Monday, February 29, 2016

Ngày 29-2-2016 - Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện Ngắn - Giữ lửa

Giữ lửa 

Ngày xưa, gia đình tôi chỉ sống trên một con đò. Cha chèo chống, đổi hàng lên nguồn xuống biển. Suốt con sông nhỉ nhưng dài chỉ có một con đò duy nhất. Cuộc sống của gia đình thật lênh đênh ghềnh thác. 

Một ngày nọ, giữa sông vắn, cha đã đánh mất cái bật lửa. Phải giữ lửa trong bếp suốt chuyến đi. Tối đến, cơn mưa trong gió chướng làm tắt ngấm bếp lửa. Lúc tạnh mưa, mẹ bới tro lạnh, chỉ còn một cục than nhỏ xíu có lửa. Mẹ nhanh chóng gom một ít rác khô, kẹp cục than vào giữa. Mẹ thổi nhẹ, cục than từ từ sáng đều. Một lúc sau nùi rác từ từ bốc khói... Bếp lại đỏ lửa.Ngồi bên bếp lửa, mẹ đã dạy tôi cách giữ lửa than cho lâu tàn, phải ủ phải vùi ra sao. Nhen ngọn lửa mỏng thế nào để không tắt. Mẹ bảo, trong cuộc đời, có lúc con chỉ có một hòn than nhỏ và ngọn lửa mỏng cuối cùng.

Tôi không phải là nhà thám hiểm, nhà địa chất hay thợ săn để ứng dụng cách giữ hay nhen lửa của mẹ khi ở giữa rừng hoang lạnh. Nhưng tôi sẽ có cách giữ và thắp lửa cho riêng mình. Tôi sẽ giữ một hòn than nhỏ, ngọn lửa mỏng cho tình yêu thương, hi vọng và tất cả những gì tốt đẹp... trước khi nó nguội lạnh, tắt đi, biến mất. Để có dịp,  tôi lại nhen nhóm thắp lên ánh lửa...


Những Chuyện Ngụ Ngôn Hay

ĐEO CHUÔNG MIỆNG MÈO

Vì mèo mà cuộc sống họ nhà chuột trở nên khó khăn. Ngày nào chuột cũng bị mèo săn bắt.

Một hôm, họ nhà chuột tụ họp bàn tính xem làm cách nào để thoát được mèo. Bàn đi tính lại, chuột không nghĩ được giải pháp nào.

Bấy giờ một con chuột nhắt mới lên tiếng:

─ Tôi xin có ý kiến. Sở dĩ chúng ta bị bắt là bởi vì chúng ta không biết khi nào mèo đến cạnh chúng ta. Bây giờ, chúng ta hãy đeo cái chuông này quanh cổ mèo. Như vậy, khi nào mèo đến gần, chúng ta sẽ đều nghe rõ và dễ dàng lẩn trốn.

Lời đề nghị này được mọi người khen hay.

Cho đến một lúc sau, một con chuột già đứng dậy và nói:

─ Tốt lắm, thế nhưng ai sẽ là người đeo chuông cho mèo đây?

Lũ chuột cứ con này nhìn con kia không con nào nói gì. Thấy vậy, chuột già liền bảo:

─ Nói thì bao giờ cũng dễ nhưng làm thì mới khó.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Thiên Đường 


Hai người bị lạc trong sa mạc. Họ sắp chết vì đói và khát. Cuối cùng, họ tới một bức tường cao. Họ có thể nghe tiếng nước chảy của một thác nước và tiếng chim hót từ phía bên kia. Ở bên trên, họ có thể nhìn thấy nhiều nhánh cây tươi tốt vươn qua bờ tường. Những trái cây trên cành trông ngon lành.

Một người tìm cách leo qua bức tường và biến mất xuống phía bên kia. Người kia, trở lại sa mạc để giúp đỡ những người lữ khách khác bị lạc tìm đường đi tới ốc đảo

Những Sự Tích Nhân Gian - Con Tằm

Con tằm

Ngày xưa, có một người con gái tên là Tơ cha mẹ đều mất sớm, phải đem thân đi ở hầu hạ một bà góa giàu có. Tánh tình của bà chủ nhà ác nghiệt quá đỗi khiến một hôm thị Tơ phải bỏ trốn đi, chạy vào một khu rừng, nghĩ bụng thà chết vào miệng thú dữ còn hơn là ở mãi trong cảnh khốn khổ bị hành hạ hàng ngày. Thị Tơ đi được một quãng khá xa, phần bấy lâu nay ăn uống thiếu thốn đuối sức, phần vất vả băng rừng lội suối, nên ngã ngất nằm trên một tảng đá. 

Thần núi ở đấy thấu rõ tình cảnh đáng thương của cô gái hiền lành thơ ngây mới theo dõi che chở. 

Khi thị Tơ bừng mắt tỉnh dậy tưởng chừng mình như vừa qua một giấc chiêm bao. Cảnh vật chung quanh khác hẳn lúc nàng ngất đi. Nàng thấy mình nằm ở trong một cái động, rêu trải mềm dịu như nhung, dưới chân một giòng suối đang chảy qua kẽ đá êm đềm như tiếng nhạc. Trước mắt nàng, vừa tầm tay với, vô số những trái cây ngon chín thắm lủng lẳng ở dây leo buông xuống như rèm che cửa động. Đang đói khát sẵn, nàng đưa tay lên hái ăn ngấu nghiến ngon lành. 

Sau bữa ăn thanh đạm ấy, trong người nàng cảm thấy khỏe nhẹ khác thường. Thần núi hiện hình một ông lão râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc bước đến gần nàng. Trông thấy cụ già phúc hậu, thị Tơ vái chào kính cẩn. Ông lão làm ra vẻ ngạc nhiên, hỏi nàng ở đâu đến đây, làm sao lạc lõng một mình giữa rừng núi hoang vắng. Thị Tơ chân thành kể lại đầu đuôi mọi nỗi về kiếp sống đầy đọa của mình. Ông lão lắc đầu tội nghiệp cho nàng rồi khuyên nhủ:

- Cháu trốn như vậy là phải. Cháu cứ ở lại đây, có lẽ được yên thân hơn, có lão trông chừng cho. 

- Thưa cụ, cụ là ân nhân của cháu, xin cụ cho cháu được biết cụ ở đâu. 

- Cả khu rừng núi này là nhà của lão. Lão sống bằng nghề đốn củi, nên nay đây mai đó luôn. Cháu đừng lo ngại, thỉnh thoảng có lão lại thăm. Nếu có việc gì cần đến lão, cháu cứ tới mỏm đá này gọi "Ông tiều ơi" là có lão đến ngay. 

Sáng hôm sau, ông lão trở lại cho thị Tơ một bọc quần áo mới để thay bộ đồ cũ rách nát. Từ đó, thị Tơ sống một cuộc đời thanh thản, tự do, không phải lo đến ngày mai, không buồn rầu nghĩ đến ngày qua. Dần dần chim chóc, các thú trong rừng đến làm quen với nàng, ngày ngày mang lại cho những trái cây ngon ngọt, quý lạ để dùng làm thức ăn. Sống như thế, nhan sắc thị Tơ ngày một rạng rỡ như đóa hoa rừng đang độ tốt tươi. 

Vào thuở bấy giờ, ở Thượng giới có một vị thần đam mê khoái lạc, sau khi biến cõi thiên đình thành một chốn trác táng rồi chán những lạc thú trên trời, thần tìm xuống trần gian. Nhờ phép tắc siêu phàm, vị thần biến hóa ra đủ mọi hình dạng để cám dỗ đàn bà con gái nhan sắc. Từ giới thượng lưu cho đến bình dân, thần hiện ra khắp nơi, khi là vị quan trẻ đẹp, tài hoa lỗi lạc, khi là một thanh niên tuấn tú, phong nhã, đa tình, để lôi cuốn bao nhiêu người đẹp vào trong vòng sắc dục. Không một người đàn bà, con gái nào bị để ý đến mà tránh khỏi sức thu hút của thần để khỏi rơi vào vòng đam mê. Thần đã chán chê khoái lạc trong giới thượng lưu xa hoa, một hôm đi tìm lạc thú ở nơi thôn dã, qua khu rừng vắng, không một bóng người, tình cờ gặp cô gái rừng xanh đang nô đùa với bầy chim cùng muông thú. Sau phút sững sờ trước sắc đẹp của thị Tơ, lòng dục bùng cháy lên, thần mon men rẽ lá tiến lại định vồ lấy người đẹp. Một tiếng chim kêu thất thanh, cả cô gái cùng muông thú vội vàng bỏ chạy trước người lạ, thần ra sức đuổi theo. Thị Tơ quen sống giữa thiên nhiên đã trở nên nhanh nhẹn khác thường, chạy đi như gió, thần bèn giở phép phóng theo. Trong lúc thần sắp chụp được thì con nai lớn đến quỳ xuống cho thị Tơ leo lên lưng mà thoát khỏi tay dâm thần. 

Nai đưa tới động, thị Tơ sợ hãi không dám bước ra ngoài nữa. Nàng trèo lên mỏm đá, gọi "Ông tiều ơi" ba lần thì thấy ông lão hiện ra. Ông lão căn dặn nàng cẩn thận và trao cho nàng một chiếc vòng ngọc, đeo vào tay có thể muốn tàng hình lúc nào cũng được. Nhờ thế mà nàng tránh khỏi sự săn đón của vị thần muốn chiếm đoạt nàng. 

Thấy công đeo đuổi của mình không có kết quả, thua trí một sơn nữ, thần nổi giận thề quyết bắt nàng cho kỳ được. Nhờ phép siêu phàm, thần giăng một sợi lưới rộng lớn với những sợ chỉ thật nhỏ và thật chắc bao vây cả khu rừng. Cô gái không dè nên bị mắc vào lưới, may nhờ một con bạch tượng dùng ngà đâm thủng, cứu thoát nàng một lần nữa. Nàng gọi đến ông tiều. Ông lão lão hiện ra khuyên nàng lần sau có bị vướng lưới thì kêu đến tên Phật Bà Quan Âm. 

Vì sợ mắc bẫy nên đã lâu thị Tơ không dám ra khỏi động. Nhưng rồi lòng ham muốn tự do chạy nhảy lại thúc giục nàng đi. Lần này nàng hướng về phía khác để tránh sự theo dõi của vị thần si tình. Song nhờ phép thần thông, vị thần biết được giờ nàng đi và nơi nàng đến, nên giăng lưới trước bắt được. Nhớ lời ông lão dặn, nàng kêu đến tên Phật Bà Quan Âm, thì nhiệm màu thay, tất cả các sợi chỉ lưới đều rút gọn lại thu tròn bằng một hạt đậu lạc. Trong lúc nàng mở miệng gọi đến lần thứ hai thì trái chỉ theo hơi nàng thở hút vào trong bụng. 

Thấy phép tắc thần thông bị một cô gái thu mất, lòng tự ái của thiên thần bị kẻ phàm trần trêu ngươi quá đỗi, vị thần nổi trận lôi đình nghĩ cách trả thù. Lập tức thần nhắn gọi ngay Thiên Lôi ở dưới quyền mình trước kia đến. Thần Sét rủ các bạn, thần Gió, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp, cùng đến ra mắt. Vị thần mê gái liền nhờ Thiên Lôi giúp mình đánh cho tan tành quần áo cô gái đang nô đùa với bầy thú giữa rừng kia, song đừng làm hại đến người nàng. Thần Sét vâng lời, rồi chỉ trong nháy mắt, giữa lúc cô gái đang vuốt ve mấy con nai con bên giòng suối, thì mây đen kéo đến kín trời, gió nổi lên dữ dội, sấm dậy ầm ầm, chớp nhoáng chằng chịt, mưa tuôn xối xả. Thị Tơ bỏ chạy về động, bỗng một tiếng sét nổ vang trời, rung chuyển cả núi rừng nhắm bổ xuống người nàng. Thị Tơ không hề hấn gì, song lớp quần áo che đậy người nàng đã tan biến đâu mất. Vị thần đứng trên một mỏm đá cao chứng kiến cảnh tượng ấy, phá lên cười đắc thắng, rồi sôi nổi chạy về phía người đẹp. 

