CẦU Ở MÌNH HƠN CẦU Ở NGƯỜI
Ngụy Văn Hầu hỏi Hồ Quyển Tử: - Cha hiền có đủ nhờ cậy không?
Hồ Quyển Tử thưa:
- Không đủ. - Con hiền có đủ nhờ cậy không? - Không đủ. - Anh hiền có đủ nhờ cậy không?
- Không đủ. -
Em hiền có đủ nhờ cậy không?
- Không đủ.
- Bầy tôi hiền có đủ nhờ cậy không?
- Không đủ.
Văn Hầu đổi sắc mặt, gắt rằng:
- Quả nhân hỏi nhà ngươi năm điều mà điều nào ngươi cũng cho là không đủ tại cớ làm sao?
Hồ Quyển Tử nói:
- Cha hiền không ai hơn vua Nghiêu, mà con là Đan Chu phải bị đuổi. Con hiền không ai hơn vua Thuấn, mà cha là Cổ Tẩu thực ngang ngạnh. Anh hiền không ai hơn vua Thuấn, mà em là Tượng rất ngạo mạn. Em hiền không ai hơn là ông Chu Công mà Quản Thúc bị giết. Bầy tôi hiền không ai hơn ông Thang, ông Vũ mà vua Kiệt, vua Trụ mất nước... Mong người không được như ý, cậy người không được bền lâu. Nhà vua muốn cho nước được bình trị, thì phải cậy ở mình trước, hơn là mong nhờ người. Hàn thi ngoại truyện
GIẢI NGHĨA
Hàn Thi Ngoại Truyện: là bộ sách chép những câu nói đời xưa, dưới mỗi bài có những chứng dẫn mấy câu thơ của Hàn Anh làm. Hàn Anh là người đời nhà Hán làm bác sĩ đời vua Văn Ðế lấy những ý trong thơ của người ta mà làm Nội, Ngoại truyện gọi là Hàn Thi, bây giờ chỉ còn ngoại truyện mà thôi.
Ngụy Văn Hầu: vua nước Ngụy. Hồ Quyển Tử: người nước Ngụy.
Ngụy: Một nước lớn trong bảy nước thời Chiến Quốc, ở vào bắc bộ Hà Nam và phía nam Sơn Tây bây giờ.
Hiền: người có phẩm hạnh có học thức tài năng.
Đan Chu: con vua Nghiêu tên là Chu, phong cho ở đất Đan nên gọi là Đan Chu. Vua Nghiêu phải phóng (bỏ) Đan Chu vì Đan Chu là đứa con bất hiếu.
Thuấn: tên Đào họ Diệu, nối vua Nghiêu mà trị thiên hạ (nhà Ngu.
Cổ Tẩu: cha vua Thuấn.
Tượng: em vua Thuấn nhưng khác mẹ, là người ngạo mạn vô lễ.
Chu Công: tên Đán em của Vũ Vương, phong ở nước Lỗ lúc vua Vũ Vương mất, vua Thành Vương còn bé lên ngôi giúp việc nên thiên hạ đại trị.
Lỗ: một nước chư hầu nhỏ, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Quản Thúc: tên là Tiên, anh Chu Công được phong ở đất Quản, về bè dư đảng nhà Ân, phản nhà Chu nên bị Chu Công giết.
Thang: họ Tự tên Lý, trước là chư hầu vua Kiệt nhà Hạ, nhưng vì vua Kiệt vô đạo nên mới nổi dậy đánh lấy nước mà lập ra nhà Thương.
Vũ: tên là Phát, con vua Văn Vương bầy tôi vua Trụ nhà Thương, nhưng vì vua Trụ bạo ngược, Vũ Vương đánh lấy nước lên ngôi Thiên tử đặt ra nhà Chu.
Kiệt, Trụ: hai vua tàn bạo, độc ác say mê tửu sắc, bỏ cả chính sự đến nỗi mất nước.
LỜI BÀN
Cốt ý Văn Hầu nước Ngụy là chỉ muốn hỏi có thể nhờ cậy được bầy tôi không, nhưng lúc đầu có mượn mấy câu hỏi đến cha con, anh em rồi mới dẫn đến vua tôi. Hồ Quyển Tử đáp như thế là rất phải. Cha tuy từ với con, con tuy hiếu với cha, anh tuy yêu em, em tuy kính anh, bầy tôi tuy trung với vua, nhưng mỗi người vị tất đã là hay được đủ mọi vẻ. Nếu mình không cần chịu ở mình, chỉ biết cầu những bậc ấy để đến nỗi thất đức, thì chẳng những không lợi gì mà còn hại đến thân mình nữa. Ta mong người, nhưng người ai cũng có thân, không ai bỏ cái thân mình để giúp cho ta; ta cậy người, nhưng người cũng có lúc cùng, không thể suốt đời mà đỡ đần ta được. Vậy ta ở đời, chẳng nên chỉ biết mong cậy vào người. Ta phải biết tự chủ tự lập, chớ có bỏ mình mà cầu người. Câu “Quân tử cầu chư kỷ” trong Luận ngữ và câu “ Aide toi, le Ciel t’aidera” của Âu học, thực đáng làm phương châm cho cách lập chí ở đời vậy.
No comments:
Post a Comment