Hỏi: Quan niệm về pháp môn thiền định
(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Thiền định là một pháp được xem như có thể an trú ngày và đêm, thiền định ở đây được hiểu ý nghĩa rất rộng, kể cả thiền chỉ và thiền quán, nhưng nói một cách nôm na, là một cách sống qua đó chúng ta vận dụng khả năng tập trung vào tỉnh giác để làm mòn và dần dà lắng đọng được phiền não. Phiền não được xem như cuộc sống ngoại tại, và thiền định là cách gom tâm về sống với nội tại. Thì trong những pháp môn này, niệm Phật, tưởng niệm Phật, tưởng niệm Pháp, tưởng niệm Tăng, thường an trú trong sự bất hại và chúng ta cũng thấy ở đây tu tập thân quán chủ yếu là hơi thở và sau an vui trong thiền định là những pháp năng hộ trì.
Bây giờ chúng ta nghe rất nhiều sự cổ võ. Chúng tôi biết rằng một số hành giả rất đặc biệt tin tưởng vào một pháp môn, dĩ nhiên việc đó rất kiên trì. Tuy nhiên, trong lúc chúng ta rất nhiệt thành để cổ võ một pháp môn thì chúng ta đừng quên Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta đó là có rất nhiều pháp môn khác nhau, có rất nhiều cách hành trì khác nhau, và những hành trì này cũng mang lại những lợi lạc to lớn chứ không phải chỉ một pháp môn.
Có một lần trong buổi thảo luận trực tiếp với TT Tuệ Siêu trong room Diệu Phàp này, chúng tôi có cố gắng để đưa lên một câu hỏi, và TT Tuệ Siêu cũng đã trả lời mà qua đó chúng ta làm sao để có một cái nhìn tương đối tránh xa hai cực đoan, một là bỏ vào trong rừng tu thiền và hai là không tu gì hết, chúng ta quan niệm như vậy và trong cuộc sống hàng ngày có đi, đứng, có ăn nói, có sinh hoạt có thuyết pháp tụng kinh, có đi làm, thì những lúc đó không thể nào sống bằng sự an trú vào trong tâm niệm thiện được, không chuyên chú vào những đề mục niệm, ví dụ như niệm Phật được.
Ở trên thực tế, người ta đã chứng minh rằng cái gì mà mình tha thiết thì mình gắng bó, cho dù với cuộc sống hết sức bị chi phối, bận rộn bởi nhiều việc. Chúng tôi lấy một ví dụ, có những người rất thích chơi cây kiểng, mặc dù họ có phận sự ở sở làm, có phận sự ở trong nhà, nhưng họ đã thích chơi cây kiểng thì cây kiểng luôn luôn trở lại một vị trí vô cùng quan trọng ở trong lòng của họ vào những giờ họ có thể có được. Điều đó tương tự như một người họ sống hết sức tập trú vào một đề mục niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm hoan hỷ trong sự bất hại hay niệm hơi thở, niệm thân hoặc giả an trú trong thiền định. Chúng tôi nói như vậy là một ví dụ tương đối. Chúng tôi biết những vị rất thích về thi ca, lúc nào cũng có thể thể nhập vào khung trời của thơ, có thể hướng tâm của mình trở lại bắt từng nhịp của từng giòng từng chữ của các bài thơ bởi quá quen trong việc đó. Hoặc giả, ngày hôm nay quí vị thấy các em nhỏ chơi game bằng máy điện tử họ nghiền đến mức độ thâm nhập vào được. Do vậy, chúng ta có thể hiểu được trong một cách nhìn nếu chúng ta thường xuyên dành những thì giờ ban đầu để chúng ta tâm niệm vào ân đức của Đức Phật chúng ta cảm kích khi chúng ta nghe đến, chúng ta bỗng nhiên hết sức hoan hỷ, cảm giác rất đặc biệt. Thì cho dù chúng ta có sinh hoạt bình thường chúng ta vẫn an trú trong đó được.