Nhưng thần lại phải thất vọng một lần nữa, vì chiếc vòng ngọc đeo ở tay đã giúp cho thị Tơ thành ra vô hình. 

Đêm xuống, thị Tơ khó nhọc lần mò về đến trong động. Nàng thẹn thùng với tất cả chung quanh, tưởng chừng như vật gì cũng có mắt đang tò mò nhìn mình. Trần truồng, nàng không dám gọi đến ông lão hay lũ thú rừng quen biết đến cứu giúp. Nàng lui vào cuối động, rét run lẩy bẩy. Tấm lưới thần đã nuốt vào bụng làm cho nàng khó chịu, nôn ra, thành một đống chỉ mềm dịu, bền chắc. Lạnh quá, nàng lấy quấn vào người làm một thứ mền đắp ấm áp. Thế rồi nàng dần dần tắt thở trong cái ổ chỉ êm dịu ấy. Trước khi linh hồn rời khỏi thể xác, nàng thành khẩn nghĩ đến những kẻ nghèo nàn, khốn khổ, thiếu quần áo che thân, phải chết lạnh lẽo như nàng, tự nguyện sẽ giúp cho họ may mặc, đem những sợi chỉ này dệt thành quần áo. Vì thế mà nàng chết đi hóa thành con tằm. 

Để thực hiện lời nguyện ước, hồn nàng mang theo đống chỉ tơ đến giăng ở ngọn cây dâu trong vườn Thượng uyển, nơi hoàng hậu cùng vua thường ngự tới mỗi chiều. Khi hoàng hậu ngang qua, hồn nàng mới nhả ra các sợi tơ vàng óng ánh tung bay cho gió mơn man. Hoàng hậu ngạc nhiên hứng lấy, thấy chỉ tơ đẹp, ánh vàng, mềm dịu, bứt thử mới hay là sợi tơ trông mong manh mà dẻo chắc lạ thường. Dâng lên vua xem, hoàng hậu ước mong được mặc một chiếc áo dệt bằng những sợi tơ vàng đẹp ấy. 

Nỗi mong ước của hoàng hậu được nhà vua sai thực hiện. Tất cả những sợi tơ vàng trong vườn ngự uyển đều được thu góp lại, bao nhiêu thợ dệt tài giỏi trong nước được triệu vào cung, rồi chẳng mấy chốc, một tấm lụa vàng cực kỳ mềm dịu, bền chắc, rạng rỡ dâng lên trước mắt vua. Hoàng hậu vui mừng sai cắt ngay cho mình một chiếc áo dài, để hôm sau ra triều ngự cạnh vua. Cả triều sửng sốt trước vẻ đẹp của chiếc áo hàng mới làm tăng thêm bội phần nhan sắc của người mặc. Vua mới cho triều thần hay là chính hoàng hậu đã khám phá ra thứ chỉ tơ quý lạ đó, và cho phép các quan cùng nhà giàu có trong nước được bắt chước hoàng hậu may mặc thứ hàng mới kia. 

Từ đó nghề trồng dâu, nuôi tằm bắt đầu nẩy nở, đáp lại nguyện vọng thiết tha của cô gái quê mùa thị Tơ.

Chuyện cười trong ngày

Phải làm nghề khác

- Này con yêu! Anh cả thì học kinh tế, anh hai học tài chính. Sao con không theo gương các anh mà lại đi học luật?

- Nếu con không học làm luật sư thì sau này ai sẽ cứu hai anh con đây?

Sunday, February 28, 2016

Ngày 28-2-2016 - Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Cái chén gáo dừa

CÁI CHÉN GÁO DỪA

Ngày xưa, ở một vùng nọ, có vợ chồng kia hiền lành và chăm chỉ, hai người lấy nhau đã lâu mà vẫn chưa có con, họ cầu Trời khấn Phật mãi nhưng vẫn chưa có kết quả.

Hôm ấy, sau khi hai vợ chồng đi lễ chùa về, trời đang nắng bỗng nổi cơn mưa lớn, sấm chớp nổ đùng đùng làm cả hai xanh mặt, vội vã chạy đến một cái miếu nhỏ ở bên đường để núp tạm tránh sét, khi chạy gần đến bậc thềm thì người vợ trợt té, úp bụng xuống đất.

Chồng thấy vậy thì hoảng quá, bồng vợ mang vào bên trong miếu, tưởng rằng vợ bị sây sát gì, nhưng người vợ bảo là chẳng bị trầy trật ở đâu cả, chỉ thấy hơi đau nhói một chút ở bụng mà thôi.

Mưa tạnh trời quang, vợ chồng đưa nhau về nhà và một tháng sau thì người vợ mang thai. Biết rằng Trời Phật đã nhận lời, hai người mừng vô hạn, bèn lấy một phần ba của cải đem đi bố thí cho người nghèo để đền ơn.

Đến ngày khai hoa nở nhụy, người vợ sinh ra được một thằng bé kháu khỉnh trong niềm sung sướng tột cùng. Người chồng bảo:

– Trời Phật đã thương mà nhận lời chúng ta, thì chúng ta phải cố sống làm sao cho xứng với tình thương ấy. Tôi dự tính trích thêm một số bạc nhà mình để sửa lại chùa, mình thấy thế nào?

– Thì mình tính sao em nghe vậy, ân đức này cao bằng trời biển, biết bao nhiêu mà sánh bằng được?

Và thế là ngôi chùa đã được người chồng bỏ tiền ra sửa sang lại khang trang hơn trước.

Đứa bé đầy tháng thì ông mang đến lễ chùa tạ ơn và được đặt tên là Phúc để nhớ đến ân phúc Trời Phật đã ban cho vợ chồng họ.

Thằng Phúc chóng lớn và khôn ngoan thấy rõ, mới lên ba mà đã ăn nói như người lớn vậy, hai vợ chồng cảm thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc khi có một người con như thế.

Những tưởng cảnh đầm ấm này sẽ được dài lâu, ngờ đâu sự việc đến không như họ nghĩ, vì cũng năm đó, người vợ lâm bạo bệnh rồi đột ngột qua đời, dù người chồng đã tìm đủ thầy, chạy đủ thuốc.

Người chồng chỉ biết ôm con mà khóc, không ngờ tình cảnh lại thay đổi một cách éo le và nhanh chóng như vậy, mới hôm nào gia đình còn hạnh phúc tràn trề mà nay đã gãy gánh giữa đường, phải chịu cảnh gà trống nuôi con.

Sự đời như thế vẫn chưa yên vì cái rủi vẫn đeo bám ông, quá nhớ thương vợ và khóc lóc nhiều nên mắt ông sưng lên, vài tháng sau thì mờ dần, không nhìn rõ được.

Năm đó lại xảy ra hạn hán, mất mùa, người ăn xin đông như kiến, ông lại có tính hay giúp người nên cơ ngơi của ông cứ thế mà vơi dần.

Nạn đói đã bắt đầu xảy ra, người ta giành giật nhau từng củ khoai, bụi sắn mà không còn nghĩ gì đến tình làng nghĩa xóm.

Thấy ông bị mờ mắt, con trai thì còn nhỏ dại, bọn gia nhân của ông ngày trước đói quá hóa liều, đêm hôm ấy chúng đột nhập vào nhà bắt trói cha con ông lại rồi tha hồ vơ vét thóc lúa bạc tiền.

Không nhìn thấy gì nên ông chỉ biết tri hô lên cầu cứu, bọn ác nhân liền phang ông một gậy để ông im miệng vì sợ lộ tung tích, thằng bé Phúc còn nhỏ quá nên chỉ biết sợ hãi nhắm tịt mắt lại rúc vào người cha để tránh nạn.

Bọn cướp vét hết tài sản của ông rồi bỏ đi, để lại thằng bé khóc lóc ngơ ngác bên xác cha mình.

May mà ông chỉ bị ngất đi chứ không chết. Khi người làng hay tin đến cứu thì bọn cướp đã cao chạy xa bay, giờ đây cha con ông chỉ còn cái xác nhà không và mảnh vườn trơ trụi. Ông ôm lấy con mà an ủi:

– Cu Phúc đừng khóc nữa. Bố còn sống đây là được rồi. Thế nào bố cũng có cách gầy dựng lại, cho con ăn học thành người...

Tuy mắt bị mờ, không còn nhìn thấy rõ, nhưng ông vẫn không chịu thua số phận, cố gắng hy sinh tất cả vì con.

Thấy con đói, ông lùng sục khắp nơi để lặt từng mớ rau, dò dẫm đào từng củ khoai, củ chuối, lặn lội mò cua bắt ốc để nuôi con qua ngày đoạn tháng.

Trời cũng không phụ lòng nên cha con ông vẫn sống sót được, thoát qua khỏi mùa đói khắc nghiệt năm ấy.

Ông làm lại từ đầu để gầy dựng cơ nghiệp và lo cho con ăn học, dù có phải làm thuê làm mướn, cực khổ trăm bề, ông cũng không từ nan bất cứ việc gì, miễn sao có cái ăn cho thằng Phúc và gởi nó theo học với thầy đồ trong làng, vui cùng chúng bạn cùng tuổi.

Năm tháng qua đi, Phúc mỗi ngày một khôn lớn và người cha mỗi ngày một già đi, ông vẫn âm thầm lo cho con ăn học mà không quản khó nhọc và sức lực hao mòn.

Ngày con trai lên kinh ứng thí là ngày người cha mừng đến rơi nước mắt, vì ước vọng của ông bao lâu nay đã thành hiện thực.

Con đi rồi, ông lần ra thắp hương nơi mộ vợ mà rằng:

– Xin mình chứng giám cho lòng thành của tôi, có thương con thì cầu xin cho nó được đỗ đạt, làm quan vinh hiển để đổi đời cho nó, còn tôi thì phận già ra sao cũng được. Trước sau sống đời chung thủy với mình, vui vầy sớm hôm với con với cháu.

Quả nhiên, người con trai đỗ á khoa kỳ thi năm ấy và được cử làm quan tri huyện trong vùng. Người cha nghe tin mừng không kể xiết, thế là tâm nguyện đã thành, ông nghĩ vợ mình chắc cũng đang mỉm cười nơi suối vàng khi biết con trai đã công thành danh toại.

Quan tri huyện Phúc nhậm chức được hai năm thì lấy vợ, nàng là con gái của một phú ông trong vùng, do đó mà cuộc sống cũng khá giả và hạnh phúc.

Khi con đã thành đạt thì người cha bây giờ mắt đã lòa đi nhiều, bao nhiêu sức lực đã hao phí khi còn trẻ để làm lụng lo lắng cho con, bây giờ tuổi già, sức yếu, chẳng làm gì được, chỉ biết sống bám vào con trai cho trọn vẹn tuổi già.

Quan tri huyện thấy cha đã già yếu, nên lo lắng chăm sóc cho cha rất chu toàn, khiến người cha lấy làm mãn nguyện và sung sướng trong lòng vì mình đã có một người con hiếu thảo.

Ngày tháng trôi đi nhanh như vó câu băng qua cửa sổ, vợ chồng quan tri huyện cũng có một người con trai xinh xắn và dễ thương như vợ chồng ông ngày trước.

Mặc dù mắt ông đã mờ nên ông không nhìn thấy rõ gương mặt cháu nội, nhưng ông cũng mường tượng ra được ít nhiều qua tiếng nói, cử chỉ, ông thấy thằng bé cũng thông minh và sáng dạ như thằng Phúc khi xưa, gia đình ông lại đầm ấm và tràn ngập tiếng cười.

