Hỏi: Nhìn phiền não ở trong tư cách khách quan
(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Trong đạo Phật khi đề cập đến pháp tu, không phải lúc nào người ta cũng chú trọng đến một pháp môn duy nhất, hay một pháp hành chữa được bá bịnh phiền não. Đức Phật, Ngài đã có những lời dậy ngắn ngủi, có những lời dậy tuy rằng rất cô đọng, tùy theo căn duyên của mỗi người, mỗi lúc, mỗi thời lại có thể có khả năng đánh bật phiền não ra khỏi nội tâm của chúng ta, và đây là một trong những sự kiện rất kỳ thú.
Khi chúng ta giận một người khác, mình nghĩ rằng lòng sân hận là một sức mạnh. Khi chúng ta bực bội, chúng ta muốn thoả mãn tâm sân của mình, thì mình nghĩ rằng tâm sân là một cái gì đáng để được chìu, đáng để được quí trọng, thậm trí chúng ta thấy nó có lý lắm, có lý đến đỗi chúng ta tin vào tham, tin vào sân, chúng ta đã tin nó không phải chỉ một ngày, hai ngày, mà cả cuộc đời của mình. Và nói như trong kinh Phật, thì chúng ta đã tin vào tham sân si trong vô lượng kiếp, từ vô lượng kiếp, bây giờ khi chúng ta nhìn tham sân nó là một hình thái tiêu cực. Thì rõ ràng chúng ta đang vẽ một làn ranh mới, và có một thái độ mới đối với sự phiền não của mình.
Một vị thiền sư Ngài Ajahn Chaa, đã từng nói : "đừng tin vào những phiền não của mình." Chúng ta tin vào phiền não của mình như là người bạn chí cốt, chúng ta tin vào phiền não của mình như là một thủ hạ thân tín, chúng ta tin vào phiền não của mình đôi lúc chúng ta sùng bái, thờ phượng phiền não của chúng ta như là cái gì đó có quyền uy tuyệt đối ở trong đời sống của mình.
Có thể nói hầu như trong suốt lời dạy của Đức Phật rải rác đó đây ở trong kinh điển, thì chúng ta dễ dàng nhận ra một điều là Đức Phật Ngài cho chúng ta cái nhìn mới về khía cạnh tiêu cực của phiền não, mà bấy lâu nay chúng ta vì quan niệm ngã chấp, vì quan niệm nghĩ rằng đó là ta, đó là của ta, và tự ngã của ta. Bởi vì nó là tự ngã của ta, vì nó là ta, nó là của ta, nên chúng ta đã trân quí phiền não, đã đặt để phiền não ở trong một cảnh giới, trong địa vị mà chúng ta đã kỳ vọng, chúng ta phải lắng nghe, chúng ta phải chìu nó, và chúng ta phải đồng thuận với nó.
Khi phiền não làm cho chúng ta phải đau khổ, phiền não làm cho chúng ta phải lo lắng, như sự sợ hãi, sự âu lo hay những căng thẳng, thì lúc đó chúng ta mới nhìn phiền não như những thứ tiêu cực, là phiền não thô . Còn có những tham, sân thì rất tế nhị, cái sự vướng mắc rất vi tế, vi tế đến nỗi chúng ta cảm thấy nó là một người bạn thân với mình, và cũng không nghĩ rằng nó có một khiá cạnh tiêu cực như chúng ta đã nghĩ. Người xưa có câu nói rằng: Hãy coi chừng những người mà lúc nào cũng ngon ngọt với chúng ta, có đôi khi những người đó lại là kẻ thù lớn nhất ở trong cuộc đời.
Có những phiền não ở trong lòng của chúng ta nó tế nhị và vi tế hơn chúng ta thấy nhiều lắm, kể cả vị ở trong kinh nói rằng tu tập chứng đắc các tầng thiền, các vị đã ấn chứng, và nếu những thứ này là một cái gì để cho vị đó dính mắc, thì sự dính mắc đó đối với chúng ta, có thể nói rằng chúng ta không nhận ra đó là một phiền não, nhưng chỉ có Đức Phật Ngài mới nhìn thấy nó là một thứ phiền não.
Trong bài kinh Brahmajàla hay là kinh Phạm Võng. Bài kinh mở đầu cho Trường Bộ Kinh, và cũng mở đầu cho kho tàng kinh Tạng pali, kinh Tạng Phật giáo, Đức Phật Ngài đề cập đến, những kiến cách gọi là tà kiến. Khi chúng ta đọc về những tà kiến này rồi, chúng ta phải nhìn thấy chúng sanh ở trong đời này không phải chỉ có những phiền não đối với sắc, thinh, khí, vị, xúc, tức là đối với sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, xúc lạc. Và có thể nói rằng những tầng thiền như; Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền, thậm trí những Thiền Vô Sắc như; Không Vô Biên, Thức Vô Biên, Vô Sở Hữu, Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng, và ngay cả vị này lấy tự ngã đối chiếu với Niết-Bàn. Khi các vị nhìn vào Niết-Bàn, các vị lại có một quan niệm, quan niệm này ở trong bài kinh Phạm Võng gọi là Niết-bàn viễn thế, những quan niệm về Niết-bàn, như là những giải tỏa bậc nhất, mà đặc biệt ở trong đó Đức Phật Ngài dậy rằng sự có mặt của bản ngã. Có đọc những bài kinh đó thì chúng ta mới biết tại sao phiền não nó không dễ để nhận diện, cho dù rằng chúng ta nhận nó là tham, là sân, là si.