Đời sống bản thân của chúng tôi, có một lần chúng tôi có nghe được Ngài Tangpulu vị Bổn Sư truyền giới cho chúng tôi, Ngài đề cập đến ân Đức Phật mà qua một ân đức ở trong kinh đó là chữ "Thiện Thệ" hay "Sugatha". Sau đó chữ "Thiện Thệ" lại có một âm hưởng rất đặc biệt khi chúng tôi nghe đến chữ "Sugatha" hay "Thiện Thệ" , chúng tôi nghe có một cái gì đó hết sức khác lạ, nghĩa là mỗi lần bản thân chúng tôi nghe chữ "Sugatha" chúng tôi lại liên tưởng đến một bậc Đại Giác đã đi và đã đạt đến chỗ tối thượng và Ngài là một vị có thể nói rằng sự thành tựu bất thối chuyển, và khiến chúng ta cảm thấy rằng có thể đặt trọn vẹn niềm tin đi theo bước chân của Ngài.
Chúng tôi cũng biết một số Phật tử rất thâm nhập Phật hiệu "Araham" tức là "Ứng Cúng" hay "bậc Trọn Lành" và chúng tôi cũng có biết một vài vị hết sức nhuần nhuyễn ở trong cách niệm Phật chữ "Buddho" hay "Phật Đà".
Nói chung, thì thiền định là chúng ta tạo ra một thói quen tốt. Chữ thói quen ở đây có nghĩa là thuần thục có nghĩa là nhuần nhuyễn, khi tâm của chúng ta đã được đặt trong một nếp nào cố định thì chúng ta trở lại rất nhanh. Đọc những câu chuyện ở trong kinh như chúng ta nghe một người thường dùng màu xanh hay màu vàng hoặc màu đỏ để làm đề mục thiền chỉ, khi họ bị hoại thiền, hay ở kiếp trước họ đã từng tu đề mục đó, kiếp này họ chỉ thấy thì tự nhiên có khả năng tập trung tư tưởng lớn và họ có thể thành tụ được Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, điều đó không ngạc nhiên vì họ quá quen thuộc.
Chúng tôi có quen một anh Phật tử trước kia vốn xuất gia với Sư Cậu của chúng tôi, về sau này anh hoàn tục, sang đây cũng sống ở thành phố này, có một lần chúng tôi hỏi anh vậy chớ sau mười mấy năm rời mái chùa, khi anh trở lại chùa thì còn nhớ nhiều kinh tụng không, anh nói có những bài kinh mặc dù không tụng đã lâu nhưng bây giờ lâu lâu nghe Chư Tăng tụng thì biết rằng mình sẽ học trở lại và học rất nhanh. Thưa quí vị có những thứ cơ hồ như chúng ta không thấy được trong một thời gian nào đó tâm tư của chúng ta đã quá quen, bây giờ bỗng nhiên từ một gợi nhắc rất nhỏ nó cũng đủ mang một khung trời rộng lớn trở lại với chúng ta.
Nên mình phải thấy cái lợi đó và mình hoan hỷ về một số ý niệm an trú. Chúng tôi có biết rằng một vài người trong đời sống của họ có nhiều cái tự hào, họ tự hào về kiến thức về địa vị, và khi nói về một chuyện gì đó, ví dụ như họ đã từng là một tướng lãnh tài ba ngoài trận mạc, bây giờ mỗi lần trong tuổi già nhắc lại thuở xa xưa hay nhắc lại trận chiến nào đó thì đôi mắt người đó sáng rực lên, người đó trở về với cả một qúa khứ, một quá khứ huy hoàng, một quá khứ oanh liệt, điều này là một hiện tượng của tâm lý. Và chúng ta cũng biết rằng có những người suốt cuộc đời họ có tâm niệm rằng họ sống không bao giờ làm hại bất cứ ai, khi nghe nói đến quan niệm về nghiệp báo thì họ rất hoan hỷ, họ hoan hỷ vô cùng bởi vì điều đó là một điều mà họ thường tâm niệm, và tâm niệm lớn.
Bởi vậy pháp tu tập có lợi là cho phép chúng ta làm quen, chẳng những làm quen mà còn gắng bó, còn thân thiết, còn cảm thấy rằng mình thuộc về một thế giới, thuộc về một cái gì đó mà ở trong giây phút thảng thốt, cho dù chúng ta chỉ đón nhận điều đó, đón nhận sự gợi ý hay một nhắc nhở một cái gì rất đơn giản, thì chút ta cũng có thể trở lại thể nhập vào trong cảnh giới đó được. Nói về điểm này chúng ta không thể phủ nhận được giá trị của sự tu tập rất lớn, lớn lắm.