Ngày đứa cháu nội lên bốn thì sức ông đã yếu lắm, tay chân run lẩy bẩy, mỗi lần ăn uống thật là khó khăn, mắt mờ nên ông không nhìn thấy, làm thức ăn đổ trong đổ ngoài, người con dâu phải dọn dẹp mãi nên lâu ngày thành ra khó chịu.

Đã vậy cứ đôi ba hôm ông lại làm rơi vỡ một cái chén, vì tay ông cứ run cầm cập nên không giữ chặt được, ông cũng lấy làm ngại lắm nhưng không biết làm thế nào vì sức mình đã yếu lắm rồi.

Người con dâu thấy vậy tiếc của nên không dám dọn chén kiểu cho ông nữa vì ông cứ làm rơi hoài, cô nàng thay bằng chén sành để lỡ có đánh rơi thì cũng ít hao hơn. Quan huyện lúc đầu không đồng ý, nhưng sau cũng nghe theo lời vợ vì nghĩ rằng mắt cha đã mờ, đâu có phân biệt được chén kiểu hay chén sành.

Nhưng rồi chồng chén sành cũng ngày một vơi đi vì ông cứ đánh rơi mãi khiến vợ chồng quan huyện không biết xử trí thế nào nữa.

Người vợ bèn nghĩ ra một cách, liền bảo chồng:

– Hay là ta kiếm cái gáo dừa làm chén để dọn cho cha ăn, nếu lỡ rơi xuống đất thì cũng đâu có bể, khỏi phải mất công thay chén khác.

– Không được, ai lại làm thế với cha bao giờ! Thiên hạ biết được thì còn coi mình ra gì.

– Nhưng cứ mỗi ngày đánh rơi một cái thì làm sao mình kham nổi, vả lại mắt cha mờ nên có thấy gì đâu, chén gì thì cũng vậy thôi.

Người chồng cứ phân vân mãi, nhưng rồi thấy vợ nói cũng phải, nghĩ rằng chắc cha cũng chẳng nhìn thấy gì nên giấu mọi người trong nhà, lấy cái gáo dừa đẽo gọt miệng cho phẳng để làm chiếc chén theo như lời vợ.

Đứa cháu nội ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc chén cơm của ông làm bằng gáo dừa, có rơi xuống đất cũng không bị bể, nó cảm thấy lạ lắm, nhưng không lộ ra nét mặt nên bố mẹ nó đâu có biết.

Mỗi lần ăn cơm, cầm chiếc chén trên tay, ông nhận ra ngay đó là chiếc gáo dừa, nhưng ông không nói ra vì sợ mất mặt con mình, dù sao con trai mình cũng là tri huyện trong vùng. Tuy vậy, trong lòng ông đau như bị muối xát, chỉ biết âm thầm nén lại mà thôi.

Hôm nọ, quan tri huyện đi công cán ở xa về, nghe lục đục bên hông nhà liền cùng vợ bước đến xem, họ thấy con trai mình đang cầm dao đẽo gọt hai cái gáo dừa khô...

Họ lấy làm lạ hỏi:

– Này, con đang cầm dao nghịch gì thế? Không khéo đứt tay bây giờ!

Đứa bé hồn nhiên bảo:

– Dạ con đang bắt chước cha đẽo gọt hai cái gáo dừa này thành hai cái chén, phòng khi sau này cha mẹ già yếu dọn cơm cho cha mẹ ăn, lỡ có đánh rơi cũng không bị bể cha ạ.

Hai vợ chồng nghe vậy thì điếng cả người, không ngờ con trai mình lại nói thế, nhưng không trách nó được, vì nó nói đúng quá.

Lòng hiếu thảo và tình thân chợt dâng đầy, vợ nhìn chồng, rồi chồng nhìn vợ, cả hai bật khóc, họ hối hận vì những sai lầm của mình đối với người cha già đáng kính, đã hy sinh trót một đời vì mình.

Thế rồi hai vợ chồng chạy vào trong phòng, quỳ sụp dưới chân người cha mù lòa, vừa khóc vừa nói:

– Cha ơi, xin cha hãy tha lỗi cho chúng con, cha đã hy sinh một đời vì con, thế mà chúng con đã ngu ngốc khi đối xử với cha như vậy...

– Dù muôn nghìn chén vàng chén bạc cũng không sánh nổi lòng cha đối với chúng con. Vợ chồng con nguyện khắc dạ ghi tâm và xin cha tha cho tội bất kính này.

Từ đó vợ chồng người con đối xử với cha rất là hiếu thảo cho tới ngày ông qua đời.

Chuyện đứa bé gọt cái chén gáo dừa kia đã thức tỉnh lòng ta đối với đấng sinh thành, vì công ơn ấy cao tựa Thái Sơn, biết lấy gì bù lại cho xứng được?!

Những chuyện ngụ ngôn hay - Không từ bỏ

KHÔNG TỪ BỎ

Sau đây là một câu chuyện có thật về cách Tổng thống Abraham Lincoln ứng xử trước tình huống khó khăn của chính ông:

Vào thời gian đầu trong cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ, người cố vấn của Lincoln khuyên ông nên từ bỏ trang trại Fort Sumter và mọi tài sản khác thuộc các bang miền Nam, vì sợ những tài sản này sẽ khiến mọi người nghi ngờ lý tưởng giải phóng nô lệ của ông.

Khi nhận được lời khuyên ấy, ông chỉ cười mà trả lời người cố vấn của mình bằng một câu chuyện ngụ ngôn:

"Anh có biết câu chuyện ngụ ngôn về sư tử và con gái người thợ rừng không?" – Lincoln hỏi người cố vấn. – "Aesop kể rằng, trong một khu rừng nọ có một con sư tử đem lòng yêu con gái của người thợ rừng. Một hôm, nó quyết định đánh bạo đến gặp cha của cô gái để xin hỏi cưới cô.

Khi sư tử đến, cha cô gái nói rằng ông không thể đồng ý vì răng nanh của sư tử dài quá, có thể làm tổn hại đến con gái ông. Thế là ngay tức thì, sư tử chạy đến chỗ nha sĩ và mài mòn toàn bộ hàm răng của nó.

Quay trở lại, sư tử cầu hôn cô gái lần nữa. Nhưng người thợ rừng lại bảo móng vuốt của nó dài quá, ông không muốn con gái mình bị đau. Thế là sư tử tìm đến chỗ vị y sĩ và nhổ hết móng vuốt của mình đi rồi quay lại nhà người thợ rừng. Nhưng người thợ rừng thấy rằng sư tử giờ đây đã hoàn toàn vô hại nên đã lập tức giết chết nó." Lincoln ngừng một lát rồi nói tiếp: "Chẳng phải số phận tôi cũng sẽ giống như con sư tử đó nếu từ bỏ mọi thứ như lời anh khuyên?".

Lời bàn:

Hãy giữ vững lập trường và niềm tin vào chính bản thân của bạn, điều đó sẽ giúp các bạn thành công trên con đường mà mình đã chọn.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Tim Ta Cháy Như Lửa 

Soyen Shaku, vị thiền sư đầu tiên tới Châu Mỹ, nói: "Tim ta cháy như lửa nhưng mắt ta lạnh như tro tàn." Ngài đặt ra những quy luật sau mà ngài thực hành mỗi ngày trong cuộc đời ngài.

Buổi sáng trước khi khoác y, hãy thắp nhang và thiền định.

Đi nghỉ tại một giờ giấc nhất định.

Nhận phần ăn uống vào những lúc nhất định. Ăn điều độ và không bao giờ tới mức thỏa mãn.

Tiếp một người khách với cùng một thái độ có khi bạn ở một mình. Khi ở một mình, cũng giữ nguyên thái độ như lúc bạn tiếp khách.

Lưu ý vào điều gì bạn nói, và bất cứ bạn nói điều gì, hãy thực hành điều đó.

Khi một cơ hội đến đừng để nó trôi đi, tuy nhiên luôn luôn suy nghĩ hai lần trước khi hành động.

Đừng nuối tiếc quá khứ. Hãy nhìn tới tương lai.

Nên có thái độ không hãi sợ của một người anh hùng và trái tim thương yêu của một đứa trẻ.

Khi đi ngủ, hãy ngủ như là bạn đang bước vào giấc ngủ cuối cùng của bạn.

hi thức dậy, hãy rời bỏ cái giường lại phía sau bạn ngay tức khắc như là bạn vứt bỏ đi một đôi giày cũ.

Những Điển Tích Hay - Sự tích con Dã Tràng

Sự Tích con Dã Tràng

Dã Tràng xe cát biển Đông
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì. 


Ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng một ông già tên là Dã Tràng. Trong vườn họ có một hang rắn. Thường ngày làm cỏ gần đấy, ông già vẫn thấy có một cặp vợ chồng rắn hổ mang ra vào trong hang . 

Một hôm, con rắn chồng bò ra khỏi hang một mình. Ông nhìn vào, thấy rắn vợ nằm cuộn ở trong. Vì mới lột nên mình mẩy của nó yếu ớt không cựa quậy được. Một lúc lâu rắn chồng bò trở về, miệng tha một con nhái đút cho vợ ăn . 

Ít lâu sau, Dã Tràng lại thấy rắn vợ bò ra khỏi hang một mình. Lần này rắn chồng đến kỳ lột, nằm im thiêm thiếp, lốt da cũ còn bỏ lại bên hang. Hồi lâu, rắn vợ trở về, theo sau một con rắn đực khác khá lớn. Dã Tràng thấy hai con bò đến cửa hang thì dừng lại rồi quấn lấy nhau như bện dây thừng. Một lát sau, con rắn đực một mình bò vào hang. Dã Tràng biết con rắn đực này toan làm gì rồi. Ông cảm thấy tức giận, muốn trừ bỏ con rắn đó đi để cứu con rắn chồng đang lúc suy nhược. Lúc đó bên mình không có cái gì cả, ông bèn rút một mũi tên nhằm con rắn đực mới đến, bắn ngay một phát. Không ngờ mũi tên lại trúng vào đầu con rắn vợ chết tươi, còn con kia hoảng hồn chạy mất. Dã Tràng nghĩ cũng thương con rắn cái, nhưng trong cái thương có lẫn cả giận, nên ông chán nản bỏ đi về nhà. Từ đó ông không thèm để ý đến hang rắn nữa. Chừng dăm bảy ngày sau, một hôm Dã Tràng nằm võng thuật chuyện vợ chồng con rắn cho vợ nghe và vui miệng, ông kể luôn những việc mình đã thấy và đã làm. Ông kể vừa dứt lời thì bỗng nghe trên máng nhà có tiếng phì phì. Cả hai người hốt hoảng nhìn lên thì thấy có một con rắn hổ mang rất lớn, đuôi quấn lấy xà nhà, đầu vươn gần chỗ ông nằm, miệng nhả một viên ngọc. Ông vừa cầm lấy thì bỗng nghe được tiếng rắn nói : 

- Ông là ân nhân mà tôi cứ ngỡ là kẻ thù. Mấy hôm nay tôi đợi ông trên máng này chỉ chực mổ chết để báo thù cho vợ tôi . Nhưng hồi nãy nghe ông kể chuyện rõ ràng, tôi mới biết là lầm. Xin biếu ông viên ngọc nghe này. Đeo nó vào mình thì có thể nghe được mọi tiếng muông chim ở thế gian . 

Từ kinh ngạc đến sung sướng, Dã Tràng nhận viên ngọc quý và từ đó không bao giờ rời.

