Chùa Trăm Gian, chùa Trầm (Hà Nội) vừa bị xâm hại gây nên không ít nuối tiếc cho những ai yêu thích kiến trúc cổ. Ở vùng đất xứ Đoài xưa, chùa Trăm Gian, chùa Trầm, chùa Tây Phương và chùa Thầy là 4 ngôi chùa cổ nổi tiếng khắp cả nước. Trong đó, Chùa Thầy được gọi là Thiên Phúc tự: Trời ban phúc, gắn liền với tên chùa là truyền thuyết về nhà sư Từ Đạo Hạnh. Một ngôi chùa độc đáo có một không hai ở miền Bắc.
Truyền thuyết về một thiền sư
Chùa Thầy, cái tên quá đỗi quen thuộc đối với mảnh đất xứ Đoài với bề dày văn hóa lâu đời. Ngôi chùa cổ nằm ở chân núi Sài, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Khám phá ngôi chùa này có nhiều điều lý thú chắc hẳn ít người biết.
Ông Đào Ngọc Dư, một người cao niên sống cạnh chùa Thầy cho biết: "Ngôi chùa được xây dựng trên một mảnh đất hình rồng. Từ ngày xưa cách đây hàng chục thế kỷ, ông cha ta đã cố tình xây dựng chùa theo một kiến trúc vô cùng độc đáo theo hình con rồng". Quả vậy, không chỉ là lời kể của ông Dư nữa mà những gì chúng tôi trực tiếp tìm hiểu cũng thấy những gì ông nói là có lý. Chùa Thầy đặc biệt và độc đáo ở chỗ mọi chi tiết nhỏ tạo nên một "dáng long" hoàn chỉnh. Núi Sài Sơn mà chùa tựa vào là đuôi rồng, sân chùa là hàm trên, bờ hồ là hàm dưới con rồng. Giữa đình có cái ao nhỏ gọi là Thủy đình chính là viên ngọc rồng. Giữa cái ao nước ấy có nhà Thủy Đình, nơi để đời đời người làng Sài Sơn diễn lại những vở rối nước để tưởng nhớ tổ nghề và cũng là để lưu giữ văn hóa quê hương. Qua thời gian phôi phai, Thủy Đình đã cũ kỹ càng gợi lên sự cổ kính và tạo nên một không gian như trong cổ tích.
Theo ông Dư, người xưa cũng quy ước rằng bên trong chùa có cầu Nhật Tiêu Kiều và Nguyệt Tiêu Kiều là hai nanh con rồng, hai bên có hai giếng là mắt rồng. Không gian chùa thoáng đãng, gồm có ba lớp chùa hạ, chùa trung, chùa thượng tạo thành đầu rồng, còn gác chuông, gác chống hai bên là tai rồng.
Người Sài Sơn nói rằng trước khi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến với vùng đất này lập chùa thì ở dưới chân núi đã có hồ nước. Phía trước hồ có một doi đất lớn chạy từ khoảng giữa của dải núi nhô ra như một con rồng đang trườn mình uống nước hồ. Những người xây dựng chùa đã đắp cho doi đất rộng thêm ra, đủ để xây dựng một ngôi chùa bề thế. Người ta cũng ví dãy núi Sài Sơn như một con rồng đang trầm mình, đầu gác lên thành ngọn Long Đẩu. Hoặc ví Sài Sơn chính là con rồng và ngọn Long Đẩu là viên ngọc trong miệng rồng. Không chỉ là chốn Phật mà chùa Thầy còn là nơi quần cư, bốn bề làng xóm bao bọc ngày một đông đúc và phồn thịnh. Đến chùa Thầy chúng tôi vẫn cảm nhận được sự cổ kính yên bình qua từng đường nét kiến trúc có từ thời Lý cho đến ngày nay vẫn không bị mất đi.
Người dân Sài Sơn vẫn truyền miệng câu chuyện đầy màu sắc huyền bí về thiền sư Từ Đạo Hạnh. Theo truyền thuyết thiền sư Từ Đạo Hạnh trước đây là thầy lang, có tấm lòng nhân ái đi chữa bệnh cho những người dân nghèo khổ trong vùng mà không lấy tiền. Ngày ngày, ngài lên núi tìm thuốc chữa bệnh cho dân, ngoài ra còn dạy dân biết trồng cây ăn quả, rau màu và các trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà. Đặc biệt ngài còn được coi là tổ nghề của múa rối nước bởi vậy người dân nơi đây cảm phục, kính trọng gọi thiền sư bằng cái tên gần gũi mà kính trọng là Thầy.
