Đằng sau biểu tượng quả táo cắn dở của Apple…
“Quả táo cắn dở” – biểu tượng đầy quyền lực của Apple, là một trong số hiếm những logo được nhiều người biết đến nhất nhì trên thế giới. Tuy nhiên, mấy ai hiểu được ý nghĩa đằng sau biểu tượng nổi tiếng này?
Cùng sự nổi tiếng của các thiết bị mang thương hiệu Apple, logo “táo cắn dở” trở thành một trong những biểu tượng công nghệ phổ biến nhất. Tuy vậy, câu chuyện đằng sau sự ra đời và tồn tại của trái táo cắn dở này vẫn còn nhiều điều khiến người ta phải suy ngẫm.
Lịch sử hình thành
Apple được thành lập ngày 1/4/1976 dưới tên Apple Computer, Inc., và đổi tên thành Apple Inc. vào đầu năm 2007. Ba nhà sáng lập ra Apple là Steve Wozniak, Steve Jobs và Ronald Wayne.
Logo đầu tiên của Apple ra đời vào năm 1976 do nhà đồng sáng lập Apple – Ronald Wayne thiết kế. Logo gợi nhớ chúng ta tới câu chuyện nổi tiếng khi nhà bác học Isaac Newton phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn của Trái Đất.
Viền logo còn chứa một đoạn trích từ một tác phẩm của William Wordsworth: “NEWTON… A MIND FOREVER VOYAGING THROUGH STRANGE SEAS OF THOUGHT… ALONE”, nghĩa là “Newton…một tâm trí mãi mãi vượt qua vùng biển kỳ lạ của suy nghĩ…một mình”. Tuy nhiên, gam màu của logo thoạt nhìn có vẻ u tối và mang tính trừu tượng nên không được sử dụng.
Logo thứ 2 do Rob Janoff thiết kế, thực chất Rob Janoff mới là người thiết kế đầu tiên và ngay trong năm 1976, logo của ông đã được lựa chọn lại để thay thế logo của Ronald Wayne.
Rob nói rằng các sọc trên logo giống như các thanh màu sắc trên một màn hình và thứ tự màu sắc là ông lựa chọn hoàn toàn ngẫu nhiên chứ không hề có ý nghĩa nào. Có một sự trùng hợp đáng bất ngờ và đầy ngẫu nhiên trong thiết kế của ông là “quả táo cắn dở” tiếng Anh là “an Apple with a bite”.
Từ “bite” khi phát âm giống với từ “byte” (byte là thuật ngữ chỉ một đơn vị dữ liệu) trong khi ông hoàn toàn không có chút kiến thức gì về công nghệ. Trải qua nhiều năm, quả táo cầu vồng đã trở nên lạc hậu và được thay thế để bắt kịp với xu thế.
Quá trình thiết kế
Tương tự như các biểu tượng nổi tiếng khắp thế giới khác như Coca-Cola, Pepsi, Nike, Adidas…, logo của Apple cũng được thiết kế dựa trên tỷ lệ Vàng, hay còn gọi là tỷ lệ Thần thánh, được phát hiện bởi nhà toán học người Ý Leonardo Fibonacci (1175 – 1250) và được biểu diễn bằng số Phi (Φ) = (a+b)/a ≈ 1,618.
Tỷ lệ này đã xuất hiện từ niên đại rất xa xưa, tồn tại trong vạn vật, ở tất cả mọi nơi trên thế giới, thậm chí là toàn bộ vũ trụ. Nó có trong các tác phẩm hội họa (Mona Lisa, Bữa ăn tối cuối cùng…), trong các công trình kiến trúc (đền Parthenon, Tháp Rùa giữa lòng Hồ Hoàn Kiếm…), trong toán học, giới sinh vật (hoa hồng, con ốc…), cơ thể người (khuôn mặt, bàn tay, thân thể…), ngọn sóng, cơn bão hay các thiên hà.
Tất cả các nhà hiền triết, nhà khoa học từ nổi tiếng tới vô danh, các nhà tri thức cũng như những người biết tới tỷ lệ Thần thành trên đều có sự đam mê không thể lý giải đối với nó. Họ đều tin rằng tỷ lệ ấy là con số của Thần, tức là tạo vật của Sáng Thế Chủ.
Hiền triết Plato từng nói: “God geometrizes continiually”, đại ý rằng “Chúa trời vận dụng hình học không ngừng nghỉ”. Có lẽ đây cũng là một trong những yếu tố vì sao Apple lại được nhiều người biết đến như vậy – thông qua logo mà truyền đạt Thánh chỉ của Thần?!
Ý nghĩa logo của Apple
Nhiều ý kiến cho rằng logo “táo khuyết” được Apple thực hiện để tưởng nhớ đến Alan Turing, người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành công nghiệp máy tính hiện đại và các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo.
