Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi
Điển tích Ngư ông đắc lợi với tên đầy đủ là: Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi
Bạng là con trai, thuộc loài sò hến, nhưng lớn, thịt béo.
Duật là con cò, giống chim mỏ dài, cổ cao, lưng màu tro, lông trắng ở ngực và bụng, thường ở ngoài đồng, ăn các loài sò, hến, hay cá nhỏ. Tục truyền rằng, khi Trời sắp mưa con Duật kêu lên, nên sách Thuyết văn gọi con chim Duật là : Tri Thiên tương vũ điểu (con chim biết Trời sắp mưa).
Thời Xuân Thu, người ta dùng lông chim Duật để làm mũ cho các quan coi Thiên văn, nên sách Lễ Ký có câu : Tri Thiên văn giả quan Duật (Người biết Thiên văn là quan đội mão bằng lông chim Duật).
Tương trì là kéo níu lẫn nhau. Ngư ông là ông làm nghề chài lưới. Đắc lợi là được lợi.
Bạng Duật tương trì, ngư ông đắc lợi là con trai và con cò kéo níu nhau làm ông chài được lợi, vì ông chài túm bắt cả 2 con đem về làm thịt, nấu chung một nồi.
Trong Chiến quốc sách có viết một đoạn nói về “Bạng Duật tương trì, ngư ông đắc lợi” như sau :
Vào Thời Chiến Quốc bên Tàu, 2 nước Yên và Triệu thường đánh nhau. Chiến tranh giữa 2 nước kéo dài từ năm nầy sang năm khác, khiến nhơn lực và tài nguyên của 2 nước bị suy kiệt dần.
Một người nước Yên tên là Tô Đại (anh của Tô Tần) tới yết kiến vua nước Yên là Huệ Vương, tâu rằng :
- Trên đường đi tới đây, tôi đi ngang qua bờ sông Dịch Thủy, thấy một con trai đang há miệng phơi nắng. Lúc đó một con cò đáp xuống, thấy thịt trai có vẻ ngon, thò mỏ mổ vào thịt trai, con trai lập tức khép chặt miệng lại, kẹp cứng mỏ cò. Hai con trì níu nhau một hồi lâu.
Con cò bảo :
- Hôm nay mầy không há miệng ra, ngày mai mầy không há miệng ra, mầy sẽ chết đói.
Con trai đáp :
- Hôm nay mầy không rút được mỏ ra, ngày mai mầy cũng không rút được mỏ ra, mầy cũng sẽ chết đói.
Hai con tiếp tục trì kéo nhau, không con nào chịu buông tha con nào.
Một ông chài đi ngang trông thấy, mỉm cười thích chí, thò tay túm bắt cả 2 con : trai và cò, đem về nhà làm thịt, nấu chung một nồi, gia đình ông chài được một bữa ăn ngon lành.
Hiện nay, nước Triệu đang muốn đánh và thôn tính nước Yên; nước Yên cũng đang chuẩn bị đánh lại. Hai nước cứ tiếp tục đánh nhau, khiến dân chúng 2 nước điêu linh khổ sở, người và tài nguyên thiệt hại, chẳng khác chi hai con trai và cò trì kéo lẫn nhau.
Tôi e rằng nước Tần hùng mạnh kia sẽ đóng vai ngư ông, chờ 2 nước Yên và Triệu không còn đủ sức tự vệ nữa thì đem quân thôn tính của 2 nước. Vua Yên Huệ Vương cho là lời nói của Tô Đại rất xác đáng, giựt mình tỉnh ngộ, khen thưởng Tô Đại là người thấy xa biết rộng, rồi cử Tô Đại làm sứ giả, đi qua nước Triệu giảng hòa, bãi việc chiến tranh.
No comments:
Post a Comment