Thursday, December 31, 2015
Chuyện ngắn - sống trọn vẹn từng ngày
SỐNG TRỌN VẸN TỪNG NGÀY
Trong một buổi diễn thuyết vào đầu năm học, Brian Dison-tổng giám đốc của tập đoàn CocaCola- đã nói chuyện với sinh viên về mối tương quan giữa nghề nghiệp với những trách nhiệm khác của con người.
“ Bạn hãy tưởng tượng cuộc đời như một trò chơi tung hứng. Trong tay bạn có năm quả bóng mang tên là: công việc, gia đình, sức khoẻ, bạn bè và tinh thần. Bạn đang tung chúng lên không trung. Bạn sẽ hiểu ngay rằng công việc là quả bóng cao su. Vì khi bạn làm rơi nó xuống đất, nó sẽ nảy lên lại. Nhưng bốn quả còn lại- gia đình, sức khoẻ, bạn bè và tinh thần- đều là những quả bóng bằng thủy tinh. Nếu bạn lỡ tay đánh rơi một quả, nó sẽ bị trầy xước, có tì vết, bị nứt, bị hư hỏng hoặc thậm chí bị vỡ nát mà không thể sửa chữa được. Chúng không bao giờ trở lại như cũ. Bạn phải hiểu điều đó và cố gắng giữ cho được sự quân bình trong cuộc sống của bạn.
Bạn làm thế nào đây?
Bạn đừng hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh mình với những người khác. Đó là vì mỗi chúng ta là những con người hoàn toàn khác nhau, chúng ta là những cá nhân đặc biệt. Bạn chớ đạt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì là tồt nhất cho chính mình.
Bạn chớ nên thờ ơ với những gì gần gũi với trái tim của bạn. Bạn hãy nắm chắc lấy như thể chúng là những phần trong cuộc sống của bạn. Bởi vì nếu không có chúng, cuộc sống của bạn sẽ mất đi ý nghĩa.
Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sông cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình.
Bạn chớ bỏ cuộc khi bạn vẫn còn điều gì đó cho đi. Không có gì là hoàn toàn bế tắc mà nó chỉ thật sự trở nên bế tắc khi bạn thôi không cố gắng nữa. Bạn chớ ngại nhận rằng mình vẫn chưa hoàn thiện. Đó chính là sợi chỉ mỏng manh ràng buộc mỗi người chúng ta lại với nhau. Bạn chớ ngại mạo hiểm. Nhờ mạo hiểm với những vận hội của đời mình mà bạn biết cách sống dũng cảm. Bạn chớ khóa kín lòng mình với tình yêu bằng cách nói bạn không có thời gian yêu ai. Cách nhanh nhất để nhận được tình yêu là hãy cho đi. Cách chóng nhất để đánh mất tình yêu là niú giữ thật chặt, còn cách tốt nhất để giữ tình yêu là bạn hãy chắp cho nó đôi cánh. Bạn chớ băng qua cuộc đời nhanh cho đến nỗi không những bạn quên mất nơi mình sống mà còn có khi quên cả bạn định đi về đâu.
Bạn chớ quên nhu cầu tình cảm lớn nhất của con người là cảm thấy mình được đánh giá đúng.
Bạn chớ ngại học. Kiến thức không có trọng lượng. Nó là kho báu mà bạn có thể luôn mang theo bên mình một cách dễ dàng.
Bạn chớ phí phạm thời gian hoặc lời nói một cách vô trách nhiệm. Cả hai điều đó một khi mất đi sẽ không khi nào bắt lại được. Cuộc đời không phài là một đường chạy mà nó là một lộ trình mà hãy thưởng thức từng chặng đường mình đi qua.
Quá khứ đã là lịch sử. Tương lai là một màu nhiệm. Còn hiện tại là một món quà của cuộc sống, chính vì thế chúng ta gọi đó là tặng phẩm (*).
* Chú thích: Present -cách chơi chữ trong tiếng Anh- có nghĩa là hiện tại, đồng âm với tặng phẩm.
Những câu chuyện ngụ ngôn hay - ăn giỗ
Ăn giỗ
Một hôm, họ nhà Khỉ có giỗ nên mời Heo và Bò tới nhà ăn cỗ.
Xong xuôi, chiều đến bỗng Khỉ thấy Cọp tới hỏi:
- Vì sao giỗ chẳng mời ta?
Khỉ bảo:
- Cỗ bàn nhỏ mọn. Nào đâu dám mời quan bác, xin hẹn sang năm sẽ sửa mâm cỗ đầy.
Cọp nghe thế lấy làm phải bèn phe phẩy đuôi ngất nghểu ra về. Khỉ vợ hỏi khỉ chồng:
- Sao lại đặt điều nói khoác với bác Cọp làm chi?
- Không, đó chỉ là cách khéo léo từ chối giao du với những kẻ hung dữ đó thôi.
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Học được từ sự khó khăn
Người con trai của vị tổ sư đạo chích hỏi cha dạy cho mình bí quyết nhà nghề. Vị đạo chích lão luyện bằng lòng và đêm đó ông dẫn người con trai tới ăn trộm một căn nhà rộng lớn. Trong lúc mọi trong nhà ngủ, ông ầm thầm dẫn người con trai học nghề của mình vào trong một phòng có phòng chứa đựng quần áo. Người cha nói với con mình bước vào trong phòng chứa quần áo để lấy vài bộ quần áo. Khi người con đã vào, cha của nó nhanh chóng đóng cửa tủ và khóa con của mình trong đó. Sau đó ông trở ra bên ngoài, gõ thật lớn vào cánh cửa trước, bằng cách đó để đánh thức mọi người trong gia đình, và nhanh nhẹn bỏ chạy trước khi mọi người nhìn thấy ông ta. Nhiều giờ sau, con trai của vị tổ sư đạo chích trở về nhà, bê bết và mệt lử.
"Cha," nó giận dữ gào khóc, "Tại sao cha lại khóa con trong phòng chứa quần áo đó? Nếu con đã không liều mạng vì quá sợ bị bắt, thì con không bao giờ có thể trốn thoát. Con đã phải hết sức khéo léo để thoát ra!"
Vị tổ sư đạo chích mỉm cười. "Con trai, con đã học được bài học thứ nhất trong nghệ thuật đạo chích."
Cổ Học Tinh Hoa - Hay dở đều do mình cả
Hay dở đều do mình cả
Kẻ có quốc gia mà đã bất nhân thì tâm thần mê muội, công việc đảo điên, không còn biết phải trái là gì nữa, nguy cũng mặc, tai cũng mặc, đến mất đứt cũng mặc. Kịp khi đã bại hoại, diệt vong rồi thì lại đổ cho mệnh giời, quy tội cho người, có biết đâu là tự chính mình gây nên mối hoạ cho mình cả.
Người làm quận trưởng một quốc gia nếu mà bất nhân thì không thể nào nói phải với họ được nữa! Quốc gia suy yếu, ngoại biến đến nơi, họ vẫn cho là yên; thiên tai nhân họa xảy ra luôn luôn, họ không biết là hại; xa xỉ ăn chơi, bạo ngược tàn ác đi đến con đường diệt vong, họ vẫn lấy làm vui sướng. Hạng bất nhân ấy, nếu còn phải được với họ thì đã chả đến nỗi có những chuyện mất nước tan nhà!
Ngày trước có đứa trẻ hát câu:
“Thương Lang chi thuỷ thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh.
Thương Lang chi thuỷ trọ hề, khả dĩ trạc ngã túc”.
Nghĩa là: Nước sông Thương Lang nếu mà trong thì ta dùng để giặt giải mũ ta. Nước sông Thương Lang nếu mà đục, thì ta dùng để rửa chân ta.
Khổng Tử nghe thấy, bảo học trò rằng:
- Chúng con nghe đấy: Nước trong thì tự khắc người ta mới giặt giải mũ, đục thì tự khắc người ta chỉ để rửa chân. Đó đều là do nước tự thủ(1) cả.
Ôi! Việc thiên hạ cái gì mà chẳng do tự thủ! Người ta tất tự khinh(2) mình trước, rồi người ngoài mới khinh sau; nhà mình tất tự huỷ(3) nhà mình trước, rồi người ngoài mới huỷ sau; nước mình tất tự phạt(4) nước mình trước, rồi người ngoài mới phạt sau.
Cũng tức như câu ở thiên Thái Giáp(5): “Thiên tác nghiệt, bất khả vị. Tự tác nghiệt bất khả hoạt”. Nghĩa là giời làm tai vạ còn tu tỉnh để mà tránh được, nếu mình gây ra tai vạ thì mình làm mình chịu, chẳng có thể trốn tránh mà thoát chết được.
Mạnh Tử
Lời bàn:
Kẻ có quốc gia mà đã bất nhân thì tâm thần mê muội, công việc đảo điên, không còn biết phải trái là gì nữa, nguy cũng mặc, tai cũng mặc, đến mất đứt cũng mặc. Kịp khi đã bại hoại, diệt vong rồi thì lại đổ cho mệnh giời, quy tội cho người, có biết đâu là tự chính mình gây nên mối hoạ cho mình cả. Có thân không biết tu, có nhà không biết trị, có nước không biết giữ, thế là khiến cho người ta khinh mình, bảo cho người ta phá mình, mời cho người ta đánh mình. ÔI! Sự biến cố mấy khi tự dưng mọc ra đâu, muôn sự do tự mình hết cả. Nên người có trách nhiệm giữ quốc gia nên nhớ lấy cái nghĩa “tự thủ” để tránh lấy cái tai vạ “tự túc”.
(1) Tự thủ: mình tự chuốc lấy cho mình không dự gì đến người khác.
(2) Tự khinh: tự mình làm đê tiện nhân cách của mình.
(3) Tự huỷ: tự mình làm cho mình hỏng nát.
(4) Tự phạt: tự mình phá hại làm cho mình tồi tàn
(5) Thái Giáp: tên một thiên trong Kinh Thư
Chuyện cười trong ngày
Như nhau cả
Một nhà khoa học tánh tình hay đa nghi, nên ông ta chế tạo ra robot phát hiện nói dối. Ngày chế tạo thành công, ông đem ra thử con trai. Cậu con trai vừa đi học về ông ta đem robot ra hỏi:
- Sao con đi học về trễ vậy?
- Con qua nhà bạn mượn sách về học.
Robot phát hiện nói dối, đánh cho cậu con trai một cái.
Ông bố cười:
- Đó con thấy chưa, nói dối là phải chịu phạt. Lúc bằng tuổi con bố không dám nói dối ông nội nửa lời.
Ngay lập tức, robot đạp ông ta một cái bay vô tường.
Người vợ thấy cậu con trai bị đánh đòn đau bèn nói:
- Sao anh làm thế với con, dù sao nó cũng là con anh!
