Thursday, May 31, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 31-5-2018

Chuyện ngắn - Niềm tin của người luôn thất bại.

Niềm tin của người luôn thất bại.

Với Sparky, việc học rất quan trọng nhưng cũng là điều không tưởng. Bởi nó (tiêu) tất cả các môn ở lớp 8. Nó thi rớt môn vật lý trong trường trung học và lãnh con số 0. Sparky rớt luôn môn tiếng Latin, môn đại số và tiếng Anh. Nó cũng chẳng khá hơn ở môn thể dục. Rồi dù đã cố xin vào đội đánh golf của trường nhưng nó nhanh chóng thua ngay trận đấu quan trọng duy nhất của mùa giải và cũng thua nốt trận đấu vớt. 

Những năm tháng lớn lên, Sparky giao tiếp một cách vụng về. Những học sinh khác không ghét Sparky, nhưng cũng không ai tỏ ra thích nó, và thật ra thì không ai quan tâm đến điều đó. Và nếu có bạn học nào chào Sparky ngoài giờ học, sẽ làm Sparky rất ngạc nhiên cho nên cũng không ích gì khi nói về chuyện hẹn hò của nó. Suốt thời phổ thông, Sparky chưa một lần mời bạn gái đi chơi vì sợ bi từ chối. 

Sparky là người luôn thất bại. Cả nó, bạn bè... đều biết như vậy. Nó cũng suy nghĩ lung lắm về điều đó. Rồi cuối cùng, Sparky đã sớm quan niệm rằng: Nếu mọi chuyện đã là như vậy, thì cứ vậy đi... Nói cách khác Sparky tự nhủ lòng rằng những gì nó đang có là những chuyện hiển nhiên không thể tránh được. Tuy vậy Sparky lại có một niềm đam mê là vẽ. Nó tự hào về các tác phẩm của, dĩ nhiên là không còn ai khác quan tâm đến việc này nữa. 

Trong những năm cuối cấp, nó nộp một số bức tranh minh hoạ cho biên tập viên các kỉ yếu và rồi bị trả lại bản thảo. Mặc kệ điều đó, Sparky vẫn tin rằng mình có khả năng trở thành một hoạ sĩ lớn. 

Sau khi đã tốt nghiệp trung học.Sparky viết thư cho hãng phim Walt Disney. Khi được đưa đề tài vẽ thử, Sparky đã chuyên tâm vẽ hàng loạt tranh theo yêu cầu. Một lần nữa bản vẽ bị từ chối. Thêm một thất bại cho người luôn thất bại. 

Cuối cùng Sparky quyết định viết hồi kí bằng hoạt hình, kể về thời thơ ấu của một đứa con trai luôn thất bại và bị xem là kém cỏi, bất tài. 

Nhân vật hoạt hình ấy bỗng trở nên nổi tiếng toàn thế giới.

Sparky, người luôn kém may mắn trong trường và thường bị từ chối trong công việc, chính là hoạ sĩ Charles Schulz. Ông đã tạo ra phim hoạt hình vui nhộn "Peanuts" cùng nhân vật bé nhỏ Charles Brown thả diều không bao giờ bay cũng như chưa bao giờ đá trúng quả banh.

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Cáo trồng dưa, trồng đậu

Mùa xuân tới, cáo tới mảnh vườn nhỏ ném mấy hạt đậu, lấy chân khỏa đất lên trong mưa xuân lun phun, ấm áp.

Mấy ngày sau, hạt đậu nảy mầm rồi đội đất lên, lộ ra cái đầu tròn tròn, non xanh, nói vui vẻ: “Chào ông Cáo”.

“Tốt, tốt lắm!”, mặt Cáo tươi như hoa, Cáo xin đâu được mấy hạt dưa lại hì hục đem vùi xuống đất, xới cho đất phía trên tươi xốp.

Mấy ngày sau, hạt dưa cũng nhú mầm non mảnh mai, nói: “Chào ông Cáo !”.
“Tốt, tốt lắm!”, Cáo thực sự khoái trí, nhảy cớn lên tự nói với mình: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Mùa thu tới ta sẽ có dưa, có đậu để chén rùi!”.
Từ đấy, Cáo phởn chí chạy đi chơi, lúc băng qua cánh đồng, lúc vượt qua con mương nhỏ, lúc luồn cây trong rừng, miệng luôn ca hát: “là lá la la, là lá la…”.

Chú chim nhỏ khuyên Cáo: “Anh không về mà chăm cây thì mùa đông tới chẳng có gì mà ăn đâu”.
Cáo dỏng tai lên nhưng bỏ qua như chẳng hề nghe thấy gì rồi bỏ đi.
Chuột đồng cũng nhắc nhở Cáo: “Anh không về chăm cây thì mùa đông tới lấy gì mà ăn ?”.
Cáo chừng mắt dọa Chuột rùi nín thinh bỏ đi. Cáo vẫn rong chơi qua mùa hè, qua mùa thu.

Một hôm, Cáo nói với chim nhỏ và sau đó nói với Chuột đồng: “Nào, đến mảnh vườn của ta sẽ thấy có bao nhiêu là dưa, bao nhiêu là đậu cho mà xem”.

Cáo dẫn Chim nhỏ và Chuột đồng vượt qua con suối nhỏ tới mảnh vườn bên hốc suối của nó với vẻ tự tin, hào phóng lắm.

Nhưng tới nơi thì đâu còn ra mảnh vườn nữa, cỏ dại mọc um tùm. Cáo rúc đầu vào trong các búi cỏ cao, rậm rạp mà tìm đậu, tìm dưa.
“Thấy không, có nhiều không ?” Chuột đồng và chim đều sốt ruột hỏi.
“Đừng nóng vội”. Cáo vội đáp nhưng trong bụng đã thấy bồn chồn, lo lắng.

Cáo tìm hoài, tìm hoài, đầm đìa mồ hôi mà đâu thấy một quả dưa, một nhánh đậu.
Chuột đồng và Chim nhỏ đều chán ngắt, nói trước khi bỏ đi: “Không chăm xới, không chịu lao động thì mùa đông tới, Cáo chỉ có mà ngáp, có mà đói dã họng ra”.

Cáo ủ rũ, hối hận: “Mùa đông này sống làm sao đây!”.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Phép Lạ Thực


Khi Bankei thuyết pháp ở chùa Ryumon, một tăng sĩ phái Shinshu,

vốn tin vào giải thoát qua chú niệm danh hiệu Phật A Di Ðà, ganh tị với đám thính chúng đông đảo nên muốn tranh luận với ngài.

Bankei đang giữa cuộc giảng thì vị tăng sĩ kia xuất hiện, nhưng vì vị

ấy gây náo động cho nên Bankei phải ngưng buổi thuyết pháp để hỏi cớ sự.

"Tổ sáng lập của phái chúng tôi," vị tăng sĩ dõng dạc, "có những

năng lực kỳ diệu như là ngài cầm bút ở một bên bờ sông mà có thể viết thánh hiệu của Phật A Di Ðà lên trên một tấm giấy do đồ đệ của ngài giơ lên ở phía bên kia sông. Ông có thể làm được phép lạ như thế không?"

Bankei nhẹ nhàng đáp: "Con cáo của ông có thể làm được tiểu xão

đó, nhưng đó không phải là phong cách của Thiền. Phép lạ của ta là khi đói thì ăn, khi khát thì uống."