Một hôm, Dã Tràng đang hái rau, tự dưng có một bầy quạ đến đậu ở mấy ngọn cau nói chuyện lao xao. Chúng nó bảo Dã Tràng như thế này : "Ở núi Nam có một con dê bị hổ vồ. Hãy lên đó lấy về mà ăn nhưng nhớ để lòng lại cho chúng tôi với". Dã Tràng làm theo lời quạ, quả thấy xác một con dê trên núi Nam. Ông xẻo lấy một ít thịt xâu lại xách về. Đến nhà, ông vội mách cho xóm giềng biết mà đi lấy, không quên dặn họ để bộ ruột dê lại cho bầy quạ. Nhưng ông không ngờ người trong xóm nghe tin ấy, đua nhau đi đông quá, thành ra họ lấy tất cả, chẳng chừa một tí gì. 

Lũ quạ không thấy ruột dê, cho là Dã Tràng đánh lừa, bèn đổ xô đến vườn ông réo om sòm. Thấy vậy ông biết là người trong xóm đã làm hại mình, không giữ chữ tín với bầy quạ. Ông phân trần mấy lần nhưng bầy quạ không nghe, cứ đứng đó chửi mãi. 

Tức mình, ông bèn lấy cung tên ra bắn vào chúng. Chủ ý là để đuổi chúng đi chứ không định giết. Chẳng ngờ bầy quạ thấy vậy cho là ông lấy oán trả ân, liền cắp mũi tên có tên Dã Tràng ở đuôi, tìm dịp báo thù. Lúc bay qua sông, thấy một cái xác chết trôi, đàn quạ bèn đem mũi tên ấy cắm vào yết hầu xác chết. Khi quan sở tại đến làm biên bản, thấy mũi tên, liền đoán Dã Tràng là thủ phạm, sai lính bắt ông, hạ ngục. 

Dã Tràng bị bắt bất ngờ, hết sức kêu oan, nhưng mũi tên là một chứng cớ sờ sờ làm cho ông đuối lý, đành chịu chui đầu vào gông . Tuy nhiên, ông vẫn một mực xin quan xét giải ông về kinh để vua phân xử. 

Từ đề lao tỉnh, ông bị điệu đi. Dọc đường trời tối, bọn lính dừng lại quán ăn uống và nghỉ ngơi. Dã Tràng cổ bị gông, chân bị xiềng nằm trên đống rơm buồn rầu không ngủ được. Lúc trời gần rạng, ông nghe có một đàn chim sẻ bay ngang đầu nói chuyện với nhau : 

- Nhanh lên ! Chuyến này sẽ không lo đói nữa mà cũng chả sợ ai đánh đuổi cả. 

Một con khác hỏi : 

- Của ai mang đến bỏ vương vãi như thế ? 

Con nọ trả lời : 

- Của Vua nước bên kia. Họ toan kéo sang đánh úp bên này. Ngày hôm qua, quân đội giáo mác kéo đi liên miên không ngớt. Nhưng xe thóc vừa sắp đến biên giới thì bị sụp hầm đổ hết. Họ đang trở về lấy thứ khác cho nên chúng ta tha hồ chén. 

Nghe đoạn, chờ lúc bọn lính thúc dục lên đường, Dã Tràng bảo họ : 

- Xin các ông bẩm lại với quan rằng việc oan uổng và nhỏ mọn, không nên bận tâm, mà giờ đây chỉ nên lo việc quốc gia trọng đại thôi, và còn cấp bách nữa là khác. 

Bọn lính tra gạn ông mãi nhưng ông không nói gì thêm, chỉ nài rằng hễ có mặt quan, mình mới tỏ bày rõ ràng. 

Khi gặp mấy vị quan đầu tỉnh, Dã Tràng liền cho họ biết rằng Hiến Đế ở phương bắc đã sai tướng cầm quân sang đánh úp nước mình. Hiện họ đang đóng quân đầy ở biên giới, chỉ vì bị sụp hầm, xe lương đổ hết, chưa tấn công được. Bây giờ họ đang vận thêm lương, chờ đầy đủ sẽ vượt cửa ải sang Nam. Bọn quan tỉnh lấy làm lo lắng nhưng cũng cố hỏi ông có dám chắc như vậy không. Dã Tràng chỉ vào đầu mình mà đoan rằng nếu có sai, ông sẽ xin chịu chết. Nhưng nếu lời của ông đúng thì xin bề trên thả ra cho. Ngay lúc đó, những tên quân do thám được tung đi tới tấp mọi ngõ để lấy tin. Và nội ngày hôm sau, Dã Tràng được thả vì lời mách của ông quả không sai và vừa vặn đúng lúc để chuẩn bị đối phó với địch. 

Được tha, Dã Tràng đi bộ lần về quê nhà. Bóng chiều vừa ngả, ông mới đến vùng Hồng Hoa. Ông tìm vào nhà người bạn rất thân là Trần Anh nghỉ chân. 

Gặp lại bạn cũ, vợ chồng Trần Anh vui mừng khôn xiết. Nghe tin ông bị tra tấn giam cùm và suýt mất đầu, hai vợ chồng rất cảm thương bạn. Thấy bữa ăn tối thết bạn không có gì, Trần Anh xuống bếp bảo vợ : 

- Bạn ta đến, lại gặp lúc trong nhà chả có gì ăn. Sẵn có cặp ngỗng, con nó đã khôn, ta làm thịt một con, ngày mai đãi bạn lên đường. 

Người vợ bằng lòng nhưng dặn chồng sáng sớm bắt ngỗng và cắt tiết vặt lông giúp mình một tay. 

Trong khi hai vợ chồng bàn tính thì cặp ngỗng ở ngoài chuồng nghe được câu chuyện. Ngỗng trống bảo ngỗng mái : 

- Mình ơi ! Mình hãy ở lại nuôi con, tôi sẽ đứng sẵn cho chủ nó bắt. Ngỗng mái không nghe, xin chết thay cho chồng. Nhưng ngỗng trống nhất quyết hy sinh, nên chạy ra sân từ giã đàn con : 

- Con ơi ! Các con ở lại với mẹ nghe. Cha sẽ không bao giờ gặp lại các con nữa.

Song ngỗng mái vẫn lạch bạch chạy theo, đòi chết thay chồng cho bằng được. 

Lúc bấy giờ Dã Tràng nằm trên bộ ván đặt kề cửa sổ nên nghe được tiếng ngỗng than thở. Ông bỗng thấy thương con vật vô tội chỉ vì mình mà phải lìa đàn con bé bỏng. Ông toan nói trước với bạn, nhưng thấy bất tiện. Ông đành nghe ngóng ở chỗ chuồng ngỗng chờ lúc bạn ra bắt thì sẽ cản lại. 

Suốt đêm hôm đó tuy mệt mà ông không dám ngủ. Quả nhiên, vào khoảng canh tư, Trần Anh thức dậy bước ra chuồng. Ngỗng trống xua ngỗng mái chạy rồi vươn cổ để cho bắt. Trần Anh sắp cắt cổ ngỗng thì Dã Tràng đã lật đật chạy xuống bếp nắm lấy đao. Ông nói : 

- Xin bạn thả nó ra. Tính tôi không hay sát sinh. Tình thân của đôi ta lọ phải cỗ bàn mới thân. Nếu bạn giết nó thì tôi lập tức đi khỏi chỗ này. 

Thấy bạn có vẻ quả quyết, Trần Anh đành thả ngỗng ra, rồi giục vợ chạy đi mua tép về đãi bạn. 

Cơm nước xong, Dã Tràng từ giã bạn lên đường về nhà. Đến ao, ông đã thấy vợ chồng ngỗng cùng với bầy con đứng chực ở đấy. Ngỗng đực tặng Dã Tràng một viên ngọc và nói : 

- Đa tạ ân nhân cứu mạng. Không biết lấy gì báo đền, chúng tôi xin tặng người viên ngọc này, mang nó vào người có thể đi được dưới nước dễ dàng không khác gì trên bộ. Nếu đem ngọc này xuống nước mà khoắng thì sẽ rung động đến tận đáy biển. 

Ngỗng lại nói tiếp : 

- Còn như con tép là vật đã thế mạng chúng tôi thì từ nay, dòng dõi chúng tôi sẽ xin chừa tép ra không ăn, để tỏ lòng nhớ ơn ! 

Dã Tràng không ngờ có sự báo đáp quá hậu như thế, sung sướng nhận lấy ngọc rồi về. 

Khi đến bờ sông, Dã Tràng muốn thử xem công hiệu của viên ngọc mới, liền cứ để nguyên áo quần đi xuống nước. Thì lạ thay, nước rẽ ra thành một lối cho ông đi thẳng xuống đáy sông . Ông dạo cảnh hồi lâu rồi cầm viên ngọc khoắng vào nước nhiều lần để thử xem thế nào. 

Hôm đó, Long Vương và các triều thần đang hội họp ở thủy phủ bỗng thấy nhà cửa lâu đài và mọi kiến trúc khác bỗng nhiên rung động, cơ hồ muốn đổ. Ai nấy đều nháo nhác không hiểu duyên cớ. Vua lập tức truyền cho bộ hạ đi dò la sự tình. 

Bộ hạ Long Vương theo con đường sóng ngầm lọt vào cửa sông thì thấy Dã Tràng đang cầm ngọc khoắng vào nước. Mỗi lần khoắng như thế, họ cảm thấu xiêu người nhức óc. Tuy biết đích là thủ phạm, họ cũng không dám làm gì, chỉ tiến đến dùng lời nói khéo mời ông xuống chơi thủy phủ. 

Gặp Long Vương, Dã Tràng cho biết đó là mình chỉ mới làm thử để xem phép có hiệu nghiệm chăng. Long Vương và triều thần nghe nói, ai nấy đều xanh mặt. Nếu hắn làm thật thì thế giới thủy phủ sẽ còn gì nữa ! Vì thế, Long Vương đãi Dã Tràng rất hậu. Ông muốn gì có nấy. Cho đến lúc ông ra về, Long Vương còn đem vàng bạc tống tiễn rất nhiều để mong nể mặt. 

Dã Tràng lên khỏi nước có bộ hạ của Long Vương tiễn chân về tới tận nhà mới trở lại. Bà con xóm giềng thấy ông đã không việc gì mà lại trở nên giàu có thì ai cũng lấy làm mừng cho ông . Từ đó Dã Tràng rất quý hai viên ngọc. Ông may một cái túi đựng chúng và luôn luôn đeo ở cổ. 

Một hôm Dã Tràng đi bộ nửa ngày đường đến nhà một người bà con ăn giỗ. Lúc đến nơi Dã Tràng sờ lên cổ giật mình mới nhớ ra vì vội vàng quá nên ông đã bỏ quên mất túi ngọc ở nhà. Ông thấy không thể nào an tâm ngồi ăn được. Mọi người đều lấy làm ngạc nhiên thấy ông vừa chân ướt chân ráo đến nơi đã vội cáo từ về ngay. 

Nhưng khi về đến nhà, ông tìm mãi vẫn không thấy túi ngọc đâu cả. Ông rụng rời cả người. Đi tìm vợ, vợ cũng không thấy nốt. Nóng ruột, ông lục lọi khắp nơi. Cuối cùng ông bắt được một mảnh giấy do vợ ông viết để lại gài ở chỗ treo áo. Trong đó, vợ ông nói rằng có người của Long Vương lên bảo cho biết hễ ai bắt được túi ngọc đưa xuống dâng Long Vương thì sẽ được phong làm hoàng hậu. Bởi vậy bà ta đã trộm phép ông, đưa túi ngọc xuống thủy phủ rồi, không nên tìm làm gì cho mệt. Đọc xong thư vợ. Dã Tràng ngất đi. Ông không ngờ vợ ông lại có thể như thế được. Ông cũng không ngờ âm mưu của Long Vương thâm độc đến nước ấy. Nghĩ đến hai thứ bảo vật, ông tức điên ruột. Sau cùng, ông dự tính chở cát lấp biển thành một con đường đi xuống thủy phủ để lấy lại túi ngọc vì ông còn nhớ cả đường lối đến cung điện của Long Vương. Mặc dầu mọi người can ngăn, ông cũng không nghe, bèn dọn nhà ra bờ biển làm công việc đó. Ngày ngày ông xe cát chở đến bờ quyết lấp cho bằng được. Cho tận đến chết, Dã Tràng vẫn không chịu bỏ dở công việc. Chết rồi ông hóa thành con còng còng hay cũng gọi là con Dã Tràng ngày ngày xe cát để lấp biển. Tục ngữ có câu : 

Dã Tràng xe cát biển Đông . 
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì. 