Robot nắm đầu bà vợ, đánh túi bụi.
Wednesday, December 30, 2015
Chuyện ngắn - Bài ca vọng cổ
Bài ca vọng cổ
Tiểu Tử
“Trong vô số người Việt Nam lưu vong hôm nay, còn được bao nhiêu người khi nhìn trong gương vẫn nhận ra mình là người Việt Nam? Và có được bao nhiêu người còn mang trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nguyên trong đó?”
Tôi vượt biên một mình rồi định cư ở Pháp. Năm đó tôi mới 49 tuổi, vậy mà đi tìm việc làm, đến đâu người ta cũng chê là tôi già! Vì vậy, một hôm, khi chải tóc, tôi nhìn kỹ tôi trong gương. Tôi bỗng thấy ở đó có một người có vẻ quen nhưng thật ra thì rất lạ: mắt sâu, má hóp, mặt đầy nếp nhăn trên trán, ở đuôi mắt, ở khóe môi, mái tóc đã ngà bạc cắt tỉa thô sơ như tự tay cắt lấy. Từ bao lâu nay tôi không để ý, bây giờ soi gương vì bị chê già, tôi mới thấy rằng tôi của hồi trước “Cách mạng thành công” và tôi của bây giờ thật không giống nhau chút nào hết. Tôi già thiệt, già trước tuổi. Cho nên, tôi nhìn tôi không ra. Từ đó, mỗi ngày tôi… tập nhìn tôi một lần, nhìn kỹ, cho quen mắt!
Một người bạn làm việc lâu năm ở Côte d’Ivoire (Phi châu) hay tin tôi đã qua Pháp và vẫn còn thất nghiệp, bèn giới thiệu cho tôi Công ty Đường Mía của Nhà nước. Không biết anh ta nói thế nào mà họ nhận tôi ngay, còn gửi cho tôi vé máy bay nữa!
Xưa nay, tôi chưa từng quen một người da đen gốc Phi Châu nào hết. Và chỉ có vài khái nhiệm thô sơ về vùng Phi châu da đen như là: Ở đó nóng lắm, đất đai còn nhiều nơi hoang vu, dân chúng thì da đen thùi lùi, tối ngày chỉ thích vỗ trống, thích nhảy tưng tưng v.v. Vì vậy, tôi hơi … ngán. Nhưng cuối cùng rồi tôi quyết định qua xứ da đen để làm việc, danh dự hơn là ở lại Pháp để tháng tháng vác mặt Việt Nam đi xin trợ cấp đầu nọ, đầu kia.
Nơi tôi làm việc tên là Borotou, một cái làng nằm cách thủ đô Abidjan gần 800km! Vùng nầy toàn là rừng là rừng. Không phải rừng rậm rì cây cao chớn chở như ở Việt Nam. Rừng ở đây cây thấp lưa thưa, thấp thấp cỡ mười, mười lăm thước… coi khô khốc. Không có núi non, chỉ có một vài đồi trũng nhưng đồi không cao và trũng, không sâu…
Nhà nước phá rừng trồng mía… Ruộng mía ngút ngàn! Nằm ở trung tâm là khu nhà máy, khu cơ giới, khu hành chánh, khu cư xá, v.v. nằm cách nhau cỡ vài cây số. Muốn về thủ đổ Abidjan, phải lái xe hơi chạy theo đường mòn xuyên rừng gần ba chục cây số mới ra tới đường cái tráng nhựa. Từ đó, chạy đi Touba, một quận nhỏ với đông đảo dân cư. Từ đây, lấy máy bay Air Afrique về Abidjan, mỗi ngày chỉ có một chuyến. Phi trường Touba nhỏ xíu, chỉ có một nhà ga xây cất sơ sài và một phi đạo làm bằng đá đỏ, mỗi lần máy bay đáp lên đáp xuống là bụi bay … đỏ trời!
Tôi hơi dài dòng ở đây để thấy tôi đi “đi làm lại cuộc đời” ở một nơi hoang vu hẻo lánh mà cảnh trí thì chẳng có gì hấp dẫn hết! Thêm vào đó, tôi là người Á Đông duy nhất làm việc chung với Tây trắng (chỉ có năm người) và Tây đen (đông vô số kể).
Ở đây, thiên hạ gọi tôi là “le chinois” – thằng Tàu. Suốt ngày, suốt tháng tôi chỉ nói có tiếng Pháp. Cho nên, lâu lâu thèm quá, tôi soi gương rồi… nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, trông giống như thằng khùng! Chưa bao giờ tôi thấy tôi cô đơn bằng những lúc tôi đối diện tôi trong gương như vậy.
Một hôm, sau hơn tám tháng “ở rừng”, tôi được gọi về Abidjan để họp (đây là lần đầu tiên được về thủ đô!) Anh tài xế đen đưa tôi ra Touba. Chúng tôi đến phi trường lối một giờ trưa. Sau khi phụ tôi gởi hành lý, anh tài xế nói:
– Tôi ra ngủ trưa ở trong xe. Chừng Patron (ông chủ) đi được rồi, tôi mới về.
Ở xứ đen, họ dùng từ “Patron” để gọi ông chủ, ông xếp, người có địa vị, có tiền, người mà họ nể nang, v.v. Nghe quen rồi, chẳng có gì chói lỗ tai hết! Tôi nói:
– Về đi! Đâu cần phải đợi!
Hắn nhăn răng cười, đưa hàm răng trắng tốt:
– Tại Patron không biết chớ ở đây, lâu lâu họ lại hủy chuyến bay vào giờ chót, nói tại máy bay ăn-banh (en panne) ở đâu đó. Máy bay cũng như xe hơi vậy, ai biết lúc nào nó nằm đường.
Rồi hắn đi ra xe.
Tôi ngồi xuống một phô-tơi, nhìn quanh, hành khách khá đông. Nhiều người ngồi với một số hành lý như thùng cạc-tông, bao bị, va-ly, v.v. Không phải họ không biết gửi hành lý, nhưng vì những gì họ đã gửi đã đủ số ký-lô dành cho mỗi hành khách, nên số còn lại họ… xách tay, cho dầu là vừa nhiều món vừa nặng, vừa cồng kềnh!
Không khí nóng bức. Mấy cái quạt trần quay vù vù, cộng thêm mấy cây quạt đứng xoay qua xoay lại, vậy mà cũng không đủ mát. Thiên hạ ngủ gà ngủ gật, tôi cũng ngã người trên lưng ghế, lim dim…
Trong lúc tôi thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe có ai ca vọng cổ. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi thở dài, nghĩ: “Tại mình nhớ quê hương xứ sở quá nên trong đầu nghe ca như vậy.” Rồi lại nhắm mắt lim dim… Lại nghe vọng cổ nữa. Mà lần nầy nghe rõ câu ngân nga trước khi “xuống hò”:
“Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rũ bóng… đang vươn lên ngọn khói… á… lam… à… chiều….”
Đúng rồi! Không phải ở trong đầu tôi, mà rõ ràng có ai ca vọng cổ ngồi kia. Tôi nhìn ra hướng đó, thấy xa xa dưới lùm cây dại có một người đen nằm võng. Và chỉ có người đó thôi. Lạ quá! Người đen đâu có nằm võng. Tập quán của họ là nằm một loại ghế dài bằng gỗ cong cong. Ngay như loại ghế bố thường thấy nằm dưới mấy cây dù to ở bãi biển… họ cũng ít dùng nữa.
Tò mò, tôi bước ra đi về hướng đó để xem là ai vừa ca vọng cổ lại vừa nằm võng đong đưa. Thì ra là một anh đen còn trẻ, còn cái võng là cái võng nhà binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa hồi xưa. Tôi nói bằng tiếng Pháp:
– Bonjour!
Anh ngừng ca, ngồi dậy nhìn tôi mỉm cười, rồi cũng nói “Bonjour”. Tôi hỏi, vẫn bằng tiếng Pháp:
– Anh hát cái gì vậy?
Hắn đứng lên, vừa bước về phía tôi vừa trả lời bằng tiếng Pháp:
– Một bài ca của Việt Nam. Còn ông? Có phải ông là “le chinois” làm việc cho hãng đường ở Borotou không?
Tôi trả lời, vẫn bằng tiếng Pháp:
– Đúng và sai! Đúng là tôi làm việc ở Borotou. Còn sai là vì tôi không phải là người Tàu. Tôi là người Việt Nam.
Bỗng hắn trợn mắt có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, rồi bật ra bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam, chẳng có một chút lơ lớ:
– Trời ơi! … Bác là người Việt Nam hả?
Rồi hắn vỗ lên ngực:
– Con cũng là người Việt Nam nè!
Thiếu chút nữa là tôi bật cười. Nhưng tôi kiềm lại kịp, khi tôi nhìn gương mặt rạng rỡ vì sung sướng của hắn. Rồi tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên cổ. Thân đã lưu vong, lại “trôi sông lạc chợ” đến cái xứ “khỉ ho cò gáy” nầy mà gặp được một người biết nói tiếng Việt Nam và biết nhận mình là người Việt Nam, dù là một người đen, sao thấy quý vô cùng. Hình ảnh của quê hương như đang ngời lên trước mặt.
Tôi bước tới bắt tay hắn. Hắn bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay, vừa lắc vừa nói huyên thuyên:
– Trời ơi! … Con mừng quá! Mừng quá! Trời ơi!… Bác biết không? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ gặp bác, thiệt… con mừng “hết lớn” bác à!
Rồi hắn kéo tôi lại võng:
– Bác nằm đi! Nằm đi!
Hắn lại đống gạch “bờ-lốc” gần đấy lấy hai ba viên kê bên cạnh võng rồi ngồi lên đó, miệng vẫn không ngừng nói:
– Con nghe thiên hạ nói ở Borotou có một người Tàu. Con đâu dè là bác. Nếu biết vậy, con đã phóng Honda vô trỏng kiếm bác rồi! Đâu được tới bây giờ.
Hắn móc gói thuốc, rồi mời tôi:
– Mời bác hút với con một điếu.
Hắn đưa gói thuốc về phía tôi, mời bằng hai tay. Một cử chỉ mà từ lâu tôi không còn nhìn thấy. Một cử chỉ nói lên sự kính trọng người trưởng thượng. Tôi thấy ở đó một “cái gì” rất Việt Nam.
Tôi rút điếu thuốc để lên môi. Hắn chẹt quẹt máy, đưa ngọn lửa lên đầu điếu thuốc, một tay che che như trời đang có gió. Tôi bập thuốc rồi ngạc nhiên nhìn xuống cái quẹt máy. Hắn nhăn răng cười:
– Bộ bác nhìn ra nó rồi hả?