Điển Hay Tích Lạ

 Tuyệt Diệu Hảo Từ

Thái Diễm cũng gọi là Thái Văn Cơ, một nữ sĩ tài hoa đời Tam Quốc (220-264). Cha nàng là Thái Ung, có tài thẩm âm vào bực nhứt cổ kim. Tương truyền, thấy một người chụm củi, ông bảo: "Tôi nghe tiếng củi đó nổ, biết là củi tốt, sao đem chụm cho uổng". Ông xin khúc củi về, làm một cây đàn, tiếng rất trong.
Nàng Thái Diễm lên 8 đã giỏi đàn. Có chồng là Vệ Đạo Giới nhưng lại góa chồng sớm, không con. Đương lúc Đổng Trác nổi loạn, nàng bị rợ phương bắc bắt về đất Phiên, phải sống tủi nhục ở với Hung Nô. Nàng nhớ quê hương, mới làm ra 18 khúc kèn rợ Hồ. Những bản nhạc này truyền vào Trung Nguyên. Tào Tháo là chúa nước Ngụy, trước vốn là bạn thân của cha nàng, nay lại thưởng thức bản nhạc, động lòng thương xót, mới sai người đem ngàn lượng vàng lên phương bắc chuộc nàng về.
Vua đất Hồ là Tả Hiền vương vốn sợ uy thế của Tào Tháo phải cho người đưa nàng về Hán. Tháo lại đứng làm chủ gả nàng cho Đổng Kỷ.
Khi về nước, nàng Thái Diễm có làm bài "Bi phẫn thi" dài 540 chữ, tả nỗi long đong của nàng, lời cực kỳ thống thiết, mỗi chữ như một giọt lệ.

Dục tử bất năng đắc,
Dục sinh vô nhứt khả.
Bỉ sương giả ha cô?
Nãi lao thử ách họa!
Nghĩa:
Muốn chết mà không được,
Muốn sống thêm vất vả.
Hỡi trời xanh tội gì?
Bắt ta gặp tai họa!
Hồ phong xuân hạ khởi,
Phiên phiên suy ngã y,
Túc túc nhập ngã nhĩ.
Cảm thời niệm phụ mẫu,
Ai thán vô cùng dĩ!
Nghĩa:
Xuân hạ, gió Hồ nổi,
Phất phất tà áo ta.
Ào ào bên tai thổi,
Cảm xúc sinh nhớ nhà,
Cùng khổ thay nông nỗi.
(Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)
Một hôm, Tào Tháo đem quân đánh Lưu Bị, tiện đường ghé thăm. Đổng Kỷ làm quan xa chỉ có nàng ở nhà. Nghe tin Tháo đến, nàng vội ra rước vào. Tháo ngồi trên sập, nàng thi lễ xong chắp tay đứng hầu bên. Tháo nhìn lên vách, chợt thấy một tấm bìa treo, có ghi bài văn bia, bèn đứng dậy bước đến xem và hỏi nguồn gốc. Thái Diễm thưa:
- Đây là bài văn bia đề một nàng Tào Nga. Xưa đời Hòa Đế, ở vùng Thượng Ngu có một người đồng bóng tên Tào Vu, hay lên đồng nhảy múa. Một hôm vào ngày mồng 5 tháng 5, Vu say rượu, đứng múa may trên thuyền, sẩy chân té xuống sông chết. Cô con gái của Vu vừa lên 14 tuổi, quá thương cha, cứ đi dọc bờ sông kêu khóc suốt 7 ngày đêm, rồi nhảy xuống nước mất tích. Qua 5 ngày sau, bỗng thấy nàng đội xác cha nổi lên mặt sông. Người trong làng vớt xác cả hai chôn cất. Quan huyện Thượng Ngu là Đỗ Thượng tâu việc ấy về triều. Triều đình khen nàng Tào Nga là gái hiếu, truyền cho lập bia. Đỗ Thượng lại sai Hàn Đan Thuần làm bài văn khắc vào bia để ghi lại việc ấy. Hàn Đan Thuần bấy giờ mới 13 tuổi, cầm bút viếc ngay một hơi thành bài văn, chẳng phải sửa chữa một chữ. Đỗ Thượng chịu là hay, cho khắc vào bia dựng bên mộ nàng Tào Nga. Thời bấy giờ, ai đọc cũng lấy làm lạ. Tiếng văn hay đồn dậy xa gần... Phụ thân thiếp nghe tiếng cũng tìm đến xem, gặp lúc trời tối, không nhìn thấy chữ, phải sờ vào bia, lần từ nét mà đọc. Đọc xong, người lấy bút viết 8 chữ lớn vào sau lưng bia. Về sau, có người khắc cả 8 chữ vào đấy.
Tào Tháo thấy 8 chữ ấy cũng ghi trên bức bia, bên cạnh bài văn như sau: "Hoàng quyến, ấu phụ, ngoại tôn, tê cửu".
Tháo hỏi Diễm:
- Nhà ngươi có hiểu ý nghĩa 8 chữ này không?
Nàng thưa:
- Tuy là di bút của cha, nhưng thú thật thiếp cũng hiểu ý nghĩa ra sao.
Tháo quay lại hỏi các mưu sĩ, mọi người đều chịu không biết. Bấy giờ có quan Chủ bạ là Dương Tu lên tiếng:
- Tôi hiểu ra rồi.
Tu giải:
- Tám chữ đó là ẩn ngữ của Thái Ung. "Hoàng quyến" là lụa màu vàng, tức là màu sắc của tơ (ti sắc), chữ "ti" với chữ "sắc" hợp lại thành chữ "tuyệt". "Ấu phụ" nghĩa là con gái còn nhỏ, tức là "thiếu nữ". Chữ "thiếu" đứng bên chữ "nữ" hợp thành chữ "diệu". "Ngoại tôn" là cháu ngoại. Cháu ngoại tức là đứa con của con gái mình (nữ nhi tử). Chữ "nữ" chắp với chữ "tử" thành chữ "hảo". "Tê cửu" là cái cối giã hành tỏi. Cái cối là vật chịu cay (thụ tân). Chữ "thụ" đặt bên chữ "tân" thành chữ "từ". Tóm lại, đó là ẩn chữ "Tuyệt diệu hảo từ", tức Thái Ung đã hết lời khen tặng văn chương của Hàn Đan Thuần vậy.
Mọi người đều khen Dương Tu tài thức mẫn tiệp. 

Chuyện cười trong ngày

Khỏe nhất lớp

An đi học về, mừng rỡ khoe với bố: "Bố ơi, bố biết không, con là người khoẻ nhất lớp đấy bố ạ!".

- Tại sao con nghĩ thế?

- Tại vì cô giáo bảo con rằng, một mình con kéo cả lớp tụt lại đằng sau.

Wednesday, May 30, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 30-5-2018

Chuyện ngắn - Bát cơm vội ngoài đồng

BÁT CƠM VỘI NGOÀI ĐỒNG

Ấy vậy mà, bữa cơm trưa ăn vội ngoài đồng ấy lại khiến tôi không khỏi chạnh lòng, là chút muối vừng rang, hay chút thịt kho mặn với một ơ cơm đã nguội đi vì gió, vì để lâu. Cạnh đó là chai nước chè, cái vị mà đã ngấm sâu vào mỗi người. Nhưng...

***

Tôi sinh ra ở một làng nghèo thuộc tỉnh Quảng Nam, nơi mà xung quanh là đồng ruộng , nơi mà con người chỉ biết sáng sớm vác cuốc ra đồng và trở về khi trời đã sẫm tối. Ngày mới bắt đầu với người dân nơi đây bằng tiếng gà gáy sáng bất kể trời nắng hay mưa.

