Thursday, February 17, 2022

Cổ Học Tinh Hoa - Chí công vô tư

Chí công vô tư, lấy đại cuộc làm trọng mới làm được việc lớn

Tô Đĩnh là người huyện Vũ Công, Kinh Triệu vào thời nhà Đường. Thuở nhỏ ông tài hoa xuất chúng, 17 tuổi đã thi đỗ Tiến sỹ. Về sau, ông được thăng đến chức Trung thư xá nhân, cùng cha là Tô Hoàn quản lý việc cơ mật, phụ trách tiếp nhận các bản tấu trình của triều thần bốn phương và truyền đạt lệnh vua.


Tô Đĩnh bản tính thanh liêm tiết kiệm, làm quan thường ngay thẳng khuyên can, tài hoa bộc lộ, bao dung rộng lượng nên rất được Đường Huyền Tông (712 – 756) trọng dụng và khoản đãi.


Năm Khai Nguyên thứ 4 (tức là năm 716 Tây lịch), Tô Đĩnh được thăng chức Tử Vi hoàng môn, được phong làm Hứa quốc công, cùng với Tống Cảnh chủ trì chính sự (việc triều đình). Tống Cảnh là người cương trực, quả đoán, gặp chuyện thường hay tự mình cân nhắc quyết định mà không bàn bạc gì với Tô Đĩnh. Nhưng Tô Đĩnh đều không để tâm, rất tôn trọng những phẩm chất tốt đẹp của Tống Cảnh, dung nạp được hết những ý kiến của Tống Cảnh.


Tống Cảnh ở trước mặt Hoàng đế tấu trình sự việc, nếu có chỗ nào thiếu sót, Tô Đĩnh luôn ở bên cạnh trợ giúp và bổ sung, không hề so đo, khó chịu. Hai người họ phối hợp với nhau hết sức ăn ý, Hoàng đế thường vui lòng chấp thuận những kiến nghị của họ.

Tống Cảnh từng nói với người khác: “Ta và cha con nhà họ Tô cùng nhau làm Tể tướng. Phó xạ Tô Hoàn thì trung hậu và có tài năng thiên phú trong việc trị nước. Còn nếu nói về việc khuyên can khuyến cáo nhà vua, làm tròn bổn phận của bề tôi, gặp chuyện thì quyết đoán, chí công vô tư, ngày hôm nay Thừa tướng Tô Đĩnh đã vượt hơn cha mình“.


Một nhà thơ nổi tiếng từng nói: “Một con người vĩ đại có hai trái tim: Một trái tim chảy máu và một trái tim bao dung”. Khổng Tử cũng nói: “Khoan dung thì được lòng mọi người”. Trong kinh Phật cũng nói: “Chỉ một ý niệm cũng khiến hoàn cảnh thay đổi”. Cho nên, chỉ một câu nói, một hành động nhỏ hay chỉ một nụ cười thôi đã đủ để khiến cho người xấu quay đầu hướng thiện.


Tục ngữ nói: “Vàng không thuần khiết, người không ai hoàn mỹ”. Khi đối mặt với sai lầm của người khác, nếu như canh cánh để ở trong lòng và đòi đáp trả thì sẽ chỉ khiến cho tâm linh của bản thân thêm nặng, thêm trầm trọng mà thôi.


Thay vì để cho thù hận gặm nhấm tâm linh, chịu đựng thống khổ chi bằng bao dung hết thảy, chẳng phải sẽ được thản nhiên và tự tại sao?

Tuy nhiên, bao dung không phải là bao che cho sai lầm của người khác, không phải là dung túng để người khác phạm sai lầm mà là để tạo cơ hội tốt cho người khác sửa sai. Có những lúc, bao dung đem lại kết quả tốt đẹp hơn gấp ngàn lần sự trừng phạt. Đây cũng là lời khuyên răn và cách giáo dục của bậc thánh hiền xưa.


Nhà văn Victor Hugo của Pháp từng nói: “Trên thế giới thứ rộng lớn nhất là đại dương, nhưng thứ rộng lớn hơn đại dương lại là bầu trời. Mà thứ rộng lớn hơn cả bầu trời lại chính là lòng người”.


Biển rộng nguyện ý dung nạp những giọt nước thanh khiết nhất, và cũng nguyện ý dung nạp những giọt nước dơ bẩn nhất. Vì thế mà nó mới trở nên rộng lớn, không bờ không bến. Trăng sáng có thể chiếu rọi cho những nơi sông núi mịt mờ, cũng có thể chiếu rọi lên khắp mặt đất, không chê một ai. Làm người, vừa phải bao dung được những thứ tốt và không tốt, còn phải bao dung chính mình, bao dung người khác và bao dung vạn vật trên thế giới thì mới thành tựu được một cuộc đời mỹ mãn. 

No comments:

Post a Comment