Saturday, December 8, 2018

Chùa Đất Sét

Chùa Đất Sét


Chùa có tên Bửu Sơn Tự, nằm giữa khu nhà dân bình thường với diện tích không lớn nên nếu bạn tìm sẽ mất công lòng vòng vài lần. Tốt nhất nên hỏi người dân xung quanh sẽ được chỉ đến tận nơi. Chùa Đất Sét được xây dựng cách đây 200 năm, do một người trong dòng họ Ngô tự lập để tu tại gia nên chùa không có sư mà do người trong gia đình quản lý. Sở dĩ ngôi chùa nổi tiếng khắp xa gần bởi hiện vật trong chùa tất cả thay vì bằng gỗ, vàng, bạc, đồng thì được làm bằng đất sét, một nguyên liệu không dễ làm. Đây cũng là ngôi chùa duy nhất trong cả nước làm bằng nguyên liệu này.

Khi mới xây dựng, ngôi chùa được cất bằng các loại gỗ bình thường ở địa phương. Đến năm 1928, ông Ngô Kim Tòng thuộc đời trụ trì thứ tư đã tu bổ, tôn tạo chùa bằng cách nặn tượng thờ, linh vật bằng đất sét thay vì phải đúc bằng đồng hay tạc bằng gỗ. Trong 42 năm, 1.991 pho tượng lớn nhỏ được hoàn thành. Đến nay, các tượng lớn, nhỏ này vẫn nguyên vẹn ở chùa Đất Sét. Tuy được tạc bằng đất sét, nhưng các bức tượng đều có màu sắc và thần thái đẹp như làm bằng gỗ. Trong khuôn viên chùa với gian chính điện và vườn, tượng A Di Đà, Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát, Khổng Tử, Ngọc Hoàng Thượng Đế được sắp xếp theo tư tưởng Tam giáo đồng viện (Phật - Nho - Lão).

Chùa Đất Sét còn nổi tiếng bởi sáu cây nến lớn, mỗi cây nặng 200kg và hai cây nến nhỏ, mỗi cây nặng 100kg. Hai cây nến nhỏ đã cháy 43 năm chưa một lần bị tắt. Sau khi hai cây nến nhỏ tắt, cặp nến lớn tiếp theo sẽ lần lượt được thắp. Dự kiến mỗi cây cháy khoảng 70 năm. Như vậy, nếu đốt từng cây phải mất khoảng 400 năm nữa mới hết nến trong chùa.

No comments:

Post a Comment