Chiếc cuốc trên vai cứ thế theo họ cả ngày, đào đào, bới bới, xơi tốp cả những thửa đất khô cằn nhất, để gieo vào đó hạt thóc, hạt đậu hay hạt rau muống,... rồi ngày ngày lại tưới nước, bón phân, mong chúng mau lớn để đem ra chợ mà bán, mà đổi, mong kiếm được chút thịt, cá, hay ít tiền để lũ con được đi học. Nếu gặp mùa lúa, trúng lớn, không bị sâu hại, hạt chắc thì sẽ kiếm được chút để dành cho con. Còn nếu gặp trời nắng hạn, hay mưa bão bất thường thì những giọt mồ hôi mà họ đổ xuống đây như đã thành công cốc.
Ấy vậy mà, bữa cơm trưa ăn vội ngoài đồng ấy lại khiến tôi không khỏi chạnh lòng, là chút muối vừng rang, hay chút thịt kho mặn với một ơ cơm đã nguội đi vì gió, vì để lâu. Cạnh đó là chai nước chè, cái vị mà đã ngấm sâu vào mỗi người. Nhưng, họ vẫn ăn, vẫn cười nói, như xé tan cả mệt mỏi của buổi trưa đầy nắng, như thể đang ăn một món sơn hào, hải vị chứ không phải là đang ăn chút cơm trắng này. Giữa đồng ruộng mênh mông không có một bóng cây che mát, tôi nhìn thấy chiếc chòi tranh cũ nát, xiêu vẹo, chỉ chực đổ sập nếu có cơn gió nào bất ngờ ập tới, thì trong đó có bóng dáng của những người dân quê tôi, đang siêu vẹo ngồi múc từng thìa cơm, vừa nhai, vừa bàn về những đồng lúa được mùa, những hàng rau xanh tốt. Khung cảnh ấy hiện lên vừa dân dã, yên bình lại có chút xót thương. Những con người ấy có bao giờ biết đến cảnh ngồi điều hòa, máy lạnh, bữa ăn trưa sang trọng trong nhà hàng.

Chưa kể đến những ngày mưa gió, mùa bão lũ của tháng 9, tháng 10, trong cái lạnh như cắt da cắt thịt, khi những người thành thị còn mải mê quấn mình trong chiếc nệm ấm thì người dân nơi đây đã thức dậy, nấu cơm mang ra đồng với bao muộn phiền trong đầu, rằng mưa gió thế này thì lúa không lớn, rằng rau sẽ bị ngập úng và con ơi, tiếng điện thoại về nhà bảo gởi tiền, cha mẹ phải làm sao mới có ?BỮa cơm trưa giữa trời đông lạnh, không bằng nỗi lạnh trong lòng mẹ cha bây giờ, là nỗi lo cơm áo gạo tiền, là vị mặn chát của mưa hòa lẫn trong làn nước mắt. Miếng cơm trưa bỗng trở nên khô khốc mà nuốt chẳng đặng lòng.

Không được chọn cha mẹ sinh ra, nhưng phải biết lựa chọn tương lai cho mình, cuộc sống nông dân quanh năm đói kém, để có được đồng tiền, bát cơm phải chảy mồ hôi mà sôi nước mắt, dành cho con đồng tiền để đi học mà đổi đời, hãy ráng mà học hành , chỉ có học mới thay đổi được số phận, để cha mẹ, những người nông dân chân lấm, tay bùn, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời được hạnh phúc, được tự hào về những gì mình bỏ ra, và trả ơn cho sự hy sinh thầm lặng ấy, bạn nhé!

nguồn: truyenngan.com

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Con lừa và người chủ

Một con lừa đang được chủ dong đi trên đường ở triền núi, bỗng dưng nó nảy ra ý nghĩ ngu ngốc là phải chọn lấy con đường đi cho riêng mình. Nó nhìn thấy chuồng của nó ở dưới chân núi, và nó nghĩ lối gần nhất chỉ ở dưới bờ vách đá dựng đứng ngay cạnh đó. Ngay lúc nó sắp sửa nhảy xuống vách đá, người chủ thấy được tóm lấy đuôi nó và cố kéo nó lại, nhưng con lừa bướng bỉnh nhất quyết không chịu và dùng tất cả sức mạnh của nó để bứt ra lao xuống.

“Tốt lắm,” chủ lừa nói, “cho mày đi luôn, đồ súc sinh ngoan cố, để xem mày sẽ đi được đến đâu.”

Thế là anh ta buông nó ra, con lừa ngu ngốc rõi lộn cổ xuống vách đá bên sườn núi….

Lời bàn:Những người không chịu lắng nghe điều hay lẽ phải mà cứ ngoan cố làm theo ý mình sẽ phải chuốc lấy tai họa

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Lư Hương


Một người đàn bà tên Kame ở Nagasaki là một trong ít người chế

tạo ra lư hương ở Nhật Bản. Lư ấy quả là một tác phẩm nghệ thuật hiếm có, chỉ được dùng trong trà thất hay ở bàn thờ gia đình.

Cha của Kame cũng là một nghệ nhân. Suốt ngày, nàng còn thích

say sưa rượu chè, hút sách và vui chơi với nam giới. Khi nào có được ít tiền nàng liền mở tiệc mời mặc khách tao nhân, văn thi sĩ, thợ thuyền, bọn đàn ông có sự nghiệp hoặc vô nghề. Sự giao thiệp rộng rãi đã gợi hứng cho các sáng tác của nàng.

Kame làm việc rất là chậm chạp, nhưng khi tác phẩm hoàn thành

thì thực là tuyệt mỹ. Những lư hương của nàng lại được trân quý ở những gia thất mà nội tướng không hề uống rượu, hút sách hay giao hảo với nam nhân một cách bừa bải.

Một lần, thị trưởng của Nagasaki nhờ Kame thiết kế cho ông ta

một lư hương. Nàng lần lửa mãi đến hơn nữa năm. Ðến lúc đó thì ông thị trưởng, đã được cất nhắc lên làm việc ở một thành phố khác, đến viếng nàng. Ông ta hối thúc nàng bắt tay vào việc.

Sau cùng khi có cảm hứng, Kame hoàn thành lư hương và đặt lên

một cái bàn. Nàng nhìn nó rất chăm chú. Nàng ngồi đối diện nó, hút thuốc và uống rượu cứ như nó là bạn rượu. Suốt ngày nàng nhìn ngắm nó.

Sau rốt, chụp một cái búa Kame dập nát nó ra. Nàng thấy nó không

phải là một sáng tạo toàn mỹ như nàng muốn.

Cổ Học Tinh Hoa

Không nhận cá

Làm quan như Công Nghi Hưu thật là thanh liêm. Dù đến con cá, là vật nhỏ mọn mà ông cũng còn cân nhắc không chịu nhận. Ông hiểu cái lẽ rằng: Người ta vị mình mà chiều mình chỉ được có một thời, sao cho bằng chính mình trọng lấy mình, mới là kế lâu dài mãi mãi.

Công Nghi Hưu(1) làm tướng nước Lỗ, tính hay thích ăn cá. Một hôm có người đem cá biếu, ông lại không nhận. Em ông lấy làm lạ, hỏi: “Anh thích ăn cá, người ta đem cá cho, sao anh lại không nhận?”.

Công Nghi Hưu nói: “Người ta đem cá cho chắc ý cầu ta việc gì. Nếu ta nhận, tất ta phải giúp việc người. Giúp việc người, lỡ làm trái phép thì đến mất quan. Mà mất quan thì chẳng những không có cá biếu, mà đến cá mua lấy cũng không có nữa. Cho nên ta không nhận cá, chính là ta muốn được có cá ăn lâu dài mãi mãi đó. Ông Lão Tử xưa có câu rằng: “Để thân mình lại sau, thế mà thân mình đứng trước; gác thân mình ra ngoài, thế mà thân mình vẫn còn”. Thế chẳng phải là bởi mình không có lòng riêng mà được thoả lòng riêng của mình ư?

Hàn Thi Ngoại Truyện

Lời bàn:

Làm quan như Công Nghi Hưu thật là thanh liêm. Dù đến con cá (trong sách không nói rõ cá gì), là vật nhỏ mọn mà ông cũng còn cân nhắc không chịu nhận. Ông hiểu cái lẽ rằng: Người ta vị mình mà chiều mình chỉ được có một thời, sao cho bằng chính mình trọng lấy mình, mới là kế lâu dài mãi mãi.

