Wednesday, February 16, 2022

Cổ Học Tinh Hoa - Sống không tranh, không đố kỵ

 Sống không tranh, không đố kỵ được sử sách lưu danh, người người kính trọng

Trong lịch sử có rất nhiều ví dụ điển hình về người đạo đức cao thượng, sống không tranh, bao dung rộng lượng, ung dung tự tại với đời. Lữ Dư Khánh thời nhà Tống là một trường hợp như vậy. Lữ Dư Khánh là cận thần của vua triều nhà Tống – Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận. Ông là người không hề có tâm ghen tức đố kỵ, có đức hạnh và bao dung giản dị.


Thời gian Triệu Khuông Dận đang nhậm chức Đồng Châu Tiết độ sứ, đã nghe nói Lữ Dư Khánh có tài năng hơn người, bèn xin triều đình đề bạt ông làm Định quốc quân chưởng thư ký. Về sau, Triệu Khuông Dận được cử đi nhậm chức ở các nơi, Lữ Dư Khánh đều đi theo phụ tá ông.

Lữ Dư Khánh có thể nói là bề tôi trung thành và đứng đầu của Tống Thái Tổ. Sau khi Tống Thái Tổ lên ngôi vua, Triệu Phổ, Lý Xử Vân đều được thăng chức và bổ nhiệm làm quan, nhưng Lữ Dư Khánh lại không được trọng dụng. Thường thì người nào trong tình huống như thế cũng sẽ thấy bất bình trong tâm, nhưng Lữ Dư Khánh lại không để bụng chút nào.


Không lâu sau, Lý Xử Vân bị giáng chức làm quan coi sóc Tri Châu. Lữ Dư Khánh từ ngoại thành trở về đô, Tống Thái Tổ trưng cầu ý kiến của ông thật kỹ càng về chuyện của Lý Xử Vân. Đối với việc Hoàng đế trọng dụng Lý Xử Vân, Lữ Dư Khánh chẳng những không hề có tâm đố kỵ hay oán giận, mà còn phân biện và giải thích cho ông ta. Hoàng đế cho rằng Lữ Dư Khánh nói rất có đạo lý.


Một lần khác, Triệu Phổ làm trái với mệnh lệnh của Hoàng đế, những người xung quanh đều tranh nhau bài xích gièm pha Triệu Phổ. Chỉ có một mình Lữ Dư Khánh đứng ra biện giải cho ông ta, nhờ đó Tống Thái Tổ mới dần dần nguôi giận.


Lữ Dư Khánh có tấm lòng bao dung độ lượng, trung nghĩa vô tư, không có tâm đố kỵ, người thời đó đều ca tụng ông là vị trưởng lão có đức hạnh. Ông làm quan đến chức Thị lang bộ Lại, Thượng thư tả thừa, trong cuộc đời làm quan có rất nhiều thành tích phi thường lớn. Ông luôn sống đạm bạc, thản đãng, không tranh với đời như vậy được người đời vô cùng kính trọng và sử sách lưu danh ngàn đời.


No comments:

Post a Comment