Tôi vừa nhả khói thuốc vừa gật đầu. Đó là loại quẹt máy Việt Nam, nho nhỏ, dẹp lép, đầu đít có nét cong cong. Muốn quẹt phải lấy hẳn cái nắp ra chớ nó không dính vào thân ống quẹt bằng một bản lề nhỏ như những quẹt máy ngoại quốc. Hắn cầm ống quẹt, vừa lật qua lật lại vừa nhìn một cách trìu mến:
– Của ông ngoại con cho đó! Ông cho hồi ổng còn sống lận.
Rồi hắn bật cười:
– Hồi đó ông gọi con bằng “Thằng Lọ Nồi”.
Ngừng một chút rồi tiếp:
– Vậy mà ổng thương con lắm à bác!
Hắn đốt điếu thuốc, hít một hơi dài rồi nhả khói ra từ từ. Nhìn cách nhả khói của hắn, tôi biết hắn đang sống lại bằng nhiều kỷ niệm. Tôi nói:
– Vậy là cháu lai Việt Nam à?
– Dạ. Má con quê ở Nha Trang.
– Rồi má cháu bây giờ ở đâu?
Giọng của hắn như nghẹn lại:
– Má con chết rồi. Chết ở Nha Trang hồi năm 1975.
– Còn ba của cháu?
– Ổng hiện ở Paris. Tụi nầy nhờ có dân Tây nên sau 1975 được hồi hương. Con đi quân dịch cho Pháp xong rồi, về đây ở với bà nội. Con sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, về đây, buồn thúi ruột thúi gan luôn!
Tôi nhìn hắn một lúc, cố tìm ra một nét Việt Nam trên con người hắn. Thật tình, hắn không có nét gì lai hết. Hắn lớn con, nước da không đến nỗi đen thùi lùi như phần đông dân chúng ở xứ nầy, nhưng vẫn không có được cái màu cà phê lợt lợt để thấy có chút gì khác. Tóc xoắn sát da đầu, mắt lồi, môi dầy. Tôi chợt nói, nói một cách máy móc:
– Thấy cháu chẳng có lai chút nào hết!
Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nghiêm trang:
– Có chớ bác. Con có lai chớ bác.
Hắn xòe hai bàn tay đưa ra phía trước, lật qua lật lại:
– Bên nội của con là nằm ở bên ngoài nầy đây nè.
Rồi hắn để một tay lên ngực, vỗ nhè nhẹ về phía trái tim: Còn bên ngoại nó nằm ở bên trong. Ở đây, ở đây nè bác.
Bỗng giọng hắn nghẹn lại:
– Con lai Việt Nam chớ bác!
Trong khoảnh khắc, tôi xúc động đến quên mất màu da đen của hắn, mà chỉ thấy trước mặt một thanh niên Việt Nam, Việt Nam từ cử chỉ tới lời lẽ nói năng. Tôi vỗ nhẹ lên vai hắn mấy cái, gật đầu nói:
– Ờ… Bác thấy. Bây giờ thì bác thấy.
Hắn mỉm cười:
– Ở đây, người ta nói con không giống ai hết, bởi vì con hành động cư xử, nói năng không giống họ. Bà nội con cũng nói như vậy nữa! Còn con thì mỗi lần con nhìn trong kiếng, con vẫn nhận ra con là người Việt Nam. Bác coi có khổ không?
Rồi nó nhìn tôi, một chút trìu mến dâng lên trong ánh mắt:
– Bây giờ con gặp bác rồi, con thấy không còn cô đơn nữa. Gặp một người mình, ở cái xó xa xôi hẻo lánh nầy, thiệt là trời còn thương con quá!
Tôi im lặng nghe hắn nói, nhìn hắn nói mà có cảm tưởng như hắn đang nói cho cả hai: cho hắn và cho tôi. Bởi vì cả hai cùng một tâm trạng.
Hắn vẫn nói, như hắn thèm nói từ lâu:
– Nhớ Sài Gòn quá nên con hay ca vọng cổ cho đỡ buồn. Hồi nãy bác lại đây là lúc con đang ca bài “Đường Về Quê Ngoại” đó bác.
– Bác không biết ca, nhưng bác rất thích nghe vọng cổ.
Giọng nói hắn bỗng như hăng lên:
– Vọng cổ là cái chất của miền Nam mà bác. Nó không có lai Âu, lai Á gì hết. Nó có cái hồn Việt Nam cũng như cá kho tộ, tô canh chua. Bác thấy không? Bởi vậy, không có gì nhắc cho con nhớ Việt Nam bằng bài ca vọng cổ hết.
– Bác cũng vậy.
Tôi nói mà thầm phục sự hiểu biết của hắn. Và tôi thấy rất vui mừng có một người như vậy để chuyện trò từ đây về sau.
Có tiếng máy bay đang đánh một vòng trên trời. Chúng tôi cùng đứng lên, hắn nói:
– Nó tới rồi đó. Con phải sửa soạn xe trắc-tơ và rờ-mọt để lấy hành lý. Con làm việc cho hãng Air Afrique, bác à.
Rồi hắn nắm tay tôi lắc mạnh:
– Thôi, bác đi mạnh giỏi. Con tên là Jean. Ở đây ai cũng biết “Jean le Vietnamien” hết. Chừng về bác ghé con chơi, nghen.
Bỗng, hắn ôm chầm lấy tôi siết nhẹ rồi giữ như vậy không biết bao nhiêu lâu. Tôi nghe giọng hắn lạc đi:
– Ghé con nghe bác… Ghé con…!
Tôi không còn nói được gì hết. Chỉ vừa gật đầu vừa vỗ vỗ vào lưng hắn như vỗ lưng một người con.
Khi hắn buông tôi ra, tôi thấy hai má của hắn ướt nước mắt. Tôi quay đi, lầm lũi bước nhanh nhanh về nhà ga mà nghĩ thương cho “thằng Jean le Vietnamien”. Hồi nãy nó ôm tôi, có lẽ nó đã tưởng tượng như là nó đang ôm lại được một góc trời quê mẹ.
Trên máy bay, tôi miên man nghĩ đến “thằng Jean”, rồi tự hứa sẽ gặp lại nó thường. Để cho nó bớt cô đơn. Và cũng để cho tôi bớt cô đơn nữa!
Bây giờ, viết lại chuyện “thằng Jean” mà tôi tự hỏi: “Trong vô số người Việt Nam lưu vong hôm nay, còn được bao nhiêu người khi nhìn trong gương vẫn nhận ra mình là người Việt Nam? Và có được bao nhiêu người còn mang trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nguyên trong đó?”
Những câu chuyện ngụ ngôn hay
Trùn và cá
Trùn bị móc vào lưỡi câu quăng xuống nước, thấy Cá lượn múôn cắn, nó lên tiếng bảo:
- Người ta bắt tôi làm mồi để câu anh. Tôi chết đã đành, còn anh bị mắc câu sống thế nào được?
Cá nghe nói thế sợ hãi bỏ đi.
Người đi câu chờ lâu không thấy động, ngỡ là con mồi kém nhạy nên gỡ Trùn quẳng đi. Nhờ vậy Trùn lại gặp Cá. Cá ngỏ lời cám ơn.
Nhưng Trùn cũng cám ơn lại Cá vì nhờ Cá không ăn mồi nên người ta mới gỡ Trùn quẳng đi.
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
LỄ BÁI
Ngày xưa ở Trung quốc, Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận, khi đã đạt đến tột đỉnh thành tựu tâm linh, vẫn chí thành lễ bái Phật. Một đệ tử nghi ngờ hỏi:
- Hoà thượng cầu Phật hay cầu Đạo?
Sư đáp:
- Phật, Đạo đều chẳng cầu.
Đệ tử lại hỏi:
- Tại sao hoà thượng lễ bái?
Sư đáp:
- Chỉ lễ bái thôi.
Lễ bái cao cả như vậy. Lễ bái trước một người hay một cái gì khác mà trong đầu che dấu động cơ nào đó thì chẳng là gì. Lễ bái khi gặp một người quen là vô nghĩa. Nhưng “chỉ lễ bái thôi,” ấy là thấy Đạo. Hành động dựa trên
cái thấy chân lý là hành động vĩ đại nhất.
(Bước Đầu Đọc Thiền)
Cổ Học Tinh Hoa - Say, Tỉnh, Đục Trong
Say, Tỉnh, Đục, Trong
Khuất Nguyên làm quan đại phu cho đời Hoài Vương nước Sở, bị kẻ sàm báng mà phải bãi chức. Mặt mũi tiều tuỵ, hình dong khô héo, Khuất Nguyên vừa đi, vừa hát trên bờ đầm.
Có ông lão đánh cá trông thấy, hỏi rằng:
- Ông có phải là Tam Lư Đại Phu(1) không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?
Khuất Nguyên nói: “Cả đời đục cả, một mình ta trong; mọi người say cả, một mình ta tỉnh; bởi vậy nên ta phải bị bãi chức”.
Ông lão đánh cá nói: “Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tuỳ thời. Có phải cả đời đục cả, sao không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục một thể; loài người say cả, sao ông không ăn cả men, húp cả bã cho say một thể? Việc gì mà phải lo xa, nghĩ sâu, để cho đến nỗi phải phóng khí?”.
Khuất Nguyên nói: “Tôi nghe: Mới gội đầu tất phải chải mũ, mới tắm ra tất phải thay áo; có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẩn dính vào mình được? Chẳng thà nhảy xuống sông Tương(2), vùi xác vào bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp, lại chịu để vấy phải bụi dơ”.
Ông lão đánh cá nghe nói tủm tỉm cười, quay bơi chèo đi, rồi hát rằng:
“Sông Tương nước chảy trong veo.
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta.
Sông Tương nước đục phù sa
Thì ta lội xuống để mà rửa chân”.
Hát xong, đi thẳng không nói gì.
Khuất Nguyên
Lời bàn:
Bài này, tác giả chính là Khuất Nguyên, mượn lời lão đánh cá mà đặt lời vấn đáp. Mấy câu hát của lão đánh cá có ý khuyên Khuất Nguyên hoà quang đồng trần với đời, mấy câu Khuất Nguyên nói thì lại phản đối lại: chết thời thôi chứ không chịu theo thời, không chịu dày dạn, sống đục, không bằng thác trong. Ôi! Không nỡ bỏ nước nhà mà lẩn lút đi ở nơi khác, lại cũng không chịu cùng tiểu nhân mà cẩu thả sống, cho qua đời, sau quả nhiên vùi xác vào bụng cá trong sông Mịch La, lấy nước sông Mịch mà tẩy uế sự nhơ bẩn, thật là nghìn thu trung nghĩa, dòng nước trong xanh, khiến cho ai đem chuyện Khuất Nguyên cũng ngậm ngùi thương nhớ và sinh lòng phấn khởi.
