Sunday, December 15, 2019

Chùa Jokhang linh thiêng, điện Potala vĩ đại


Chùa Jokhang linh thiêng, điện Potala vĩ đại
Bài sưu tầm

Lhasa, vùng đất thiêng của Phật Giáo Tây Tạng, có chùa Jokhang nổi tiếng linh thiêng, nơi có nét kiến trúc Tây Tạng độc đáo cũng như sự tấp nập của người dân Tây Tạng.

Chùa Jokhang không lớn lắm, gồm có ba tầng và một tầng sân thượng. Chùa nổi tiếng vì trong điện thờ có một pho tượng Phật do công chúa Văn Thành đời nhà Đường Trung Hoa đem từ Trường An sang. Người dân Tây Tạng gọi pho tượng này là tượng Phật Jowo Rinpoche và cho là một trong những pho tượng thiêng liêng nhất của Tây Tạng mà ngày nay vẫn được thờ trong chùa.

Có nhiều huyền thoại về pho tượng Phật này, các đoàn người hành hương Tây Tạng nối đuôi nhau vào chùa lễ Phật. Lối đi vào khá nhỏ, chỉ vừa đủ cho hai người song song đi vào. Trước sân chùa là các Phật tử lễ bái theo nghi thức Tây Tạng, họ vừa đứng vừa tụng kinh vái lạy rồi cúi rạp người nằm dài trên mặt đất rồi lại đứng lên! Và nghi thức lại được tiếp tục như thế.

Những người hành hương thường đem theo một loại mỡ con trâu Yat. Loại mỡ này được dùng để đốt đèn cầy. Vào chùa, họ vừa đi vừa đọc kinh và cúng dường mỡ trâu vào những thau nến trong điện thờ. Ánh sáng mờ mờ yếu ớt của các ngọn nến kèm theo khói mù mịt trong khu điện thờ làm tôi cảm thấy vừa khó thở vừa cay cay mắt. Du khách hình như ai cũng đi vội để tìm nơi có chút không khí thoáng để dễ thở hơn, nhưng người Tây Tạng hành hương vẫn chậm rãi vừa đi vừa đọc kinh, vẫn cố len lỏi vào cúi lễ tượng Phật Jowo. Ngoài pho tượng Phật Jowo Rinpoche, người thành tâm còn có thể viếng tượng thờ Liên Hoa Sinh – nhà sư Ấn Độ đắc đạo có biệt tài hàng phục ma thần ác quỷ. Phật Liên Hoa Sinh được người dân xứ Bhutan tôn thờ gần như là quốc giáo của xứ sở này. Gần đó là tượng thờ Tông Khách Ba – người sáng lập ra Phật Giáo Tây Tạng (Lạt Ma Giáo) phái Hoàng Giáo Mũ Vàng.

Từ tầng sân thượng của chùa Jokhang,  một không gian thoáng mở hơn. Nhìn về hướng tay phải là điện Potala màu trắng đỏ cao vút hiện hữu bên bầu trời xanh thẫm mây trắng. Nhưng biểu tượng lớn nhất, vĩ đại nhất, được cả thế giới biết đến nhất của Tây Tạng chính là điện Potala. Potala vừa là biểu tượng tôn giáo vừa là biểu tượng chính trị của Tây Tạng. Điện Potala cao 120 mét, bề ngang dài gần 400 mét, trước điện là một đại lộ tấp nập xe và phía bên kia là một quảng trường lớn.

Kiến trúc điện Potala phải nói là đặc biệt, không giống như bất cứ cung điện nào của mọi triều đại Trung Hoa, điện được xây đứng sừng sững trên sườn núi và toát ra một vẻ uy nghi khác thường. Nhìn qua ai cũng nhận thấy nét kiến trúc Tây Tạng. Bên ngoài điện Potala được sơn hai màu trắng và đỏ, khu chính giữa được sơn màu đỏ thẫm còn được gọi là “Hồng Cung” là khu vực tôn giáo. Còn lại chung quanh điện được sơn màu trắng, đây là khu vực thuộc về chính quyền.

Thường thì ai cũng phải leo một số các bậc thang để vào thăm cung điện Potala, du khách chỉ có đúng một tiếng đồng hồ để thăm viếng bên trong, chỗ nào cũng có cảnh sát bảo vệ nên phải đi theo group có hướng dẫn. Du khách sẽ lần bước để vào “Hồng Cung” thăm khu vực thiêng liêng nhất của Potala. Vì thời gian ngắn nên du khách chỉ xem được những điểm chính như phòng Tàng Kinh Các (thư viện), các điện thờ và các bảo tháp.

Tàng Kinh Các là một thư viện lớn của Potala, gần đó là  khu bảo tháp. Đây là nơi có cất giữ di cốt của các vị Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm của vị Đạt Lai Lạt Ma 14 hiện tại. Bảo tháp lớn nhất, đẹp nhất, cao nhất (15 mét), nhiều vàng nhất (hơn 3,700 kg vàng) là của vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 được cho là người đã có công xây dựng điện Potala và cũng là vị nổi tiếng nhất.  Bảo tháp được dát gần 4 tấn vàng. 

Lhasa ngoài cung điện Potala, chùa Jokhang và cung điện Mùa Hè (Summer Palace) của các vị Đạt Lai Lạt Ma còn có thêm một vài tu viện dành cho các vị tu sĩ Tây Tạng. Nhưng Lhasa không cho du khách biết nhiều về Tây Tạng trong tình trạng hiện nay. Shigatse (nơi tu viện của ban Thiền Lạt Ma), Gyantse và cố đô Tsetang mới chính là những nơi đến để ai muốn tìm hiểu thêm về Tây Tạng.

No comments:

Post a Comment