Hay là : 

Công Dã Tràng hàng ngày xe cát, 
Sóng biển dồn tan tác còn chi . 

Hay là : 

Con còng còng dại lắm không khôn . 
Luống công xe cát sóng dồn lại tan . 

Người ta nói ngày nay loài ngỗng sở dĩ không bao giờ ăn tép là vì chúng nó nhớ ơn loài tép đã thế mạng cho tổ tiên mình ngày xưa. Họ còn nói loài ngỗng có một cái mào trắng trên đầu là dấu hiệu để tang cho Dã Tràng để nhớ ơn cứu mạng.

Chuyện cười trong ngày

Chịu đau giỏi

Đôi vợ chồng nọ đưa nhau đến gặp nha sĩ, người chồng tỏ ý rất vội:

- Càng đơn giản càng tốt, thưa bác sĩ. Không cần phải gây mê hay tiêm thuốc giảm đau gì hết. Ông cứ nhổ phắt cái răng sâu ra là được.

Nha sĩ thán phục:

- Giá mà bệnh nhân nào cũng chịu đau giỏi như anh. Nào, chỉ cho tôi chiếc răng sâu!

Lập tức, ông chồng quay sang vợ:

- Em yêu, cho bác sĩ xem cái răng sâu đi!

Saturday, February 27, 2016

Ngày 27-2-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Nhân Quả

Nhân Quả

Một hôm một người đàn ông trông thấy một bà lão với chiếc xe bị 'pan' đậu bên đường. Tuy trời đã sẩm tối, anh vẫn có thể thấy bà đang cần giúp đỡ. Vì thế anh lái xe tấp vào lề, đậu phía trước chiếc xe Mercedes của bà rồi bước xuống xe. Chiếc xe Pontiac cũ kỹ của anh vẫn nổ máy khi anh tiến đến trước mặt bà. Dù anh tươi cười nhưng bà lão vẫn tỏ vẻ lo ngại. Trước đó khoảng một tiếng đồng hồ, không một ai dừng xe lại để giúp bà. Người đàn ông này liệu có thể hãm hại bà không? Trông ông không an toàn cho bà vì ông nhìn có vẻ nghèo và đói.

 Người đàn ông đã có thể nhận ra nỗi sợ hãi của bà cụ đang đứng bên ngoài chiếc xe giữa trời lạnh. Anh biết cảm giác lo sợ của bà như thế nào rồi. Cái run đó, nỗi lo sợ trong lòng đó mới là lý do tự nó thành hình trong ta...

Anh nói: 'Tôi đến đây là để giúp bà thôi. Bà nên vào trong xe ngồi chờ cho ấm áp? Luôn tiện, tôi tự giới thiệu tôi tên là Bryan Anderson.'

Thật ra thì xe của bà chỉ có mỗi vấn đề là một bánh bị xẹp thôi nhưng đối với một bà già thì nó cũng đủ gây phiền não rồi. Bryan bò xuống phía dưới gầm xe tìm một chỗ để con đội vào và lại bị trầy da chỗ khuỷ tay cũng như lòng bàn tay một hai lần gì đó.

Chẳng bao lâu anh đã thay được bánh xe. Nhưng anh bị dơ bẩn và hai bàn tay bị đau rát.

 Trong khi anh đang siết chặt mấy con ốc bánh xe, bà cụ xuống cửa kiếng và bắt đầu nói chuyện với anh. Bà cho anh biết bà từ St. Louis đến và chỉ mới đi được một đoạn đường. Bà không thể cám ơn đầy đủ về việc anh đến giúp đỡ cho bà. Bryan chỉ mỉm cười trong lúc anh đóng nắp thùng xe của bà lại. Bà cụ hỏi bà phải trả cho anh bao nhiêu tiền. Bryan chưa hề nghĩ đến điều là sẽ được trả tiền, đây không phải là nghề của anh.Anh chỉ giúp người đang cần được giúp đỡ vì Phật hay chính bản thân anh cũng biết rằng đã có rất nhiều người trong quá khứ ra tay giúp anh. Anh đã sống cả đời mình như thế đó, và chưa bao giờ anh nghĩ sẽ làm chuyện ngược lại.

Anh nói với bà cụ nếu bà thật sự muốn trả ơn cho anh thì lần khác khi bà biết ai cần được giúp đỡ, bà có thể sẵn sàng cho người ấy sự giúp đỡ của bà, và Bryan nói thêm: 'Và hãy nghĩ đến tôi'.  Anh chờ cho bà cụ nổ máy và lái xe đi thì anh mới bắt đầu lên xe của mình đi về. Hôm ấy là một ngày ảm đạm và lạnh lẽo nhưng anh lại cảm thấy thoải mái khi lái xe về nhà.

Chạy được vài dặm trên con lộ, bà cụ trông thấy một tiệm ăn nhỏ.. Bà ghé lại, tìm cái gì để ăn và để đỡ lạnh phần nào, trước khi bà đi đoạn đường chót về nhà. Đó là một nhà hàng ăn trông có vẻ không được thanh lịch. Bên ngoài là hai bơm xăng cũ kỹ. Cảnh vật rất xa lạ với bà.. Chị hầu bàn bước qua chỗ bà ngồi, mang theo một khăn sạch để bà lau tóc ướt. Chị mỉm cười vui vẻ với bà dù đã phải đứng suốt ngày nay để tiếp khách. Bà cụ để ý thấy chị hầu bàn này đang mang thai khoảng tám tháng gì đó nhưng dưới cái nhìn của bà, bà thấy chị không bao giờ lộ ra sự căng thẳng hay đau nhức mà làm chị thay đổi thái độ.

Rồi tự nhiên bà lại chợt nhớ đến anh chàng tên Bryan hồi nãy. Và bà cụ vẫn còn thắc mắc, không hiểu tại sao một người có ít đến độ thiếu thốn mà lại sẵn lòng cho một người lạ mặt rất nhiều...

Sau khi ăn xong, bà trả bằng tờ giấy bạc một trăm đô-la. Chị hầu bàn mau mắn đi lấy tiền để thối lại tờ bạc một trăm của bà cụ.. nhưng bà cụ đã cố ý nhanh chân bước ra khỏi cửa mất rồi. Lúc chị hầu bàn quay trở lại thì bà cụ đã đi khuất . Chị hầu bàn thắc mắc, không biết bà cụ kia có thể đi đâu. Khi dọn dẹp, chị để ý trên bàn thấy có dòng chữ viết lên chiếc khăn giấy lau miệng…

Nước mắt vòng quanh khi chị đọc dòng chữ mà bà cụ viết: 'Cô sẽ không nợ gì tôi cả. Tôi cũng đã từng ở vào tình cảnh thiếu thốn giống như cô hiện nay. Có ai đó đã một lần giúp tôi, giống như bây giờ tôi đang giúp cô. Nếu cô thực sự nghĩ rằng muốn trả ơn lại cho tôi thì đây là điều cô nên làm: Đừng để cho chuỗi tình thương này kết thúc ở nơi cô.'

Bên dưới tấm khăn giấy lau miệng, bà cụ còn lót tặng thêm bốn tờ giấy bạc 100 đô-la nữa. Thật ra, còn có những bàn ăn cần lau dọn, những hũ đường cần đổ đầy,và những khách hàng để phục vụ... Và chị hầu bàn đã hoàn tất những việc ấy để sửa soạn cho qua ngày mai.

 Tối hôm đó, dù khi đi làm về và leo lên giường nằm, chị vẫn còn nghĩ về số tiền và những gì bà cụ đã viết cho. Làm thế nào mà bà cụ đã biết chị và chồng của chị hiện đang cần số tiền ấy? Với sự sanh nở đứa bé vào tháng tới, điều ấy sẽ là khó khăn… Chị biết chồng chị lo lắng đến mức nào, và trong lúc anh ta nằm ngủ cạnh chị, chị cho anh một cái hôn nhẹ và thì thào bên tai anh, 'Mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả. Em thương anh, Bryan, ạ.' (chị đâu có biết anh Bryan đã thay bánh xe cho bà già tội nghiệp trước đó)

Có một cổ ngữ 'NHÂN NÀO QUẢ NẤY' Hôm nay tôi gửi bạn câu chuyện này,và tôi mong bạn chuyển tiếp nó. Hãy để cho ngọn đèn này chiếu sáng. Đừng xóa nó, đừng gửi nó trở lại. Chỉ việc chuyển câu chuyện này đến một người bạn. Những người bạn tốt, giống như những vì sao. Bạn không luôn luôn trông thấy họ, bạn biết họ

Những Chuyện Ngụ Ngôn hay - Một Kẻ Hợm Hĩnh

MỘT KẺ HỢM HĨNH

Anh Gà Trống bay lên đậu trên hàng rào rồi rướn cao đầu lên trời.

– Anh đang ngắm bầu trời đấy à? – Chị Vịt thấy thế liền hỏi.

– Bầu trời là cái gì đối với tôi cơ chứ ! – Gà Trống đáp lại và rướn cao đầu hơn – Một khoảng không gian ngu xuẩn chất đầy hành tinh đến nỗi không còn chen vào đâu được. Một sự luân phiên nhàm chán giữa ngày và đêm. Tất cả những cái đó đã quá quen thuộc.

– Thế mà từ lâu em không biết anh là một người thú vị đến thế ! Anh có những ý tưởng mới cao siêu làm sao! Chị Vịt thốt lên.

– Tôi dang đôi cánh của mình – Anh Gà Trống tiếp tục nói – Tôi sẽ bay cao hơn cả bầu trời, sẽ thách thức với tất cả các hành tinh và rồi bí ẩn nhưng kiêu hãnh, tôi sẽ quay trở về với biển xanh khôn cùng và ... tôi sẽ chìm.

gà trống hợm hĩnh

Nói đến đây, Gà Trống chóng mặt mất thăng bằng, ngã nhào xuống vũng nước.

– Ôi ! – Chị Vịt sợ hãi – Anh đang chìm đấy ư?

– Ừ ! Đang chìm ! – Gà Trống tức giận trả lời, và rồi nhìn thấy một chú giun, anh ta liền mổ, nuốt chửng.

Hệt như tất cả những anh gà khác !