-------------------------------------------------------------
(1) Quan Đại Phu Tam Lư, Tam Lư họ của Khuất Nguyên
(2) Tương tức là sông Tương Giang, một con sông lớn chảy qua tỉnh Hồ Nam, rồi nhập vào động Đình Hồ.
Chuyện cười trong ngày
Xem hay hơn
Trong rạp chiếu bóng, một phụ nữ đội chiếc mũ độc đáo nói với người đàn ông ngồi phía sau:
- Nếu chiếc mũ của tôi làm phiền anh thì tôi có thể bỏ nó xuống.
- Không thưa bà, chiếc mũ của bà còn buồn cười hơn bộ phim nhiều.
Trong rạp chiếu bóng, một phụ nữ đội chiếc mũ độc đáo nói với người đàn ông ngồi phía sau:
- Nếu chiếc mũ của tôi làm phiền anh thì tôi có thể bỏ nó xuống.
- Không thưa bà, chiếc mũ của bà còn buồn cười hơn bộ phim nhiều.
Tuesday, December 29, 2015
Chuyện ngắn - Người ăn mày và con chó
NGƯỜI ĂN MÀY VÀ CON CHÓ
Về tới nhà, ông lạnh lùng mang con chó ra
vườn sau, cạnh cái giếng cũ. Sau đó cho nó vào một chiếc thùng gỗ, buộc vào một
sợi dây thừng dài và thả xuống cái giếng khô. Người ăn mày quyết tâm giết chết
con chó, giống như tiêu diệt hoàn toàn cái quá khứ khốn khổ vẫn ám ảnh ông ta.
***
Chuyện kể rằng trên cây cầu trong ngôi
thành nọ có một người hành khất. Ông ta không biết kéo đàn, cũng không biết
hát, thậm chí còn chẳng biết viết ra cảnh ngộ bi thảm của mình lên giấy, rải xuống
đất để mong nhận sự thương xót của khách qua lại.
Mỗi ngày, ông chỉ biết ngồi chồm hỗm dựa
vào thành cầu, co ro rúc mặt vào trong đầu gối, bên cạnh đôi chân gày gò để một
cái bát mẻ cũ kỹ. May mà người qua lại chiếc cầu rất đông, thi thoảng cũng có
người đem vài đồng bạc lẻ vứt vào trong bát.
Khi đêm đến, người hành khất sẽ trở về chỗ
trú ngụ của ông – một cái vườn rau ở ngoại ô, bị bỏ hoang đã lâu. Một hàng rào
xiêu vẹo bao lấy vườn rau bỏ hoang, bên trong có một túp lều nát, người hành khất
già đã lánh rét ở đó được mấy mùa đông lạnh giá. Trong vườn rau còn có một miệng
giếng khô, bên giếng có một gốc cây già.
Gió mùa đông bắc ùa về, thành phố đón trận
tuyết đầu tiên của mùa đông. Người trên cầu thưa thớt hẳn đi, lão hành khất
đang định sẽ về nghỉ, bỗng từ đâu chạy tới một con chó nhỏ. Con chó bị lạnh tới
nỗi run lên từng chập, trõ mõm hít hít cái bát sứt của người ăn mày, thì ra là
vì đêm hôm trước ông đã dùng cái bát này để thức ăn. Lão hành khất trong lòng
thương xót, liền lấy trong người ra một chiếc bánh bao, khẽ khàng bỏ vào trong
bát.
Con chó nhỏ ngước lên nhìn ông hồi lâu,
như thể cảm động lắm, rồi gục mặt vào bát ăn lấy ăn để.
Người ăn mày mang con chó về
"nhà" của mình, từ đó người chó quấn quít không rời. Con chó rất
thông minh, hễ đói là biết ngoạm cái bát chạy nhắng quanh chủ đòi ăn. Những người
đi qua nhìn thấy thế rất ngạc nhiên thích thú, liền thi nhau ném tiền vào trong
bát.
Người ăn mày phát hiện ra đây là cơ hội lớn,
liền huấn luyện cho con chó. Qua một thời gian, nó đã biết đứng bằng hai chân
sau, ngoạm bát xin ăn nhảy tới nhảy lui trước mặt những người qua đường. Vậy là
người ăn mày lại càng thu được nhiều tiền thêm.
Người ăn mày bỗng dưng " phát
tài", liền lấy tiền đi đánh xổ số. Thật là nằm mơ cũng không tưởng được vận
số ông lại tốt đến vậy, không lâu sau ông trúng giải độc đắc. Cứ như là số mệnh
vậy. Người ăn mày mua lại vườn rau bỏ hoang, rồi từ mảnh đất đó xây lên một
ngôi nhà lộng lẫy, nhưng ông vẫn giữ lại túp lều nát, miệng giếng khô cùng gốc
cây già và nếp hàng rào lưa thưa ngày nào ở vườn sau khu nhà mình.
Trong phòng của người ăn mày bày biện đầy
những đồ xa xỉ, ông bỗng chốc mê mẩn việc sưu tầm đồ cổ, thích cung phụng những
mỹ nhân chân dài, lại càng thích ánh mắt kinh ngạc, ngưỡng mộ của mọi người khi
ông rút trong túi ra cả xập tiền lớn.
"Quý ngài ăn mày" bắt đầu đi gặp
gỡ giới thượng lưu, dĩ nhiên lúc nào ông cũng mang theo con chó nhỏ của mình.
Các bà mệnh phụ ra sức ủng hộ nhiệt liệt quí ông ăn chơi mạnh tay này, và dĩ
nhiên chẳng ai biết xuất thân ông ra sao. Điều duy nhất làm cho "quý ngài
ăn mày" cảm thấy khó xử chính là chú chó nhỏ, bởi những người thượng lưu
khác đều nuôi những con chó giống quý, thuần chủng kia!
Cho tới một hôm, con chó con bướng bỉnh của
ông cắn rách tai một con chó cái giống quí, ngay giữa bữa tiệc. Chủ nhân con
chó nổi trận lôi đình, làm cho ngài ăn mày cảm thấy lòng tự tôn của mình bị tổn
thương nghiêm trọng.
Về tới nhà, ông lạnh lùng mang con chó ra
vườn sau, cạnh cái giếng cũ. Sau đó cho nó vào một chiếc thùng gỗ, buộc vào một
sợi dây thừng dài và thả xuống cái giếng khô. Người ăn mày quyết tâm giết chết
con chó, giống như tiêu diệt hoàn toàn cái quá khứ khốn khổ vẫn ám ảnh ông ta.
Từ đó, bên cạnh người hành khất thiếu đi
con chó nhỏ trung thành, ông ta có thể thoải mái một mình đi gặp các cô em phục
vụ dễ thương ở quán rượu, hoặc đi dự những bữa tiệc thượng lưu xa hoa.
May mà dù thế nào ông cũng không quên mỗi
ngày thả xuống giếng vài miếng thịt, vì tiếng sủa của con chó cho ông biết rằng
người bạn ngày khốn khó xưa kia vẫn còn sống.
Chớp mắt hơn một tháng trôi qua, người
hành khất ngược lại cảm thấy không hề vui vẻ, chó nhỏ đi rồi, bạn bè quý tộc của
ông ta cũng không hề nhiều hơn, vả lại có một hôm, nhằm lúc ông uống rượu say
lướt khướt, đã buột miệng để lộ ra cái thân phận thấp hèn ngày xưa. Lũ người
kia bỗng chốc chế nhạo và quay mặt lạnh nhạt với ông ta.
Người ăn mày cuối cùng hiểu ra rằng, trên
đời này chỉ có chú chó nhỏ đã từng trải qua hoạn nạn với mình mới là người bạn
chân chính nhất. Thế mà ông nỡ vứt nó xuống dưới giếng khô.
Người ăn mày chạy thật mau đến bên giếng,
thả cái cũi gỗ xuống. Nhưng chó con chỉ đi quanh cái thùng gỗ mà không dám nhảy
vào trong.
Người ăn mày chạy đi tìm một cái dây to,
một đầu cột vào gốc cây, tự mình trèo xuống đáy giếng cứu chó con. Giếng rất
sâu, nhưng ông không sợ hãi chút nào. Đáy giếng tối om om, lại bốc lên mùi thum
thủm, ông vội cắp con chó rồi trèo lên. Chó con chẳng hề oán trách chủ mình,
vui mừng liếm mặt người chủ lâu ngày mới gặp lại.
Bác sỹ giỏi nhất trong thành cũng không
thể trị nổi bệnh của chó nhỏ. Người hành khất vì muốn bù đắp lỗi lầm của mình,
mỗi ngày đều cho nó đồ ăn ngon nhất, đi đâu cũng dắt theo. Con chó nhỏ vui lắm,
lúc lắc cái đuôi nhỏ, nhưng đầu nó chỉ có thể quay nhìn đằng sau, đôi mắt lúc
nào cũng ngước nhìn trời cao.
Người ăn mày mang chó nhỏ đi khắp mọi ngõ
ngách trong thành phố, ông cầm tiền bỏ vào tân tay những người hành khất khác.
Thấy những người ấy cảm kích cầm tiền của mình, ông cảm thấy thật là mãn nguyện.
Rồi ông bắt đầu có dự định mới, ông báo cho những người ăn mày trong cả thành tới
nhà ông lĩnh tiền.
Tin tức truyền đi rất nhanh, đội ngũ ăn
mày tới lĩnh tiền càng lúc càng đông. Những người được tiền rồi dùng mọi lời lẽ
hoa mỹ nhất trên đời để tán tụng ông, khiến ông hưng phấn khôn tả. Đài truyền
hình tới, bản tin buổi tối cũng có phóng sự nói về ông.
Ngày thứ hai, mọi người như nước thủy triều
xông tới nhà ông, có những người chẳng phải ăn mày cũng gia nhập vào đội quân lĩnh
tiền. Người hành khất cứ chìm đắm trong cảm giác vinh dự vui sướng, ngày nào cũng
bận rộn chạy qua chạy lại giữa ngân hàng và nhà mình.
Cho đến một hôm, ngân hàng báo cho ông biết
tiền trong tài khoản đã hết, ông đành phải nói với hàng dài những người xếp
hàng rằng : Hết tiền để phát mất rồi!
Đám người xếp hàng lập tức biến thành một
đoàn hỗn loạn.
Chúng bắt đầu mắng chửi : " Đồ ti tiện!"
"Sao đến lượt tao lại không phát nữa!" " Dạy cho nó một bài học!".
Bọn chúng xông vào nhà ông, ném gạch tới
tấp làm vỡ hết cửa sổ. Ông chốt cửa nhà lại, nhưng cũng sắp bị đám người xô đổ
đến nơi rồi.