Cuộc đời Alan Turing là một chuỗi những bi kịch khi ông thiếu chút nữa phải ngồi tù vì đã có quan hệ đồng tính với một người đàn ông ở Manchester vào năm 1952. Hai năm sau đó, Alan Turing đã qua đời sau khi cắn một trái táo có chất độc xyanua. Vì vậy, khi tìm kiếm logo cho Apple, Steve Jobs và các cộng sự đã chọn hình ảnh trái táo cắn dở để tưởng nhớ đến Alan Turing và những đóng góp của ông.
Rob Janoff, tác giả của logo này lại khẳng định rằng miếng cắn trên logo – nét đặc trưng nhất của quả táo chỉ đơn giản là một điểm nhấn về nhận dạng. Ông cho biết, logo Apple khi thu nhỏ lại hay nhìn từ đằng xa, sẽ trông giống với trái cherry hơn là trái táo nếu như không có miếng cắn ở bên hông.
Jean Louis Gassée – Giám đốc điều hành của Apple từ năm 1981 – 1990 đã nói rằng logo quả táo khuyết góc chính là một trong những bí mật lớn nhất của Apple. Đây là biểu tượng hoàn hảo cho lòng ham muốn và sự hiểu biết, với một khuyết thiếu và được phủ đầy các dải màu cầu vồng, sắp xếp theo một trật tự ngẫu nhiên.
Luôn luôn có những suy nghĩ khác nhau về logo của Apple, từ đơn giản đến phức tạp, từ góc độ tôn giáo cho đến sự hoang tưởng kỳ dị. Tuy nhiên, ý nghĩa được đón nhận nhiều nhất là logo quả táo cắn dở thể hiện sự chưa hoàn hảo và mong muốn đổi mới không ngừng để đạt được sự hoàn mỹ.
Hình tượng trái Táo trong văn hóa Đông – Tây
Trong thần thoại Hy Lạp, “Chiến tranh thành Troy” chính là do một quả táo vàng gây nên. Chuyện bắt đầu bằng tiệc cưới của vua Hy Lạp Peleus và nữ thần biển Thetis. Tất cả các thần được mời tới dự tiệc, trừ Eris (Nữ thần Bất hòa, Xung đột, Lừa dối, Già nua, Buồn phiền), một nữ thần có tính nóng nảy, thường gây ra những tranh cãi giữa các thần.
Tức giận, Eris bèn thả một quả táo vàng giữa bàn tiệc, có khắc chữ: “Cho người đẹp nhất!”. Ba nữ thần Athena, Aphrodite và Hera tranh nhau quả táo, cuối cùng xảy tra chiến tranh thành Troy.
Trong văn hóa phương Tây, quả Táo là sản vật cực kỳ phổ biến, hình tượng trái táo căn bản không mang hàm ý xấu, tuy nhiên khi là một trái táo cắn dở thì lại gây cho người ta một sự liên tưởng đến “Trái cấm” trong truyền thuyết Adam và Eva.
Trái cấm là hình ảnh tượng trưng cho sự thèm muốn, mê hoặc bởi một điều gì đó, là điều ai đó muốn nhưng không thể có, được biết đến như một loại táo. Cụm từ này được dẫn ra từ Sách Sáng thế, vì nghe lời xúi giục đầy giả dối và mị hoặc của con rắn – ngọn nguồn của mọi tội ác, là hiện thân của Quỷ Sa-tăng, Adam và Eva đã ăn quả “hiểu thiện biết ác” trong Vườn Địa Đàng bất chấp lời răn dạy của Thượng đế. Hậu quả là họ đã đánh mất sự thuần khiết và bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng.
Như vậy, quả táo chính là vật trung gian khiến tổ tiên của chúng ta, tức Adam và Eva tiếp nhận cái ác, đồng hóa với chúng, khiến cho con người trở nên sa ngã, vị tư ích kỷ, xa rời và đánh mất đi bản tính chân thiện mà Thượng Đế ban đầu đã tạo ra cho con người, vốn được hưởng mọi điều tốt lành từ ân đức của Ngài.
Trong văn hóa phương Đông, người ta chú trọng sự vẹn toàn, đề cao các giá trị hoàn mỹ. Khi sáng tạo một hình tượng nào đó, nếu như đó là hình ảnh mang tinh khiếm khuyết đứt gãy thì nó báo hiệu cho sự chẳng lành. Dễ hình dung nhất là hình ảnh như vậy thường hay được sử dụng cho các biển báo nguy hiểm hoặc biển cảnh báo giao thông. Vậy nên hình tượng trái táo khuyết của một tập đoàn lớn thực sự là điều gây nên ấn tượng không hay cho người mua nó.
10 năm trở lại đây, các sản phẩm của Apple đã làm “điên đảo” thị trường công nghệ, đặc biệt là đối với giới trẻ. Họ bị hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ một cách kỳ lạ bởi iPhone, chiếc điện thoại thông minh của Apple. Có nhiều câu chuyện không tưởng về đạo đức được ghi nhận lại xung quanh chiếc điện thoại iPhone. Từ việc ăn cắp tiền bạc của cha mẹ cho tới cướp giật của cái của người khác, đáng lo ngại hơn, đã xuất hiện án mạng chỉ vì hơn thua nhau bởi một chiếc iPhone.
Sưu tầm
No comments:
Post a Comment