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Bài Thơ Cuối Cùng Của Hoshin


Thiền sư Hoshin sống ở Trung Hoa nhiều năm. Sau đó ngài về vùng đông bắc nước Nhật Bản, tại đây ngài dạy các đệ tử của ngài. Khi ngài quá già, ngài kể cho họ một câu chuyện ngài đã nghe được ở Trung Hoa. Đây là câu chuyện:
Một năm vào ngày hai muơi lăm tháng Mười Hai, Tokufu, đã rất già, nói với đệ tử của ngài: "Ta không sống nổi đến sang năm vậy các con hãy chăm sóc ta cho chu đáo trong năm nay."
Các đệ tử nghĩ rằng ngài nói đùa, nhưng vì ngài là vị thầy có tấm lòng cao cả cho nên mỗi người đệ tử của Ngài thay phiên chiêu đãi ngài trong những ngày của của năm sắp hết.
Vào đêm giao thừa, Tokufu kết luận: "Các con đã tử tế với ta. Ta sẽ xa các con vào chiều mai khi tuyết ngừng rơi."
Các đệ tử đều cười, nghĩ rằng ngài đã lớn tuổi nói năng lẩm cẩm bởi vì đêm đó quang đãng và không có tuyết. Nhưng vào nửa đêm tuyết bắt đầu rơi, và đến ngày hôm sau thì họ chẳng thấy vị Thầy của họ đâu nữa. Họ đi đến thiền đường. Ngài đã qua đời nơi đó.
Hoshin, người kể câu chuyện này, nói với các đệ tử của ngài: "Một thiền sư đoán trước ngày mình viên tịch cũng không phải là một điều cần thiết, nhưng nếu vị ấy thực sự muốn làm như vậy, vị ấy có thể làm được."
"Sư Phụ có làm được không ?" một đệ tử hỏi. 
"Được chứ," Hoshin trả lời. "Ta sẽ cho các con biết ta có thể làm được những gì bảy ngày nữa tính từ hôm nay."
Không một đệ tử nào tin ngài, và hầu như họ cũng đã quên câu chuyện cho đến lần sau khi Hoshin gọi họ tụ họp lại.
"Bảy ngày trước đây," ngài nhắc lại, "Ta nói ta sẽ xa lìa các con. Theo lệ thường thì nên viết một bài thơ từ biệt, nhưng ta chẳng phải là thi sĩ cũng không là người viết thư pháp. Vậy một người trong các con hãy ghi lại những lời cuối cùng của ta."
Các đệ tử của ngài tưởng ngài nói đùa, nhưng một người trong bọn họ đã sửa soạn để viết.
"Con sẵn sàng chưa?" Hoshin hỏi.
"Dạ rồi, thưa Sư Phụ" người viết đáp lời.
Rồi Hoshin đọc:

Ta đến từ nguồn sáng
Và về với nguồn sáng.
Cái này là cái gì ?

Bài thơ thiếu một dòng nữa để trở thành một bài tứ tuyệt thường làm, vì vậy người đệ tử nói: "Thưa Sư Phụ, chúng ta thiếu một câu."
Hoshin, với tiếng gầm của một con sư tử chiến thắng, la lớn lên: "Kaa!" rồi ra đi. 

Những Điển Tích Hay - Vắng như chùa Bà Đanh

Vắng Như Chùa Bà Đanh

Chùa Bà Đanh là tên gọi Nôm của chùa Châu Lâm. Chùa này được cất lên cùng với viện Châu Lâm vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ở làng Thụy Chương, Hà Nội. Vì để tránh húy miếu vua Thiệu Trị nên sau này Thụy Chương phải đổi thành Thụy Khuê. Vào thời đó, viện Châu Lâm được dùng làm chỗ ở cho những người Chiêm Thành được đưa về sau các cuộc chiến tranh, còn chùa Châu Lâm là nơi dành cho họ cúng lễ (vì hầu hết những người này đều theo đạo Phật).

Sau khi người Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ đã chiếm khu vực đất này để lập trường Trung học bảo hộ (1907) - nay là trụ sở của trường trung học Chu Văn An, vì thế chùa Châu Lâm phải dời về phía Tây Nam, ở cuối làng và đổi sang tên mới là chùa Phúc Lâm.

Dấu tích của chùa Phúc Lâm hiện vẫn còn giữ lại được tấm bia ghi rõ: Bà Đanh tự (chùa Bà Đanh). Theo tục truyền, Bà Đanh là một người đàn bà đã có công dựng lên chùa này, vì thế mà ngôi chùa mang tên bà. Từ khi viện Châu Lâm bị bãi bỏ, số người đến lễ bái chùa này ngày một ít đi. Chính vì thế mà không khí ngôi chùa này ngày càng trở nên vắng vẻ. Trong bài "Tụng Tây Hồ phú" của  Nguyễn Huy Lượng có ghi lại cảnh vắng của chùa này: 

                Dấu bố cái rêu in nền phủ
                Cảnh Bà Đanh hóa khép cửa chùa.

Cảnh vắng vẻ, thiếu người đến lễ bái của chùa Bà Đanh dần dần đã trở thành một hình ảnh để so sánh với bất cứ một cảnh vắng vẻ nào. "Vắng như chùa Bà Đanh" là một sự vắng vẻ yên tĩnh gợi nên vẻ lạnh lẽo, cô quạnh, thiếu hơi ấm của con người. Ca dao Hà Nội có câu:

                Còn duyên kẻ đón người đưa
                Hết duyên vắng ngắt như chùa Bà Đanh.


Tác giả Dương Trọng Hiếu 
(Theo "Kể chuyện thành ngữ tục ngữ", NXB KHXH Hà Nội 1994 

Chuyện cười trong ngày

Đừng quá lo lắng

- Tôi rất sợ, đây là cuộc phẫu thuật đầu tiên trong đời tôi!

Ông bác sĩ an ủi:

- Ông đừng quá lo lắng, đây cũng là ca mổ đầu tiên của tôi.

Friday, February 26, 2016

Ngày 26-2-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Bộ quần áo may đo

BỘ QUẦN ÁO MAY ĐO

Tôi định đi may đo một bộ quần áo mới cho thật vừa vặn. Tôi đến cửa hàng may đo nổi tiếng với cái tên hấp dẫn: "Sẵn sàng phục vụ".

Ra đón tôi là ông giám đốc cửa hàng, một người trông hoạt bát, nhanh nhẹn và rất dễ thương. Sau khi biết mục đích của tôi, ông giám đốc lịch sự giải thích rằng, cửa hàng này chỉ nhận may đo bằng vật liệu của khách hàng.

- Vật liệu gì cơ? Tôi hỏi.

Ông giám đốc đưa cho tôi một cuốn sách dày cộp, bên ngoài bìa có đề hàng chữ: "Những chỉ dẫn cần thiết mà khách hàng cần biết".

- Đề nghị anh nghiên cứu kỹ những chỉ dẫn này. – Giám đốc nói – Và mua đủ những thứ vật liệu cần thiết đem đến đây. Chúng tôi xin vui lòng phục vụ.

Ít lâu sau, tôi lại đến cửa hàng may đo ấy. Bác lái xe taxi xách giùm tôi một vali lớn vào theo.

- Đây, hãy đặt vali lên bàn này. – Giám đốc chỉ tay lên bàn mình. Và ông ta hỏi thêm một cách lịch sự – Hy vọng rằng quý khách mang đủ mọi thứ như trong quyển chỉ dẫn đấy chứ?

- Vâng, đủ mọi thứ – Tôi vừa đáp vừa mở chiếc vali to tướng ra.

- Được rồi, chúng ta hãy kiểm tra xem. – Giám đốc nói và mở cuốn sách hướng dẫn ra.

- Vải này, ba thước rưỡi đúng như trong bản chỉ dẫn.

- Tốt lắm, còn vải lót?

- Vải lót đây.

- Vải dựng?

- Có ngay, Cranh lông ngựa loại thượng hạng.

- Thế thì tuyệt trần. Mấy cuộn chỉ?

- Ba cuộn chỉ màu và ba cuộn chỉ trắng.

- Được rồi. Kim cài có chưa?

- Đầy đủ kim cài và kim băng nữa. Nhớ là kim cài của tôi núm nhựa nhiều màu hẳn hoi.

- Thế còn nhẫn đê?

- Đây, hai chiếc.

- Sao lại hai chiếc? Trong hướng dẫn chỉ yêu cầu một nhẫn đê mà thôi.

- Tôi hy vọng rằng thợ may của ông có đủ hai tay.

- Thật là một ý kiến tuyệt vời. Chúng tôi xin hoan nghênh và sẽ rút kinh nghiệm sửa vào bảng hướng dẫn mới. Còn phấn màu? – Đây rồi, đây là kim này, cúc áo này, cúc tay này. À, thế còn thước đâu?

- Tôi đã mua cả thước dây lẫn thước gỗ đây.

- Tuyệt lắm, thế còn kéo?

- Đây, tôi chỉ kiếm được một kéo thợ may, một kéo loại trung.

- Kéo loại trung thì chúng tôi không cần. Nhưng thôi, cửa hàng chúng tôi không quan liêu hình thức làm gì. Anh cứ đưa cả hai cái kéo cho chúng tôi dùng cũng được.

Cuối cùng, giám đốc cửa hàng nhìn tôi với vẻ đầy thiện cảm:

- Anh khiến tôi rất có cảm tình. Cứ như thế này chẳng mấy chốc anh sẽ trở thành một khách hàng gương mẫu có tính kỷ luật và tự giác.

- Tôi rất vui mừng! – Tôi nói và đưa ra một tờ giấy. – Còn cái này nữa. Giấy chứng nhận của bệnh viện.

Nhưng giám đốc tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Giấy chứng nhận của bệnh viện làm gì? Tôi không hiểu. Và hình như điều này không quy định trong bản chỉ dẫn.

- Đấy là giấy tờ chứng nhận của khoa ngoại bệnh viện rằng hai tay tôi dài bằng nhau. Và hai chân cũng vậy. Điều nay sẽ tạo thuận lợi hơn cho cửa hàng khi cắt may.

- Thật là một sáng kiến tuyệt vời. – Giám đốc cửa hàng reo lên – Từ nay trở đi nếu khách hàng nào không có giấy chứng nhận này thì đừng hòng đến may đo – Giám đốc cửa hàng nắm tay tôi đầy vẻ thích thú và cảm ơn.

Bỗng ông ta chợt nhớ ra điều gì, nét mặt thay đổi hẳn, ngơ ngác tìm quanh rồi lục bới trong vali của tôi. Sau đó, ông ta lắc đầu thất vọng:

- Hỏng rồi ông ơi! Có cái quan trọng nhất thì ông lại không mang đến, thế máy đâu?

- Máy gì? Lần này đến lượt tôi không hiểu.

- Còn hỏi máy gì nữa à? Tất nhiên là máy khâu, ông bạn ạ!

- ...!

Thế là tôi đành phải mua một bộ quần áo ở cửa hàng bán quần áo may sẵn. May mà cũng chọn được bộ vừa như in!

Những chuyện ngụ ngôn hay - Hai chú gà trống và đại bàng

Hai chú gà trống và đại bàng

Hai chú gà trống chọi nhau bên đống phân. Một chú sức lực khoẽ hơn, đánh bại chú kia và đuổi nó đi khỏi đống phân. Cả lũ gà mái ào đến vây quanh gà trống, khen ngợi nó. Gà trống muốn được gà ở sân nhà khác biết về sức lực và vinh quanh của nó. Anh chàng bay lên nóc căn nhà chưá đồ, vỏ cánh và lớn tiếng:

-Tất cả bọn các ngươi hãy trông ta đây, ta đã đánh bại một gà trống khác ! Trên thế gian nầy không một con gà trống nào có sức lực như ta.
Anh chàng chưa kịp hát hết bài, một gã đại bàng đã bay đến đánh gục, quặp vào móng và mang về tổ.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Lời dạy quan trọng nhất


Một vị Thiền Sư nổi tiếng nói rằng lời dạy cao qúi nhất của ông ta là: Phật là tâm của bạn. Ý tưởng này đã tạo ấn tượng thật là sâu sắc, đến nỗi một vị sư đã quyết định rời tu viện và sống ẩn dật tại vùng hoang vu để tu tập thiền định theo sự nhận xét này. Sư đã trải qua 20 năm như là nhà tu khổ hạnh nhằm phát hiện sự thật lời dạy cao qúi này.