Thiên hạ chưa lo đến mà mình đã lo trước cho thiên hạ; thiên hạ đã vui rồi, mà mình mới vui sau thiên hạ, thế là mình gác thân mình ra ngoài để thân mình lại sau mà không có điều gì riêng tư vậy. Khi thân mình lại được trước, lại vẫn còn thì lòng riêng gì của mình mà không thoả. Nếu làm quan mà chỉ chăm chăm hại người để cầu lợi riêng cho mình thì người còn, bụng chết tự cho là sướng mà kỳ thật có sung sướng gì đâu?

-----------------------------------

(1) Công Nghi Hưu: làm tướng cho Mục Công nước Lỗ đời Chiến quốc. ông là người tính khí điềm đạm, công minh giữ phép, không cùng dân tranh lợi.

Chuyện cười trong ngày

May vì là loài không chân

Hai con cá nói chuyện với nhau:

- Tôi thấy thật may mắn vì tụi mình là loài không chân!.

- Sao cậu nghĩ vậy?

- Cậu tính, ngâm cả ngày trong nước lạnh thế này nếu có chân thì đã bị thấp khớp từ lâu rồi!

Tuesday, May 29, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 29-5-2018

Chuyện ngắn - Vụ cướp thế kỉ


VỤ CƯỚP THẾ KỈ

- Đoàng!

Phát súng nổ vang. Viên đạn trúng vào chiếc điện thoại trên bàn khiến nó nấc lên một tiếng, rồi xuyên qua trúng chiếc tivi đang phát lại bộ phim Lang băm khiến cả công ty chìm trong im lặng.

***

Tên cướp lao vào như một cơn lốc, tay vung khẩu súng ngắn tự động có gắn ampli để tiếng nổ được khuếch đại, hô to:

- Tất cả ngồi im. Ăn cướp đây.

Mọi người trong phòng sững sờ như bị sét đánh, thậm chí ông trưởng phòng đang ngáp cũng phải dừng lại, khiến ai cũng nhìn rõ chiếc răng vàng. Cô thư ký dừng tay đánh máy ở dòng chữ "đơn xin...", còn ông giám đốc ngừng đôi mắt khi đọc tới chữ "kính trình...". Tên cướp hét:

- Tiền! Nhanh!
Im phăng phắc. Rồi bà kế toán trưởng lên tiếng với giọng rụt rè:

- Thưa ông, tiền thì chúng tôi còn cần hơn ông nữa. Nhưng giờ này công ty không có một xu nào.

Tên cướp không phải loại nhiều lời. Hắn kéo một ngưòi đàn ông lại, kê súng vào mang tai:

- Ta đếm đến ba, nếu không đưa tiền ra...

Mọi người nhìn nhau. Bật cười. Cô thư ký nói:

- Thưa ông, đấy là giám đốc công ty. Nếu bắn vào giám đốc sẽ không có ai ký. Mà thiếu chữ ký thì không thể rút tiền ở nhà băng được.

Tên cướp ngớ người. Nhanh nhẹn, hắn đẩy người đàn ông ra, kéo cô thư ký tới gần họng súng đen ngòm:

- Vậy tôi bắn nhỏ này. Tiền đâu, vàng đâu, đô la đâu? Cũng đếm đến ba.

Trưởng phòng thong thả ngáp tiếp. Giám đốc ung dung cúi xuống đọc tờ trình, vài người còn lại xoay ra đánh bài "tiến lên". Tên cướp gầm:

- Một. Hai...

Cô thư ký mếu máo:

- Ông ơi, ông có đếm tới ba triệu cũng chẳng ai đưa tiền ra đâu vì họ không ưa tôi. Tôi là cháu ông tổng giám đốc nên họ phải nhận vào làm chứ tôi không biết gì cả?

Hốt hoảng, tên cướp xô cô gái ra, túm lấy một thanh niên trẻ khỏe, đẹp trai.

- Nếu ta bắn gã này mọi người có đưa tiền ra không hả?

- Ông nổ súng là mắc mưu họ đấy. Tôi là thợ sửa chữa máy lạnh cho công ty. Cả mấy tháng nay nợ tiền điện nên máy lạnh phải ngưng chạy rồi. Họ đang kiếm cách cho tôi thôi việc. Ông bắn tôi sẽ hợp thức hóa chuyện này.

Tên cướp điên lên. Mồ hôi túa ra trên chiếc lưng xăm đầy tên tuổi các vũ trường, địa chỉ các quán karaoke. Hắn túm lấy hai ngưòi trong đám đánh bài, hoa khẩu súng lên như một thiếu nữ múa lửa hoa ngọn đuốc và gào:

- Vậy thì ta bắn hai đứa này cùng một lúc! Tiền đâu?

Mắt giám đốc lóe lên tia hi vọng. Bà kế toán trưởng cố gắng kìm nén vẻ vui mừng, những người còn lại nhìn chăm chăm vào khẩu súng, miệng lẩm nhẩm:

"Thưa ông, ông có mang chúng tôi vào lò quay cũng chẳng ai van xin đâu. Vì chúng tôi là chủ nợ công ty. Chúng tôi ở đây là để đợi nếu có tiền là xiết luôn cũng như ông vậy. Mà chúng tôi đợi đã một năm rồi."

Tên cướp kinh hoàng. Chưa bao giờ hắn gặp phải tình huống bế tắc đến thế này. Hắn rút trong lưng ra một con dao to bản, sáng loáng, tiến tới chồng giấy tờ trên bàn.

- Nếu không có tiền ta sẽ băm nát hết!
Tất cả đồng thanh:

- Thưa ông, nếu ông không băm thì đám hồ sơ ấy cũng nát lắm rôi. Mọi thứ trong đó đều lộn xộn không phải như băm mà như trong máy nghiền vậy.

Tên cướp từ từ đưa súng lên, kê vào... đầu mình:

- Neu các vị không đưa, tôi sẽ bắn... tôi. Các vị sẽ phải tốn tiền lo thủ tục, lo chi phí ma chay. Nào, tôi đếm đến ba. Một...

Câu nói như một tiếng sét nổ trong phòng. Tất cả sững người nhìn nhau rồi nhìn ngón tay đặt trên cò súng. Nghiêm trọng rồi. Có một xác chết trong công ty? Lôi thôi lắm.

- Hai...

Không khí như đặc lại. Ông giám đốc từ từ đưa tay vào thắt lưng. Tên cướp phản ứng rất nhanh:

- Đưa tay lên. Súng hả?

- Không phải súng. Tôi muốn móc máy điện thoại di động ra.

Tên cướp đắc chí:

- Có vậy chứ. Gọi cho ngân hàng, bảo họ mang tiền lại.

Giám đốc thong thả bấm số. Ông nói thì thầm vào đó, rồi nhẹ nhàng bỏ máy xuống, nói với tên cướp:

- Xin ông cứ tự sát đi.

- Ông vừa nói gì với ngân hàng đó?

- Không. Tôi vừa điện cho dịch vụ mai táng. Họ hứa là ông nổ súng, họ sẽ cho tôi mười phần trăm hoa hồng.

(Trích "Thư của Trứng gà gửi Chứng khoán" - Tiểu phẩm Lê Hoàng

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Dơi, chim và họ nhà thú

Họ hàng các loài chim chóc và họ hàng các loài thú cãi vã nhau kịch liệt. Khi hai bên dàn quân chuẩn bị đánh nhau, dơi lưỡng lự chẳng biết theo bên nào.

Lũ chim bay ngang chỗ dơi đậu và bảo: “Theo chúng ta, “ nhưng dơi bảo:” Tôi là thú vật”.

