Tựa cửa, tựa cổng
"Tựa cửa", "tựa cổng" do chữ "Ỷ môn", "Ỷ tư".
Nhạc Nghị là tướng nước Yên đời Chiến Quốc đem quân đánh Tề, hạ được 72 thành. Tề chỉ còn 2 thành là Cử Châu và Tức Mặc. Tề Mẫn vương thua chạy ra Cử Châu, có quan đại phu là Vương Tôn Giả hộ giá.
Vương Tôn Giả mới 12 tuổi, chỉ còn mẹ già, Mân vương thương cho làm quan. Tôn Giả theo phò Mân vương đến nước Vệ thì cả hai lạc nhau. Giả chẳng biết Mân vương ở đâu, bèn lẻn về nhà. Bà mẹ trông thấy hỏi vua Tề ở đâu, Giả nói:
- Con theo vua đến nước Vệ, nửa đêm vua tôi cùng bỏ trốn, rồi không biết vua đi ngả nào.
Bà mẹ giận, nói:
- Mày sớm đi chiều về thì ta đứng tựa cửa mà mong; mày chiều đi mà không về thì ta đứng tựa cổng mà mong. Vua mong bề tôi có khác gì mẹ mong con. Mày làm tôi vua Tề, vua ban đêm chạy trốn, mày không biết vua đi đâu, sao lại bỏ về?
Giả thẹn quá, lại từ biệt mẹ già đi tìm vua Tề, nghe vua ở Cử Châu, đến ngay để tìm. Nhưng khi đến đó mới biết vua Tề bị Tướng quốc Tề là Trác Xỉ mưu phản, tư thông với Nhạc Nghị giết chết vua Tề. Giả bèn trần tay áo bên tả ra hô hào ở ngoài chợ:
- Trác Xỉ làm tướng Tề mà giết vua, thế là làm tôi bất trung. Nếu ai bằng lòng giết kẻ có tội ấy thì theo ta cùng trần tay áo bên tả.
Người trong chợ cùng bảo nhau: "Người ấy ít tuổi mà có lòng trung nghĩa, chúng ta ai là người hiếu nghĩa, tưởng đều nên theo". Chỉ trong một chốc có đến hơn bốn trăm người cùng trần tay áo bên tả.
Trác Xỉ, trước vốn tướng nước Sở. Khi Tề bại trận có sai sứ sang cầu viện vua Sở tiếp cứu, hứa cắt dâng cả đất Hoài Bắc cho Sở để đền ơn. Vua Sở sai đại tướng Trác Xỉ mang 20 vạn quân lấy cớ đi cứu Tề, sang Tề nhận đất, nhưng lại mưu mẹo dặn Xỉ cứ liệu chừng mà thi hành, hễ có lợi cho Sở thì làm ngay. Xỉ được Tề Mân vương lập làm tướng quốc. Quyền hành đều về tay Xỉ.
Xỉ thấy quân Yên thế mạnh, sợ cứu Tề vô công, bèn mật sai sứ tư thông với Nhạc Nghị, định giết Mân vương rồi cùng Yên chia đất Tề, và yêu cầu Yên để cho mình làm vua. Tướng Yên là Nhạc Nghị ưng chịu.
Trác Xỉ mừng quá, bèn dàn quân ở Cổ Lý, mời Mân vương đến duyệt binh, đoạn bắt Mân vương rút gân treo lên nóc nhà. Sau ba ngày, Mân vương mới tắt hơi. Xỉ liền về Cử Châu, muốn tìm thế tử vua Tề mà giết nốt nhưng tìm không được. Xỉ liền làm biểu tâu với vua Yên kể công mình, nhờ Nhạc Nghị chuyển đệ cho.
Giữa lúc ở Cử Châu, Trác Xỉ vào cung vua Tề uống rượu say sưa, truyền mỹ nữ tấu nhạc làm vui. Quân Sở đông nhưng đều đóng ở ngoài thành, chỉ có vài trăm quân dàn hầu ở cửa cung. Vương Tôn Giả đem 400 người xông vào cướp khí giới của quân lính, tiến vào cung bắt được Trác Xỉ. Xỉ bị xả thây, bằm nát thành nước thịt. Quân Sở không có chủ tướng, một nửa bỏ trốn, một nửa đầu hàng nước Yên.
Vương Tôn Giả truyền đóng chặt cửa thành, cố giữ.
Lời nói của bà mẹ Vương Tôn Giả: "Mày sớm đi chiều về thì ta đứng tựa cửa mà mong; mày chiều đi mà không về thì ta đứng tựa cổng mà mong...", nguyên văn: "Nhữ triêu xuất nhi vãn lai, tắc ngô ỷ môn nhi vọng; mộ xuất nhi bất hoàn, tắc ngô ỷ lư nhi vọng". Do đó, nên sau trong văn chương, người ta thường dùng chữ "ỷ môn, ỷ lư" (tựa cửa, tựa cổng) để chỉ sự cha mẹ trông con.
Trong tác phẩm "Chinh phụ ngâm", bản dịch nôm của bà Đoàn Thị Điểm, đoạn nói về tình gia thất của khách chinh phu, có câu:
Lòng lão thân buồn khi tựa cửa,
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm.
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, lúc Kiều ở lầu Ngưng Bích của mụ Tú Bà, nàng nhớ quê hương, nhớ tình nhân, nhớ cha mẹ, cũng có câu:
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
"Tựa cửa" là do điển tích trên.
Riêng có chữ "hôm mai" đi theo chữ "tựa cửa" là vì trong chữ sách, mẹ của Vương Tôn Giả có nói đến việc con đi buổi mai và buổi chiều (triêu xuất, mộ xuất).
No comments:
Post a Comment