Sợ quá, ông chạy ra vườn sau. Trông thấy
sợi dây thừng còn buộc bên miệng giếng, ông vội vã leo xuống. Lúc sắp xuống tới
đáy giếng, bất ngờ đầu dây thừng buộc ở miệng giếng bị rơi ra, người hành khất
cùng sợi dây vẫn nắm chắc trong tay rơi xuống đáy giếng tối om.
Cảnh sát mất rất nhiều công sức mới giải
tán được đám người hung hãn, nhưng ngôi nhà gần như đã biến thành một bãi hoang
tàn, những thứ có thể lấy được, người ta đều cướp đi hết.
Thời gian mỗi ngày một qua đi, người ăn
mày chỉ đành trú lại ở đáy giếng vừa tối vừa lạnh, ông ta ngóc mặt lên gào với
trời, với trăng, chẳng ai nghe thấy. Chó con mỗi ngày chạy đi khắp nơi kiếm thức
ăn ném xuống giếng, lúc thì là chiếc bánh bao đã mốc meo, khi thì miếng xương
đã biến mùi. Chó con kiếm thức ăn rất khó khăn, vì đầu nó chỉ có thể nhìn ngược
đằng sau.
Không làm thế nào được, nó chỉ biết nằm
dài ra mà hít hà dưới đất, vớ được miếng thịt hỏng hay gì đó là ngóc dậy chạy về
miệng giếng khô ngay. Có một lần, chó con còn vứt xuống cả xác một con mèo chết.
Chớp mắt hơn một tháng trôi qua, chó con
thậm chí còn không để dành thức ăn cho bản thân, người nó gầy chỉ còn da bọc
xương, thế rồi nó yếu đến mức sức lực để đi cũng không còn.
Người ăn mày ngày nào cũng gào thét khản
cả cổ, chẳng có ai tới cứu ông ta.
Vài ngày liên tiếp chó con không thả đồ
ăn xuống nữa, người ăn mày không biết con chó đã xảy chuyện gì. Ông đau đáu
nhìn lên mảnh trời hình tròn nhỏ bé trên miệng giếng, biết rằng mình sắp chết.
Một buổi sớm, những tiếng người nói chuyện
rầm rì trên miệng giếng đánh thức người hành khất khỏi cơn mê sảng, ông thu hết
chút sức tàn hô lên một tiếng.
Ông được mọi người dùng dây thừng đưa
lên, ánh sáng mặt trời chói lọi làm ông không mở nổi mắt. Mọi người săm soi người
đàn ông lem luốc hôi thối trước mặt :
"Nếu không phải thấy có xác con chó
con chết ở miệng giếng này, thì chẳng có ai nghe được tiếng kêu của ông."
Người ăn mày nhìn cái xác gầy guộc của
chó nhỏ, nước mắt rơi ướt cả bộ lông dính đầy đất bẩn của nó.
Những câu chuyện ngụ ngôn hay - Thỏ và bò
Thỏ và Bò
Thỏ bị Chó rượt đến lúc không làm sao trốn
đi đâu được nữa. Bỗng Thỏ thấy Bò già đang đứng gặm cỏ ven đường, Thỏ liền vừa
chạy vừa kêu cứu trong khi Chó xồm cũng vừa xồ đến.
Bò bèn đứng chắn ngang đường, lớn giọng
"phì, phì" một cách hung hăng khiến Chó sợ quá cụp đuôi bỏ chạy.
Xong Bò quay lại hỏi Thỏ:
- Chắc gì ta sẽ bênh mi mà chạy tới cậy
nhờ?
Thỏ đáp:
- Khi cái chết đã đến sau lưng thì người
xa lạ trước mặt cũng tin là bạn huống hồ gì tôi và bác đã quen nhau!
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
ÔNG KHÔNG HO ĐẤY CHỨ!
Đã lâu lắm ở Trung quốc có một anh
chàng học Thiền loại tài tử, đến biểu diễn sự thành đạt của mình với Thiền sư
Kosen. Anh ta dùng tên của Thiền sư để chơi chữ. Kosen có thể có nghĩa là “bột.”
Anh ta hỏi: “Ấy là bột mì hay bột gạo?” Thiền sư chẳng quan tâm gì chuyện đó
đáp: “Cứ thử xem.” Anh chàng cất cao giọng rống lên bắt chước tiếng hét mà một
vài Thiền sư thường sử dụng, nhưng vị sư này chỉ nói: “Ông không ho đấy chứ,
ông không ho đấy chứ !” và vỗ nhẹ lên lưng anh ta. Ngày nay cũng có nhiều kẻ nửa
vời như vậy.
(Bước Đầu Đọc Thiền)
Chuyện cười trong ngày
Lý do vượt đèn đỏ
Một chiếc ôtô con vượt qua đèn đỏ bị cảnh sát túyt còi chặn lại.
Chiếc xe dừng lại, anh cảnh sát liền hỏi người lái xe:
- Anh có thấy đèn đỏ không?
- Dạ, em thấy!
- Vậy tại sao còn vượt?
- Dạ, em có nhìn thấy đèn đỏ, nhưng em không nhìn thấy anh!
Monday, December 28, 2015
Chuyện ngắn - con chim bị mù
CON CHIM BỊ MÙ
Thói quen của anh là thức sớm mỗi ngày để
viết, và anh vô cùng ngạc nhiên khi có một dạo, ngày nào, cũng có một con chim
tới đâm cửa vào phòng anh. Nhiều ngày liên tục, liên tục, sáng nào cũng vậy,
anh cũng đã có ý nghĩ giống như tôi: Phải chăng con chim đó bị mù? Hay bị một
chứng bệnh nào đó?
***
Nơi khu vườn anh nhà văn nọ có một cây si
rất rậm rạp, xanh lá quanh năm. Từ phòng viết của mình, qua một tấm cửa kính,
anh có thể nhìn thấy cây si ấy.
Thói quen của anh là thức sớm mỗi ngày để
viết, và anh vô cùng ngạc nhiên khi có một dạo, ngày nào, cũng có một con chim
tới đâm cửa vào phòng anh. Nhiều ngày liên tục, liên tục, sáng nào cũng vậy,
anh cũng đã có ý nghĩ giống như tôi: Phải chăng con chim đó bị mù? Hay bị một
chứng bệnh nào đó?
Sự lý giải không được thỏa mãn, lại nhiều
ngày tiếp tục trôi qua. Cho tới một hôm, anh quyết định bước ra khỏi cửa phòng
mình, đứng về phía con chim, đối diện với tấm kính để nhìn vào căn phòng.
Anh không thể tin nổi vào mắt mình. Trước
mắt anh là một cảnh tượng quá đẹp đẽ: Một cây si lung linh xanh thẫm in hình
trên tấm kính, như thể ở một nơi nào đó thật xa, trong một không gian rộng hơn,
sâu hơn.
Và anh biết, con chim nhỏ bé kia đã
"chán" cây si quen thuộc mỗi ngày của mình khi nó bất ngờ phát hiện
ra một "cây si" khác. Nó đã đâm đầu vào đó để mong tìm tới một nơi đẹp
đẽ hơn, lung linh hơn,...
Đôi khi, không đứng ở vị trí người khác,
nên chúng ta đã không hiểu được họ. Và đôi khi, chúng ta không biết những gì
chúng ta đang có mới là điều quan trọng, là hạnh phúc thực sự của chúng ta, mà
chúng ta cứ đeo đuổi những chuyện mãi đâu đâu.
Nhưng biết đâu, chỉ trong sự ảo tưởng,
chúng ta mới có được hạnh phúc, bởi vì hiện thực nhiều khi không như mong muốn,
khiến chúng ta bắt buộc phải chạy trốn nó.
Những câu chuyện ngụ ngôn hay - Chim tu hú va hai nha vua
Chim tu hú và hai nhà vua
Khi chim ưng làm vua rất thích nghe bầy
chim thổi sáo. Ngày hội nhạc, chim ưng cho môt ngàn con chim cùng thổi sáo
chung một lúc. Trog một ngàn con chim đó có Tu hú là không biết thổi, nhưng cũng
cứ dự phần vào để kiếm miếng ăn vua cho. Khi chim ưng thôi giữ chức, chim Phượng
hoàng được lên thay. Vua mới này cũng rất thích nghe thổi sáo, nhưng lại chỉ muốn
nghe tiếng thổi của từng cây sáo một. Tu hú biết mình sắp bị lộ liền xin ra khỏi
ban nhạc. Chim Hạc là nhạc trưởng thấy thế hỏi:
- Vì sao đang làm ăn khá thế mà xin nghỉ?
Tu hú đáp:
- Làm ăn chung thì dựa dẫm nhau được chứ
làm ăn riêng thì biết dựa vào ai?
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
VẼ RỒNG
Tất cả người Nhật đều biết họa sĩ đại
tài Kano Tanyu mà tác phẩm của ông ngày nay vẫn còn ở chùa Diệu Tâm. Đây là câu
chuyện lúc ông vẽ bức tranh con rồng vĩ đại trên trần chánh điện ngôi chùa. Đây
là kiệt tác của ông và là một trong những kho tàng nghệ thuật của thế giới. Vào
lúc mà trụ trì của chùa Diệu Tâm là Thiền sư Ngu Đường được nhiều người ca tụng,
nổi danh là thầy thiên hoàng. Sư nghe nói rằng con rồng do Tanyu vẽ thực đến nỗi
cái trần nhà được vẽ trên đó đã bất ngờ sập xuống, có người nói rằng ấy là do
con rồng vẫy đuôi.
Khi người ta tranh luận về bức tranh con rồng, Thiền sư Ngu Đường đến nhà họa
sĩ và bảo rằng: “Nhân dịp đặc biệt này, tôi đặc biệt muốn có bức tranh vẽ con rồng
sống.” Tự nhiên họa sĩ khựng lại và nói: “Đây là điều bất ngờ nhất. Sự thật,
tôi rất hổ thẹn mà nói rằng tôi chưa bao giờ thấy một con rồng sống,” phải từ
chối sự tin cậy này. Tuy nhiên, Thiền sư đồng ý rằng thật là phi lý mong có một
bức tranh vẽ con rồng sống từ một hoạ sĩ chưa từng thấy nó bao giờ, nhưng lại bảo
họa sĩ rằng hãy cố nhìn thấy một con càng sớm càng tốt. Họa sĩ lấy làm lạ hỏi:
“Người ta có thể thấy rồng sống ở đâu? Chúng ở chỗ nào?” “Chẳng có chi. Ở chỗ
tôi có một số. Hãy đến xem và vẽ một con.” Tanyu vui vẻ đi với sư, và khi đến
liền hỏi: “Đây tôi đã đến để xem rồng. Nào, chúng ở đâu?” Thiền sư đưa nắt nhìn
quanh căn phòng, đáp: “Nhiều lắm đây này; anh có thấy không? Đáng thương thay!”