Sau đó, lũ thú vật đi ngang phía dưới chân dơi nhìn lên và bảo:”Theo chúng ta”, nhưng dơi lại bảo :”Tôi là chim mà.”.
May thay, cuối cùng hai bên cũng dàn hòa, và không có đánh nhau, nên dơi đến với lũ chim và bảo muốn tham gia ăn mừng, nhưng tất cả lũ chim quay ra đuổi dơi khiến dơi phải bay đi. Dơi bèn đến với đám thú vật, nhưng thú vật cũng chẳng niềm nở tiếp đón, may là chúng cũng chưa thèm xé xác dơi ra.

Lời bàn: Kẻ hai mặt chẳng bao giờ có bạn.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Tâm Ðá


Hogen, một Thiền sư Trung hoa, sống ở một ngôi chùa nhỏ trong làng. Một ngày kia có bốn nhà sư du hành xuất hiện và hỏi nếu họ có thể nhóm lửa ở trước sân để sưởi ấm.

Trong khi nhóm lửa, Hogen nghe bọỉn họ bàn luận đến chủ quan và khách quan. Ngài tham gia vào và nói: "Có một tảng đá lớn. Quý vị xem nó ở trong hay ở ngoài tâm của quý vị?"

Một vị tăng trả lời: "Theo Phật pháp thì mọi sự vật đều là biến thái của tâm, tôi có thể bảo rằng tảng đá ở trong tâm tôi."

"Vậy thì đầu của ngài phải nặng lắm," Hogen quan sát, "nếu ngài phải mang mãi tảng đá như thế trong tâm."

Tri Thức - Nhật Bản, quy luật của danh dự

Nhật Bản, quy luật của danh dự

by Caroline Myss, The Buddhist Channel, March 22, 2011

Nguyễn Văn Hoà chuyển ngữ

Sendai, Nhật Bản - Một câu chuyện đầy cảm hứng từ Nhật Bản đang được chia sẻ, lời nói từ một người em gái ở thành phố Sendai: "Nếu ai đó trong nhà hệ thống nước uống còn chảy, họ để một dấu hiệu để mọi người có thể đến lấy đầy bình của họ. Tôi trở về cái lều của tôi và tôi tìm thấy thức ăn và nước còn lại ở cổng vào của tôi. Không có cướp bóc, không có xô đẩy nơi đoàn người nối dài chờ đợi . Người ta để cửa trước mở. Người ta nói, "Ồ, đây là cách đã được sử dụng trong thời xưa khi mọi người giúp đỡ nhau. 

Câu chuyện nhỏ bé này đã làm xao động trái tim của hàng ngàn người. Hôm nay trong một hội nghị, có người đọc câu chuyện này cho cả một nhóm người nghe, sau đó nói thêm: "Thật là một ví dụ về tình yêu và lòng từ bi." Cô ta đã nhầm. Những hành động đó không chỉ thúc đẩy bởi tình yêu và lòng từ bi. Sự vắng mặt của cướp bóc không phải là kết quả của tình yêu và lòng từ bi. Cũng không phải là sự lựa chọn để đứng trong dòng kiên nhẫn, chờ đợi đến lượt bạn.

Đây là kết quả của việc mang ý nghĩa sâu xa về danh dự. Sự lựa chọn để không trộm cắp từ một người đã mất gần như mọi thứ trong một thảm họa đến từ sự cảm nhận ra rằng đó là một hành động cuối cùng của sự đê tiện. Người Nhật đến từ một xã hội bắt nguồn từ một quy luật lâu dài của danh dự, không để bị mất mặt. Không có gì đê tiện cho một người Nhật hơn là việc trộm cắp của người khác những người bị mất nhà, mất cơ sở làm ăn, hoặc mất gia đình.

Quy luật danh dự là quyền lực. Và chúng ta đang chứng kiến ​​cái quyền lực đó đã liên kết xã hội Nhật Bản vào nhau.

Trong học đường ở Hoa Kỳ, các danh từ như "đạo đức” (morality)"và "luân lý” (ethics), được coi như kém "danh dự” (honor) và vô hình chung bị cấm đoán. Những người mệnh danh là “căn bản” và những kẻ khác như nhóm thời cơ cực đoan coi những danh từ này là từ ngữ của “tôn giáo.” Kết quả của việc lắng nghe những bàn thảo chính trị của những người này, trớ trêu thay, đã hủy hoại đạo đức của nhiều thế hệ kế tiếp sau khi có phán quyết về việc cấm dùng các danh từ này hoặc cấm các môn học liên quan đến việc thảo luận về các đề tài đó. Hiện nay ai có thể nói về tầm quan trọng của việc tu chỉnh một nền tảng danh dự cá nhân hay tầm quan trọng của việc học tập luân lý, hoặc học cách nào để vượt qua một cuộc khủng hoảng đạo đức?

Việc thiếu giáo dục về kiến thức tinh thần căn bản như vậy bây giờ hiển hiện rỏ ràng trong việc chúng ta phải dựa vào kiện tụng để thay thế sự vắng mặt của danh dự. Chúng tôi cho rằng người khác thiếu danh dự, thì thật là ngu xuẩn khi làm kinh doanh mà không có một hợp đồng hoặc một luật sư. Ngay cả nếu chúng ta biết họ, khi nói đến kinh doanh - bạn không thể nào chắc được danh dự của một người có thể vươn đến địa hạt đó, phải vậy không? Tại sao? Bởi vì người khác có thể thiếu tinh thần danh dự - ngày nay bạn không thể chắc chắn được. Vậy thì tại sao phải liều lĩnh?

Hãy bỏ qua việc tu chỉnh ý thức danh dự cá nhân của chúng ta. Tốt hơn hết chúng ta nên để mắt vào việc thiếu danh dự của người khác và đó là điều phải làm. Sự thật là chúng ta đã trở thành một xã hội đầy dẩy kiện tụng, một cách chính xác bởi vì chúng ta không còn là một người có danh dự. Hay như Benjamin Franklin đã nói, chúng ta là những người không có đức hạnh. Tin tưởng vào kẻ khác, buôn bán qua một cái bắt tay, tôn trọng lời hứa - tại sao, vì những thứ này chỉ được coi là ở một thế giới xa xưa. Có ai giữ lời hứa của họ trong thời buổi này? Tại sao, thậm chí người ta còn không tôn trọng lời thề của họ. Phần lớn mọi người hầu như không hiểu sự khác biệt giữa lời thề và lời hứa, như vậy thì với tầm mức thấp hơn, chuyện “giữ lời của họ” còn có nghĩa gì nữa? 

Chúng ta không tôn trọng toàn bộ sự khôn ngoan tinh thần này cho cả việc đòi hỏi nó được giảng dạy ở học đường - và không phải là một đề tài tôn giáo mà là một Nhu Cầu của Con Người - lẫn việc đảm bảo kiến thức thiêng liêng đó được truyền dạy trong nhà. Việc truyền dạy về một nền tảng danh dự cá nhân không phải là một lớp học cuối tuần. Nó phải được dạy nhờ vào những tấm gương của người lớn, của cha mẹ. Con em nhìn vào tấm gương đó mà thu nhập. Họ có khao khát được học trong danh dự bởi vì nó đòi hỏi họ một cái gì đó. Nó đòi hỏi lòng tự trọng vươn lên đến một tiêu chuẩn nhất định và từ tiêu chuẩn này lòng tự trọng được đánh thức. (Bởi vậy mới biết tại sao con người trong các xã hội phương Tây phải học các khóa vở lòng về lòng tự trọng.)

Khi tôi viết bài này, ký ức về thảm họa của cơn bão Katrina đang hiện về tâm trí của tôi. Tôi nhớ rất rõ là lực lượng Bảo Vệ Quốc gia (National Guard) đã được kêu gọi trình diện ngay lập tức vì những vụ cướp bóc, trong khi đường phố vẫn còn nằm dưới mặt nước. Các đội cứu hộ đã đổ ra một vùng biển rối loạn (không có ý định chơi chữ) trong khi sự hỗn loạn gia tăng từng giờ theo cấp số nhân. Không giống như Nhật Bản, sự kinh hoàng, giận dữ, và tức tối hiện ra ngay sau đó.