Phía trong nơi thờ nhục thể của thiền sư là một khám thờ được điêu khắc tỉ mỉ, họa tiết văn hoa rất tinh xảo. Ông Dư cho biết chỉ khi nào lễ hội diễn ra thì khám thờ này mới được mở ra để những người nhà chùa cắt cử tắm rửa, thay lễ phục. Đã từ lâu người Sài Sơn vẫn tin rằng kẻ nào dám tự ý mở khám ra thì chắc chắn sẽ gặp tai ương. Đây được coi là một bức tượng độc đáo chỉ có ở chùa Thầy. Trải qua hàng chục thế kỷ nhưng bức tượng vẫn giữ được nét đẹp, mặc dù phải trải qua bao nhiêu thăng trầm biến cố của lịch sử.
Một quần thể cổ tích
Chùa Thầy còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá khác nhau như hai vị tượng hộ pháp lớn nhất Việt Nam với chiều cao 4m nặng 3 tấn làm từ đất sét và giấy bản đã hơn 400 năm tuổi, bức phù điêu Thập điện Diêm Vương nói về cảnh địa ngục, khuyên răn con người sống tốt nếu không sau này bị đẩy xuống địa ngục, hay cây cột gỗ Ngọc Am có từ thế kỉ XI… Nhưng có giá trị nhất, được nhiều người biết đến chính là bệ đá kép "Bách hoa đài" với những nét điêu khắc tinh tế.
Chùa Thầy độc đáo bao nhiêu thì núi Sài Sơn hay còn gọi là núi Thầy kỳ bí bấy nhiêu. Ngọn núi được chọn để chùa Thầy tựa lưng ấy lại mang trong mình nhiều điều huyền bí. Núi Sài Sơn có hình con rồng. Và trong lòng ngọn núi đó lại là một cái hang tưởng chừng như không đáy, người ta ví đó bụng rồng và còn là nơi được coi là điểm giao nhau của đất trời.
Từ chân núi nơi chùa Thầy tọa lạc, con đường 251 bậc thang dẫn lên chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn tự, là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Hai bên đường vô số cây đại cổ thụ thân gộc gạc góc cạnh sần sùi nằm ngả nghiêng có tuổi đời hàng trăm năm. Chúng tôi như lạc vào chốn cổ tích và tưởng chừng như những bậc đá đã nghìn năm tuổi dưới chân mình nối nhau ngoằn nghèo không có bậc cuối cùng.
Từ chùa Cao đi ngược lên núi là đến đền Thượng, gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò, đến hang Gió, chùa Bối Am, còn gọi là chùa Một Mái, chùa có tên như vậy là vì chùa chỉ có một mái ngói, mặt sau chùa dựa vào vách núi.
Ở nơi cao nhất là miệng hang Cắc Cớ. Và đó cũng là đường dẫn tới nơi sâu nhất. Cái bụng rồng không đáy chẳng ai biết dẫn tới đâu. Chỉ biết rằng ở Sài Sơn những năm 80 của thế kỷ trước có người cất công cả tuần lễ thám hiểm hang động mà vẫn không tìm đến đáy. Không biết từ lúc nào, người ta truyền nhau về miệng hang Cắc Cớ hay còn gọi là "Thần Quang Tự" trên núi Sài Sơn là nơi khởi đầu để... xuống 9 tầng địa ngục, nơi có con quỷ án ngữ cổng trời, làm công việc "tuyển" các linh hồn trước khi cho lên cõi Niết bàn đầu thai làm kiếp khác hay đày xuống âm phủ làm mồi cho chó ngao, vạc dầu... Huyền thoại thì sẽ mãi là điều bí ẩn.
Chỉ có điều, mãi đến giờ dân gian vẫn truyền câu ca: "Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ. Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy". Do vậy, rất nhiều bạn trẻ vẫn tin rằng chùa Thầy với núi Sài Sơn vẫn là chốn linh thiêng để se duyên.
No comments:
Post a Comment