Thật ra nếu chúng ta đọc kỹ những kiết sử, nhất là thượng phần kiết sử ở trong mười kiết sử, chúng ta cũng có thể mường tượng được tại sao những thứ ái dục, như là sắc ái, vô sắc ái, hay ngã mạn, phóng dật, vô minh, những thượng phần kiết sử đó không phải là cái gì thô thiển trong đời sống hàng ngày. Anh A giận anh B những lời nói bực, hoặc giả là chúng ta thích ăn ngon mặc đẹp, hay người nam nữ thương với nhau có những nông nỗi, có những bất đồng, có những vụng về ở trong đời sống, nó không hẳn là chúng ta dễ dàng nhận ra như vậy.
Chúng ta cũng phải nói một khía cạnh khác liên quan đến hướng đi, mà nó thường tiềm tàng như một khả năng, có thể nói rằng hết sức đặc biệt trong cuộc sống của chúng ta. Chúng tôi nhớ Ngài Hoà Thượng Hộ Tông viết một quyển nhỏ Ngài dùng tựa là "Nguyện Vọng Cao Nhất Của Con Người", và trong quyển này đã đề cập đến hạnh phúc, Ngài nói hạnh phúc là một sự truy tìm lớn nhất trong cuộc sống. Khi nói đến hạnh phúc chúng ta nói đến cái gì tích cực, cái gì đáng để chúng ta thân cận, đáng để chúng ta truy cầu, đáng để chúng ta hướng đến. Nhưng điều này chỉ là một bước rất nhỏ. Khi chúng ta nghĩ đến thanh bình, nghĩ đến hạnh phúc, nghĩ đến sự thanh thản, nghĩ đến sự an lạc, rồi bước kế tiếp là chúng ta phải nhận ra một cái gì là cái tích cực, cái gì là cái tiêu cực, cái gì là cái an lạc, cái gì là cái khổ đau, thì đây là một sự phân định không phải đơn giản dễ dàng.
Chúng tôi không biết rằng ở mỗi quốc gia có mỗi cái nhìn khác nhau, đặc biệt về phương diện mỹ học, phương diện phẩm vị nghệ thuật, nhưng chúng ta có thể nói rằng khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, có đôi lúc các vị Thiền sư phải dùng hình ảnh chiếc giày rách, để nói lên cái gì đáng nhàm chán, đáng từ bỏ. Và thuở xưa người ta dùng đôi giày rơm làm phương tiện đi lại, và dĩ nhiên khi mà nó hư rồi thì nó rẻ rúngi, và trong sự rẻ rúng đó, nếu nó còn mới thì nó còn có chỗ dùng thì cũng có ít giá trị, nhưng mà khi nó đã dơ, nó đã hư rách rồi thì đôi giày đó không có gì đáng hết. Thì chúng tôi tin rằng thí dụ về đôi giày rách đó, cũng tương tựa như là những cánh hoa, ví dụ như là hoa Huệ trắng hoặc là hoa Sen, kể cả hoa mai, kể cả hoa đào cũng vậy. Hoa mai đào vào ngày tết. Nhưng mai đào còn đỡ, đặc biệt là hoa huệ và hoa sen, khi còn tươi, vừa mới nở ra thì chẳng những thơm, chẳng những đẹp mà khi chúng ta nhìn vào chúng ta thấy có cái gì rất đạo vị, rất thiền vị. Tuy nhiên hai loại hoa này có đặc tính, đặc tính đó là rất mau tàn, hoa sen chỉ trưng buổi sáng, buổi chiều nhìn thấy những cánh sen rơi rụng ở trên bàn và thứ hai nữa những hoa này khi nó tàn rồi, nước trong bình rất là hôi, và đặc biệt là khi chúng ta nhìn thấy cảnh những đóa hoa sen hoa huệ khi đã tàn rồi, thì không có gì thích thú hết, hoàn toàn không có gì thích thú, nhìn những hoa đó quả thật là một cái gì hết sức là tiêu cực, hết sức là mất mát. Vì vậy Đức Phật Ngài ví dụ những đóa hoa khi tàn như là những phiền não.
Chúng ta có thể nhìn thấy tâm tư của chúng ta có đôi lúc không khéo tu tập thì giống như cái lọc nước, nước trong nước sạch thì nó cho đi, và cái gì còn lại thường thường là cặn cáu, nó là cái gì không được tốt đẹp. Chính vì vậy, đôi lúc Đức Phật Ngài dậy chúng ta lên làm một công việc của một người khách quan là hãy đứng từ địa điểm khách quan, để nhìn lại những phiền não chính mình và phải tỏ thái độ, thái độ đó rất rõ ràng, thái độ đó là hãy xem phiền não như là những cánh hoa đã uá tàn, đã không còn đáng để hoan hỷ, không còn đáng để tha thiết nữa, là nên rủ bỏ, rủ bỏ một cách không thương tiếc.