Cơ quan cứu trợ liên bang FEMA thì quá thiếu tổ chức và không chuẩn bị, khi dân chúng bị hối thúc đi vào tòa nhà vận động trường. Nhưng mục đích của tôi không phải là để nhắc lại những chi tiết quen thuộc này. Mà tôi muốn nói đến những chi tiết về cách mà chúng ta đã phản ứng trong cuộc khủng hoảng so với cách mà người Nhật bây giờ đang hành xử. Những chi tiết này rất đáng để được tôi lưu ý. Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào nếu một thảm họa có tầm vóc vĩ đại này xảy ra ở đây? Đừng nghĩ rằng chuyện đó không thể xảy ra. Chúng ta có các nhà máy nguyên tử rải rác khắp nơi trong nước. Và nếu bạn biết chút gì về định luật Murphy, bạn sẽ biết rằng nếu chuyện gì có thể sai lạc, nó sẽ xảy ra.

Thiên tai như thế này xảy ra vì nhiều lý do nhưng không nghi ngờ gì cả lý do chính là chúng ta được cho biết chuyện đó an toàn khi nó không an toàn. Nói cách khác, nhà chức trách hành động không có trách nhiệm vì không ai buộc họ phải làm khác đi. Cơ quan truyền thông hành xử lơ là. Dân chúng New Orleans được thông báo là các bờ đê sẽ chịu được sức nước. Kết quả là ngân sách cần thiết để tu bổ đê điều đã bị từ chối. Các kỹ sư cầu cống đã cảnh báo chính quyền rằng những bức tường đê rất cần được sửa chữa nhưng các chính trị gia của chúng ta có được coi là những cá nhân đáng tin cậy hay không? Thực sự chúng ta có thể tin rằng họ dám nói lên sự thật không? Tới bây giờ chúng ta phải cho rằng ở đất nước này chúng ta bị nói dối nhiều hơn so với việc chúng ta được nghe sự thật. Chúng ta bị cư xử thiếu tôn trọng và chúng ta chấp nhận đó như chuyện bình thường. Thật là khó tin?

Như vậy có đáng thắc mắc là Trái đất thật quá nhiều lừa lọc hoặc giả do bản chất hoặc do những quyết định về chính sách thiếu trung thực, thiếu phẩm giá con người cứ kế tiếp được đưa ra?

Sống một cuộc sống vinh dự phải đi kèm với một giá nào đó. Bạn phải sẵn sàng tranh đấu cho một điều gì, tranh đấu cho những giá trị có nghĩa đối với người khác chớ không phải chỉ đối với bản thân. Giá trị của bạn phải tạo được sự khác biệt trên thế giới. Giá trị này phải thật rỏ ràng, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng hoặc là kết quả sự lựa chọn của bạn -hay lời nói của bạn- có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của những người khác.

Danh dự là quyền lực và quyền lực của một người có danh dự có thể thay đổi cả thế giới, tương tự như vậy quyền lực của một kẻ gian xảo cũng có thể thay đổi cả thế giới. Người gian trá có thể bất cần về những tiêu chuẩn an toàn trong các nhà máy nguyên tử hoặc dưới các hầm mỏ hoặc trên các đài kiểm soát không lưu. Sự quan tâm của họ chỉ là lợi nhuận, chỉ là mấu chốt của công ty. Họ không quan tâm nếu sự "thiệt hại" là nhân mạng. Nhưng quyền lực của người có danh dự muốn tạo nên sự khác biệt trên thế giới thực sự có đủ sức mạnh để tạo ra sự khác biệt.

Hãy xem xét một đoạn văn của người phụ nữ từ thành phố Sendai, viết về cách người dân Nhật đang chia sẻ mọi thứ trong thời điểm khủng hoảng. Lời lẽ của cô đang làm nhức nhối hàng ngàn trái tim, vì chúng đúng sự thật. Họ làm cho mỗi người chúng ta muốn chia sẻ, muốn mở những cánh cửa của chúng ta, trở nên nhân từ, rộng lượng - hãy đặt danh dự trong tâm của chúng ta. Đó là sức mạnh của một người.

Tôi hướng về người dân Nhật với lời cầu nguyện trong tim tôi và lòng biết ơn đối với tấm gương của những người phi thường đang bước vào buổi đầu của một đêm đen. Tôi biết đêm đen của chúng ta cũng sẽ đến. Tôi cầu nguyện là chúng ta học được từ gương sáng của họ.

Chuyện cười trong ngày

KHÔNG CẦN HỌC NỮA..


Không cần học nữa  Một lão nhà giàu đã dốt lại hà tiện. Con đã lớn mà không cho đi học, sợ tốn tiền. Một ông khách thấy vậy, hỏi:

- Sao không cho thằng nhỏ đi học trường?

- Cho cháu đến trường, sợ học trò lớn bắt nạt.

- Thì rước thầy về nhà cho cháu học vậy!

- Nó chưa có trí, biết nó có học được hay không?

- Có khó gì, thầy sẽ tùy theo sức nó mà dạy. Nay dạy chữ nhất là một, một gạch, qua ngày mai, dạy nó chữ nhị là hai, hai gạch, qua bữa mốt, dạy nó chữ tam là ba, ba gạch, lần lần như vậy thì cháu phải biết chữ.  Khách ra về, thằng con mới bảo cha:

- Thôi, cha đừng rước thầy về tốn kém. Mấy chữ ấy con không học cũng biết rồi… Con nghe qua là đã thuộc!

Người cha bảo nó viết chữ nhất, chữ nhị, chữ tam, nó viết được cả, ông ta khen con sáng dạ, không mời thầy về nữa. Một hôm, người cha bảo nó viết chữ vạn. Nó thủng thẳng ngồi viết, viết mãi đến chiều tối cũng chưa xong. Người cha mắng:

- Viết gì mà lâu thế?  Nó thưa.  – Chữa vạn dài lắm bố ạ! Con viết hơn nửa ngày mà được nửa chữ thôi!

Sunday, May 27, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 27-5-2018

Chuyện ngắn - về cuộc sống

CHÙM TRUYỆN CỰC NGẮN VỀ CUỘC SỐNG

Đôi khi bắt gặp một vài hình ảnh quen thuộc trong cuộc đời...

***

1. Ba...
Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi.

Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba...

Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:

- Có dư đồng nào không con?

Tôi đáp:

- Còn dư bốn ngàn ba ạ.

Ba nói tiếp:

- Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa.

Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng.

2. Mẹ và con

Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười.
Con lớn, mẹ bỗng bị chứng nặng tai. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.

3. Lòng tin

Xe ngừng...

- Mận ngọt đây! ...

- Bao nhiêu tiền bịch mận đó?

- Dạ 2000.

- Hổng có tiền lẻ!

- Để con đổi cho!

Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút...

- Trời! Đồ ranh! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi!

- Ai mà tin cái lũ đó chứ!

- Bà tin người quá! ...

Xe sắp lăn bánh... Cái bóng nhỏ hớt hải:

- Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho.

4. Khoe

Ngày xưa, khi có ai hỏi con: "Bố làm nghề gì ?" .... Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học và mong sau này con có được 1 nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội.

Con thành đạt rồi lấy chồng. Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là "Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận"

Bố buồn, chỉ ao ước được 1 lần nghe con khoe về nghề của bố ...
5. Chuyện của nội

Nhận vé máy bay, cả nhà mừng tíu tít...

Dường như nội cũng mừng lắm. Nội ra vào, hết sờ cái cột, sửa thân bầu, lại bứt mấy đọt mồng tơi nấu canh. Con cháu cười nội lẩm cẩm...

Từ ngày lên máy bay cho đến khi định cư nơi trời Tây, nội luôn săm soi một gói giấy, vẻ quí lắm.

