Chim Việt, ngựa Hồ
Cổ thi có câu:
Hồ mã tê Bắc phong,
Việt điểu sào Nam chi.
Nghĩa là:
Ngựa Hồ hí gió Bắc,
Chim Việt ở cành Nam.
Chim Việt là loài chim sinh ở đất Việt, thuộc phía nam nước Tàu. Mỗi năm cứ đến buổi đầu thu, từng đàn chim Việt bay sang phương Bắc để kiếm ăn. Vì khi thu sang, phương Bắc có nhiều chỗ có giống lúa mới vừa chín, lại thêm có nhiều hoa quả. Trái lại ở phương nam vì mới giao mùa, lúa vừa đọng sữa, cây trái hiếm. Do đó, chim Việt phải đổ sang đấy kiếm ăn.
Tuy sang phương Bắc nhưng đàn chim Việt vẫn nhớ quê hương. Muốn làm ổ, chúng chọn cành cây chĩa về phương Nam, tức là phương của quê nhà mà chim sinh trưởng.
Chim Việt (Việt điểu) để chỉ chim nhớ quê hương cố quốc.
Ngựa Hồ là ngựa ở nước Hồ. Nước này ở về phương bắc nước Tàu mà ngày xưa người Tàu thường cho là nước man rợ hay cũng gọi là Phiên quốc. Ngựa Hồ cao lớn, leo núi rất giỏi, chạy rất nhanh. Người Trung Quốc thường mua về làm ngựa chiến trận. Nước Hồ vốn là xứ lạnh. Khi đông về, gió bấc thổi, tuyết rơi lả tả, gió lạnh tê tái.
Ngựa Hồ tuy về Trung Quốc, là nơi tương đối ấm áp nhưng vẫn nhớ đến đất Hồ tê lạnh, mỗi độ đông về. Vì thế khi có gió bấc là gió phương bắc thổi đến, tuyết rơi lả tả nơi đất Trung nguyên thì ngựa cất tiếng hí lên thê thảm tỏ lòng nhớ cố quốc.
Có sách lại chép: nước Hồ đem ngựa cống vua Hán ở Trung nguyên. Ngựa được nhốt vào chuồng cho ăn uống thật ngon và được chăm sóc rất kỹ. Nhưng khi gió bấc thổi đến thì ngựa lại bỏ cả ăn uống, ngóng về phương bắc hí vang lên những tiếng bi thảm.
"Chim Việt ngựa Hồ" trở nên thành ngữ, có nghĩa bóng là không quên nơi quê hương cố quốc dù ở nơi đất khách quê người.
Trong tác phẩm "Trinh thử" của Hồ Huyền Qui có câu: "Chỉ con chim Việt đỗ rày cành Nam".
No comments:
Post a Comment