểu "cò con" !

Sự hà tiện khi đặt cọc ít ỏi "ba cọc ba đồng" xuất phát từ hành vi bủn xỉn trong cuộc sống, hẹp hòi trong tư tưởng. Và đây cũng là điều thành ngữ "ba cọc ba đồng" phản ánh.

Tác giả Dương Trọng Hiếu 
(Theo "Kể chuyện thành ngữ tục ngữ", NXB KHXH Hà Nội 1994 
-

No comments:

Post a Comment