Chiều đông ảm đạm, nội ra đi, tay vẫn nắm chặt cái gói nhỏ. Bố nhẹ nhàng gỡ ra, một cục đất màu nâu rơi xuống, vỡ tan...

6. Nhạt

Người đàn bà vội vã ra đi vào một chiều mưa tầm tã.

Ngày ngày, chỉ còn lại người đàn ông lầm lũi bên xe mì gõ đầu hẻm. Chẳng hiểu vì lý do gì, khách đến ăn ngày một thưa dần rồi vắng hẳn.

...

Ngày nọ, có người đàn bà sang trọng tìm về con hẻm xưa. Không ai còn nhận ra bà. Người đàn ông và xe mì gõ không còn ở đó nữa. Người ta bảo kể từ cái dạo vợ bỏ đi, mì ông nấu không còn ngon như trước và quá nhạt.

Nhạt nên người ta không ăn của ông nữa...

7. Bàn tay
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... Mềm mại.

Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... Chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.

Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Ong và thần Jupiter

Một con ong ở núi Hymettus, là ong chúa của đàn, bay lên đỉnh Olympus để dâng thần Jupiter một ít mật mà nó đã lấy được.

Thần Jupiter, thấy ong dâng mật rất hài lòng, hứa sẽ ban thưởng bất cứ gì ong muốn. Thấy thế ong bèn cầu khẩn:

– ”Tôi xin ngài cho tôi một cái ngòi, để nếu con người mà đến lấy mật của tôi, thì tôi sẽ chích cho hắn chết”.
Jupiter rất không hài lòng vi ngài rất thương yêu loài người, nhưng cũng không thể từ chối vì đã hứa. Vì vậy, ngài bèn phán với ong rằng:

– ”Ngươi sẽ có được cái điều ngươi muốn, nhưng nó sẽ cũng nguy hiểm cho ngươi đấy. Vì nếu ngươi dùng ngòi để chích, nó sẽ nằm lại luôn ở chỗ chích, và ngươi sẽ chết vì mất ngòi.”

Lời bàn: Gieo nhân nào gặt quả nấy, Chơi dao sẽ chết vì dao

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Nóng Giận


Một thiền sinh đến than phiền cùng Bankei: "Bạch thầy, Con mắc cơn nóng giận không kềm được. Con phải làm sao để chữa?"

"Con có cái lạ lùng quá," Bankei trả lời. "Nào cho ta xem cái mà con có."

"Ngay bây giờ thì con không thể chỉ cho thầy thấy được," người kia trả lời.

"Khi nào thì con có thể chỉ nó cho ta?" Bankei hỏi.

"Nó nổi lên thật bất chừng," thiền sinh trả lời.

"Vậy thì," Bankei kết luận, "nó không đúng là thật tướng của con.

Nếu nó là thật tướng thì con đã có thể chỉ cho ta thấy nó bất cứ lúc nào. Khi con mới sinh con không có nó, và cha mẹ con đã không giao nó cho con. Hãy suy nghĩ đến điều đó."

Điển Hay Tích Lạ

Cái "gia gia"

Cuối đời nhà Thương (1783-1154 trước D.L.) vua Trụ hoang dâm vô đạo, tàn hại lê dân, người người oán giận.
Văn Vương là Cơ Xương, vốn là một chư hầu của nhà Thương, nhân từ đức hạnh, được các chư hầu và dân chúng kính phục. Văn Vương lại có một người tôi tài giỏi là Khương Tử Nha phò tá làm cho chính trị trong nước ngày càng hưng vượng. Văn Vương chết, truyền ngôi cho con là Cơ Phát, lấy hiệu Võ Vương.
Sau Võ Vương nghe lời quần thần, hội chư hầu đem binh phạt Trụ mong cứu dân chúng thoát cảnh lầm than. Bá Di và Thúc Tề là con vua nước Cô Trúc nghe thấy, ra nắm dây cương ngựa của Võ Vương, nói rằng:
- Cha chết chưa chôn mà đã chăm việc chinh chiến, thế có gọi là hiếu được không? Bầy tôi giết vua để cướp nước, thì có gọi là nhân được không?
Võ Vương bảo:
- Vua Trụ hoang dâm vô đạo, sát hại lê dân làm giận lòng người, trái ý trời. Nếu ta thủ phận, ngồi nhìn sự hà khắc của vua Trụ thì muôn dân còn trông cậy vào đâu! Hơn nữa, giang san có riêng gì của vua Trụ, ngày xưa vua Thành Thang chẳng chinh phạt vua Kiệt nhà Hạ để dựng nên nhà Thương đó sao?
Bá Di, Thúc Tề chẳng nghe, cho Võ Vương là bội chúa. Những cận thần của Võ Vương tức giận, muốn giết cả hai. Tử Nha can:
- Không nên. Hai ông là người nghĩa.
Đoạn, bảo quân lính đẩy hai ông ra.
Sau Võ Vương thắng trận, Trụ Vương thiêu mình, lập thành nhà Chu, các chư hầu đều thần phục. Bá Di, Thúc Tề lấy làm hổ thẹn, coi thóc gạo cũng là của nhà Chu mà không ăn nữa. Hai ông lên ẩn ở núi Thú Dương, hái rau vi mà ăn, và làm bài hát "Thái Vi" (hái rau vi) rằng:
    Lên núi Tây Sơn chừ, ta hái rau vi.
    Kẻ bạo thay bạo chừ, biết phải trái gì.
    Thần Nông, Ngu, Hạ đã qua chừ ta biết đâu mà quy y.
    Đành chịu vậy chừ, vận mạng ta suy.
Nguyên văn:
    Đăng bỉ Tây Sơn hề thái kỳ vi hĩ,
    Dĩ bạo dịch bạo hề bất tri kỳ phi hĩ.
    Thần Nông, Ngu, Hạ hốt yên một bề ngã an thích quy hĩ.
    Vu ta tồ hề mạng chi suy hĩ.
Nhưng một hôm có người bảo hai ông:
- Đất bây giờ là đất của nhà Chu, thiên hạ là thiên hạ của nhà Chu, hai ông đã chê, không ăn cơm gạo nhà Chu mà hái rau vi của giang san nhà Chu thì có khác gì.
Hai ông cho là có lý nên từ ấy nhịn ăn mà chết.
Tương truyền, hai ông vì uất ức, oan hồn chưa tan nên biến thành một loại chim, thường gào thét một giọng bi thảm:
- "Bất thực Túc Chu gia... Bất thực Túc Chu gia"
Người ta bảo đó là chim Đa Đa do âm "gia gia" mà ra.
Trong bài "Qua đèo ngang tức cảnh" của bà Huyện Thanh Quan, có câu:
    Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
    Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Nguyễn Công Trứ có làm bài thơ "Vịnh Di, Tề":
    Danh chẳng màng, lợi cũng chẳng mê.
    Ấy gang hay sắt hỡi Di, Tề?
    Gặp xe vua Võ tay dừng lại,
    Thấy thóc nhà Chu mặt ngoảnh đi.
    Cô Trúc hồn về sương mịt mịt,
    Thú dương danh tạc đá tri tri.
    Cầu nhân chẳng đặng nhân mà chớ,
    Chẳng trách ai chi, chẳng oán chi.

Chuyện cười trong ngày

Khen

Trong một bữa tiệc, nhiếp ảnh gia khoe với chủ nhà mấy tấm ảnh mới chụp.

– Mấy tấm ảnh này đẹp quá, chắc là cái máy chụp ảnh của anh phải xịn lắm. – Bà chủ nhà trầm trồ.

Trước khi ra về, nhiếp ảnh gia quay lại nói với chủ nhà:

– Bữa tiệc tối nay ngon quá, chắc mấy cái nồi của bà phải xịn lắm?