Họa sĩ cảm thấy đầy hối tiếc, và kết quả đã tu tập Thiền cần mẫn với Quốc sư
Ngu Đường trong hai năm kế đó. Một hôm có việc xảy ra, họa sĩ kích động vội vã
chạy thẳng đến Thiền sư, nói: “Nhờ ơn thầy hôm nay con đã thấy hình con rồng sống.”
“Ồ, anh đã thấy ư? Tốt. Nhưng hãy nói tôi nghe tiếng ngâm của nó như thế nào?”
Với câu chất vấn này, họa sĩ lại bị lạc mất, và anh ta lại mất thêm một năm nữa
để tu luyện tâm linh. Những gì họa sĩ vẽ vào cuối năm ấy là con rồng ở chùa Diệu
Tâm, một tuyệt tác vô song trong lịch sử nghệ thuật, phi thường trong kỹ thuật
nhưng sức sống mà nghệ sĩ đã truyền vào đó còn phi thường hơn
nhiều.
(Bước Đầu Đọc Thiền)
Chuyện cười trong ngày
Phần thưởng hấp dẫn
- Áo dài: Ông có dám bỏ cả hai tay ra khi đang điều khiển xe không?
- Mày râu: Hả... tui chỉ dám khi đi xe đạp thôi. À nhưng nếu tui bỏ cả hai
tay ra bây giờ thì bà mất gì nào?
- Áo dài: Tui sẵn sàng thưởng cho ông một món quà cực kỳ có ý nghĩa.
- Mày râu: Cái gì, bật mí coi, hồi hộp quá?
- Áo dài: Một bộ áo quan.
- Mày râu: Trời!
Sunday, December 27, 2015
Chuyện ngắn - Chú chó con
CHÚ CHÓ CON
Người chủ tiệm treo tấm bảng "Bán chó
con" lên cánh cửa. Những tấm biển kiểu như vậy luôn hấp dẫn các khách hàng
nhỏ tuổi.
***
Ngay sau đó, có một cậu bé xuất hiện.
"Chú bán mấy con chó này với giá bao nhiêu vậy?"
Ông chủ trả lời "Khoảng từ $30 cho tới
$50. "
Cậu bé móc trong túi ra một ít tiền lẻ.
"Cháu có $2. 37" cậu nói, "cháu có thể coi chúng được không...
"
Người chủ tiệm mỉm cười và huýt sáo. Từ
trong cũi chạy ra chó mẹ Lady cùng với 5 cái nắm lông be bé xinh xinh chạy
theo. Một con chó con chạy cà nhắc lết theo sau. Ngay lập tức, cậu bé chỉ vào
con chó nhỏ bị liệt chân đó "Con chó con này bị làm sao vậy... "
Người chủ giải thích rằng bác sĩ thú y đã
khám và nói rằng con chó con bị tật ở phần hông. Nó sẽ bị đi khập khiễng mãi
mãi. Nó sẽ bị què mãi mãi. Đứa bé rất xúc động. "Cháu muốn mua con chó con
đó."
Người chủ nói rằng "Chắc là cháu
không muốn mua con chó đó đâu, còn nếu cháu muốn nó thì chú sẽ cho cháu
luôn."
Cậu bé nổi giận. Cậu nhìn thẳng vào mắt của
người chủ, và nói rằng "Cháu không muốn chú cho cháu con chó con đó. Nó xứng
đáng như bất kỳ con nào khác và cháu sẽ trả cho chú đủ giá tiền cho nó. Cháu sẽ
đưa cho chú $2.37 bây giờ và 50 cent mỗi tháng cho đến khi cháu trả đủ số tiền."
Người chủ phản đối "Cháu đâu có muốn
mua con chó đó. Nó sẽ chẳng bao giờ có thể chạy được và chơi với cháu như những
con chó con khác."
Nghe vậy, cậu bé cúi xuống và kéo ống quần
lên để lộ ra một chân bị vặn vẹo, teo quắt và phải có hệ thống thanh giằng chống
đỡ. Cậu nhìn lên người chủ và nói rất khẽ "Vâng, cháu cũng không có chạy
được, và con chó nhỏ đó cần một người có thể hiểu được nó!".
Những câu chuyện ngụ ngon hay - Tên cướp và cây dâu
Tên cướp và cây dâu
Tên cướp giết người trên đường cái. Ngưòi
ta trông thấy đuổi theo hắn. Hắn vất xác người bị giết đầy máu và bỏ chạy. Những
người đi đường gặp hắn hỏi tại sao tay hắn lại dính máu. Hắn đáp đó là do hắn
leo cây dâu. Nhưng trong khi hắn đang nói với họ, những người đuổi theo hắn đã
chạy tới kịp, bắt được và đóng đinh hắn trên cây dâu. Cây dâu liền nói:
"Ta không tiếc vì đã trở thành công cụ hành hình mi, kẻ đã giết người lại
còn dám đổ cho ta".
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
LẠC THÚ TRONG NÚI SÂU
Ngày xưa, khi vua Cao Tông nhà Đường
ở Trung quốc hỏi một hiền triết tu Đạo trên núi: “Hiền giả lúc nào cũng sống
trong núi sâu. Ở những nơi như thế có lạc thú gì?”
Vị sơn nhân đáp bằng bài thơ sau đây:
Trong núi có những gì ?
Trong núi lắm mây trắng.
Nhưng muốn thưởng thức nó,
Bệ hạ phải thân hành,
Tôi không thể đem được
Mây lành về đây dâng.
Hoàng đế hỏi:
- Trong núi có những lạc thú gì?
- Tâu Hoàng thượng, trong núi sâu là lũ mây trắng tìm đến từ lâu. Sáng chiều
vây quanh tôi, đem lại cho tâm tôi sự an tĩnh. Nhưng đây là niềm vui một mình
tôi, bởi vì nó là cái gì chính mình phải kinh nghiệm lấy. Ôi lũ mây trắng! Tôi
muốn bỏ chúng nó vào hộp đem dâng cho ngài, nhưng không thể làm được. Người ta
không thể bắt mây đem cho người khác, thật là không may.
(Bước Đầu Đọc Thiền)
Chuyện cười trong ngày
Gói thật cẩn thận
Có chàng trai nghèo, ngày lễ Tình nhân không có tiền mua quà tặng bạn gái,
nghĩ mãi mới nảy ra một ý.
Chàng trai đến cửa hàng bán đồ pha lê năn nỉ cô bán hàng bán một món đồ bị
vỡ hình trái tim, với giá gần như cho không. Chàng hẹn sáng ngày Valentine sẽ đến
nhận và không quên dặn cô bán hàng gói lại thật cẩn thận.
Sáng hôm sau chàng ung dung đến nhận quà và đến thẳng nhà bạn gái. Trước mặt
nàng, chàng giả vờ hấp tấp ngã làm vỡ món quà quý.
Vẻ hối lỗi, chàng gỡ món quà ra rồi ngẩn người. Không ngờ cô bán hàng đã
quá cẩn thận, gói riêng từng mảnh vỡ…
Saturday, December 26, 2015
Chuyện ngắn - Một phép màu đáng giá bao nhiêu
MỘT PHÉP MÀU ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU?
Chỉ có một cuộc phẫu thuật rất tốn kém mới
cứu sống được em trai cô bé, và cha mẹ em không tìm ra ai để vay tiền. Do đó,
gia đình em sẽ phải dọn đến một căn nhà nhỏ hơn vì họ không đủ khả năng tiếp tục
ở căn nhà hiện tại sau khi trả tiền bác sĩ.
Cô bé nghe bố nói với mẹ bằng giọng thì
thầm tuyệt vọng: "Chỉ có phép màu mới cứu sống được Andrew". Thế là
cô bé vào phòng mình, kéo ra một con heo đất được giấu kỹ trong tủ. Em dốc hết
đống tiền lẻ và đếm cẩn thận. Rồi cô bé lẻn ra ngoài bằng cửa sau để đến tiệm
thuốc gần đó.
Em đặt toàn bộ số tiền mình có lên quầy.
Người bán thuốc hỏi: "Cháu cần
gì?"
Cô bé trả lời: "Em trai của cháu bệnh
rất nặng và cháu muốn mua phép màu."
- Cháu bảo sao? – Người bán thuốc hỏi lại.
- Em cháu tên Andrew. Nó bị một căn bệnh
gì đó trong đầu mà ba cháu nói chỉ có phép màu mới cứu được nó. Phép màu giá
bao nhiêu ạ?
- Ở đây không bán phép màu, cháu à. Chú rất
tiếc – Người bán thuốc nở nụ cười buồn và tỏ vẻ cảm thông với cô bé.
- Cháu có tiền trả mà. Nếu không đủ, cháu
sẽ cố tìm thêm. Chỉ cần cho cháu biết giá bao nhiêu?
Trong cửa hàng còn có một vị khách ăn mặc
thanh lịch. Sau khi nghe câu chuyện, ông cúi xuống hỏi cô bé: "Cháu cần loại
phép màu gì?"
- Cháu cũng không biết nữa – Cô bé trả lời,
rơm rớm nước mắt. "Nhưng em cháu rất cần phép màu đó. Nó bị bệnh nặng lắm,
mẹ cháu nói rằng nó cần được phẫu thuật, và hình như phải có thêm loại phép màu
gì đó nữa mới cứu được em cháu. Cháu đã lấy ra toàn bộ số tiền để dành của mình
để đi tìm mua phép màu đó."
- Cháu có bao nhiêu? – Vị khách hỏi.
Cô bé trả lời vừa đủ nghe: "Một đô
la mười một xu."
Người đàn ông mỉm cười: "Ồ! Vừa đủ
cho cái giá của phép màu".
Một tay ông cầm tiền của cô bé, tay kia
ông nắm tay em và nói: "Dẫn bác về nhà cháu nhé. Bác muốn gặp em trai và
cha mẹ cháu. Để xem bác có loại phép màu mà em cháu cần không."
Người đàn ông thanh lịch đó là Bác sĩ
Carlton Armstrong, một phẫu thuật gia thần kinh tài năng. Ca mổ được hoàn thành
mà không mất tiền, và không lâu sau Andrew đã có thể về nhà, khỏe mạnh.
Mẹ cô bé thì thầm: "Mọi chuyện diễn
ra kỳ lạ như có một phép màu. Thật không thể tưởng tượng nổi. Thật là vô
giá!".
Cô bé mỉm cười: "Con biết chính xác
phép màu giá bao nhiêu. Một đô la mười một xu, cộng với niềm tin chân thành của
một đứa trẻ, và lòng tốt của người bác sĩ."