Một ngày nọ Sư gặp một vị hành giả đang đi xuyên qua khu rừng. Nhanh chóng vị Sư khổ hạnh nhận ra vị Sư này cũng đã từng học chung dưới chân vị Thiền Sư. "Làm ơn, nói cho đệ biết sư huynh biết gì về lời dạy cao cả của Sư Phụ." Mắt của vị hành giả sáng lên, "Ah, Sư Phụ đã rất rõ ràng về điều này. Sư Phụ nói rằng lời dạy cao qúi của Ngài là: Phật không phải là tâm bạn."

Những Sự Tích Nhân Gian Việt Nam - Sự tích chiếc kèn môi của người Mèo

Sự tích chiếc kèn môi của người Mèo


Ngày xưa, có một con quỷ dữ sinh sống trong một cái hang trên một ngọn núi cao. Hằng ngày quỷ thường bắt trâu bò để ăn thịt. Khi trâu bò hết, quỷ thường xuống các bản làng quanh vùng để bắt trâu bò. Người dân bản làng rất căm tức, nhưng không thể chống cự lại.

Một hôm, có nàng công chúa xinh đẹp con của vua Mèo vào rừng hái hoa, bắt bướm. Cô mải mê nhìn ngắm những bông hoa đẹp nên không biết quỷ dữ đã lén trộm nhìn cô từ lúc nào.

Quỷ cười thầm trong bụng: “ Nàng đẹp lắm. Ta sẽ bắt nàng làm người hầu của ta”

Nói xong, quỷ liền tung áo choàng, thổi phù một cái, chiếc áo của hắn như có cánh, bay vù đến cuốn lấy công chúa đi mất. Công chúa mê đi, khi tỉnh dậy, nàng sợ hãi vô cùng khi biết mình đã bị quỷ dữ bắt. Nhìn xuống chân, nàng thấy có sợi dây đã buộc ở cổ chân từ lúc nào

Quỷ bắt công chúa hầu hạ nó, hằng ngày xuống núi vác nước về cho nó tắm. Công chúa buồn rầu và nhớ nhà lắm nhưng không làm sao thoát được, vì mỗi lần Công chúa cử động mạnh là sợi dây thần cột nơi cổ chân liền báo hiệu cho quỷ dữ biết ngay

Buổi sáng nọ, Công chúa xuống núi gánh nước thì thấy con cá đẹp bơi lội tung tăng trong nước. Thỉnh thoảng cá lại ngoi lên trong nước, nhìn nàng bằng đôi mắt óng ánh. Công chúa nhìn con cá tung tăng vui sướng, nghĩ đến phận mình liền cất tiếng than:

Cá buồn cá lội tung tăng
Ta buồn ta biết ngỏ cùng ai đây?
Quanh ta trời thẳm đất dày,
Tấm thân tù tội biết ngày nào vui.

Nghe lời than của nàng, con cá bỗng nổi lên và hóa thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Chàng trai bước lên bờ, đến bên nàng và nói:

– Ta là con trai của vua Thủy Tề. Nghe tin nàng bị quỷ dữ bắt giam ta vội lên đây để cứu nàng.

Chàng trai cõng công chúa trên lưng và băng rừng chạy trốn. Trong lúc vội vã, công chúa quên mất sợi dây thần ở cổ chân. Thấy động mạnh, quỷ dữ biết ngay và căm tức gầm thét như sấm rền. Chàng trai cõng công chúa chạy được một lúc thì bị dây thần níu lại. Biết không thể đi xa được, chàng liền hóa phép cho công chúa biến thành một bông hoa, còn chàng thì biến thành cành lá che chở cho nàng

Biết mưu kế của chàng trai, quỷ dữ liền hóa phép thành đàn ong bay ào ào đến. Cành lá và bông hoa bị ong châm đến rụng lá, rụng cánh hoa thì liền biến trở lại thành chàng trai và công chúa. Quỷ dữ tức giận lôi công chúa về hang, may thay chàng trai trốn thoát được. Chàng buồn rầu đi lang thang. Tiên ông thấy vậy động lòng thương, hiện ra và cho chàng một con dao, một chiếc lá rồi dặn dò:

“ Khi nào con muốn nói gì với công chúa, hãy để chiếc lá vào môi và nói, công chúa sẽ nghe thấy những điều con nói”

Tiên ông lại hiện đến bên công chúa, cho nàng chiếc lá và bảo

Khi nào con muốn nói gì với chàng trai con vua Thủy Tề, con cứ để chiếc lá này vào miệng mà nói, chàng trai sẽ nghe thấy.

Nói rồi tiên ông biến mất. Công chúa có chiếc lá liền thổ lộ với chàng tất cả nỗi đau khổ của nàng và mong chàng mau trở lại cứu nàng thoát khỏi tay quỷ dữ

Chàng trai hẹn gặp công chúa tại bờ suối nàng hay đi lấy nước. Chàng trai lấy con dao, cắt đứt dây thần. Dây thần đứt báo ngay cho quỷ dữ, hắn tức giận liền đuổi theo. Hai người vừa chạy đến bờ sông lớn thì đã thấy bóng quỷ thấp thoáng đằng sau

Thấy vậy chàng trai liền quay ra bờ sông, lấy tay vỗ nước và gọi

Hỡi đàn cá lớn cá nhỏ! Hỡi cá chép, cá chầy! Hãy đưa ta qua sông!

Vừa dứt lời, chàng đã thấy một con cá lớn rẽ sóng lội vào và đưa hai người qua sông. Quỷ đuổi đến bờ sông liền cởi áo khoác tung lên trời. Tấm áo bay, đưa quỷ vượt qua sông rộng. Hai người đến một ngọn núi rất cao thì tiên ông đã cho một con chim lớn bay đến đưa hai người vượt qua ngọn núi. Quỷ đuổi đến ngọn núi cũng tung áo lên và áo đưa quỷ qua núi. Quỷ đuổi gần kịp hai người, liền dừng lại, thổi phù một cái, tấm áo bay vù vù và chụp luôn lên đầu hai người và cuốn chặt lấy. Bắt được hai người, quỷ đánh chàng trai chết và bắt công chúa về. Cái chết oan của chàng trai đến tai tiên ông. Tiên ông liền phù phép cho chàng sống lại, và cho chàng một thanh kiếm, một chiếc nỏ, rồi bảo chàng:

– Lần này, con hãy cõng công chúa vào rừng chuối…

Chàng liền để chiếc lá vào mồm và hẹn công chúa ra suối để cùng trốn. Yên chí chàng đã chết, quỷ lại cho nàng đi vác nước dưới suối. Chàng liền dùng kiếm cắt dây thần và cõng nàng chạy vào rừng chuối. Quỷ biết, đuổi theo. Chàng vừa chạy vừa chặt chuối chặn đường quỷ. Vướng chuối, quỷ trượt chân ngã.

Nó liền hóa ra sấm chớp, thổi mây đen tối mịt để không cho chàng chạy. Chàng liền giương nỏ bắn tan những đám mây. Quỷ liền hóa ra lửa đốt hai người. Chàng liền phun nước dập tắt. Cuối cùng, quỷ tung áo lên để bắt chàng. Thấy áo quỷ đang bay, chàng giương nỏ bắn rách áo. Quỷ hết phép. Chàng kết liễu đời nó.

Chàng đưa công chúa về cung vua. Vua cha thấy thế mừng rỡ, làm lễ cưới cho hai người và phong chàng làm phò mã.

Từ đó, mỗi khi vui chơi, chàng lại mang chiếc kèn môi ra thổi, để nhớ lại những kỷ niệm xưa. Dân bản Mèo cảm phục gương anh dũng của chàng nên cũng làm kèn môi để thổi. Và cứ mỗi đôi thanh niên nam nữ yêu nhau, họ lại dùng kèn môi. Tiếng kèn môi thủ thỉ tâm tình.

Chuyện cười trong ngày

Chữa nghiện bóng đá

Một phụ nữ vào phòng khám tâm lý xin tư vấn:

- Thưa bác sĩ, chồng em bị bệnh quá mê bóng đá, chẳng ngó ngàng gì đến em. Bác sĩ có cách gì giúp em không?

- Chị nên chú ý đến trang điểm và ăn mặc hơn.

- Em đã làm như thế, nhưng không ăn thua đâu ạ!

- Cần dịu dàng chăm sóc anh ta với cử chỉ và trang phục gợi tình hơn.

- Cũng không ăn thua.

- Cách cuối cùng: Hãy in số áo thần tượng của anh ta lên áo ngủ của chị. Chúc thành công!

Thursday, February 25, 2016

Ngày 25-2-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Thiết Chúa Đại Phong

THIẾT CHÚA ĐẠI PHONG

Chúa Trịnh ngày nào cũng yến tiệc, ních đầy bụng những sơn hào, hải vị. Người ăn của ngon nhàm mồm đâm ra khó tính. Một hôm chúa khó ở, lưỡi se đắng, bụng ậm ạch. Nhân ngồi với Quỳnh, chúa phàn nàn:

– Ta ngẫm không còn thiếu thứ gì quý hiếm trên đời chưa thưởng thức. Quái lạ, thế mà vẫn chưa món nào làm ta thực sự cảm thấy ngon miệng. Điều đó là tại làm sao, Trạng nói ta hay?

– Quỳnh nói luôn: Thế chúa đã xơi món mầm đá bao giờ chưa?

– Chúa lấy làm lạ: Món mầm đá thế nào, chắc ngon lắm phải không?

– Quỳnh đáp: Tuyệt trần đời. Nhưng muốn ăn mầm đá phải kỳ công.

– Chúa liền nằng nặc: Sợ gì công phu! Miễn là được ăn ngon. Nhất là lúc này, người đang mệt mỏi, ta đang rất cần ăn biết ngon. Trạng hãy mau chóng cho làm móm mầm đá kia đi!

– Ít lâu sau, vào tờ mờ sang. Quỳnh viết thiếp cho gia nhân mời chúa đến nhà thết tiệc mầm đá.

- Chúa đến nhà Trạng ngay từ mới rạng sáng. Đến khi mặt trời đứng bóng, vẫn thấy Quỳnh bận rộn lụi hụi dưới bếp, thỉnh thoảnh chạy ra, chạy vào, mồ hôi nhể nhại, khăn tay vắt vai, tay áo xắn đến khuỷu...Chúa nghĩ thầm:"Đúng là món mầm đá kỳ công thật, nên Trạng mới phải ra tay đốc thúc nhà bếp tất tưởi như thế kia!"

- Quá ngọ, sang mùi, bụng chúa bắt đầu cồn cào. Quỳnh vừa ló mặt, chúa chép miệng, trách: Sao "mầm đá" lâu chin thế? Biết vậy thế này ta chẳng nhận lời đến nhà Trạng hôm nay.

- Quỳnh lấy khăn tay thấm mồ hôi trán khải rằng: Thần muốn chúa ngon miệng nên mới dụng công ninh "mầm đá" thật công phu. Xin gắng đợi chút nữa, sắp chín rồi...

- Một chốc chúa lại giục, Quỳnh lại khẩn khoản thưa: "Gắng đợi thêm một chút mầm đá không kỹ lửa, không ninh nhừ khó tiêu..."

- Mặt trời xế bóng vẫn chưa thấy món mầm đá được dọn ra. Mùi cá khô, lẫn mùi khói bếp bên mấy nhà vào bữa cơm chiều, làm chúa "Nhức lỗ mũi", ứa nước dãi. Chúa đành gọi Quỳnh lên , chúa ngồi lù đù hóp bụng lại, thú thật: Ta đói lắm rồi, không đợi được nữa. Mẩm đá để dành ăn sau cũng được. Bây giờ có thức gì dùng tạm, Trạng cứ cho mang lên!

- Quỳnh dạ một tiếng, vẻ miễn cưỡng rồi hét vọng xuống bếp: Cứ chất thêm củi vào nồi "mầm đá"! Hãy bưng cơm lên dâng chúa dùng cho qua loa đã chúng bay!