Chúng ta nghĩ rằng chúng ta làm thoả mãn cái sân tâm, tức là thoả mãn chính mình, như vậy sân tâm đó, với bản ngã là một, và vì vậy thoải mãn sân tâm tức là thoả mãn chính mình và do vậy chúng ta mới có những việc làm, thậm trí về sau này chúng ta phải ăn năn hối hận, là bởi vì mình làm cho thoả mãn. Nếu chúng ta nhìn thấy những sân tâm phiền não, đó chỉ là phiền não thôi, không thấy đó là "ta", đó là "tự ngã của ta", và nếu chúng ta nhìn những sân tâm đó, là những cánh hoa héo úa, chúng ta dễ dàng rũ bỏ, rũ bỏ một cách không có thương tiếc.
Đức Phật Ngài trong rất nhiều trường hợp Ngài đã gợi ý cho chúng ta một điều quan trọng là chúng ta có thể nhìn lại những phiền não, những rắc rối, những khúc mắc ở trong lòng mình, nó giống như là một cái nhìn khách quan. Từ cái nhìn khách quan đó chúng ta mới không có gọi là cái này là cái "của ta", là "tự ngã của ta", mình phải bảo vệ nó. Có những lúc chúng ta sẽ có thái độ mạnh mẽ, dứt khoát đây là vấn đề cần phải loại bỏ và đây là vấn đề cần phải duy trì. Khi chúng ta đã đọc vào Phật pháp, chúng ta thấy có một khía cạnh hết sức quan trọng của lý "vô ngã". Lý "vô ngã" Đức Phật Ngài dạy ở trong nhiều bài kinh và đặc biệt ở trong Tạng A Tỳ Đàm, khi nói đến điều pháp, chi pháp, điều đó là danh, điều đó là sắc, chúng ta muốn nói điều đó là một cái gì ở trong năm uẩn đi nữa, thì thưa quí vị không nên chấp chặt lấy nó là đây là cái mà mình phải vĩnh viễn vướng mãi, bởi vì nó là tự ngã của mình, nó là cái gì mà mình không muốn đụng đến, ví dụ như là đây là sắc, đây là thọ, đây là tưởng, hành, thức v.v...có nghĩ như vậy nó mới cho phép chúng ta đứng ở trên một cương vị khách quan, và đó là cái khó nhất của một hiền giả bước vào đời sống tu tập.
Cái nhìn phiền não ở trong tư cách khách quan đã là một việc rất khó, và điều này giải thích tại sao trên phương diện thiền quán nó cho phép một vị hành giả, hay một người tu tập có thể nhìn được phiền não của mình ở trong một cách nhìn khác đi, nó giống như quan niệm ở một thời phong kiến xa xưa, việc ở trong một gia đình, ở trong một đất nước, việc mà lúc nào cũng phải dấu kín, lúc nào cũng phải bưng bít, bởi vì sao? bởi vì sợ tổn thương đến cho gia đình, là có thể nói rằng tổn thương đến cho bản thân, và danh dự của bản thân nó gắng liền với danh dự của gia đình. Do vậy ở trong những triều đại ngày xưa có những câu chuyện, có những điều hết sức tiêu cực, nó hết sức xấu xa, và những điều đó bị bưng bít đi, không được đưa ra bên ngoài. Trong những xã hội tiến bộ ngày nay thì những vấn đề của xã hội, cho dù đó là vấn đề của vị Tổng Thống, hay vấn đề đó là vấn đề của thành phố thì người ta sẵn sàng đem ra bàn luận, ở đây người ta không đặt vấn đề danh dự, mà người ta chỉ đặt thế nào để cải thiện xã hội.
Có thể trong kinh điển, ở trong vô số các bài kinh chúng ta được nghe Đức Phật Ngài giảng về thái độ khách quan, nhìn lại chính mình và có một lối sống tách biệt ra khỏi quan niệm chủ quan, và chính vì vậy giúp cho chúng ta một cái nhìn hết sức mới mẻ, mà nếu chúng ta không đọc kinh Phật, và chúng ta không hành thiền, thì nó mãi mãi là một sự bí ẩn, không hiểu tại sao tự mình làm khổ lấy chính mình, tự mình chuốt lấy cái phiền muộn cho mình, là bởi vì tại sao? Là bởi vì chúng ta đã ôm chầm lấy những phiền não đó, gọi những phiền não đó là anh là em là thân thiết, là ruột thịt, gọi những phiền não đó là tự ngã của mình, để rồi mình chẳng những không dám đụng đến nó, chẳng những mình không dám có một thái độ phiền não, mà chúng ta lại nghĩ rằng mình phải nuông chìu, mình có thái độ như thế nào để làm cho phiền não không bị mảy may chi giảm. Và đó là lý do tại sao Đức Phật gọi là khổ, nó được sanh khởi và hình thành ở trong cuộc sống của chúng ta và những người chung quanh chúng ta./.
No comments:
Post a Comment