Friday, May 25, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 25-5-2018

Chuyện ngắn - Lá thư dạy con của thi sĩ

LÁ THƯ DẠY CON CỦA THI SĨ

"Cha mong con không phải là một kẻ tầm thường chỉ biết lấy lòng và xu nịnh người khác. Nếu một ngày con bỗng có nụ cười xu nịnh thì chắc chắn cha phải che mặt vì xấu hổ. Trong cuộc đời, dù có rất nhiều thứ hào nhoáng nhưng bản thân chúng không hề có giá trị..."

"Con không nên lúc nào cũng nghĩ người khác nên giúp con làm gì, mà hãy nghĩ rằng con giúp được người khác những gì. Không nên tùy ý nhận ân huệ của người khác. Con phải ghi nhớ, người khác cho con thứ gì, dù tốt thế nào thì vẫn là của người ta, những thứ thuộc về con cho dù có kém cỏi cũng là của con."
Trong thế giới văn học người Hoa, thi sĩ Dư Quang Trung được coi là một trong những nhà văn kinh điển của thế giới văn học đương đại có ảnh sâu rộng đối với nền văn học hiện đại của Đài Loan cũng như ở Trung Quốc và Hồng Kông. Những tác phẩm của ông đều truyền đi một thông điệp nhân văn sâu sắc.

Dưới đây là một bức thư cho con của ông. Ai đọc những giá trị làm người này đều có ý nguyện muốn sống tốt, sống đẹp hơn.

"Con à, cha mong rằng con sẽ mãi là một người có lý tưởng, con có thể là nông dân, kĩ sư xây dựng hay thậm chí là một kẻ lang bạt, nhưng bắt buộc con phải có lí tưởng.

Lúc con còn nhỏ, cha mẹ thường kể cho con nghe về những vị anh hùng, điều đó không có nghĩa là cha mẹ muốn con trở thành anh hùng, mà chỉ hi vọng sau này lớn lên con sẽ trở thành một người có phẩm chất chính trực, tốt đẹp.

Khi con dần lớn lên, cha mẹ cho con tiếp xúc với thơ ca, hội họa, âm nhạc vì mong rằng tâm hồn con trở nên hướng thiện và sẽ theo con đi tới suốt đời. Ngay cả khi đối diện với sự lạnh giá khắc nghiệt nhất, cha mong con cũng sẽ không quên hương thơm của hoa hồng. Nền tảng đó giúp con người trở nên xuất chúng.

Con à, đừng vì ngoại hình của mình mà buồn rầu, bởi lí tưởng thuần khiết mới là khí chất của con. Vẻ đẹp dung tục bề ngoài chỉ khiến con người ta sinh ra thói xấu. Cuộc đời và lí tưởng thường không được như ý muốn của con người.

Có thể con sẽ phải trải qua những gian khổ, những thăng trầm nhưng con à, con cứ dùng hết sức để cống hiến, bởi lẽ cái kết của một người có lí tưởng có thể bi thảm nhưng tuyệt đối sẽ không đáng thương.

Trong cuộc đời nhiều khó khăn này, con sẽ gặp nhiều người trí thức và quân tử, con sẽ chiêm nghiệm thấy nhiều điều kì diệu mà người khác không thể cảm nhận được. Những lựa chọn bình thường sẽ không đem lại màu sắc gì cho cuộc đời con.

Đừng vì những lợi ích nhỏ nhặt mà đánh mất lí tưởng con nhé, cũng đừng vì trào lưu nào đó mà thay đổi niềm tin. Thế giới vật chất bên ngoài quá phức tạp, con phải học cách từ chối những cám dỗ của danh vọng tiền tài. Lí tưởng không phải là món đồ có giá trị tiền bạc và thường không thể mang lại cho con niềm vui trần tục. Vậy nên mong con đừng bị ảnh hưởng bởi những thói đời hư danh và hãy học cách khác biệt với người khác.

Cha cũng mong con là một người có thể tự mình bước đi, bởi vì cuộc đời quá ngắn ngủi mà những thứ hư không lại rất nhiều, sẽ khiến con lóa mắt, không tỉnh táo, để rồi cuối cùng lại chẳng có gì trong tay.

Nếu con là một cô gái xinh đẹp, khi con còn trẻ sẽ có nhiều chàng trai yêu chiều, nhưng những thứ con có được quá dễ dàng sẽ khiến con trở nên nông cạn, kém cỏi và thích những thứ tầm thường, phù du. Nếu con là một chàng trai thông minh, con sẽ nghĩ rằng tự mình luôn có thể làm nên việc việc lớn mà xem nhẹ, coi thường mọi thứ.

Con hãy nhớ kĩ, năng lực của con người có hạn, sống trên đời hãy tận tâm mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Là văn nghệ sĩ hay là nội trợ, đừng coi thường những người khác, cũng đừng đầu cơ trục lợi. Khi trưởng thành con sẽ biết, làm tốt một việc thực sự rất khó, nhưng đừng bao giờ cho phép mình bỏ cuộc.

Con phải biết trân trọng cảm xúc, dù là nam hay là nữ, một khi đã chấp nhận kết giao thì không nên thay đổi, hãy chung thủy một lòng.

Trong quá trình kết giao bạn bè, ắt sẽ có những lúc va chạm, hiểu lầm, con hãy nghĩ lại, trong thế giới rộng lớn này, vì sao chỉ có thể kết bạn với mấy người? Con cần phải biết bạn bè cũng có lúc rời xa, trong cuộc đời này có người ở bên con nghe con nói chuyện, hoặc nói cho con nghe, là một điều tốt đẹp, con nên cảm kích những người ở bên con như vậy.

Con nên biết trân trọng bản thân và yêu thương mọi người, thấu hiểu bản thân và những người xung quanh. Con phải học cách rơi nước mắt, học cách đối diện với bi kịch, bởi bi kịch sẽ làm tâm hồn con thêm phong phú.

Cha mong con không phải là một kẻ tầm thường chỉ biết lấy lòng và xu nịnh người khác. Nếu một ngày con bỗng có nụ cười xu nịnh thì chắc chắn cha phải che mặt vì xấu hổ. Trong cuộc đời, dù có rất nhiều thứ hào nhoáng nhưng bản thân chúng không hề có giá trị.

Làm người, cha mong rằng con sẽ không ngắt lời của người khác, cũng không nhu nhược yếu đuối, và phải bền chí chịu được gian khổ. Mỗi ngày ít nhất con nên dành ra hai tiếng đồng hồ để đọc sách, viết thư hoặc hồi âm cho bạn bè.

Con không nên lúc nào cũng nghĩ người khác nên giúp con làm gì, mà hãy nghĩ rằng con giúp được người khác những gì. Không nên tùy ý nhận ân huệ của người khác. Con phải ghi nhớ, người khác cho con thứ gì, dù tốt thế nào thì vẫn là của người ta, những thứ thuộc về con cho dù có kém cỏi cũng là của con.

Con à, vẫn còn một chuyện tuy rất khó làm, nhưng lại rất quan trọng, cha mong con có đủ dũng khí để đối mặt với khuyết điểm của chính mình.

Khi con khôn lớn theo thời gian, con sẽ gặp được rất nhiều người giỏi hơn mình, ưu tú hơn mình, rồi con sẽ thấy bản thân lộ ra rất nhiều nhược điểm và có thể con sẽ thấy thất vọng và tự ti, nhưng con nhất định phải đối diện với nó, không được trốn tránh.

Có như vậy, con mới có thể dần thay đổi dần thay đổi, khắc phục khuyết điểm của mình, chiến thắng chính mình còn có ý nghĩa hơn nhiều so với việc ganh đua cùng người khác.

Không cần biết thế giới này thay đổi như thế nào, nhưng phẩm chất tuyệt vời của một con người mới là vĩnh hằng: Chính trực, dũng cảm, độc lập. Cha mong rằng con sẽ trở thành một người ưu tú!".

nguồn: xitrum.net