Thursday, December 2, 2021

Cổ Học Tinh Hoa - Yêu nên tốt ghét nên xấu

 YÊU NÊN TỐT GHÉT NÊN XẤU


Trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà. Cái phép nước Vệ, ai đi trộm xe của vua, thì phải tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà đau nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy, khen rằng: "Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ, mà quên cả tội chặt chân."

Lại một hôm, Di Tử Hà, theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt còn một nửa, đưa cho Vua ăn. Vua nói: "Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta."

Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng: "Di Tử Hà trước dám thiện tiện lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày."

Nói xong bắt đem trị tội.

Ôi! Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau cũng như vậy, thế mà trước vua khen, sau vua bắt tội, là chỗ tại khi yêu khi ghét khác nhau mà thôi. Lúc được vua yêu, chính đáng tội thì lại hóa công thần; lúc phải vua ghét, chính không đáng tội thì lại hóa ra sơ cho nên người muốn can ngăn, đàm luận với vua điều gì, thì trước phải xem xét cái lòng vua yêu hay vua ghét tính thế nào rồi hãy nói.

Hàn Phi Tử

GIẢI NGHĨA

Di Tử Hà: Người thời Xuân Thu, làm quan đại phu nước Vệ.

Chặt chân: Một thứ hình trong năm hạng trọng hình đời cổ.

Thiện tiện: Chính mình không được làm như vậy mà cứ làm liều.

Trị tội: Đem luật hình ra mà trừng trị kẻ phạm phép.

Thân: Gần, đằm thắm, quý hóa.

Sơ: Xa, hững hờ, ghét bỏ.

Đàm luận: Nói năng, bàn bạc

LỜI BÀN

Sự yêu, ghét thường làm cho người ta mờ đi không rõ hẳn được cái giá trị của người được yêu hay bị ghét ra thế nào. Không nói gì yêu người này, ghét người nọ, cũng chỉ là một người ấy, lúc yêu cho ra thế này, lúc ghét cho ra thế kia. Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu, yêu nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười. Lại chẳng những yêu ghét riêng một người ấy, thường yêu ghét đến cả những sự hay những người có can thiệp đến người ấy, yêu nhau yêu cả tông chi, ghét nhau ghét cả đường đi lối về. Sự yêu, ghét làm cho ta thiên và nhẩm như thế, cho nên ta muốn cho công bình, khi yêu khi ghét phải nên rõ cái giá trị của người được yêu hay bị ghét, biết chỗ phải cũng phải biết chỗ trái, biết chỗ trái cũng phải biết chỗ phải cho người ta mới được.

No comments:

Post a Comment