Friday, August 18, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Phi Chứng Nghiệm
Trong một cuộc thảo luận liên quan đến chứng nghiệm về Thượng Đế, Minh Sư nói:
- Khi Thượng Đế được chứng nghiệm, cái tôi phải biến mất. Vậy ai muốn chứng nghiệm đây?
- Vậy chứng nghiệm về Thượng Đế có phải là một điều phi chứng nghiệm không?
Minh Sư trả lời:
- Như giấc ngủ. Chỉ chứng nghiệm được giấc ngủ khi hết ngủ mà thôi.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - SỐNG, CHẾT
SỐNG, CHẾT
Thầy Tử Cống hỏi đức Khổng Tử:
- Người chết còn có biết gì không hay không biết gì nửa?
- Đức Khổng Tử nói:
Ta mà nói hẳn rằng: "Người chết có biết", thì ta sợ những con hiếu, cháu thuận liều thân để chết theo cha mẹ, ông bà. Ta mà nói hẳn ràng: "Người chết không biết gì", thì ta lại e những con cháu bất hiếu bỏ xác cha mẹ, ông bà mà không chôn. Nhà ngươi muốn biết người chết có biết hay không biết, thong thả, đợi đến lúc chết thì khắc biết. Sự biết ấy tưởng cũng không muộn gì cho lắm.
GIA NGỮ
GIẢI NGHĨA
- Hiếu: ăn ở hết lòng, hết đạo với cha mẹ.
- Thuận: theo lòng, chiều ý để cho yên vui.
- Khắc biết: tự nhiên rồi chính mình biết, mình hay.
- Muộn: chậm trễ ít lâu.
LỜI BÀN
Ai là người sống, đã có chút tư tưởng mà lại không muốn biết cái chết và tự hỏi chết rồi có còn gì nữa không. Thầy Tử Cống đây vốn là người học giỏi, chắc không sao bỏ qua được sự huyền diệu, cao sâu ấy, nên mới đem ra hỏi thầy. Nhưng đức Khổng Tử lại không đáp ra làm sao, là vì học thuật của ngài chỉ cốt ở sự thực, mắt trông, tai nghe, hàng ngày thường làm, chớ không bao giờ dạy đến những sự quá cao. Cho nên có lúc hỏi mà ngài gạt đi: “Cái sống còn chưa biết, sao biết được cái chết". Còn như câu giả nhời trong bài đây cũng là gạt đi, nhưng câu nói thật là đơn sơ, phẳng phiu mà có ý nhị hay vô cùng vậy.
Thursday, August 17, 2023
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Phù Du
Thiền Sư dị ứng với những người kéo dài thời gian lưu ngụ ở tu viện. Thế nên không sớm thì muộn mỗi đệ tử sẽ nghe những lời chói tai như:
- Đã đến lúc bạn nên ra đi. Nếu không đi, thì tâm thức sẽ không đến với bạn.
- Tâm thức đó là gì, một đệ tử mộ đạo muốn biết.
Thiền Sư đáp:
- Nước chỉ sống động và tự do khi tuôn chảy. Con cũng sẽ sống động và tự do khi ra đi. Nếu con không rời xa thầy, con sẽ bị chết mục và bị ô nhiễm.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - ĐÁM MA TO
ĐÁM MA TO
Trang Tử sắp chết. Học trò bàn nhau định muôn làm ma rõ to.
Trang Tử thấy vậy bảo: "Ta lấy giời đất làm quan quách, mặt giời, mặt giăng làm hai viên ngọc bích, các ngôi sao làm các hạt châu báu, muôn vật làm đồ tông táng, đám ma ta như vậy há chẳng đủ rồi, cần gì mà phải làm cho to nữa.
Học trò nói:
- Nhà thầy làm như vậy, chúng con sợ diều hâu, quạ nó rỉa thịt nhà thầy.
Trang Tử bảo:
- Xác người chết mà để trên đất thì diều, quạ ăn, để dưới đất thì sâu bọ ăn. Bây giờ cướp của loài kia cho loài này, sao mà thiên tâm như thế? Tâm người đã thiên, thì bất bình, đem cái bất bình mà cho là bình, thì cái bình không còn phải là bình nữa. Tâm người không sáng thì chẳng thật, đem cái chẳng thật mà cho là thật, thì cái thật không còn phải là thật nữa.
Ôi! Người ta cứ khăng khăng giữ một ý kiến chẳng cũng đáng thương lắm ru!"
TRANG TỬ
GIẢI NGHĨA
- Tống táng: tống: đưa, táng: chôn.
- Thiên tâm: để lòng chênh lệch về một bên nào.
- Bất bình: lệch về một bên không được bằng phẳng.
LỜI BÀN
Thầy sắp chết mà học trò định làm ma to cho thầy, thế là trung hậu mà là thường tình. Thầy gạt đi, chỉ muốn như bỏ xác ra ngoài núi, thế là có ý tự nhiên cao thượng hơn đời. Học trò bảo không nỡ để cho quạ mổ, diều tha thịt thầy thế là chỉ biết những điều trước mắt có thể trông thấy mà thôi. Có biết đâu cái xác kia, khi vùi xuống đất, dù cho đào sâu, chôn chặt thế nào, trong quan, ngoài quách dù cho chắc chắn đến đâu, cũng không khỏi được các giống sâu bọ, vi trùng đục rũa làm cho tan nát quá ư là mỏ quạ, mỏ diều vậy! Ôi! Trang Tử lúc gần chết còn dạy học trò như thế, thật là bình tâm sáng suốt, hiểu thấu cái nhẽ sinh, tử, tồn, vong, tức như bây giờ ta nói hiểu rõ chân lý, hiểu như cách trí rất hợp với cái học thuyết cao viễn của Trang Tử vậy.