Tuesday, October 4, 2016

Điển Hay Tích Lạ - Lầu xanh và thần Mày Trắng

Lầu xanh và thần Mày Trắng

"Lầu xanh" tên chữ "Thanh lâu".

Tào Thực đời Tam Quốc (220-264) có viết:

    Thanh lâu lâm đại lộ,

    Cao môn kết trùng quan.

Nghĩa là:

    Lầu xanh bên đường lớn,

    Cửa cao mấy lần then.

Ngày xưa, lầu xanh là nơi các nhà quyền quý, những thiếu nữ khuê các ở. "Đại lộ khi thanh lâu" nghĩa là đường lớn dựng lầu xanh.

Nhà Tề, vua Võ Đế bắt dân phu và bộ Công cất những lầu cao thật đẹp. Cửa sổ đều sơn xanh. Nơi này để cho nhà vua ở cùng với các mỹ nữ cung tần. Rồi lầu đài của các hàng công khanh cũng sơn cửa bằng màu xanh, nên dân chúng thường gọi chỗ ở của vua chúa, quan lại ở là "lầu xanh".

Về sau, những nhà quyền quý có con gái đẹp, ước mong con nhà mình được vào chầu nơi cung khuyết nên thường sơn nhà màu xanh cho con gái ở. Những nhà nào có cửa sổ hoặc lầu đài sơn xanh là nhà có gái đẹp được nhiều bực vương tôn, công tử chú ý.

Lúc ấy, bọn buôn son bán phấn đem gái đẹp mở nhà rước khách thưởng hoa, muốn quyến rũ khách yêu hoa hay các bực vương tôn, công tử nên cũng sơn nhà xanh đón khách.

Ý nghĩa "lầu xanh" biến đổi, lần lần trở thành hoàn toàn một nơi rước khách yêu hoa, tìm hoa giải muộn.

Vì thế, đến đời nhà Lương, Lưu Diễn có hai câu thơ nói về chữ Thanh lâu để chỉ chỗ ở của bọn gái điếm:

    Xướng nữ bất thăng sầu,

    Kết thúc hạ thanh lâu.

Nghĩa là:

    Gái hát chẳng xiết buồn,

    Thu vén xuống lầu xanh.

Thanh lâu (lầu xanh) về sau dùng để chỉ nhà điếm nuôi bọn gái mãi dâm.

Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du có nhiều tiếng "lầu xanh":

Lầu xanh có mụ Tú Bà,

Làng chơi nổi tiếng về già hết duyên.

Và khi nói về cuộc đời của Kiều:

Hết nạn nọ đến nạn kia,

Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.

Lại đoạn tả về tính tình, tư cách hành động của Sở Khanh:

Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,

Một tay chôn biết mấy cành phù dung.

Đỗ Mục, một thi hào đời nhà Đường có bài:

    Lạc phách giang Hồ tải tửu hành,

    Sở yên tiêm tế trường trung khinh.

    Thập niên nhứt giác Dương Châu mộng,

    Doanh đắc thanh lâu bạc hạnh danh.

Nghĩa (bản dịch của Bùi Khánh Đản):

    Quẩy rượu lang thang khắp đó đây,

    Lưng thon gái Sở nhẹ trên tay.

    Mười năm tỉnh giấc Dương Châu mộng,

    Để lại lầu xanh tiếng mặt dầy.

Ở các lầu xanh ngày xưa, các mụ Tú Bà thường dựng một bàn hương án giữa nhà, có treo một tượng đồ. Tượng này vẽ hình người có đôi lông mày trắng gọi là thần Bạch Mi (thần Mày Trắng).

Sách "Dã Hoạch biên" có chép: các thanh lâu thường thờ thần Bạch Mi. Thần này mặt to, râu dài, cưỡi ngựa cầm dao, xem na ná như hình Quan Công, nhưng lông mày trắng và mắt đỏ.

Không ai hiểu được tranh vẽ ai và lai lịch thần Mày Trắng ra sao. Nhưng các thanh lâu đều quen thờ như vậy, coi là một vị tổ sư để cầu phù hộ cho nghề được phát đạt, cửa hàng được đông khách, cũng như tất cả các nghề khác.

Đời nhà Minh (1368-1628), các cô bán dâm ở lầu xanh có cách đuổi vía lạ lùng. Khi nào một cô xui xẻo, ế hàng thì đến trước thần Mày Trắng, trút bỏ áo quần, đốt hương van vái cầu xin. Đoạn lấy hoa mới đổi lấy hoa đã cúng trên bàn thờ đem lót dưới chiếu mình nằm. Như vậy cô sẽ đắt khách hàng. Theo quan niệm của họ như thế, không biết có thực đắt khách không.

Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn tả cảnh thanh lâu của Tú Bà, có những câu:

Giữa thì hương án hẳn hoi,

Trên treo một tượng trắng đôi lông mày.

Lầu xanh quen thói xưa nay,

Nghề này thì lấy ông này tiên sư.

Hương hoa hôm sớm phụng thờ.

Cô nào xấu vía, có thưa mối hàng.

Cởi xiêm trút áo sỗ sàng;

Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm.

Đổi hoa lót xuống chiếu nằm,

Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi.

No comments:

Post a Comment