Chúng tôi mãi về sau này có được nghe một vài vị kể về chúng tôi khi còn nhỏ. Chúng tôi và TT Tuệ Siêu có thời gian đi học trong Vạn Hạnh và học Trung Bộ Kinh, tuy rằng tuổi còn rất nhỏ, nhưng khi chúng tôi đọc Trung Bộ Kinh, chúng tôi không bao giờ cảm thấy bài kinh đó khô khan hay cảm thấy chán, một khi vào học thì cảm thấy rất thích thú. Về sau này khi chúng tôi tiếp xúc với một số các vị khác chúng tôi biết rằng một số các vị khi đọc vào những bài kinh như vậy rất buồn ngủ, rất chán, chỉ muốn đọc những quyển Phật sử hay tích chuyện Phật Giáo, hoặc giả những cuốn sách phổ thông, mà đọc vào những bài kinh trong chánh tạng thì lại không hoan hỷ nhiều. Qua đó chúng tôi cũng có niềm tin đâu đó, có lẽ kiếp trước có ít nhiều túc duyên với những chánh kinh như vậy, với những bản kinh ở trong chánh tạng như vậy, nên mặc dù hồi còn thơ ấu chỉ có thể tiếp xúc và nghe giảng, nhưng tìm thấy ở đó nhiều điều thích thú, thích thú một cách rất đặc biệt, và nó trở thành một trong những quyển kinh sách có thể nói rằng mang theo ở trong cả cuộc đời của mình.
Nếu chúng ta thường xuyên để tưởng niệm, để thâm nhập vào những giá trị tốt đẹp của đời sống thì tâm tư của chúng ta sẽ dễ dàng trở về với cảnh giới trong sáng, cho dù đó là một sự giựt mình ở trong cơn mơ, cho dù ở trong phút bất chợt, bất chợt chúng ta không để ý đến, thì chúng ta vẫn có thể trở về ngay. Bởi vì sao? Bởi vì đó là chỗ nương náu mà lúc nào chúng ta cần phải tự bảo vệ lấy chính mình, thì chúng ta sẽ đi vào ngay trong nơi đó.
Chúng ta không nên quá cực đoan phải hoàn toàn như thế này mới là tu thiền, phải hoàn toàn như thế kia, nếu không có được như thế kia, tức là không có tu thiền. Và ở đây sự áp dụng trong từng giờ từng ngày, sự áp dụng trong điều kiện nào mình có thể áp dụng được. Thật ra, điều này không có nghĩa chúng tôi cố gắng để phủ nhận giá trị của những người hành giả thiền định liên tục, điều đó rất tốt và không có điều gì chúng tôi phủ nhận điều đó hết, nhưng một điều rất đáng tiếc khi một số Phật tử cho rằng chúng ta chỉ có thể hành thiền được, chỉ niệm Phật được khi nào chúng ta vào trường thiền, hay chúng ta bỏ hết thì giờ, hoặc giả chúng ta làm một đại nguyện để thực hành thiền, chúng ta mới thực hành được. Trên thực tế, cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều người có thể an trú trong ân đức của Phật, của Pháp, của Tăng, an trú trong niềm hoan hỷ an lạc, hay trở về với hơi thở của mình.
Nói tóm lại, phải nói bằng một quan niệm rất thường thức là nội tâm của chúng ta cũng giống như thân, thân hay tâm của chúng ta là kết quả của quá khứ, là sản phẩm của thói quen, mà ở trong 100 việc chúng ta làm, hết 99 việc là do thói quen của chúng ta, cách chúng ta cười, cách chúng ta nói, cách chúng ta hổ thẹn mắc cở, cách chúng ta cảm ơn, cách chúng ta ưa thích việc gì đó, đều là thói quen hết. Và nếu chúng ta có được một sự tu tập, chúng ta quen thuộc với một cảnh giới cao quí, quen thuộc với giá trị cao quí, quen thuộc với đối tượng cao quí chúng ta dễ dàng trở về để thể nhập vào ở trong đối tượng đó, cảnh giới đó thì là một lợi lạc rất lớn. Đó là điều Đức Phật Ngài dạy rằng: đệ tử của Đức Phật thường sống ở trong sự thể nhập như vậy, tức là sống bằng thái độ sống, mà thái độ đó là thái độ đưa tâm tư của mình vào một cảnh giới rộng lớn, cảnh giới cao quí, chứ không phải chỉ sum xoe chăm sóc bề ngoài của mình mà quên đi ở trong nội tại của mình cần có một chất liệu sống, chất liệu sống đó phải lớn hơn, phải cao quí hơn, và đẹp hơn./.
No comments:
Post a Comment