- Gia nhân dạ ran, rồi bê cái mâm lên. Bữa xoàng, có một phạng cơm với rau muống luộc, và một chiếc hũ sành.Chúa thấy ngoài chiếc hũ dán mảnh giấy hồng điều đề hai chữ "đại phong". Chúa ăn cơm rau chấm nước "đại phong" ngon lành, chỉ một loáng lại đưa bát cho Trạng xới tiếp. Chúa nghĩ bụng, chắc món này cũng quý hiếm đặc biệt, nên thấy Trạng giữ gìn chiếc hũ cẩn thận. Có lần rau đã hết nước chấm, mãi mới thấy Trạng cẩn thận đỡ miệng hũ, múc thêm mấy muôi nhỏ "đại phong" nữa... — Chúa ngắm nghía chiếc hũ lại nhìn Trạng. Này khanh, "đại phong" là món gì mà ngon lạ như vậy?

– Khải chúa, đây chỉ là món thường nhật của con nhà trong làng.

- Chúa không tin: Hai chữ "đại phong" là nghĩa thế nào?

- Quỳnh tủm tỉm cười: Nhà chúa nhìn được mặt chữ, tự giải lấy, khắc rõ.

- Chúa lẩm bẩm: Đại phong tức là gió lớn, phải không?

- Quỳnh gật đầu, hỏi tiếp: Vậy gió lớn thì làm sao?

- Chúa bối rối như học trò không thuộc bài, nhìn Trạng.

- Quỳnh giảng giải: Gió lớn ắt đổ chùa!

- Trạng lại tiếp, hỏi dần: Đổ chùa thì làm sao?

- Chúa càng ấp úng. Quỳnh nói: Đổ chùa thì sư, vãi bỏ chạy, xôi oẵn mất hết... Của ngọc thực rơi vãi hết thì ông bụt nào cũng phải lo... Tượng lo thì làm sao?

- Trạng hỏi, đáp, dồn dập, liên hồi. Chúa chỉ còn biết ngồi trơ ra như phỗng. Hồi lâu, Quỳnh mới chịu khẽ khàng cắt nghĩa: Đến trẻ con cũng biết đọc ngược thì "tượng lo" là "lọ tương". Khải chúa, thứ tương đỗ này không cao sang đâu, chẳng qua chúa quên mất những miếng ngon lành ở làng xóm rồi. Nay thần bày cách ninh "mầm đá", chẳng thể đun được nhừ, đợi đến bao giờ cũng không có thể ăn được. Chúa cứ ngồi cho bụng thật đói, miệng thật thèm, bấy giờ chỉ cần lấy lưng cơm với món "đại phong" xoàng xĩnh này, chúa thấy ngon miệng.

- Chúa Trịnh bừng tĩnh trước một sự thật ngay bên mình... Chúa đứng dậy, cảm ơn Trạng, ra về.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay - Cái bẫy chuột

CÁI BẪY CHUỘT

Một con chuột nhìn qua vết nứt ở vách tường và trông thấy bác nông dân cùng với vợ đang mở một cái hộp. Nó nghĩ thầm "có lẽ là có đồ ăn gì trong hộp". Nhưng liền sau đó, con chuột hốt hoảng khi phát hiện ra trong hộp có một cái bẫy chuột. Chú ta bèn chạy ra ngoài vườn và la toáng lên:

– Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!

Chị gà mái đang bới đất gần đó nghe thấy thế ngẩng đầu lên và nói:

– Này chuột, đây quả là mối lo ngại ghê gớm đối với anh, nhưng nó chẳng có phiền hà gì với tôi, tôi không thể nào bị vướng vào cái bẫy chuột.

Chuột bèn quay sang nói với lợn:

– Anh lợn ơi, có một cái bẫy chuột trong nhà.

Anh lợn ủn ỉn có vẻ thông cảm trả lời:

– Tôi rất lấy làm tiếc cho cậu, tôi chả làm được gì, nhưng tôi sẽ cầu nguyện cho anh không bị vướng vào bẫy.

Nghe thấy thế, chuột hớt hải chạy đến bên bác bò đang nhai cỏ gần đó. Nó kêu lên:

– Bác bò, bác bò! Có một cái bẫy chuột trong nhà!

Bác bò vừa nhai cỏ, vừa từ tốn trấn an:

– Bác rất hiểu sự lo âu của cháu, nhưng bác cũng chẳng giúp được gì.

Chuột chán nản lẳng lặng đi vào nhà, lòng buồn thiu, một mình phải đối phó với cái bẫy chuột tàn nhẫn của bác nông dân.

Thế rồi, một đêm kia, có một tiếng động vang lên trong nhà, dường như đó là tiếng bẫy xập. Vợ của bác nông dân vội chạy tới để xem có bắt được con chuột nào không? Trong đêm tối loạng choạng, bà vợ bác nông dân đã bị con rắn độc cắn vào chân khi bà mon men tới gần cái bẫy. Thì ra, cái bẫy chuột đã xập vào đuôi của một con rắn.

Bác nông dân vội vàng chở vợ vào nhà thương ở trên quận. Khi trở về nhà, bà vợ bác bị lên cơn sốt. Bác nông dân nhớ là ăn cháo có thể làm giảm cơn sốt, vì thế bác đã chạy ra vườn bắt chị gà mái cắt tiết, làm thịt để nấu cháo cho vợ ăn. Thế nhưng, bệnh tình của vợ bác vẫn không giảm chút nào. Bạn bè và hàng xóm nghe tin đã tới hỏi thăm. Để thiết đãi họ, bác nông dân đã chọc tiết anh heo. Sau nhiều ngày chống chọi với cơn bệnh, vợ bác qua đời. Vì họ hàng thân thuộc đến đưa đám rất đông, bác nông dân phải mổ thịt bác bò để có đủ thức ăn đãi khách.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Sự nghèo nàn. 

Một ngày nọ người cha trong một gia đình giàu có đã đưa người con trai của mình đi du lịch về làng quê với mục đích cho người con nhìn thấy đời sống của những người nghèo như thế nào.

Họ đã sống một ngày và một đêm tại một nông trại mà được coi là một gia đình nghèo nhất.

Trên đường trở về, người cha hỏi người con, "chuyến du ngoạn như thế nào?"

" Thật là vĩ đại, thưa Ba."

"Con đã thấy những người nghèo họ sống như thế nào? Người cha hỏi.

"oh, dạ có" người con trả lời.

"Vậy hãy nói cho cha con đã học được gì từ cuộc du ngoạn?" người cha hỏi.

Người con trả lời: "Con đã thấy chúng ta có một con chó và họ đã có bốn. Chúng ta có một hồ bơi trải ra tới giữa vườn của chúng ta và họ có một nhánh sông bất tận. Chúng ta có những đèn lồng nhập cảng tại vườn của chúng ta và họ có nhiều ngôi sao vào ban đêm. Hàng hiên của chúng ta trải ra tới sân trước và họ thì có cả một vùng trời. Chúng ta có một miếng đất nhỏ để sinh sống và họ có nhiều cánh đồng mà chúng ta đã thấy bao la bát ngát . Chúng ta có nhiều người hầu để phục vụ chúng ta, nhưng họ thì phục vụ những người khác. Chúng ta mua thực phẩm cho chúng ta, nhưng họ thì tự trồng trọt lấy. Chúng ta có những bức tường bao bọc chung quanh tài sản của chúng ta để bảo vệ chúng ta, họ có nhiều bạn để bảo vệ họ.

Người cha đã không nói được lời nào
Và rồi người con nói tiếp "Cám ơn Cha, đã cho con thấy được chúng ta nghèo nàn như thế nào." 

Những Điển Tích Hay - Ba Bẩy Hăm Mốt Ngày

Ba Bẩy Hăm Mốt Ngày

Việt Nam ta có câu "Ba bảy hăm mốt ngày" (không sớm thì muộn) có thể được coi là mang cùng ý nghĩa với thành ngữ "Ngũ nhật kinh triệu (năm ngày giữ chức Kinh triệu) của Tàu.

Đời Tuyên đế nhà Tây Hán, kinh đô Trường An có nạn trộm cướp hoành hành dữ dội, khiến dân chúng nhà nhà đều bất an.  Đương thời, việc trị an tại kinh đô là thuộc phận sự của quan Kinh triệu doãn (cũng như chức Đô trưởng ngày nay), nhưng nhiều vị Kinh triệu doãn kế tiếp nhau đều không trừ được nạn trộm cướp hoành hành tại kinh đô nhà Tây Hán.

Hán Tuyên đế nghe nói một vị quan ở đất Liêu Đông là Trương Xưởng rất tài giỏi, bèn gọi Trương Xưởng về, cho làm Kinh tiệu doãn, nắm việc trị an tại kinh đô.

Ngay sau khi nhiệm chức, Trương Xưởng tự mình đi sâu vào dân chúng kinh đô để điều tra tình hình, và được biết những kẻ cầm đầu bọn trộm cướp tại kinh đô đều là những kẻ giàu có, ra ngoài 1 bước là xe ngựa xênh xang, nhà ở thì lộng lẫy như cung điện, trong nhà thì gia nhân tỳ thiếp cả bầy. Trương 
Xưởng bèn tìm cách mua chuộc được hết bọn cầm đầu đó, và bắt trọn tổ chức trộm cướp tại kinh đô Trường An.  Dân chúng lại được sống yên vui và không ngớt lời ca tụng tài đức của Trương Xưởng.

Trương Xưởng giữ chức Kinh triệu doãn được mấy năm, nền trị an tại kinh đô cực kỳ tốt đẹp, bộ mặt kinh đô càng thêm thịnh vượng, nhưng 1 người bạn của Trương Xưởng là Dương Hẩn phạm tội đại nghịch và bị triều đình xử chém.  Các đại thần trong triều đề nghị cách chức tất cả bạn bè của Dương 
Hẩn hiện đang làm quan trên toàn quốc.  Do đó, Trương Xưởng cũng bị cách chức.

Lúc đó, Trương Xưởng có 1 thuộc cấp, chuyên phụ trách về các vụ trộm cướp, tên là Như Thuấn. Khi nghe tin Trương Xưởng bị cách chức, Như Thuấn không chịu tới phủ làm việc nữa.  Trương Xưởng cho gọi, Như Thuấn cũng không thèm đến, trái lại còn nói với mọi người rằng :

- Trương công còn tại chức được bao lâu  nữa ?  Chỉ chừng 5 ngày nữa giữ chức Kinh triệu doãn mà thôi, tại sao ta còn phải làm việc cho Trương công nữa.

Trương Xưởng nghe giận lắm, tức thì cho lệnh bắt giam Như Thuấn, lập hồ sơ kết tội là trái lệnh thượng cấp, và xử chém.

Sự tích này được chép trong phần Trương Xưởng truyện của bộ Hán thư.  Từ lời nói của Như Thuấn trong sự tích này, người đời rút ra thành ngữ "Ngũ nhật kinh triệu" (5 ngày giữ chức Kinh triệu) để nói về trường hợp làm quan không được yên, địa vị bị đe dọa, hoặc về trường hợp giữ chức không 
được bao lâu, dù vì bất cứ lý do nào (hoặc bị cách chức, hoặc tự ý xin rút lui, v.v...)

Chẳng hạn như trong 1 hãng buôn lớn, có 1 nhân viên làm việc không siêng năng cần mẫn, đi trễ về sớm, lại thiếu khả năng, làm việc hay lầm lẫn sai sót.  Nhân viên này sớm muộn gì cũng bị chủ nhân sa thải, chớ không thể làm việc lâu.  Trong trường hợp này người ta nói rằng nhân viên đó chẳng qua chỉ "ngũ nhật kinh triệu" mà thôi.

Tác giả Dương Trọng Hiếu 
(Theo Nguyễn Quốc Hùng - "Thông dụng thành ngữ cố sự")