Những câu chuyện ngụ ngôn hay - Sói và dê
Sói và Dê
Một con Dê bị tụt phía sau đàn, bị con
Sói theo đuổi sát. Dê quay lại, nói với Sói:
- Thưa ngài, tôi biết thân phận mình phải
hiến dâng cho ngài. Nhưng để ngài thưởng thức món ăn đựơc ngon, ngài hãy thổi
sáo và tôi múa nhảy cho mà xem.
Sói bắt đầu thổi sáo cho Dê nhảy quay cuồng.
Lũ chó nhà nghe tiếng huyên náo bèn nhảy ra đuổi Sói.
Sói vừa chạy vừa quay đầu lại nói với Dê:
- Ta chịu thua ngươi vì ta vốn anh hàng
thịt lại giở trò làm nhạc công, nên bỏ lỡ mất thời cơ.
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
KHÔNG LÃNG PHÍ
Trước thời Minh Trị Duy Tân, Thiền sư Kiến Đường, một hình ảnh tinh thần vĩ
đại, là trụ trì chùa Yoken ở Saheki, đảo Cửu châu. Đây là ngôi chùa của dòng họ
Mori. Một trong những tùy viên chính của dòng họ đã đi vào xa hoa, lãng phí
không kìm chế được, và đang sa vào cuộc sống phá sản. Vị trụ trì, nghĩ thương
xót, đã khuyên can mấy lần. Nhưng thay vì lắng nghe, y sanh lòng oán hận vì sự
can thiệp và tìm bằng chứng giả tạo làm cho sư hết được ái mộ. Tuy nhiên, sư là
một người sống cuộc sống rất thánh thiện, trong sạch cả trong lẫn ngoài, không
có kẽ hở nào để chỉ trích.
Nhưng có tin đồn nổi lên rằng đêm nào thầy trị trì, sau khi mọi người đi ngủ,
cũng ăn uống thịnh soạn trong phòng riêng. Người tùy viên nắm được cơ hội này,
đêm đến lẻn vào vườn chùa, lên phòng phương trượng. Anh ta xác định rằng lão thầy
chùa đang ăn với vẻ thích thú. Thích chí vì bắt gặp được kẻ thù đang làm chuyện
mờ ám, sáng hôm sau y đến trình diện ở công đường của vị lãnh chúa. Người cầm đầu
dòng họ Mori là Lãnh chúa Takayasu, một người thông minh và hơn nữa là tín đồ
nhiệt thành của vị trụ trì, nhưng khi nghe câu chuyện ông ta khựng lại và tin rằng
đó phải là sự thật. Đêm đến ông ta ẩn mình trong vườn chùa, và khi nhìn qua khe
hở phòng phương trượng, chắc chắn rằng ông thầy tu đang ăn. Không chần chờ nữa,
Lãnh chúa Takayasu tông cửa sổ vào phòng. Vị trụ trì ngạc nhiên, nhanh nhẹn che
cái bát đang ăn và để vào chỗ khuất, rồi hỏi: “Có việc gì khẩn cấp mà ngài đến
viếng chúng tôi vào giờ này? Xin tha thứ cho sự thất lễ đón tiếp ngài không được
chu đáo.” Vị Lãnh chúa nghiêm khắc đáp: “Ở đây chẳng có chỗ để xin lỗi, thầy vừa
dấu cái gì vậy?” Vị trụ trì nhiệt thành yêu cầu bỏ qua chuyện đó, lặp lai nhiều
lần lời xin lỗi và cúi đầu sát đất. Nhà qúi tộc từ chối, không nghe và dùng sức
nắm lấy cái bát mà vị trụ trì miễn cưỡng đưa ra cho thấy trong đó chứa cái gì.
Sư nói: “Tôi xấu hổ e rằng việc này sẽ làm cho ngài chú ý. Ở đây, có nhiều
tăng sinh từ nhiều nơi khác nhau trên đất nước này đến. Mặc dù tôi đã tác động
họ không lãng phí ngay cả một giọt nước, vứt đi một cọng rau hay một hạt gạo.
Tuy nhiên có nhiều người, đa số là những người trẻ tuổi, thay vì làm theo lời
tôi nói, họ vẫn vứt đi những gốc rau, mày gạo xuống cống rãnh nhà bếp. Để chận
đứng sự lãng phí này, tôi đã đặt một cái rổ nhỏ ở đầu ống cống, và khi tất cả
đi ngủ, tôi nhặt lấy những gì hứng được trong đó, đem luộc đi để làm bữa ăn chiều
của tôi. Tôi đã làm như vậy nhiều năm nay. Tôi rất tiếc câu chuyện hạ tiện làm
phiền đôi tai tôn nghiêm của ngài.”
Nghe chuyện như vậy, vị lãnh chúa xúc động sâu xa, nước mắt trào ra, cầu
xin thứ lỗi cho hành vi của mình. Khi vị trụ trì tạ lỗi, nhà quí tộc chắp hai
tay cúi đầu trước sư .
(Bước Đầu Đọc Thiền)
Chuyện cười trong ngày
Cách thưởng Tết của sếp
Cuối năm tổng kết công ty, sếp vui vẻ thông báo:
- Năm nay các bạn làm việc rất tốt. Lợi nhuận của công ty đã tăng một cách
đáng kể. Để thưởng cho các bạn, tôi sẽ phát cho mỗi người một tấm séc trị giá 5
triệu đồng…
Tất cả nhân viên công ty vỗ tay rào rào tán thưởng.
Sếp tiếp lời:
- Nếu năm sau các bạn vẫn làm việc nhiệt tình như thế này, hãy đem tờ séc
đó đến gặp tôi và tôi sẽ… ký chúng.
- !?
Friday, December 25, 2015
Chuyện ngắn - Hạnh phúc vô hình
HẠNH PHÚC VÔ HÌNH
Lúc ấy trời đã tối, màn đêm sắp buông xuống,
vị Đại sư nhân lúc ấy liền tóm lấy cái túi chạy đi. Phú ông sợ qua, vừa khóc vừa
gọi đuổi theo: "Tôi bị lừa rồi, tâm huyết của cả đời tôi".
***
Có một phú ông vô cùng giàu có. Hễ thứ gì
có thể dùng tiền mua được là ông mua về để hưởng thụ. Tuy nhiên, bản thân ông lại
cảm thấy không vui, không hề hạnh phúc.
Một hôm, ông ta nảy ra một ý tưởng kỳ quặc,
đem tất cả những đồ vật quý giá, vàng bạc, châu báu cho vào một cái bao lớn rồi
đi chu du. Ông ta quyết định chỉ cần ai có thể nói cho ông làm thế nào để hạnh
phúc thì ông sẽ tặng cả bao của cải cho người đó.
Ông ta đi đến đâu cũng tìm và hỏi, rồi đến
một ngôi làng có một người nông dân nói với ông rằng nên đi gặp một vị Đại sư,
nếu như Đại sư cũng không có cách nào thì dù có đi khắp chân trời góc bể cũng
không ai có thể giúp ông được.
Cuối cùng cũng tìm gặp được vị Đại sư
đang ngồi thiền, ông ta vui mừng khôn xiết nói với Đại sư: "Tôi chỉ có một
mục đích, tài sản cả đời tôi đều ở trong cái bao này. Chỉ cần ngài nói cho tôi
cách nào để được hạnh phúc thì cái bao này sẽ là của ngài".
Lúc ấy trời đã tối, màn đêm sắp buông xuống,
vị Đại sư nhân lúc ấy liền tóm lấy cái túi chạy đi. Phú ông sợ qua, vừa khóc vừa
gọi đuổi theo: "Tôi bị lừa rồi, tâm huyết của cả đời tôi".
Sau đó vị Đại sư đã quay lại, trả cái bao
lại cho phú ông. Phú ông vừa nhìn thấy cái bao tưởng đã mất quay về thì lập tức
ôm nó vào lòng mà nói: "Tốt quá rồi!". Vị Đại sư điềm tĩnh đứng trước
mặt ông ta hỏi: "Ông cảm thấy thế nào? Có hạnh phúc không?" - "Hạnh
phúc! Tôi cảm thấy mình quá hạnh phúc rồi!".
Lúc này, vị Đại sư cười và nói: "Đây
cũng không phải là phương pháp gì đặc biệt, chỉ là con người đối với tất cả những
thứ mình có đều cho rằng sự tồn tại của nó là đương nhiên cho nên không cảm thấy
hạnh phúc, cái mà ông thiếu chính là một cơ hội mất đi. Ông đã biết thứ mình
đang có quan trọng thế nào chưa? Kỳ thực cái bao ông đang ôm trong lòng với cái
bao trước đó là một, bây giờ ông có còn muốn đem tặng nó cho tôi nữa
không?".
Những câu chuyện ngụ ngôn hay - Sếu và bầy cá
Sếu và bầy cá
Ở ven hồ kia, có một con sếu rất tinh ma
xảo quyệt. Hằng ngày dếu kiếm ăn quanh quẩn trong hồ, hễ con cá nào vừa nhô lên
mặt nước hoặc rơi vao bờ là sếu mổ chết ngay. Hồ sẵn cá, tôm, cua, ếch... nên sếu
chẳng bao giờ bị đói. Tuy đầy đủ thế song sếu vẫn chưa vừa ý, nó chỉ muốn ăn
cho thoả thích đến không còn một con cua, con cá nào trong hồ nữa thì thôi.
Một hôm, sếu bay đi kiếm ăn xa, nó nhìn
thấy môt cái hồ rộng khác. Sau khi kiếm được vài con cá khá to, sếu quay về hồ
cũ. Nó liền nghĩa ra một kế độc để đánh lừa đàn cá:
- Này các bạn cá yêu quý của tôi ơi, hôm
nay tôi đi xa chơi, trông thấy một cái hồ rộng và đẹp lắm ở bên kia cánh rừng
này.
Một con cá nhô lên đớp sóng và nói với sếu:
- Cái hồ đó thì có dính dáng gì đến chúng
tôi?
- Thì các bạn để tôi nói hết đã nào! –
Con sếu kể tiếp – Trên đường quay về với các bạn tôi nghe thấy mấy người nói với
nhau là vài bữa nữa họ sẽ tát cạn hồ để bắt hết cá. Tôi lo quá, mấy người kia
nói là họ làm thật đấy. Nếu các bạn chết hết thì tôi biết sống với ai.
Con cá nhỏ thật thà kia bèn kể lại lời dếu
cho ông bà cha mẹ, anh em bạn bè mình nghe. Chẳng mấy chốc lũ cá trong hồ đã tụ
tập lại sát bờ nhau nhau nhờ sếu giúp đỡ qua cơn hoạn nạn. Bàn đi tính lại mãi,
cuối cùng lũ cá bằng lòng cho sếu mỗi lần cắp vài con đem thả xuống hồ nước rộng
lớn kia rồi quay trờ về đón dần dần những con cá khác.
