Sunday, July 10, 2016

Sưu Tầm - Phật Giáo Tây Tạng

Ở độ cao trung bình trên 4.000 m so với mực nước biển,Tây Tạng là nơi có cuộc sống và văn hóa không giống với bất cứ khu vực nào khác trên thế giới. Vùng đất này có một lịch sử lâu đời gắn với Phật giáo và mang trên mình những di tích, những công trình được cả thế giới ngưỡng mộ.

Một dấu chân trên nền gỗ cứng mà theo cư dân địa phương là do một tín đồ đã đứng cầu nguyện ở cùng một chỗ vài chục năm trong đời. Cầu nguyện là một hoạt động quan trọng tại Tây Tạng, nơi có rất nhiều người theo Phật giáo.
Một nhà sư đi qua bức Thangka (tranh vẽ, tranh thêu Phật giáo) khổng lồ trong dịp lễ hội lớn của năm 2009. Cả trăm người đã hợp sức vận chuyển bức tranh này tới địa điểm treo nó.
Hai vị Lạt Ma thổi điệu kèn truyền thống trong dịp lễ mở tranh Thangka. Những chiếc kèn này có thể dài tới 4m và tiếng của nó vang rất xa trên vùng núi cao giá lạnh.
Một tác phẩm Mạn đà la làm bằng cát. Các vị Lạt ma đã phải bỏ tâm sức trong hàng tháng trời để hoàn thành nó. Mạn đà la là hình vẽ biểu hiện vũ trụ trong cái nhìn của người đã giác ngộ, do đó có thể xem nó là mô hình vũ trụ thu nhỏ. Sau khi làm xong, Mạn đà la sẽ được quét bỏ để biểu lộ tính vô thường trong hiện hữu. Mọi thứ đều có sinh có diệt và cuối cùng, tất cả sẽ về với cát bụi.
Điện Potala, công trình nổi tiếng nhất của Tây Tạng như đang vươn mình đón nắng mặt trời. Nó được xây dựng từ thế kỷ thứ 7, đánh dấu cuộc hôn nhân của vị vua nơi đây với công chúa con vua Đường. Sau này, nó từng là nơi sống và làm việc của các vị Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng.
Tu viện Drepung, một trong ba nơi tu hành nổi tiếng nhất tại Tây Tạng và cũng là nơi rộng lớn nhất. Có lúc từng có tới 1 vạn nhà sư sống trong tu viện nằm dưới chân núi Gephel này.

Tây Tạng là nơi bắt nguồn của rất nhiều con sông như sông Dương Tử, sông Hoàng Hà, sông Ấn, sông Mê Kông và sông Hằng. Trong ảnh là dòng sông Yarlung Tsangpo, bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Ấn Độ vàBangladesh trước khi đổ ra vịnh Bengal. Ở mỗi nơi, nó lại được mang những cái tên khác nhau và có những đoạn rộng tới 10km.
Trời Tây Tạng thường có màu xanh ngát đến nao lòng nhưng cũng rất nhiều mây. Tiết trời có thể thay đổi nhanh đến chóng mặt và các cơn “bão mây” có thể giăng kín không gian của cả một vùng rộng lớn.
Con bò Tây Tạng với bộ lông dài bờm xờm để tránh cái giá lạnh khắc nghiệt của núi cao. Loài bò này có thể sống tới 20 năm và đạt chiều cao hơn 2m, cân nặng tới trên 1 tấn. Chúng có thể sống hoang dã hoặc được thuần hóa và đảm nhận việc thồ hàng trong các chuyến du hành thô sơ. Bơ làm từ sữa của loại bò này được dùng trong món trà bơ mà người Tây Tạng uống rất nhiều.


 
Mặt nước trong vắt và phẳng lặng của hồ Namtso đang phản chiếu cả bầu trời Tây Tạng. Ở độ cao 4.700m, nó là hồ nước mặn cao nhất thế giới. Hồ cũng rất rộng lớn, chiều dài tối đa là 70km trong khi chiều ngang tối đa là 30km. 
 Một đoạn đường sắt Thanh – Tạng, công trình được xem là đường sắt cao nhất thế giới. Nó góp phần thu ngắn khoảng cách của Tây Tạng với thế giới bên ngoài và cải thiện đời sống của người dân nơi đây. Các toa tàu được thiết kế giống khoang máy bay để ngăn chặn tác động của độ cao tới sức khỏe hành khách.
Một người nông dân nhỏ bé giữa các cột trụ to lớn của đường sắt Thanh – Tạng. Con đường này mang tới một phần thịnh vượng nhưng cũng đe dọa tới các giá trị truyền thống của văn hóa Tây Tạng khi ngày càng có nhiều người di cư tới đây và làm xáo trộn không khí cổ kính, trầm mặc ngàn năm của vùng đất thiêng này.

Những cửa sổ thô sơ với các chậu hoa nhỏ của người Tạng. Dù cuộc sống khó khăn và thiên nhiên hết sức khắc nghiệt nhưng người dân nơi đây vẫn biết tận hưởng cái đẹp. Những bông hoa trổ bông cũng giống như sức sống của con người nơi đây.


Người ta có thể nhìn thấy đỉnh Everest chọc thủng màn sương và vươn mình kiêu hãnh. Ảnh được chụp tại Everest Base Camp thuộc đất Tây Tạng ngày 21/06 năm nay.

No comments:

Post a Comment