Thursday, July 7, 2016

Điển Hay Tích Lạ - Lam Kiều

Lam Kiều

Lam Kiều là một cái cầu bắc trên sông Lam, thuộc tỉnh Thiểm Tây bên Tàu, tương truyền là nơi tiên ở.

Đời nhà Đường, triều Mục Tông (821-825), có một chàng nho sĩ tên Bùi Hàng, lều chõng đi thi bao lần đều hỏng. Một hôm, Bùi thuê đò đi Tương Hán định sang ghé Ngọc Kinh để xem phong cảnh. Cùng đáp một chuyến đò có một mỹ nhân tên Vân Kiều, sắc nước hương trời, con người đoan trang, thùy mị. Bùi sinh cảm mến, mong được giao duyên, mới mượn thơ thay lời, nhờ con nữ tỳ của giai nhân đưa hộ:

    Kẻ Hồ, người Việt còn thương nhớ,
    Huống cách người tiên chỉ bức mành.
    Ví được Ngọc Kinh cùng nối gót,
    Xin theo loan hạc đến mây xanh.
    (Bản dịch của Phan Như Xuyên)

    Nguyên văn:

    Đồng vi Hồ Việt do hoài tưởng,
    Huống ngộ thiên tiên cách cẩm bình.
    Thắng nhược Ngọc Kinh triều hội khứ,
    Nguyện tùy loan hạc nhập thành vân.

Vân Kiều xem thơ, vui vẻ mỉm cười.

Nhưng thơ đi mà tin chẳng lại, Bùi rất lo lắng, băn khoăn. Nhưng khi đò sắp ghé bến, Bùi bỗng tiếp được thơ do con nữ tỳ của giai nhân đưa đến:

    Uống rượu Quỳnh Tương trăm cảnh sinh,
    Huyền Sương giã thuốc thấy Vân Anh.
    Lam Kiều vốn thật nơi tiên ở,
    Hà tất nhọc nhằn đến Ngọc Kinh.
    Nguyên văn:
    Nhất ẩm Quỳnh Tương bách cảnh sinh,
    Huyền Sương đảo tận kiến Vân Anh.
    Lam Kiều tự hữu thần tiên quật,
    Hà tất khí khu thượng Ngọc Kinh.

Bùi không hiểu ý nghĩa ra sao, định hỏi; nhưng thuyền vừa ghé bến thì Vân Kiều đã thoáng mất. Nghiền ngẫm hai câu thơ cuối, Bùi không đến Ngọc Kinh, mà hỏi dò người, tìm đến Lam Kiều.
Trời trưa nắng gắt, Bùi mệt mỏi, mồ hôi nhuễ nhoại. Ghé vào hàng nước, nghỉ chân, hỏi nước uống. Bà lão chủ quán bảo người con gái đem nước ra. Nàng rất đẹp, trông dáng vẻ tựa Vân Kiều. Bùi hỏi, thì ra nàng là em của Vân Kiều, tên Vân Anh.

Bùi Hàng mừng rỡ, cho là gặp duyên trời định, mới thuật lại cả hai bài thơ. Bà lão cười, bảo:

- Hẳn là con Vân Kiều muốn xe duyên em nó cho cậu đó.

Bùi nghe nói lấy làm hớn hở. Nhưng bà lão cho biết là hiện bà có cái cối, song thiếu chiếc chày ngọc để giã thuốc Huyền Sương, nếu Bùi tìm được chày thì bà sẽ gả Vân Anh cho.

Bùi Hàng bằng lòng. Nhưng đi tìm mãi khắp nơi mà không biết ở đâu có chày ngọc. Lòng buồn tha thiết. Tưởng hoàn toàn thất vọng, chàng đi lang thang. May mắn, một hôm, chàng gặp được tiên cho chiếc chày ngọc. Thế là duyên thành.

Sau cả hai vợ chồng Bùi Hàng đều tu thành tiên cả.
Những tác phẩm cổ văn của ta có nhiều đoạn dùng điển tích này:
Nỗi riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.
(Đoạn trường tân thanh)
Chầy sương chưa nên cầu Lam,
Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?
(Đoạn trường tân thanh)
Chốn Lam Kiều cách nước mây,
Bùi Hàng chưa dễ biết đây chốn nào?

"Lam Kiều" chỉ chỗ tiên ở hay người đẹp ở, hoặc chỉ gặp  duyên tốt đẹp... như gặp duyên với tiên.

No comments:

Post a Comment