Thật tội nghiệp, lũ cá kia đã mắc mưu ác
hiểm của con sếu. Sếu xà xuống nước cắp mấy con cá lên rồi bay một mạch đến cái
cây to cao nó vẫn thường đậu qua đêm. Nó ung dung chén từng con một rồi tha
xương xuống đất. Xong, sếu lại quay lại hồ cắp tiếp một vài con cá khác. Cứ như
thế, hết chuyến này đến chuyến khác, cả đàn cá lần lượt theo nhau chui vào bụng
sếu, xương cá đã chất thành đống dưới gốc cây.
Bây giờ thì đến lượt cua. Nó vốn biết sếu
là kẻ gian ác, cua đã cẩn thận dè chừng. Nó để cho sếu cắp vào mai, còn hai
càng cua thì vòng qua ôm vào cổ sếu thật chặt. Sếu cắp cua nhằm thẳng cái cây
to bay tới. Trong lúc sếu bay cua nhìn xuống mãi mà không thấy cái hồ rộng, đẹp
ấy đâu.
- Này anh sếu ơi, sắp đến chưa?
- Sắp rồi, đừng sốt ruột – Sếu trả lời.
Cua bắt đầu e ngại, nỗi ngờ vực ngày càng
tăng, chốc chốc nó lại hỏi sếu:
- Đã sắp đến chưa? Cái hồ anh nói sao xa
thế?
- Sắp rồi, chỉ một quãng nữa là đến thôi
– Sếu nói, rồi đậu xuống một cành cây quen thuộc.
Cua nhìn xuống gốc cây, thấy cả một đống
xương to, trắng xoá, nó hiểu ngay là đàn cá trong hồ đã bị sếu ăn thịt hết. Lập
tức cua xiết chặt hai càng to khoẻ quanh cổ sếu. Mặc cho sếu vỗ vành rồi vùng vẫy,
dù thế nào cua cũng không buông lỏng cổ sếu ra. Cua bắt sếu phải cắp nó quay lại
hồ cũ. Bị hai càng cua to chặt kẹp đau quá, sếu đành phải cắp cua bay về hồ.
Trước khi sếu há mỏ để thả cua xuống nước,
cua lấy hết sức kẹp đứt lìa cổ sếu. Chỉ kịp kêu lên một tiếng thất thanh, con sếu
trên trời xuống mặt hồ. Thật đáng đời cho con sếu gian tham độc ác!
MỘT GiỌT NƯỚC
Cuối thế kỷ trước, chùa Thiên Long đã được đại sư Tích Thủy làm trụ trì.
Khi còn là một đệ tử trẻ, sư học đạo dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Nghi Sơn. Một
hôm Nghi Sơn bảo sư đem nước cho ông tắm. Sư nhặt cái thùng đổ đi chút nước còn
lại dưới đáy trước khi đem nước từ giếng đổ lại cho đầy thùng. Nghi Sơn mắng sư
thậm tệ vì sư đã làng phí nước nuôi dưỡng sự sống. Chuyện này ảnh hưởng sâu xa
đến nỗi sư theo đó đặt tên mình là Tích Thủy, có nghĩa là một giọt nước. Từ đó
về sau sư tu tập với tinh thần tôn trọng ngay đến cả một giọt nước.
(Bước Đầu Đọc Thiền)
Cổ Học Tinh Hoa - Cái được cái mất của người làm quan
Cái được cái mất của người làm quan
Khổng Miệt là cháu đức Khổng Tử. Bật Tử Tiện là học trò đức Khổng Tử, hai người cùng làm quan một thời.
Đức Khổng Tử qua chơi Khổng Miệt, hỏi rằng: "Từ khi ngươi ra làm quan được những điều gì, mất những điều gì?"
Khổng Miệt thưa: "Từ khi tôi ra làm quan chưa được điều gì, mà đã mất ba điều: việc quan bận, không còn thời giờ học tập, vì thế mà học vấn không tấn tới; bổng lộc ít, không đủ chu cấp cho họ hàng, vì thế mà họ hàng không thân thiết; công việc nhiều không thể đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà ăn ở với bầu bạn không được trọn vẹn".
Đức Khổng Tử nghe nói không bằng lòng.
Sau ngài đến chơi Bật Tử Tiện, lại hỏi như hỏi Khổng Miệt.
Bật Tử Tiện thưa: "Từ khi tôi ra làm quan, chưa mất điều gì, mà đã được ba điều: Những điều trước học nay đem ra thực hành vì thế mà học càng rõ; bổng lộc dù bạc, cũng có thể chu cấp ít nhiều cho họ hàng, vì thế mà họ hàng càng gần; việc quan tuy bận, song cũng bớt được ít thời giờ đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà bầu bạn càng thân".
Đức Khổng Tử nghe nói khen rằng: "Tử Tiện thực là người quân tử".
(Gia Ngữ)
Lời bàn:
Hai đoạn này bày ra hai cái cảnh phản đối lại hẳn với nhau. Cũng là làm quan, mà một đàng "mất" một đàng "được" khác nhau chẳng qua là chỉ do tự mình cả, chớ không phải nghề làm quan bó buộc mình phải như thế. Đức Khổng Tử khen người "được" là quân tử, thì tất bỉ người "mất" là tiểu nhân. Ôi! làm quan tuy là bận việc, tuy là ít lương, tuy là hẹp thời giờ, mà vẫn học hành cho rộng thêm trí thức mà vẫn chu cấp được cả cho bà con, mà vẫn ân cần cả với chúng bạn, thì cũng đáng phục là ông quan quân tử thật.
Chuyện cười trong ngày
Tiềm năng và thực tế
Khi được thầy giao bài tập "Em hãy cho ví dụ minh họa về tiềm năng và
thực tế", Jimmy về nhà hỏi bố.
Bố bảo: "Nếu muốn biết rõ hơn, con hãy ra câu hỏi với mẹ và chị gái
con xem liệu họ có đồng ý qua đêm với Bill Gates để lấy 1 triệu đô la
không?".
Sau khi nghe câu hỏi, người mẹ ghé tai Jimmy nói: "Con đừng mách lại bố
nhé, vì mẹ sẽ đồng ý và có được số tiền 1 triệu đô la".
Đến lượt chị gái cũng trả lời tương tự: "Em đừng mách lại với bố nhé.
Dĩ nhiên là chị sẽ chọn 1 triệu đô la chứ".
Sau khi nghe Jimmy kể lại kết quả, ông bố trầm ngâm phân tích: "Con đã
nhìn thấy sự khác nhau giữa tiềm năng và thực tế rồi đấy. Tiềm năng là chúng ta
sẽ có cơ hội ngồi trên đống tiền 2 triệu đô la. Còn thực tế là chúng ta đang sống
với hai người đàn bà trắc nết".
Thursday, December 24, 2015
Chuyện ngắn - Câu chuyện ngắn về tình yêu
CÂU CHUYỆN NGẮN VỀ TÌNH YÊU
Sự hiểu lầm có thể làm cho con người ta mất đi vĩnh viễn 1 thứ gì đó mà ta rất yêu quý, để rồi, khi nhận ra thì đã quá muộn...
Có một chàng trai đã gấp 1.000 con hạc giấy tặng người anh yêu. Mặc dù lúc đó anh chỉ là một nhân viên quèn trong công ty, tương lai chẳng có vẻ gì sáng lạn nhưng họ vẫn luôn rất hạnh phúc bên nhau.
Rồi cho đến một hôm người yêu của anh nói rằng nàng sẽ đi Paris, sẽ không bao giờ còn có dịp gặp lại anh nữa. Nàng rất lấy làm tiếc về điều này và an ủi chàng rằng rồi nỗi đau của chàng cũng sẽ trở thành dĩ vãng. Hãy để cho nó ngủ yên trong ký ức của mỗi người.
Chàng trai đồng ý nhưng trái tim tan nát. Anh lao vào làm việc quên cả ngày đêm, cuối cùng anh đã thành lập được công ty của riêng mình. Nó không chỉ giúp anh vươn đến những điều mà trước đây vì thiếu nó mà ngưới yêu đã rời bỏ anh, nó còn giúp anh xua đuổi khỏi tâm trí mình một điều gì đó của những tháng ngày xưa cũ.
***
Một ngày mưa tầm tã, trong lúc lái xe, chàng trai tình cờ trông thấy một đôi vợ chồng già cùng che chung một chiếc ô đi trên hè phố. Chiếc ô không đủ sức che cho họ giữa trời mưa gió. Chàng trai nhận ngay ra đó là cha mẹ của cô gái ngày xưa. Tình cảm trước đây anh dành cho họ dường như sống lại.
Anh chạy xe cạnh đôi vợ chồng già với mong muốn họ nhận ra anh. Anh muốn họ thấy rằng anh bây giờ không còn như xưa, rằng anh bây giờ đã có thể tự mình tạo dựng một công ty riêng, đã có thể ngồi trong một chiếc xe hơi sang trọng. Vâng, chính anh, chính người mà trước đây con gái họ chối từ đã làm được điều đó.
Đôi vợ chồng già cứ lầm lũi bước chậm rãi về phía nghĩa trang. Vội vàng, anh bước ra khỏi xe và đuổi theo họ. Và anh đã gặp lại người yêu xưa của mình, vẫn với nụ cười dịu dàng, đằm thắm nàng từng đem đến cho anh, đang dịu dàng nhìn anh từ bức chân dung trên bia mộ.
Cạnh cô là món quà của anh, những con hạc giấy ngày nào. Đến lúc này anh mới biết một sự thật: nàng đã không hề đi Paris. Nàng đã mắc phải căn bệnh ung thư và không thể qua khỏi. Nàng đã luôn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ làm được nhiều việc, anh sẽ còn tiến rất xa trên bước đường công danh. Và nàng không muốn là vật cản bước chân anh đến tương lai của mình. Nàng mong ước cha mẹ sẽ đặt những con hạc giấy lên mộ nàng, để một ngày nào đó khi số phận đưa anh đến gặp nàng một lần nữa, anh có thể đem chúng về bầu bạn.
Chàng trai bật khóc.
Chúng ta cũng vậy, như chàng trai kia, cũng chỉ nhận ra giá trị lớn lao về sự có mặt của một người mà cuộc đời đã ban tặng cho cuộc sống của chúng ta khi một sáng mai thức giấc, người ấy đã không còn ở bên ta nữa. Có thể họ đã chẳng yêu bạn như cách mà bạn mong đợi ở họ nhưng điều này không có nghĩa rằng họ không dâng hiến tình yêu của họ cho bạn bằng tất cả những gì họ có.
Một khi bạn đã yêu, bạn sẽ mãi mãi yêu. Những gì trong tâm trí bạn có thể sẽ ra đi, nhưng những gì trong tim bạn thì mãi mãi ở lại.
Subscribe to:
Posts (Atom)